Ôn thi nước rút vào THCS: Khi bố mẹ không làm được toán lớp 5
Nhiều phụ huynh buộc phải nhìn nhận thực tế lực học của con để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất và không đặt nặng sức ép cho con, cũng như cho chính mình.
“Chặng ôn thi nước rút”
Hơn 1 tháng qua, cuộc sống gia đình chị Hồng ( Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị xáo trộn nháo nhào khi cậu con trai học lớp 5 đi học trở lại sau kỳ nghỉ dài phòng dịch Covid-19, đồng thời bước vào giai đoạn ôn thi nước rút vào lớp 6 các trường chuyên hay các trường dân lập có tiếng.
Chị Hồng chia sẻ, những năm tiểu học gia đình không quá đặt nặng việc học, do vậy ngoài giờ lên lớp, con trai chị không tham gia bất cứ lớp học thêm nào. Dự tính cho con lên cấp 2 vào trường THCS Lương Thế Vinh hoặc Marie Curie, chị Hồng bắt đầu cho con học ôn thi từ đầu năm lớp 5. Tuy nhiên, diễn biến dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới kế hoạch này của gia đình chị Hồng.
“Trong thời gian con nghỉ học vì dịch Covid-19 việc học đã gián đoạn rất nhiều. Có thời điểm tôi phải đưa con sang ông bà trông để bố mẹ đi làm, nên cả việc học online của con bố mẹ cũng không sát sao được. Trẻ con đang quen nghỉ bây giờ vào lại guồng học gấp rút nên cả bố mẹ lẫn con đều phải chạy nháo nhào”, chị Hồng cho biết.
Video đang HOT
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều gia đình phải gấp rút cho con ôn thi vào lớp 6.
Ngoài giờ học trên lớp, các buổi tối trong tuần và các ngày cuối tuần, con trai chị Hồng đều kín lịch học thêm để ôn thi nước rút. Tâm lý vừa xót con, nhưng cùng vừa lo cho kỳ thi chuyển cấp sắp tới, vợ chồng chị Hồng chỉ biết động viên, đồng hành và cả học cùng con trong giai đoạn này. Đó là chưa kể việc anh chị phải thay phiên sắp xếp công việc để đưa đón, kèm còn học…
Thực tế, bố mẹ chịu áp lực, stress rất lớn trong việc chọn trường và định hướng cho con trong giai đoạn chuyển cấp quan trọng này. Nhiều gia đình tương tự như nhà chị Hồng đã tính đến việc cho con ngừng ôn thi vào trường chuyên. Có phụ huynh chia sẻ rằng, dù ban đầu rất yên tâm vào lực học của con, song khi học ôn thi mới thấy đề vào các trường chuyên quá khó. Nhiều người nhìn nhận thực tế lực học của con để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất và không đặt nặng sức ép cho con, cũng như cho chính mình.
“Có những bài toán của con tôi không làm được và phải cầu cứu trên các diễn đàn. Kể cả khi tôi làm được thì cách làm của tôi cũng khác với cách cô giáo dạy trên lớp nên rất khó giải thích để con hiểu”, một phụ huynh chia sẻ.
Với gia đình chị Ngọc, việc cả bố mẹ cả con cùng học ôn, giải đề đến 12h đêm đã diễn ra cả tháng nay. Dù được ông bà đỡ cho “khoản” đưa đón con, nhưng việc kèm con học không ít lần khiến anh chị “bốc hỏa”: “Tôi miệng vừa mắng con đi học thế nào, cô dạy thế nào mà sao không làm được, tay vừa phải bấm điện thoại cầu cứu trên mạng, vừa tìm kiếm công thức giải toán trên mạng. Có những bài toán tôi cũng không biết làm thế nào”.
Trường cấp 2 nào sẽ phù hợp nhất với con?
Việc con cái theo học một ngôi trường có tiếng, có chất lượng vẫn luôn là mong muốn và cả sự yên tâm của bất cứ bậc phụ huynh nào. Kỳ thi năm nay đang đến gần và nhiều gia đình vẫn đang học ôn “nước rút” cùng con. Tuy nhiên, việc bố mẹ chạy theo mong muốn của mình, cố theo đuổi những ngôi trường tên tuổi có mang lại điều tốt cho con?
Trao đổi với phóng viên VOV, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định rằng, chặng ôn thi nước rút này đôi khi gây áp lực rất lớn cho các con mà bố mẹ không hề nhận ra, khiến cho các con hoảng sợ khi nghĩ đến việc học. Và khi vào cấp 2, một môi trường mới phải học thực sự, các con có thể đuối dần, thậm chí thay đổi hoàn toàn từ một bạn chăm chỉ, chịu khó học hành trở thành một bạn lười biếng và chán học.
“Bước vào cấp 2, lúc đó, các con bắt đầu vào học một cách nghiêm túc. Ở cấp 1, các con gần như không có bài tập hoặc là bài tập rất ít, các thầy cô cũng cho chơi nhiều hơn là học. Nhưng lên cấp 2 câu chuyện lại khác. Các con có nhiều môn học và phải thi rất nghiêm túc. Các môn học còn phải kiểm tra 15 và thi 1 tiết sẽ gây áp lực cho các con. Do vậy, việc các con có vượt qua được những năm cấp 2 một cách suôn sẻ hay không là một bài toán rất khó cho các gia đình. Khi các con chưa bước chân vào cuộc chiến đó, bố mẹ đã đẩy con vào cuộc chiến tranh tranh giành suất vào trường sẽ làm các con rất mệt mỏi và gần như cạn kiệt sức lực, khiến cho các con bước chân vào trường cấp 2 sẽ có tư tưởng xả hơi và không nhiệt tình với việc học hành nữa. Đến lúc đấy, nếu chúng ta tiếp tục gây áp lực học cho các con thì các con sẽ rất mệt mỏi, thậm chí là khó chịu”, TS Hương cho biết.
TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội.
TS Vũ Thu Hương đưa ra lời khuyên với các bậc phụ huynh rằng, việc lựa chọn trường cấp 2 không cần thiết phải là những ngôi trường quá tên tuổi, quá hoành tráng mà hãy chọn những ngôi trường gần nhà để các con có thể đi lại tiện lợi và bố mẹ có thể dành thời gian cho con.
“Các ngôi trường, dù là trường công, trường chuyên hay trường dân lập thì đều có những phương pháp và những cái hay cái dở riêng. Không phải trường nào cũng tuyệt đối là hay và trường nào là dở. Do vậy, chúng ta đừng có suy nghĩ và phân cấp các trường với các thứ tự như trường chuyên là số, sau đó đến các tường công lập rồi đến trường dân lập hay là ngược lại. Điều này khiến các con sẽ cảm thấy bị ức chế. Chúng ta hãy lựa chọn những ngôi trường phù hợp với con và tốt nhất nên gần nhà để các con đi lại thuận tiện”, TS Hương nói.
Theo TS Vũ Thu Hương, bố mẹ hay nhìn nhận rằng bản thân họ học cũng khá, cũng giỏi hay so sánh thấy bạn bè xung quanh đều có con cái vào được các trường như thế, thì tại sao con mình không vào được. Nhưng nhận định này của bố mẹ không thực sự chính xác, bởi mỗi một đứa trẻ sẽ có sự phát triển về mọi mặt hoàn toàn riêng, có mặt này yếu và mặt kia sẽ mạnh. Bố mẹ không nên vì một số mặt yếu mà đánh giá các con không đúng hoặc dựa trên những đánh giá bao quát xung quanh để nghĩ rằng là con mình có thể theo đuổi ngôi trường này, ngôi trường kia.
“Khi các con thi xong, kết quả sẽ rất rõ ràng và lúc đó mọi chuyện có thể sẽ rất căng thẳng. Khi các con bị điểm quá kém, các con không đỗ được, cha mẹ sẽ cảm thấy rất thất vọng và có thể có nhiều những hành động khiến cho các con bị tổn thương”, TS Hương khuyến cáo./.
Lịch thi lớp 6 của các trường THCS hot nhất tại Hà Nội
Năm học 2020-2021, chỉ tiêu vào lớp 6 ở Hà Nội khoảng 135.000 học sinh, tăng 6.200 em so với năm học trước. Kì thi đánh giá năng lực sẽ được các trường tiến hành trong tháng 7 tới và chậm nhất là 8.8.
Tỉ lệ chọi vào lớp 6 của các trường nổi tiếng của Hà Nội được dự kiến sẽ tương đối cao nhưng không cao hơn nhiều so với mọi năm. Dưới đây là chi tiết lịch thi lớp 6 các trường tại Hà Nội.
Trường chất lượng cao: Hướng mở phù hợp thực tiễn Năm học này, Hà Nội tiếp tục cho phép một số trường chất lượng cao, trường "đặc thù" có lượng thí sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu được kiểm tra đánh giá năng lực qua các bài kiểm tra tổ hợp để tuyển sinh vào lớp 6. Học sinh thi vào lớp 6 năm 2019. Để vượt qua các bài kiểm tra...