Ôm dự án lớn, nữ đại gia vướng cú lừa ngoạn mục
Sau khi được UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận cho xây dựng nhà máy thủy điện Đắk Sor 1, do không đủ tiền đầu tư nên nữ đại gia đã đi tìm đối tác đầu tư dự án để rồi bị lừa cú ngoạn mục.
VKSND TP Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Thị Tuyết (SN 1953, ở Quảng Ninh, cựu TGĐ Công ty CP đầu tư quốc tế Việt Anh (Công ty Việt Anh) về tội “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo cáo trạng, Công ty CP Xây dựng Nam Nguyên (Công ty Nam Nguyên) trụ sở ở Đắk Nông, do bà Bùi Thị Thanh L. (SN 1969, ở TP HCM) làm giám đốc, đại diện pháp luật.
Ngày 18/5/2007, UBND tỉnh Đắk Nông có văn bản chấp thuận cho phép Công ty Nam Nguyên được triển khai nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng công trình thủy điện Đắk Sor 1 thuộc địa bàn xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông, công suất 4MW, với tổng số tiền đầu tư hơn 111 tỷ đồng.
Sau khi được UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận cho xây dựng nhà máy thủy điện Đắk Sor 1, do không đủ tiền đầu tư nên bà L. đi tìm đối tác đầu tư dự án.
Video đang HOT
Khoảng đầu năm 2009, thông qua hai người đàn ông ở Thái Bình giới thiệu, bà L. gặp bà Nguyễn Thị Tuyết, là TGĐ và chồng là ông Nguyễn Việt Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Anh.
Dù không có khả năng kêu gọi nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam nhưng bà Tuyết nói với bà L. rằng, có một số tổ chức, cá nhân người nước ngoài đang có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam.
Để thuyết phục bà L. tin tưởng, bà Tuyết cho nữ đại gia xem một số hồ sơ giả như: hồ sơ ông Nguyễn Việt Hồng (chồng bà Tuyết) được ông Borys Shterbachenko (người Ukraine) ủy quyền cho sử dụng 500 triệu USD để đầu tư cho các dự án tại Việt Nam; hồ sơ ông Nguyễn Việt Hồng được ông Sen Wen Kuang (Đài Loan) ủy quyền cho sử dụng số tiền 10 tỷ USD và hiện số tiền đó đang được giữ trong tài khoản của ông tại Ngân hàng HSBC Hong Kong; hồ sơ bà Chen Chia Hui (Đài Loan) ủy quyền cho ông Hồng được sử dụng 10 tỷ USD; hồ sơ Nguyễn Thị Tuyết có tài khoản ngân hàng Citibank (Singapore), trong tài khoản có 5 tỷ Euro.
Tin là thật, ngày 2/4/2009, bà L. đại diện Công ty Nam Nguyên ký hợp đồng hợp tác đầu tư với bà Nguyễn Thị Tuyết, đại diện Công ty Việt Anh với nội dung hợp tác đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện Đắk So 1 với mức đầu tư 17 triệu USD (tương đương 290 tỷ đồng).
Trong đó, Công ty Việt Anh giữ 51% cổ phần, Công ty Nam Nguyên giữ 49% cổ phần. Tỷ lệ phần trăm cổ phần được quy định trong hợp đồng như nêu ở trên.
Nhưng thực tế, cả 2 công ty Nam Nguyên và Việt Anh đều chưa đóng góp cổ phần. Bà Tuyết hứa hẹn với bà L. việc sẽ kêu gọi nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam rồi cho bà L. vay tiền của nguồn vốn trên để bà L. góp vào 49% cổ phần.
Sau khi ký xong hợp đồng, bà Tuyết nói bà L. đưa tiền để lo chi phí đưa nguồn vốn vào Việt Nam. Bà L. đã nhiều lần chuyển tổng số hơn 500 triệu đồng cho bà Tuyết. Sau khi nhận tiền, bà Tuyết không thực hiện như cam kết và chiếm đoạt số tiền này.
Tại cơ quan điều tra, bà Tuyết khai, việc bà ta quen với các nhà đầu tư nước ngoài và được họ ủy quyền sử dụng nguồn vốn lớn là có thật. Sau khi nhận tiền từ bà L., bà Tuyết chi tiêu cá nhân hết và ông Hồng không biết việc này.
Quá trình điều tra, bà L. khai, ngoài việc đưa cho bà Tuyết hơn 500 triệu đồng, theo yêu cầu của ông Hồng, nữ đại gia còn nhiều lần chuyển tiền cho bà Tuyết hơn 18,3 tỷ đồng để bà này lo thủ tục giải ngân nguồn vốn từ nước ngoài đầu tư vào dự án thủy điện Đắk Sor 1.
Tuy nhiên khi giao tiền cho bà Tuyết, giữa hai người không có giấy biên nhận tiền và cũng không có ai chứng kiến. Căn cứ lời khai của Tuyết, bà L. và người liên quan, kết quả trưng cầu giám định tài liệu và chứng cứ thu thập được, CQĐT cho rằng, không đủ căn cứ kết luận vợ chồng bà Tuyết chiếm đoạt hơn 18,3 tỷ đồng của bà Loan.
Truy tố cựu Phó Cục trưởng Văn phòng Quốc hội
Sau khi tự giới thiệu chức vụ của mình, bị can Đỗ Minh Tâm khẳng định với doanh nhân người Lào sẽ xin giúp họ được hai khu đất ở Hà Nội để xây "Tòa nhà hữu nghị", qua đó chiếm đoạt 1,8 triệu USD.
Viện KSND TP Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Đỗ Minh Tâm (SN 1977, trú tại phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội), cựu Phó Cục trưởng Cục Quản trị I, thuộc Văn phòng Quốc hội và bị can Nguyễn Thế Phùng (SN 1987, trú tại phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội) là lao động tự do về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 BLHS.
Theo cáo trạng, ông Pheutsapha Phoummask (tên Việt Nam là Pha) là Chủ tịch Công ty Asia Investment, trụ sở tại Vientiane (Lào). Năm 2019, ông Pha muốn xây dựng Tòa nhà hữu nghị Việt - Lào ở Hà Nội.
Qua các mối quan hệ, bị can Đỗ Minh Tâm gặp ông Pha và tự giới thiệu, quen biết lãnh đạo thành phố Hà Nội nên có thể giúp ông Pha được cấp đất, xây nhà. Sau đó, bị can Đỗ Minh Tâm đưa ông Pha đến khu vực gần tòa nhà Keangnam và chỉ vào hai khu đất, mỗi khu rộng khoảng 1ha và cam kết, sẽ giúp ông Pha mua được hai mảnh đất này để xây tòa nhà hữu nghị kiêm văn phòng cho thuê, làm biểu tượng hữu nghị Việt - Lào.
Để ông Pha tin tưởng, sau đó, bị can Đỗ Minh Tâm đưa ông Pha vào cơ quan mình. Bị can Tâm yêu cầu, nếu ông Pha muốn được cấp đất thì cần chi 6% tổng số tiền đầu tư dự án và phải đưa trước 1,8 triệu USD. Việc đưa tiền sẽ thông qua bị can Nguyễn Thế Phùng. Bị can Đỗ Minh Tâm giải thích với ông Pha rằng, vì bị can làm việc ở cơ quan Nhà nước nên không thể đứng ra nhận tiền.
Tin tưởng những điều bị can Đỗ Minh Tâm nói là thật, ông Pha đã vay của người quen số tiền 1,8 triệu USD (hơn 41 tỷ đồng) rồi bảo nhân viên của mình đưa tiền cho bị can Nguyễn Thế Phùng trong 6 lần, mỗi lần 300.000 USD. Mỗi lần đưa tiền, phía ông Pha đều thông báo cho bị can Đỗ Minh Tâm.
Sau đó, do không thấy cơ quan chức năng thành phố Hà Nội làm việc, cấp giấy phép xây dựng tại các khu đất gần Tòa nhà Keangnam, ông Pha hỏi bị can Đỗ Minh Tâm và đòi lại tiền thì chỉ được trả 130.000 USD. Năm 2022, ông Pha tố cáo vụ việc tới cơ quan Công an. Đến nay, hai bị can Đỗ Minh Tâm và Nguyễn Thế Phùng đã hoàn trả ông Pha đủ 1,8 triệu USD.
Ngoài vụ án trên, bị can Đỗ Minh Tâm còn lừa đảo "chạy án" cho hai người. Theo đó, năm 2021, một phụ nữ có người thân bị bắt vì cướp tài sản đã gọi điện thoại nhờ Tâm giúp họ được tại ngoại. Bị can Đỗ Minh Tâm yêu cầu người phụ nữ gặp bị can Nguyễn Thế Phùng để được hướng dẫn. Khi gặp nhau, bị can Nguyễn Thế Phùng nói rằng, có thể giúp hai người quen của người phụ nữ này được tại ngoại trong ba ngày. Tin tưởng điều này, người phụ nữ đã chuyển 2,7 tỷ đồng cho hai bị can Đỗ Minh Tâm và Nguyễn Thế Phùng nhưng hai người bị bắt không được tại ngoại.
Hồ sơ vụ án này đã được chuyển tới TAND TP Hà Nội để nghiên cứu và xét xử trong thời gian tới
Vụ cháy chợ Sóc Sơn: Cán bộ nhận tiền chênh lệch khi mua thiết bị chữa cháy VKSND TP Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Ngô Văn Giang (SN 1979, cựu Phó Chủ tịch xã Xuân Thu, Sóc Sơn, Hà Nội) về tội "Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy". Ngoài ông Giang, VKS còn truy tố các bị can Phạm Đức Nam (SN 1972, ở Sóc Sơn) và Nguyễn Văn Tươi (SN...