Ở nhà… quyên góp phòng chống dịch Covid-19
Chưa kịp quen trường lớp, bạn bè thì đã nghỉ học kéo dài vì dịch Covid-19, một cô gái – tân sinh viên, đã tận dụng năng khiếu hội họa để gây quỹ phòng, chống dịch theo cách của riêng mình.
Hồng Nghi và chân dung chibi – Nữ Vương
Ngày 19.3, khi bắt đầu có hình thức nhắn tin ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 thông qua Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia thì Trương Hồng Nghi, cô sinh viên năm nhất Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, đã nảy ra ý tưởng tận dụng thế mạnh hội họa của mình để vẽ biểu tượng, tranh chân dung chibi bán qua mạng. Toàn bộ số tiền bán được Nghi ủng hộ vào quỹ phòng, chống dịch bệnh.
Vẽ từ lúc mở mắt đến khi đi ngủ
Và ngày 20.3, Nghi bắt tay vào dự án của mình. Cô nàng nhận vẽ biểu tượng với giá 20.000 đồng/bức, còn với tranh chân dung chibi phức tạp hơn thì giá dao động từ 100.000 – 200.000 đồng. Mọi người sẽ thanh toán bằng cách mua thẻ cào điện thoại và nhắn qua cho Nghi. Lúc đầu Nghi đăng lên cộng đồng của bạn trẻ đam mê những thể loại tranh này và nhờ mọi người cùng nhau chia sẻ nên nhiều người đã biết đến và cùng chung tay bằng cách đặt mua tranh của Nghi.
Video đang HOT
Cứ như thế, đơn đặt hàng ngày càng nhiều và mỗi ngày Nghi phải bắt đầu công việc từ lúc mở mắt cho đến khi đi ngủ, mỗi ngày trung bình Nghi hoàn thành được từ 30 – 40 bức. “Vì muốn kiếm được thật nhiều tiền để có thể ủng hộ vào quỹ, nên từ 5 giờ sáng khi mới ngủ dậy, ngoại trừ những thời gian ăn uống ra thì em cặm cụi vẽ đến 9 hoặc 10 giờ đêm”, Nghi kể.
Mong muốn có thêm nhiều hình thức quyên góp
Giá tiền nhỏ nên Nghi có nhiều khách từ tuổi còn nhỏ từ 12 – 13 tuổi, tích tiền ăn sáng để mua một cái thẻ cào điện thoại, góp vào công cuộc gây quỹ phòng chống dịch Covid-19. Ngoài ra, hoạt động của Nghi cũng truyền cảm hứng cho một số bạn khác có khiếu hội họa, mở những hình thức vẽ tranh khác với giá cũng “hạt dẻ” và quyên góp vào quỹ phòng, chống dịch.
“Có nhiều bạn chỉ đặt vẽ một tranh với giá 20.000 đồng nhưng gửi luôn thẻ cào trị giá 50.000 đồng. Hoặc có những bạn đặt vẽ 2 nhân vật 40.000 đồng nhưng gửi tận 100.000 đồng để ủng hộ. Chính những hành động đó làm em càng có động lực để vẽ thật nhiều”, Nghi kể.
Những bức tranh biểu tượng – Ảnh: Nữ Vương
Nghi rất thích câu thơ của Bác Hồ “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”, nên Nghi quan niệm: “Em nghĩ tuổi tác không bao giờ là rào cản cho chúng ta làm bất cứ thứ gì. Những bạn mua tranh của em để ủng hộ, có những bạn nhỏ tuổi, chưa học hết cấp 2, rồi cũng có những ông bà đã già. Bất kể độ tuổi nào và địa vị xã hội ra sao, ai cũng có thể góp một tay vào công cuộc phòng, chống dịch bệnh này”.
Và điều khiến Nghi luôn cảm thấy hạnh phúc là làm được điều mình thích mà vẫn có thể giúp đỡ được cộng đồng. “Nhiều người nghĩ em làm việc này để kiếm cho mình sự nổi tiếng hoặc tiền cá nhân, nhưng em không quan tâm những điều đó, em chỉ thấy vui vì số liệu thật, việc làm có hiệu quả và có rất nhiều người luôn ủng hộ. Vui hơn nữa là em có thể dùng đam mê vẽ vời của mình để giúp ích cho cộng đồng”, Nghi bày tỏ.
Tôi hỏi Nghi về điều mà bạn mong ước nhất ở thời điểm hiện tại, thì cô nàng gửi gắm: “Điều em mong muốn không phải là số tiền quyên góp lớn, lên tới hàng chục, hàng trăm triệu, mà em chỉ mong sẽ có thêm nhiều hình thức quyên góp nữa vào việc phòng chống dịch Covid-19, từ nhiều bạn trẻ khác nhau. Vì một cây làm chẳng lên non, chỉ mong nhiều người cùng góp sức với những hình thức quyên góp sáng tạo khác nhau, để hiệu ứng được lan rộng hơn”.
Nữ Vương
Khoa cơ khí ĐH Bách Khoa TP.HCM chế tạo thành công máy làm khẩu trang y tế
Nhóm giảng viên đến từ khoa Cơ khí, ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM mới đây vừa công bố chế tạo thành công hệ thống máy sản xuất khẩu trang y tế.
Theo đó, thông tin này vừa được PGS-TS Nguyễn Hữu Lộc, Trưởng khoa Cơ khí, ĐH Bách khoa, ĐHQG TP.HCM xác nhận với báo Sài Gòn Giải Phóng. Hệ thống máy sản xuất khẩu trang y tế này hiện đã được đưa vào chạy thử nghiệm thành công và khoa sẵn sàng chuyển giao cho các doanh nghiệp để tiến hành sản xuất đại trà.
Ngay từ khi tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp vào đầu tháng 2/2020, khoa đã họp khẩn các giảng viên chủ chốt để triển khai dự án thiết kế và chế tạo máy sản xuất khẩu trang y tế nhằm đưa vào phục vụ cho cộng đồng.
PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc (ngồi) thử máy hàn quai siêu âm đơn điểm, bên máy tạo thân khẩu trang y tế. Ảnh: T.H/Báo Tuổi Trẻ
"Đây là một nhiệm vụ cấp thiết vì phải đảm bảo sao cho tiết kiệm thời gian và tối ưu chi phí nhất có thể. Phương án được lựa chọn là thiết kế máy tự động tạo thân khẩu trang y tế (phần xếp ly hình chữ nhật) và hàn quai siêu âm đơn điểm", ông Lộc thông tin cho báo Tuổi Trẻ biết thêm.
Qua quá trình họp bàn cũng như thống nhất, phương án được các cán bộ giảng viên của khoa lựa chọn là thiết kế máy tự động tạo thân khẩu trang y tế (phần xếp ly hình chữ nhật) và hàn quai siêu âm đơn điểm. Năng suất một máy tự động tạo thân có thể đạt tối đa 90 cái/phút, trong khi năng suất máy hàn quai siêu âm đơn điểm chỉ đạt 15 cái/phút. Do đó, để đảm bảo năng suất đồng bộ, 1 máy tạo thân sẽ đi kèm với 6 máy hàn quai siêu âm.
Được biết, hệ thống này đều có thể tạo ra được khẩu trang y tế từ 3 đến 5 lớp tùy vào số cuộn vải đưa vào. Một trong các lớp vải này là lớp vải lọc hay còn gọi là vải kháng khuẩn. Ưu điểm vượt trội của thiết kế này chính là chỉ sử dụng một hệ siêu âm, so với các thiết kế trước đây phải sử dụng đến 2 hệ siêu âm tần số 20kHz.
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Lộc, nếu có thêm thời gian và kinh phí, nhóm nghiên cứu tin rằng hệ thống hàn quai khẩu trang y tế tự động sẽ được thực hiện trong thời gian sớm nhất nhằm tăng năng suất sản xuất khẩu trang trong thời điểm hiện nay.
Nhật Minh (Tổng hợp)
Thi viết, vẽ tranh về Bác Hồ để tham gia hành trình về quê Bác T.Ư Đoàn vừa có kế hoạch tổ chức cuộc thi "Bác Hồ với thiếu nhi - Thiếu nhi với Bác Hồ" nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2020). Học sinh rước ảnh kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ tại Nghệ An - Ảnh Nguyên Dũng T.Ư Đoàn cho biết, cuộc thi nhằm tạo điều...