Ở đây có cách bảo quản rau củ tươi ngon tới cả tháng chỉ nhờ… áo thun cũ – các mẹ nhất định phải xem ngay!
Cách bảo quản rau củ của chị Mỹ Dung vừa đơn giản, tiết kiệm lại vô cùng hiệu quả.
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến thói quen đi chợ của nhiều người dân đã thay đổi. Thay vì đi chợ mua đồ tươi sống hàng ngày, giờ đây, nhiều chị em nội trợ quyết định mua thực phẩm tích trữ cho nhiều ngày, thậm chí là cả tuần, cả tháng để hạn chế tiếp xúc. Việc mua thực phẩm nhiều, số lượng lớn và sử dụng trong 1 thời gian dài khiến 1 “bài toán” phải giải quyết. Đó là làm sao để bảo quản thực phẩm tươi lâu, đảm bảo chất dinh dưỡng?
Mới đây, chị Trần Thị Mỹ Dung (38 tuổi, hiện đang sống và làm việc tại TPHCM) đã chia sẻ bí quyết “vàng” bảo quản rau củ của gia đình chị. Cách làm của mẹ đảm có thể để rau củ trong cả tháng mà vẫn tươi ngon, không bị ủng thối, chất dinh dưỡng được đảm bảo.
Chị Mỹ Dung thường đi chợ cho nhiều ngày. Với cách bảo quản thực phẩm của mình, chị yên tâm sử dụng rau củ quả trong 1 thời gian dài.
Chị Mỹ Dung cho hay: “Trước kia khi chưa có dịch thì mình cũng thường bảo quản nhiều loại thực phẩm rau củ quả khác nhau. Vì mình thường đi chợ 1 lần 1 tuần vào ngày cuối tuần.
Mình tham khảo nhiều cách bảo quản thực phẩm trên mạng và áp dụng xem cách nào phù hợp với điều kiện của mình, trữ lâu tươi ngon nhất, tiết kiệm và bảo vệ môi trường. Từ quấn giấy ăn, giấy báo, lót giấy ăn trên và dưới, quấn màng bọc thực phẩm… mình đã thử qua hết. Nhưng những phương pháp này chỉ đảm bảo rau củ quả tươi được khoảng 7-10 ngày.
Với cách bảo quản thực phẩm bằng khăn vải (đặc biệt là vải cotton) thì có thể để được cả tháng. Nếu nhà nào có điều kiện, trữ đông trong các loại hộp tốt như Tupperware… thì còn để được lâu hơn. Tuy nhiên, mùa dịch này hộp xịn nhà mình cũng không đủ dùng, hoặc đủ lớn nên mình phải tận dụng tất cả các loại hộp để trữ. Thế nhưng hiệu quả cũng đáng trầm trồ lắm nhé”.
Dưới đây là kinh nghiệm bảo quản thực phẩm và rau củ quả tươi lâu của mẹ đảm Mỹ Dung, các chị em cùng tham khảo nhé!
1. Bảo quản rau, củ, quả
Dùng vải thun cotton, bọc kín rau củ lại sau đó bỏ hộp và trữ ngăn mát. Cách làm như sau:
- Rau củ để thật khô ráo (không rửa), rau nhặt bỏ cọng hư. Nếu củ bị bẩn thì lấy khăn lau cho sạch đất.
- Vải mỏng thì bọc 2, 3 lớp càng tốt. Dùng vải dễ thấm hút nước và không ra màu.
- Nếu không có hộp thì bọc vải bỏ vào ngăn mát hoặc ngăn đựng rau củ.
- Dùng băng keo giấy viết tên rau củ dán lên vải và ngoài hộp để dễ lấy.
- Vải thì mình cũng có thể tận dụng áo thun không dùng còn mới hoặc vỏ gối. Mọi người có thể cắt áo cũ không mặc đến thành nhiều miếng sẵn, khâu thành túi lớn hoặc để nguyên. Sau đó giặt sạch phơi khô để dùng.
- Nên lót miếng nhựa hay bất kỳ loại nắp hộp nhựa nào dưới đáy hộp để tạo khoảng hở giữa rau và đáy hộp, giữ cho rau và vải khô thoáng không bị đọng nước.
- Rau lá mình ưu tiên ăn trước nên 1-2 tuần là dùng hết và vẫn tươi ngon. Nhiệt độ tủ lạnh mình chỉnh ngăn mát luôn ở mức cao nhất là 6 độ C, ngăn đông mức thấp nhất là -21 độ C.
Video đang HOT
2. Cách bảo quản đậu phụ lâu ngày
Bảo quản đậu phụ 10 ngày trong ngăn mát
- Đậu phụ trắng rửa sạch, luộc sơ để nguội, cho vào hộp, cho nước sạch vào ngập đậu phụ (lấy đĩa nhỏ chằn đè để đậu phụ không bị nổi lên trên nước, hở nước là đậu phụ sẽ bị nhớt, mau hỏng). Đậy nắp hộp, cho vào ngăn mát và nhớ thay nước mỗi ngày để đậu giữ được độ ẩm, tươi, không bị chua và giữ được hơn 10 ngày.
- Nếu lười thay nước thì bạn thêm muối cho nước mặn thì cũng giữ được 7 ngày.
Bảo quản 3 tháng trong ngăn đông
- Sơ chế như trên, sau đó bỏ đậu phụ vào ngăn đông. Khi dùng lấy đậu phụ rã đông và ép nhẹ cho nước trong đậu chảy ra rồi chế biến. Đậu phụ có thể cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn rồi bỏ ngăn đông.
Đậu phụ đã bảo quản 11 ngày và lấy ra nấu vẫn ngon.
3. Bảo quản rau gia vị
- Hành lá: Rửa sạch rồi để khô tự nhiên. Thái nhỏ hành lá và củ để riêng, nếu cần có thể lấy phần củ phi nấu ăn. Bỏ hộp nhựa và để vào ngăn đông. Khi nào cần lấy bỏ liền vào nấu rất tiện vì lá và củ đều rời nhau khi để ngăn đông.
- Ngò rí: Cắt gốc, rửa sạch để ráo. Sau đó cho vào hộp hoặc túi cất vào ngăn đông. Khi nấu cho trực tiếp vào nồi và không rã đông.
- Tỏi:
Cách 1: bóc vỏ rồi rửa sạch, để cho khô ráo rồi xay nhuyễn (không nên xay quá nhuyễn). Tiếp đến bỏ vào lọ thủy tinh và đổ dầu ăn ngập mặt tỏi. Cất tủ lạnh ngăn mát có thể dùng 1 năm mà tỏi vẫn thơm. Tỏi ngâm trong dầu cũng làm cho tỏi có mùi thơm mạnh hơn. Khi nấu múc tỏi ra ướp thịt hoặc phi nấu ăn rất tiện nhanh, không cần phải bóc giã tỏi mỗi lần nấu.
Cách 2: Nếu để pha chế nước mắm chấm thì lấy tỏi xay bỏ riêng từng phần nhỏ đủ làm nước mắm. Có thể dùng khay nhựa đựng nước đá để đựng, sau đó bỏ vào ngăn đông.
- Hành tím: Rửa sạch, để ráo xong xay nhỏ, chia bữa đủ ăn. Sau đó bỏ hộp (lấy hộp nhựa dày) và cho vào ngăn đông. Hành tím phi giòn để tủ lạnh ngăn mát khi cần nấu hoặc ăn các món nước bỏ vào cũng rất ngon.
- Sả, gừng, riềng: sả có thể để nguyên cây hoặc xay nhuyễn rồi bỏ hộp trữ đông, khi cần ướp lấy ra ướp cũng rất tiện. Gừng, riềng gọt sạch rồi cắt lát hoặc xắt sợi trữ đông. Khi hơi đông sau 3-4h thì lấy ra lắc nhẹ để không dính nhau.
- Ớt: Bỏ nguyên quả vào ngăn đông. Khi ăn lấy ra sử dụng rất tiện. Ớt không bị khô héo.
4. Thịt, cá và thực phẩm tươi sống
Sau khi mua về, sơ chế qua như rửa, để ráo và phân ra từng phần vừa ăn trong một bữa. Sau đó bỏ vào hộp hoặc bọc bằng màng bọc thực phẩm và tiến hành trữ đông. Khi trữ đông thì dùng loại hộp dùng riêng cho trữ đông để tránh hộp bị giòn, nứt vỡ.
(Ảnh minh họa)
Với những gợi ý của chị Mỹ Dung trên đây, hy vọng chị em sẽ có thể bảo quản thực phẩm luôn tươi ngon trong mùa dịch nhé!
Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh đúng cách: Cứ tưởng đợi thức ăn nguội rồi cho vào tủ lạnh mới đúng, không ngờ lại là sai lầm gây hại cho sức khỏe!
Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh đúng cách mới có thể ngăn chặn hoặc làm chậm việc thức ăn bị hư hỏng, giảm chất lượng và giá trị dinh dưỡng.
Tuy nhiên, không ít người vẫn còn mắc sai lầm khiến khi sử dụng tủ lạnh để lưu trữ thức ăn.
Có nên để nguội thức ăn trước khi cho vào tủ lạnh?
Rất nhiều người nội trợ vẫn thường có thói quen để nguội thực phẩm trước khi cho vào tủ lạnh. Thế nhưng, đây thực sự vẫn luôn là một vấn đề gây ra rất nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng nhiệt độ trong tủ lạnh thấp hơn hẳn so với nhiệt độ phòng. Do vậy, nếu để thực phẩm nóng đặt trực tiếp vào tủ lạnh sẽ dễ khiến các chất dinh dưỡng bên trong thực phẩm bị biến đổi, biến chất.
Một số khác lại nghĩ rằng, thực phẩm kể cả đang nóng cũng nên được đặt trực tiếp vào tủ lạnh sớm. Bởi nếu chờ cho thức ăn nguội rồi mới cho vào tủ lạnh cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang tạo điều kiện về thời gian và môi trường để vi khuẩn phát triển, tăng nguy cơ gây độc cho thực phẩm.
Bảo quản thức ăn chín trong tủ lạnh đúng cách để đảm bảo an toàn thực phẩm, không bị mất dinh dưỡng. Ảnh: Internet
Trên thực tế, quan điểm thức ăn nóng nên được đặt trực tiếp vào tủ lạnh cũng không phải là hoàn toàn sai. Sau khi được nấu chín, nhiệt độ của món ăn sẽ giảm dần, khi xuống đến 60 độ C, vi khuẩn sẽ bắt đầu phát triển và xâm nhập ngược lại vào thực phẩm. Các nghiên cứu quốc tế cũng đã chỉ ra rằng ở nhiệt độ phòng, các loại vi khuẩn có thể gây bệnh trong thực phẩm như salmonella, E. coli và botulinum cứ sau 20 phút sẽ nhân lên gấp bội. Do đó, nếu đợi thức ăn nguội rồi mới mang đi bảo quản trong tủ lạnh thì cũng chẳng còn tác dụng gì nữa bởi lúc này vi khuẩn đã kịp phát triển hàng loạt rồi.
Vậy nên, cách bảo quản tốt nhất đó là khi nhiệt độ thức ăn xuống ở mức 70-80 độ C, chúng ta nên nhanh chóng cho vào ngăn mát tủ lạnh, như vậy sẽ giúp thực phẩm giữ lại được các chất dinh dưỡng và hạn chế tối đa sự phát triển của vi khuẩn.
Cách sắp xếp và bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh hợp lý
Nhiều người thường việc sắp xếp thức ăn vào tủ lạnh một cách tùy ý. Trên thực tế, mỗi ngăn của tủ lạnh đều có mức nhiệt độ khác nhau. Việc bảo quản thực phẩm đúng ngăn phù hợp không chỉ giữ được độ tươi ngon của thực phẩm, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn mà còn giúp tiết kiệm điện. Dưới đây sẽ là một số gợi ý nên làm để việc sắp xếp đồ ăn trong tủ lạnh trở nên khoa học hơn, giúp giữ thực phẩm luôn tươi ngon, tròn vị trong một thời gian lâu nhất:
1. Ngăn mát tủ lạnh
Ngăn trên cùng
Vì hơi lạnh có xu hướng tỏa theo chiều đi xuống nên nhiệt độ ngăn trên cùng của tủ lạnh thường sẽ ở mức vừa phải từ 5 đến 8 độ C, thích hợp để đặt một số thực phẩm như thức ăn thừa, thực phẩm ăn liền, đồ muối chua, pho mát và các loại đồ uống khác nhau.
Những ngăn giữa tủ lạnh
Khu vực ngăn giữa có nhiệt độ từ 2 đến 5 độ C, là nơi lý tưởng để bảo quản trứng, sữa, các loại thịt, hải sản hay thực phẩm muốn dùng ngay mà không cần phải rã đông. Tuy nhiên, đối với thịt và hải sản chúng ta nên bọc kỹ hoặc cho vào hộp đậy kín để tránh bị rỉ nước và bốc mùi, làm bẩn tủ và các loại thực phẩm khác.
Ngoài ra, bạn nên đặt thực phẩm một cách vừa phải, không nên chất quá nhiều thức ăn trong những ngăn này để tránh không khí trong tủ không được lưu thông đều.
Ngăn hộc tủ dưới cùng
Bảo quản rau củ trong tủ lạnh đúng cách. Ảnh: Internet
Ngăn kéo được đặt ở phía dưới cũng có nhiệt độ thấp từ 2 đến 5 độ C. Đây là vị trí phù hợp nhất để bảo quản rau, củ, quả luôn được tươi ngon vì hộc tủ có thiết kế giúp duy trì độ ẩm thích hợp cho các loại thực phẩm này. Tuy nhiên, bạn nên phân loại rau, củ và trái cây thành từng phần riêng vì ở một số loại trái cây như táo, chuối, đu đủ... có thể sinh ra khí ethylene làm gây hư hỏng các loại rau củ khác.
Ngăn cửa tủ lạnh
Tại vị trí cửa của tủ mát, nhiệt độ thường duy trì ở khoảng từ 5 đến 10 độ C. Do diện tích ngăn chứa hẹp nên sẽ phù hợp với các loại thực phẩm khô, các loại đóng chai, rượu hay tương, sốt...
2. Ngăn đông tủ lạnh
Khu vực này có nhiệt độ thấp nhất trong tủ lạnh khoảng từ -16 đến -18 độ C nên ngoài khay làm đá và các hộp kem, ngăn này nên dùng để các thực phẩm tươi sống muốn bảo quản trong thời gian dài như thịt, cá, hải sản. Ngoài ra, nên chia thực phẩm thành từng phần, đủ cho một lần ăn của gia đình và đóng bao gói kín hoặc để trong hộp đậy nắp kín.
Cần lưu ý rằng sau khi thực phẩm trong ngăn đá đã được lấy ra và rã đông thì nên chế biến hết, không nên cho vào tủ lạnh để cấp đông trở lại vì như vậy sẽ dễ sinh vi khuẩn và khiến thực phẩm nhanh hỏng.
Ba loại thực phẩm không cần cho vào tủ lạnh để bảo quản
1. Sữa bột trẻ em và một số món ăn vặt
Sữa bột thường có công thức được thiết kế đặc biệt, nếu để trong môi trường quá nóng hay quá lạnh đều sẽ có thể làm giảm thành phần dinh dưỡng của nó. Chính vì vậy, sữa bột chỉ nên để ở những nơi khô ráo, tuyệt đối không bảo quản trong tủ lạnh dù bao bì là hộp thiếc hay hộp giấy.
Đối với một số món ăn vặt như bánh quy, mứt, và thực phẩm sấy khô thường có hoạt độ nước và độ pH rất thấp nên dù để ở môi trường bên ngoài thì vi khuẩn cũng sẽ không có đủ độ ẩm sinh sôi phát triển. Việc bảo quản những loại thực phẩm này trong tủ lạnh ngược lại còn khiến chúng trở nên khô và cứng hơn. Chính vì vậy, chúng ta chỉ cần đóng gói cẩn thận, bảo quản ở nhiệt độ phòng và cố gắng ăn hết trong thời hạn sử dụng.
2. Một số loại rau củ và trái cây
Các loại rau củ như khoai tây, tỏi, hành tây, ớt xanh, dưa chuột rất dễ bị mốc, mọc mầm hay bị thay đổi kết cấu, mùi vị khi để ở môi trường nhiệt độ cao, vì vậy tốt nhất chỉ nên bảo quản ở những nơi thoáng mát trong phòng.
Một số loại trái cây nhiệt đới như thanh long, chuối, xoài, vải, ... không thể bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ 0C bởi nếu để ở nhiệt độ thấp, vỏ của chúng sẽ rất dễ bị thâm đen và nhanh hỏng, do đó với những loại trái cây này chúng ta nên ăn tươi càng sớm càng tốt.
3. Mật ong
Mật ong là nguyên liệu rất dễ bị thay đổi hương vị khi ở nhiệt độ cao, đồng thời cũng dễ bị kết tinh và đông đặc ở nhiệt độ thấp. Do vậy, việc bảo quản mật ong trong tủ lạnh chỉ làm tăng tốc độ kết tinh khiến chúng ta khó lấy ra để sử dụng. Bảo quản ở trong lọ thủy tinh đậy kín, ở nơi tối, nhiệt độ phòng là cách tốt nhất để giữ mật ong luôn được như mới và mang hương vị tự nhiên.
Mật ong không cần bảo quản trong tủ lạnh/ Ảnh: Internet
Ăn đồ đông lạnh lâu ngày có gây hại? Thời gian an toàn để trữ thực phẩm trong tủ lạnh Thực phẩm để đông lạnh trong tủ quá lâu sẽ giảm dần chất lượng và giảm bớt lượng dinh dưỡng. Thời gian qua, vì tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều nơi thực hiện giãn cách xã hội, không ít gia đình mua thật nhiều thức ăn như thịt cá, rau củ quả... tích trữ trong tủ lạnh ăn dần...