Ổn định dạy học tại điểm trường Bản Phung
Sau hơn một tuần sự cố đổ cổng điểm trường Bản Phung ( Trường Tiểu học Khánh Yên Thượng huyện Văn Bàn, Lào Cai) khiến 3 học sinh (HS) tử vong, 3 HS bị thương, HS và phụ huynh lo lắng… thì hoạt động dạy học đã trở lại bình thường. Phụ huynh chia sẻ cùng nhà trường, thầy cô và yên tâm đưa con tới lớp.
Lớp 1D của cô giáo Đỗ Thị Thắng còn 11 HS đã đi học đầy đủ. Ảnh: NTCC
Thầy Vũ Kim Phúc – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Yên Thượng chia sẻ: Tại điểm trường Bản Phung có 4 lớp học (lớp mẫu giáo ghép 4 5 tuổi; lớp mẫu giáo ghép 2 3 tuổi và lớp 1D, lớp 2 D). 2 ngày sau tai nạn nhà trường đã tổ chức trở lại hoạt động dạy học ở điểm trường Bản Phung. Đồng thời Phòng GD&ĐT huyện Văn Bàn, nhà trường phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thăm hỏi, động viên các gia đình có trẻ bị thương vong và động viên các bậc phụ huynh khác tiếp tục đưa trẻ ra lớp. Tới hôm nay (17/9) 100% HS đã có mặt, việc dạy và học trở lại bình thường, những HS bị thương sau điều trị cũng đã ổn định sức khỏe, tâm lý trở lại lớp.
Cô giáo Đỗ Thị Thắng, GV dạy lớp 1D tại điểm trường Bản Phung xúc động nói: Lớp có 13 HS, 2 em mất, 1 em bị thương. Hiện lớp còn 11 em. Bản thân cô đã công tác tại điểm trường 2 năm nay, gắn bó với nơi này như quê hương và luôn coi HS như con của mình nên tâm lý không tránh khỏi nặng lòng, xúc động.
“Ai hỏi tới tôi cũng chảy nước mắt vì thương các em. Lớp có 13 HS giờ còn 11, vắng lại thêm vắng, vào lớp lại nhớ thương bọn trẻ. Nhưng cũng may gia đình những HS bị thương vong đều thông cảm với nhà trường và giáo viên. Chẳng gia đình nào trách mắng nặng lời với thầy cô giáo bởi họ đều hiểu đây là tai nạn bất ngờ chẳng ai mong muốn. Phụ huynh vẫn tin tưởng đưa HS tới lớp đầy đủ… Điều đó giúp tôi và đồng nghiệp nhẹ lòng hơn, cố gắng hoàn thành tốt công việc giảng dạy trên lớp, dành hết tình yêu thương cho học trò” – cô Thắng nói.
Thầy Vũ Kim Phúc – Hiệu trưởng cũng cho biết: HS lớp 1 tuần đầu đi học chỉ là những bài học đơn giản, rèn luyện những nét viết ban đầu… nhưng nhà trường vẫn đề nghị GV quan tâm hỗ trợ tích cực với những HS phải nghỉ học đi khám chữa bệnh nói riêng và toàn thể HS nói chung. HS yếu kiến thức ở đâu, GV sẽ tổ chức dậy bù kiến thức để bảo đảm cho các em theo kịp chương trình.
Mặt khác, để nhanh chóng đưa hoạt động của trường, lớp trở lại bình thường, nhà trường sẽ tăng cường các hoạt động dạy học, đặc biệt là các hoạt động vui chơi, hoạt động ngoại khóa, tạo tâm lý vui vẻ cho HS và giáo viên.
Video đang HOT
HS tại điểm trường Bản Phung đã ổn định và trở lại học tập. Ảnh: NTCC
Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Bàn (Lào Cai) thông tin: Sau sự việc tại điểm trường Bản Phung, UBND huyện Văn Bàn đã thành lập gấp 3 đoàn kiểm tra liên ngành (Trưởng phòng Tài chính kế hoạch, Trưởng phòng Giáo dục, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện làm trưởng đoàn) tiến hành rà soát lại cơ sở vật chất của 80 trường và các điểm trường lẻ trong toàn huyện.
Những hạng mục sẽ tiến hành kiểm tra gồm: Phòng lớp học, các công trình phụ trợ, nhà tắm, nhà vệ sinh, tường rào, quạt trần, hệ thống điện, trần nhà… Trong thành phần kiểm tra có đầy đủ về chuyên môn, kĩ thuật thì công tác kiểm tra sẽ kĩ càng và sớm có chỉ đạo, cảnh báo cho các nhà trường khi có hạng mục cần sửa chữa ngay, hạng mục cần đề xuất sửa chữa, hạng mục cần phá bỏ, treo biển cảnh báo…
Đối với Trường Tiểu học Khánh Yên Thượng, sau kiểm tra rà soát của đoàn kiểm tra liên ngành các hạng mục như: Lớp học, tường rào, cổng trường, hệ thống cây bóng râm, các công trình cần thanh lý, hệ thống điện… Nhà trường đã đề nghị tháo gỡ 2 dãy nhà cấp 4 được xây dựng lâu năm xuống cấp, hạ đốn 2 cây phượng có hiện tượng nấm gốc mục thân bên trong… Các hoạt động bảo đảm cho hơn 300 HS ở trường trung tâm và 15 điểm trường lẻ đang được tiến hành gấp rút, cẩn thận và tỉ mỉ.
An toàn trường học: Không thể đánh giá bằng... mắt
Chỉ mới tuần đầu học sinh bắt đầu năm học mới, một số sự cố xảy ra đã làm cho rất nhiều người quan tâm đặt câu hỏi về an toàn trường học.
Vấn đề đặt ra là hầu hết các địa phương, các trường đều có sự kiểm tra cơ sở vật chất để chuẩn bị cho năm học mới, nhưng sự cố vẫn xảy ra, liệu, những đánh giá bằng kiểm tra bề ngoài đã thực sự yên tâm?
Cơ sở vật chất trường học, cần cơ quan đánh giá có chuyên môn?
Vụ cổng trường trường tiểu học Khánh Yên Thượng, phân hiệu Bản Phung, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai đổ sập khiến 3 em học sinh tử vong tại chỗ, 3 học sinh khác bị thương là sự cố thương tâm, cũng là bài học để đặt ra vấn đề: Kiểm tra cơ sở vật chất trường học, cần những người có chuyên môn về kỹ thuật và kết cấu, vì nếu chỉ kiểm tra bằng mắt, rất khó để khẳng định được hạng mục đó có an toàn hay không?
Thực tế là chuẩn bị cho năm học mới, các địa phương đều có văn bản rà soát về trường lớp trước khi đón học sinh quay trở lại. Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai cho biết, hồi đầu tháng 6-2020, Sở đã có văn bản gửi đến tất cả các Phòng GD&ĐT và đơn vị trực thuộc.
Trong nhiều nội dung có phần đề nghị phải chủ động phối hợp với các ngành, cơ quan chức năng liên quan tại địa phương tổ chức rà soát các điều kiện đảm bảo an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trong trường học. Kịp thời sửa chữa các hạng mục, công trình xây dựng (phòng học, phòng ở, nhà hiệu bộ, nhà ở công vụ, nhà để xe, nhà vệ sinh, nhà bếp, cổng, tường rào...) xuống cấp, có nguy cơ gây mất an toàn.
Bản thân trường tiểu học Khánh Yên Thượng, phân hiệu Bản Phung, nơi xảy ra vụ đổ cổng thương tâm đã được cơ quan chức năng huyện Văn Bàn kiểm tra, rà soát nhưng không thấy dấu hiệu xuống cấp.
Sau sự cố xảy ra ở Lào Cai, một học sinh lớp 5 của một trường tiểu học trên địa bàn huyện Nam Đàn, Nghệ An đi ra ngoài chơi không may bị bờ tường trước cổng trường sập đè tử vong. Trước đó, những sự cố như đổ cây, tai nạn hành lang lớp học, quạt trần rơi, tường lớp học bong mảng lớn... vẫn xảy ra, phần nào cho thấy nguy cơ tai nạn thương tích từ học đường còn quá nhiều tiềm ẩn.
Bộ GD&ĐT cũng đã gửi công văn đề nghị UBND các tỉnh, TP về việc kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất trường, lớp học để đánh giá lại chất lượng các công trình trong nhà trường, nhất là trong mùa mưa bão.
Công văn nêu, trong những năm qua, một số địa phương đã xảy ra các vụ tai nạn ảnh hưởng đến môi trường an toàn cho học sinh tại các trường học như: sập cổng trường, sập tường rào, sập trần lớp học...
Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do các công trình trường học được xây dựng từ lâu nhưng không cải tạo, bảo trì theo quy định; các cơ quan quản lý chưa làm tốt công tác kiểm tra, rà soát, đánh giá lại chất lượng xây dựng trường học.
Sau khi nhận được văn bản của Bộ GD&ĐT, nhiều địa phương trên cả nước đã khẩn trương yêu cầu các đơn vị, trường học thực hiện nghiêm việc kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường.
Ông Cao Xuân Hùng, GĐ Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định cho biết: Ngay sau sự cố sập cổng trường ở Lào Cai, Bộ GD&ĐT có ý kiến chỉ đạo, chúng tôi đã yêu cầu các nhà trường khẩn trương tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá lại chất lượng xây dựng các trường học, kiểm tra cây xanh, quạt trần, tường rào quanh trường...
Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái, bày tỏ: Không chỉ địa phương mà các tỉnh miền núi nói chung, mỗi mùa mưa lũ là mỗi mùa chúng tôi rất lo lắng về mức độ an toàn trường học. Khi xảy ra lũ cuốn khó có thể nói trước được điều gì nếu trường học ở trong dòng lũ.
Đúng là có những hạng mục kiểm tra được bằng rà soát bên ngoài, nhưng kiểm tra công trình xây dựng có còn đảm bảo độ bền, chịu lực tác động hay không... lại cần những người có chuyên môn. Thực tế là các điểm trường có xảy ra tai nạn thương tích đã được kiểm tra trước đó, nhưng không thể đánh giá được đúng nguy cơ.
Ngành giáo dục khó thực hiện được việc đánh giá kỹ thuật nên rất nhiều chuyên gia cho rằng: Với cơ sở vật chất trường lớp, hạng mục công trình xây dựng, mỗi lần đánh giá cần có ý kiến của các thành viên chuyên môn về kỹ thuật, chứ không đơn giản chỉ là đánh giá qua hình thức bên ngoài.
Việc đảm bảo an toàn trường học phải kỹ lưỡng, có sự tham góp của những ý kiến chuyên môn và sự giám sát của PHHS. (Ảnh: T.F)
Cần sự giám sát chặt chẽ của hội PHHS
Cũng chỉ mới đầu năm học, ở hai TP lớn là Hà Nội và TP HCM đã để xảy ra trường hợp ngộ độc liên quan đến bữa ăn bán trú tại lớp. Bữa trưa ngày 9-9, trường tiểu học Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội tổ chức cho 1.556 học sinh ăn bán trú với thực đơn gồm: Thịt kho tàu với trứng chim cút, su su xào, canh rau ngót và cơm trắng; bữa phụ vào 15g cùng ngày là sữa (loại có đường và không đường). Các suất ăn tại trường do hộ kinh doanh Vũ Thị Quỳnh cung cấp suất ăn sẵn.
Buổi học sáng 10-9, có 58 học sinh nghỉ học với nhiều lý do, trong đó có 22 học sinh có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, đi ngoài 4-5 lần, sốt nhẹ. Khoảng thời gian từ 1g55 đến 15g50 ngày 10-9, có 6 học sinh đến khám và điều trị tại BVĐK Đông Anh với chẩn đoán theo dõi nhiễm khuẩn đường ruột; 16 học sinh còn lại điều trị tại nhà theo hướng dẫn của Trung tâm Y tế huyện Đông Anh. Kết luận sơ bộ ban đầu, có 22 học sinh nghi ngờ nhiễm khuẩn đường ruột do vi sinh vật, trong đó có 4 học sinh đang nằm viện.
Ngày 13-9, ông Nguyễn Phúc Huy Tùng, trưởng Phòng GD&ĐT quận 2, TP HCM xác nhận có 98 em ở trường tiểu học Bình Trưng Đông có biểu hiện bất thường, 20 em đã nhập viện, nghi do ngộ độc bữa ăn ở trường.
Đáng lưu ý là các đơn vị cung cấp thực phẩm cho cả hai nhà trường đã thực hiện hợp đồng từ nhiều năm trở lại đây. Vì thế, vấn đề đặt ra là việc kiểm tra thường xuyên giấy phép, nguồn thực phẩm vào trường không được chủ quan lơ là. Trong đó, ban đại diện cha mẹ học sinh phải cử người tham gia giám sát quá trình này hàng ngày.
Với tất cả các vấn đề an toàn trong trường học, đánh giá sơ bộ bằng mắt và 1, 2 lần khó có thể khẳng định về sự an toàn tuyệt đối. Chỉ cần một bước chủ quan, nguy cơ mất an toàn với trẻ nhỏ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Vì thế, các trường cần hết sức lưu ý vai trò giám sát của hội PHHS và tham vấn ý kiến người có chuyên môn để có sự đánh giá khách quan nhất.
Khẩn trương triển khai hàng loạt biện pháp đảm bảo học sinh đến trường an toàn Sau khi nhận được văn bản của Bộ GD&ĐT, nhiều địa phương trên cả nước đã khẩn trương yêu cầu các đơn vị, trường học thực hiện nghiêm việc kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường. Giờ lên lớp của cô trò Trường THCS Hải Cường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam...