Oan án ‘hoang báo cướp’ đè người đi đường ra khép tội cho bằng được?
Tại cơ quan điều tra, bị can khai nhận là cướp, nhưng tại các phiên tòa, lại kêu oan ban đầu nhận tội vì bị công an xã ép cung.
Oan án ‘hoang báo cướp’ đè người đi đường ra khép tội cho bằng được?
Người đi đường nhát gan “mắt to hơn người”?
Theo cáo trạng, khoảng 22h30 ngày 5/12/2012, trong lúc đang nhậu tại nơi làm việc ở cơ sở thức ăn gia súc ở xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TP.HCM) thì Trần Văn Uống (SN 1989) và Khưu Khánh Sỹ (SN 1982, cùng quê Sóc Trăng) rủ một số thanh niên khác chặn người đi đường để cướp xe bán lấy tiền chia nhau xài. Mỗi người vào nơi làm việc lấy một khúc tầm vông dài khoảng 50cm làm hung khí.
Một lúc sau, cả nhóm phát hiện ra xe một thanh niên (SN 1990) trú xã Lê Minh Xuân chở bạn gái đang đến gần. Thấy nhóm thanh niên cầm hung khí, người đi đường hoảng sợ, quay đầu xe chạy ngược lại. Thấy “con mồi” chạy, hai đối tượng cầm khúc cây đuổi đánh không trúng. Cả bọn ném khúc cây với ý định làm cho người đi đường ngã để cướp xe, anh này tránh được và chạy đến chốt dân phòng Khu Công nghiệp Lê Minh Xuân trình báo.
Video đang HOT
Nhận được tin báo, công an xã cùng dân phòng đến đuổi bắt. Cả nhóm bỏ trốn. Sau một hồi truy lùng, Uống và Sỹ bị bắt khi đang trốn dưới nước trong bụi cây cách đường Trần Đại Nghĩa khoảng 40m. Cáo trạng là thế, nhưng khi ra tòa, các bị cáo lại khai một nẻo, liên tục kêu oan rằng họ không cầm cây gậy tầm vông, không cướp tài sản. Nói về nguyên nhân nhận tội ban đầu, bị cáo cho rằng đã bị công an xã ép cung.
“Suốt đêm công an xã đánh tôi túi bụi, có khi còn treo tôi lên. Sợ quá nên tôi đành khai theo bản khai có sẵn mà công an đã soạn”, bị cáo Uống nói.
Tòa từng đặt câu hỏi nghi ngờ: “Nếu không phạm tội thì vì sao lại bỏ chạy”. Lý giải câu hỏi này, cả hai bị cáo khẳng định: “Nhậu xong, cả nhóm ra ngoài đường hóng mát. Đột nhiên thấy đông người chạy về phía mình còn tri hô “bắt chúng nó, bắt chúng nó”. Nghĩ gặp phải đám người xấu nên cả 2 hoảng quá mới bỏ chạy” và “hơn một năm sự việc mới được đưa ra xét hỏi thì làm sao các bị cáo nhớ nổi tên, nhận dạng được công an viên nào đã đánh?”.
Nhiều lần, TAND huyện Bình Chánh đã đưa vụ án ra xét xử rồi lại hoãn vì một lý do không thể buộc tội được bị cáo. Cuối cùng, trong phiên sơ thẩm, tòa tuyên Uống và Sỹ phạm tội cướp tài sản. Tòa tuyên phạt mỗi bị cáo chịu mức án 1 năm 7 tháng 9 ngày tù.
Bản án chằng chịt mâu thuẫn
Trong phiên tòa, 3 luật sư bào chữa cho hai bị cáo đã chỉ ra nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ. Phải chăng đây là một vụ cướp tưởng tượng vì cơ quan tố tụng không chứng minh được hai bị cáo có hành vi cướp. Các luật sư lập luận: “Yếu tố quan trọng cấu thành tội cướp là phải thực hiện hành vi khách quan dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho nạn nhân lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm cướp xe. Vụ án này chưa chứng minh được hai bị cáo có thực hiện hành vi khách quan nêu trên”.
Trong bản kết luận điều tra, khoảng cách giữa bị hại và bị cáo là 15m. Ở khoảng cách ấy, liệu bị hại có thể nhìn rõ bị cáo, hung khí là cây gậy tầm vông hay không, trong khi hiện trường rất tối, bị hại chỉ nhìn thấy bị cáo nhờ đèn pha xe máy. Làm sao bị cáo có thể kịp quay đầu xe chạy thoát đi báo công an trong khi đó có bốn người “mai phục” sẵn bên đường.
Trần Văn Uống và Khưu Khánh Sỹ
Ở các bút lục và cáo trạng, gậy tầm vông được xác định là hung khí nguy hiểm nhưng lại không thu giữ được. Bị hại khai nhìn thấy 2 người mà kết luận điều tra, cáo trạng cho rằng có 4 người cướp.
Biên bản bắt quả tang người phạm tội được lập sau khi bắt giữ hai bị cáo hơn 15 tiếng đồng hồ, cũng không ghi nhận sự việc “quả tang” gì, ngoài lời trình báo của người bị hại, lời khai ban đầu của 2 bị cáo. Điều đặc biệt, từ khi bị công an xã bắt tạm giam cho đến ngày được thả ra, trong phiên tòa xét xử bị cáo chưa một lần được gặp mặt, đối chất với bị hại.
Bên cạnh đó, bản tường trình của bị hại trong đêm bị cướp nêu: “Cách 30m thấy 2 thanh niên cầm cây đứng hai bên đường, tôi đoán là cướp”. Nhưng trong bản khai sau đó, anh này lại khai “hai thanh niên xông thẳng về phía tôi nên tôi quay đầu xe thì bị ném cây theo”. Thấy lời khai của bị hại còn nhiều mâu thuẫn, luật sư đã đề nghị tòa triệu tập bị hại để đối chứng. Tòa không chấp nhận cho rằng vì người bị hại “sợ bị trả thù nên không dám đến?”.
Được thả vẫn làm đơn kêu oan
Do thời hạn tù bằng thời hạn tạm giam nên Uống và Sỹ được trả tự do tại tòa, tuy nhiên Trần Văn Uống tiếp tục viết đơn kháng cáo kêu oan với nội dung: “Sở dĩ tôi viết bản nhận tội và viết bản tự khai là do bị Công an xã Lê Minh Xuân đánh đập cả đêm và gần cả ngày hôm sau nên phải nhận tội để bảo toàn mạng sống. Tôi bị oan vì thực sự tôi không cướp bóc gì cả”.
Sáng sớm ngày 20/9 vừa qua, hai bố con anh Uống lặn lội từ Sóc Trăng lên TP.HCM dự phiên tòa phúc thẩm. Thấp thỏm lo lắng cho con trai, ông Trần Văn Huỳnh (1965, bố Uống) tâm sự: “Học xong cấp 2, Uống nghỉ học đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình. Mới lên TP.HCM được 3 tháng thì gặp chuyện oan trái này. Dù gia đình có khó khăn đến đâu chúng tôi cũng phải minh oan cho con trai mình”.
Cùng nỗi oan ức nhưng Khưu Khánh Sỹ không thể viết đơn kháng cáo vì gia đình khó khăn. Trao đổi qua điện thoại, anh Sỹ nói: “Tôi không cướp tài sản của người khác. Tôi bị oan, oan lắm. Nhưng mọi chuyện cũng đã qua. Từ khi tôi bị tạm giam, vợ tôi khổ cực một mình nuôi 2 đứa con. Giờ ra tù rồi, tôi không lên Sài Gòn nữa, phải ở nhà cố gắng đi làm kiếm tiền bù đắp thiệt thòi mà gia đình phải chịu. Hi vọng Uống được minh oan để cho tôi được ngẩng cao đầu”.
Qua xem xét hồ sơ, xét hỏi, tranh luận tại tòa, TAND TP.HCM nhận định cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng, định hướng điều tra, nhận định tội danh ngay từ đầu.
TAND huyện Bình Chánh đã không cho bị cáo đối chất với người bị hại, không thực nghiệm hiện trường, mâu thuẫn về số người tham gia vụ cướp. VKS truy tố Khoản 2 Điều 133 BLHS, tòa xử Khoản 1 nhưng lại không chứng minh được bị cáo có hành vi chiếm đoạt… Tòa quyết định hủy án, trả hồ sơ về cấp sơ thẩm để điều tra lại.
Theo Xahoi