Ôn thi môn Lịch sử: Phát huy lợi thế để giành “vé” vào lớp 10
Nắm được tâm lý chung của nhiều HS lo lắng, bất ngờ khi Hà Nội chọn Lịch sử môn thi thứ 4 trong kỳ thi vào lớp 10 năm học 2021 – 2022, các trường THCS và GV dạy Lịch sử đã kịp thời vào guồng ôn luyện cho HS.
Ôn tập tốt để đạt kết quả trong kỳ thi.
Có lợi thế là môn từng được chọn thi cách đây 2 năm, giáo viên nhanh chóng phát huy tư liệu đã được soạn thảo bài bản, đồng bộ trước đó để truyền tải đến các sĩ tử.
Bất ngờ song thấy “mừng”
Em Nguyễn Ngọc Mai – học sinh lớp 9A3, Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa) bày tỏ: Nhận được thông tin thi môn Lịch sử, chúng em khá bất ngờ vì đây là môn đã được lựa chọn thi từ 2 năm trước. Nhưng sau đó, chúng em thở phào vì môn xã hội sẽ “dễ thở” hơn môn tự nhiên. Hơn nữa, đã từng được chọn thi, thầy cô sẽ có hệ thống tư liệu cũng như phương pháp ôn thi hiệu quả, giúp chúng em vững tâm chuẩn bị kiến thức cho kỳ thi sắp tới.
Cô Phạm Thị Bích Diện – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (huyện Sóc Sơn) chia sẻ: Thầy và trò nhà trường hoàn toàn chủ động vì trường đã triển khai nghiêm túc chương trình học toàn diện từ đầu năm học. Thời điểm này, trường khẩn trương đầu tư thời gian, công sức trí tuệ trên tinh thần giáo viên tăng cường ôn, học sinh nỗ lực học.
“Do thời gian nghỉ dịch Covid-19 học theo hình thức trực tuyến, kiến thức có rơi vãi nên khi đi học trở lại, trường tập trung củng cố kiến thức các môn. Do thiếu phòng học, học sinh phải học 2 ca nên tập trung ưu tiên lớp 9 học chính khóa vào buổi sáng để buổi chiều học tăng cường, ôn luyện các m ôn thi vào lớp 10″ – cô Diện cho biết thêm.
Có con đang học lớp 9 Trường THCS Ba Đình (quận Ba Đình), chị Lê Thị Nguyệt (quận Tây Hồ) cho rằng: Các cháu hay “kháo” nhau là loại môn Lịch sử ra khỏi các môn thi vào lớp 10 do trước đó môn này đã được lựa chọn. Tuy nhiên, tôi thấy môn thi thứ 4 được bốc thăm ngẫu nhiên nên vẫn nhắc nhở con học bài nghiêm túc, nắm bắt cơ bản kiến thức tất cả môn học để không bị động khi bước vào kỳ thi. Chính vì vậy, tuy có phần “ngạc nhiên” khi có thông tin môn thi thứ 4, song cháu không tỏ ra lo lắng mà vững tâm ôn luyện theo hướng dẫn của thầy cô để có thể giành được tấm vé vào lớp 10 theo nguyện vọng.
Video đang HOT
Học sinh Trường THCS Thái Thịnh vững tâm ôn thi vào lớp 10.
Tăng tốc ôn luyện
Theo cô Phạm Thị Bích Diện, trường lên kế hoạch phân luồng học sinh để các em được học và ôn tập theo đúng trình độ. Như vậy, các em không ngại học, không học đối phó, qua quýt. Quan điểm xuyên suốt của trường đến các thầy cô giáo là càng dạy học bổ trợ càng phải tạo hứng thú cho học sinh. Dạy ít nhưng hiểu dần, hiểu chắc kiến thức, không gây căng thẳng cho các em. Bên cạnh ôn theo trình độ học sinh, trường còn chia theo các mốc thời gian để kiểm tra mức độ đạt được sau mỗi chặng ôn luyện.
Cô Nguyễn Thị Hồng Nga – giáo viên dạy Lịch sử, Trường THCS Nguyễn Du (Sóc Sơn) cho hay: Theo kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp 9 của nhà trường, chúng tôi kịp thời bắt tay củng cố lại kiến thức cơ bản cho học sinh. Với môn Lịch sử, tôi chú ý hướng dẫn các em nhận biết cấu trúc cũng như các cấp độ của đề (theo đề minh họa của Sở GD&ĐT Hà Nội năm 2019); phát huy năng lực của học sinh theo yêu cầu môn học, tránh gây căng thẳng cho các em. Bước tiếp theo, tôi tổ chức cho học sinh luyện đề, thi thử để tập dượt và không bị lúng túng khi bước vào kỳ thi.
Khi Lịch sử là môn thi được chọn, cô Nguyễn Thị Hưởng – giáo viên dạy Lịch sử Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa) nhìn nhận: Ngay từ đầu năm học, nhà trường và tổ nhóm chuyên môn đã có kế hoạch về môn thứ thi 4 bằng cách thức ôn tập, tổ chức thi giữa kì, cuối kì theo hình thức trắc nghiệm.
100% bài kiểm tra được chấm bằng máy để học sinh quen với hình thức thi. Đây là năm thứ 2 môn Lịch sử chọn thi vào lớp 10 nên nhà trường, tổ nhóm Sử có thể phát huy được tối đa lợi thế đã có là hệ thống ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm được xây dựng theo từng bài, chủ đề với các mức độ về nhận biết thông hiểu và vận dụng phù hợp với từng học sinh.
Cô Hưởng cho biết: Tổ nhóm Sử đang có kế hoạch khái quát, củng cố kiến thức cho học sinh dưới hình thức sơ đồ tư duy kết hợp với ôn luyện ngân hàng câu hỏi theo chủ đề để giúp học sinh lớp 9 theo kịp tiến độ của kì thi vào lớp 10 sắp tới.
Cũng theo cô Hưởng, môn thi vào lớp 10 là Lịch sử là cơ hội để giáo viên tận dụng được tối đa sức lực cũng như kiến thức lịch sử truyền đạt đến học sinh, qua đó giáo dục học trò lòng yêu nước, tự hào dân tộc và thêm yêu bộ môn Lịch sử…
Tiếp nhận kiến thức từ phương pháp ôn luyện của cô Nguyễn Thị Hưởng, em Nguyễn Ngọc Mai cho rằng: Phương pháp dạy và ôn luyện của cô khoa học, logic. Trong từng phần bài học cô đưa ra nội dung chính cho chúng em dễ theo dõi, dễ nhớ, có thể tự tổng hợp lại kiến thức trọng tâm. Chúng em không thấy mơ hồ về các mốc thời gian, sự kiện lịch sử có trong bài… Vì vậy, trong hơn 2 tháng tập trung, chăm chỉ ôn luyện theo hướng dẫn của cô, chúng em có thể vững tâm chinh phục kỳ thi.
“Thời điểm này, các em học sinh hãy bình tĩnh, tự tin, chăm chỉ học và ôn tập để đạt được kết quả như mong muốn. Thầy, cô luôn sát cánh cùng các em” – cô Hồng Nga nhắn nhủ.
Trường THCS lên kế hoạch bồi dưỡng Lịch sử cho học sinh
Nhiều trường THCS lên kế hoạch cho học sinh làm bài khảo sát, tăng tiết ôn tập môn Lịch sử khi chỉ còn hơn 2,5 tháng nữa là đến kỳ thi vào lớp 10.
Ngay sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thông báo bốn môn thi vào lớp 10 năm 2021 là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử hôm 12/3, Ban giám hiệu trường THCS Đông La, huyện Hoài Đức, đã họp với giáo viên để lên kế hoạch ôn tập cho khoảng 200 học sinh lớp 9 thi vào lớp 10 năm nay.
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Dung cho biết do ba môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ đã được thông báo trước, trường chủ động cho học sinh ôn tập từ đầu năm. Với môn thứ tư, có thể là một trong sáu môn Sinh học, Hoá học, Vật lý, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, trường cho các em học đều trên cơ sở mục tiêu phát triển toàn diện cả về kiến thức và phẩm chất, năng lực.
Vì vậy, khi môn Lịch sử được thông báo là môn thi thứ tư vào lớp 10 ở thời điểm chỉ còn hơn 2,5 tháng là tới kỳ thi, nhà trường cần có kế hoạch cụ thể để ôn tập kỹ hơn cho học sinh. "Việc môn Lịch sử được lựa chọn khá bất ngờ với nhiều thầy cô và học sinh, nhưng cũng là may mắn vì nhà trường đã có kinh nghiệm, giáo viên từng tham gia bồi dưỡng các em thi vào lớp 10 năm 2019 và thi học sinh giỏi. Nhiều em tỏ ra hứng thú với môn học này", cô Dung nói.
Theo cô Dung, học sinh đang học Lịch sử bình thường, chưa có tâm thế để thi môn này. Vì vậy, đầu tuần tới, hai giáo viên Lịch sử phụ trách 5 lớp 9 của trường sẽ ra đề thi với hình thức và nội dung tương tự đề thi do Sở Giáo dục và Đào tạo ra năm 2019 để khảo sát, xem các em còn yếu phần nào. Sau đó nhà trường sẽ sắp xếp thêm tiết trong tuần để tăng cường ôn tập, dự kiến là tăng hai tiết buổi chiều, đồng thời tận dụng tiết truy bài đầu giờ.
Ngoài các buổi học trên lớp, học sinh sẽ được hướng dẫn ôn luyện qua hệ thống học và thi trực tuyến HanoiStudy và một số ứng dụng. Bất cứ khi nào có khúc mắc, học sinh có thể liên hệ với thầy cô để được hướng dẫn, giải đáp thông qua các phần mềm học trực tuyến, giống như cách nhà trường đã áp dụng trong hai mùa học online vừa qua.
Trường THCS Thái Thịnh, quận Đống Đa, cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm giúp học sinh ôn thi, đặc biệt là với Lịch sử - môn thi được thông báo cuối cùng. Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay ngay từ khi xây dựng kế hoạch năm học, nhà trường đã định hướng việc thi vào lớp 10 bởi xác định đây là kỳ thi căng thẳng khi hơn 90.000 học sinh dự thi thì khoảng 30.000 em không trúng tuyển vào các trường THPT công lập.
Từ đầu năm, khi mới biết ba môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ chắc chắn có trong kỳ thi, trường đã có định hướng ôn tập rõ ràng. Với môn thứ tư sẽ được chọn là một trong sáu môn, trường ôn luyện cho học sinh theo hướng chuẩn kiến thức, kỹ năng chung của chương trình lớp 9.
Để học sinh làm quen, từ học kỳ I, tất cả đề kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ ở sáu môn được đưa ra dưới dạng trắc nghiệm theo đúng cấu trúc đề của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thậm chí trộn bốn mã đề trong phòng thi và để các em làm bài trên phiếu tô trả lời như khi thi thật. "Nhờ đó, đến nay các em đã nắm vững cách thức tổ chức thi, quy chế, phương pháp, cách thức làm bài", thầy Cường nói.
Giáo viên trường THCS Thái Thịnh hướng dẫn học sinh trong một giờ học. Ảnh: Nhà trường cung cấp.
Về phía giáo viên, các tổ nhóm chuyên môn của trường đã chuẩn bị từ những năm trước để hình thành các bộ đề trắc nghiệm, giúp học sinh ôn tập. Đặc biệt với môn Lịch sử, vì đã thi cách đây hai năm, nhà trường vẫn còn nguyên tất cả sự chuẩn bị, giờ chỉ cần bổ sung một số nội dung.
Cũng theo thầy Cường, tới đây nhà trường sẽ khảo thí độc lập từ kho đề của mình để kiểm tra học sinh, cho các em thi thử, sớm phát hiện yếu mảng nào, từ đó có kế hoạch củng cố kiến thức thêm vào các buổi chiều. Khi chương trình các bộ môn kết thúc, nhà trường sẽ ưu tiên thêm thời gian cho môn Lịch sử để học sinh tự tin hơn trước khi bước vào kỳ thi lớp 10.
"Khi môn Lịch sử được lựa chọn thi, chúng tôi xác định đây là cơ hội lớn để học sinh có thời gian nghiên cứu sâu thêm về lịch sử Việt Nam và thế giới, từ đó yêu thích môn Lịch sử, yêu đất nước hơn. Vì vậy, dù là ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng, giáo viên vẫn phải chú trọng phương pháp dạy để các em không cảm thấy bị áp lực thi cử và nhàm chán", thầy Cường nói.
Trước đó, trường THCS Thái Thịnh vẫn thường xuyên cho học sinh làm dự án, đóng vai, thuyết trình để thấy việc học Lịch sử cũng như các môn khác thú vị. Năm 2019, điểm trung bình môn Lịch sử của trường trong kỳ thi vào lớp 10 là khoảng 8. Đó là cơ sở để thầy Cường tin tưởng khoảng 350 học sinh lớp 9 của trường năm nay sẽ làm tốt bài thi môn này.
Không chỉ trường THCS Đông La hay Thái Thịnh, nhiều trường khác như THCS Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm), THCS Chu Văn An (huyện Thanh Trì) cũng đã có kế hoạch giảm tiết ôn tập buổi chiều ở một số môn để tăng 2-3 tiết Lịch sử mỗi tuần, giúp học sinh chuẩn bị tốt kiến thức trước khi bước vào kỳ thi do môn này có thời gian ôn tập ít nhất trong bốn môn thi.
Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập không chuyên ở Hà Nội sẽ diễn ra trong hai ngày 29-30/5 với sự tham gia của gần 91.000 học sinh. Trong đó, khoảng 62% được tuyển vào các trường THPT công lập, 22% vào trường ngoài công lập và trường THPT công lập tự chủ tài chính, 8% vào trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và 8% tham gia học nghề.
Bí kíp ôn luyện môn Lịch sử đạt điểm cao trong kỳ thi vào lớp 10 Để ôn thi môn Lịch sử hiệu quả, học sinh không nên học thuộc từng chữ mà nên hệ thống kiến thức ôn tập thành sơ đồ tư duy hoặc bằng hình ảnh theo trình tự thời gian. Ngày 12/3, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố các môn thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2021-2022. Theo đó, 4...