Nuôi loài cá “tàu ngầm” ở lưng trời, thịt ngọt chắc bán giá cao
Dù được đồng nghiệp cảnh báo trước nhưng chúng tôi vẫn không khỏi “choáng” bởi tuyến đường lên thôn Séo Mý Tỷ của xã Tả Van (Sa Pa, Lào Cai) lại khó khăn đến vậy.
Đó là tuyến đường với những đoạn dốc cao nối tiếp, quanh co, khúc khuỷu, đầy “ổ voi, ổ gà”, đá hộc ngổn ngang trên mặt đường. Mưa phùn những ngày đông lây phây khiến nhiều đoạn đường trơn như đổ mỡ, chiếc Honda Wave “chiến mã” gài số 1 ì ạch mất hơn 2 tiếng cùng chúng tôi vượt quãng đường hơn 20 km từ trung tâm Sa Pa.
Hồ Séo Mý Tỷ hiện ra trước mắt chúng tôi hư ảo khi lớp sương mù chưa tan hết, nhìn phía bờ bên kia và cuối hồ chỉ thấy lờ mờ những bờ đất, hàng cây đứng lặng phắc. Hồ Séo Mý Tỷ nằm ở độ cao 1.600 m so với mực nước biển, trong một thung lũng thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, là hồ nhân tạo cao nhất Việt Nam tính đến nay. Gần trưa, sương giá tan dần, mặt hồ hiện rõ vài chiếc bè chở du khách tham quan, khám phá và những khu nuôi cá lồng.
Khu vực nuôi cá tầm trên hồ nhân tạo thôn Séo Mý Tỷ.
Giám đốc Công ty Cổ phần Cá hồi – cá tầm Sa Pa, anh Nguyễn Văn Quyết đón chúng tôi bằng nụ cười rạng rỡ đợi sẵn trên đầu cầu dẫn ra lồng bè nuôi cá nước lạnh. Anh bảo lâu rồi nhà bè mới có khách ghé thăm, “với nhà báo thì đây là lần đầu tiên”. Bên ấm trà nóng, anh Quyết bắt đầu câu chuyện với con cá có nguồn gốc từ trời Âu.
Anh Quyết vốn là kỹ sư điện, không hề liên quan đến thủy sản hoặc sản xuất nông nghiệp. Anh là người Thái Bình và việc gắn bó với nghề nuôi cá nước lạnh với anh là điều hết sức ngẫu nhiên. Những năm tháng làm việc tại một nhà máy thủy điện ở Sa Pa, anh rất quan tâm đến hoạt động nuôi cá nước lạnh ở vùng đất này và nhận thấy thôn Séo Mý Tỷ có khí hậu, môi trường lý tưởng để nuôi cá hồi, cá tầm nên anh bắt đầu nung nấu cho những ý tưởng.
Hồ thủy điện Séo Mý Tỷ có thể là một tiềm năng bởi xưa nay chưa ai nuôi cá trên mặt hồ lặng nước như thế. Các cơ sở nuôi cá tại Sa Pa và những nơi khác mà anh biết đều là các ao, bể xây bằng xi măng, nước ở dạng động vì được lưu thông liên tục. Lào Cai không phát triển mạnh nuôi cá lồng, cá bè nên anh đã đến Sơn La và Yên Bái tìm hiểu phương pháp nuôi cá trên lòng hồ.
Khi đã “hòm hòm” kỹ năng, kinh nghiệm, chuyển sang trạng thái chuẩn bị đầu tư thì vấn đề anh gặp là vốn. Nguồn vốn để đầu tư nuôi cá nước lạnh rất lớn, nếu hình thành khu nuôi cá khoảng 0,5 héc-ta cần tới hàng chục tỷ đồng. Giải pháp tốt nhất là thành lập công ty cổ phần để huy động vốn. Thật may là ý tưởng của anh được nhiều người ủng hộ nên vấn đề tài chính đã được giải quyết.
Video đang HOT
Rồi những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu về kỹ thuật, quy trình nuôi cá nước lạnh trong bè trên mặt hồ nước lặng cũng qua đi, những đàn cá hồi, cá tầm có lẽ cũng hiểu được những lo lắng, cực nhọc của nhà đầu tư mà sinh trưởng, phát triển rất tốt.
Trên lòng hồ, anh Quyết hồ hởi kể về trại cá. Anh cho biết trại nuôi cá nước lạnh của mình nằm trong số ít cơ sở nuôi cá tại địa phương tuân thủ quy trình sản xuất VietGAP. Anh “bật mí”: Việc nuôi cá nước lạnh trên lòng hồ “vất vả hơn cả nuôi con mọn”. Thực tế là cá tầm, cá hồi “đỏng đảnh” như “công chúa”!
Bắt tay vào nuôi cá từ năm 2017, đến nay cá tầm Siberia (Liên bang Nga) – loài cá từng được ví như “tàu ngầm” của Công ty Cổ phần Cá hồi – cá tầm Sa Pa đã có trọng lượng trung bình từ 4,5 đến 5 kg/con, chất lượng cá được đánh giá là nổi trội, thịt thơm ngon, chắc hơn cá cùng loại nuôi tại các bể nuôi thông thường.
Tuy nhiên, anh Quyết hạn chế bán cá tầm ra thị trường vì muốn nuôi thêm 5 đến 6 năm nữa để thu hoạch trứng. “Trứng cá tầm Nga đang có giá trị kinh tế cao, giá bán khoảng 20 triệu đồng/kg”, anh Quyết thủ thỉ.
Cá hồi vân có nguồn gốc Na Uy của công ty hiện cũng được khách hàng ưa chuộng vì chất lượng tốt. Giá bán loại cá này của công ty trung bình ở mức 160 nghìn đồng/kg, luôn nhỉnh hơn cá hồi nuôi thông thường tại các bể nuôi. Lý giải điều này, anh Quyết cho biết, môi trường mặt nước lòng hồ có nhiều vi sinh vật là thức ăn tự nhiên của cá hồi vân, đó cũng là lý do tại sao thịt cá chắc, màu thịt vàng hơn.
Anh Giàng Thành Công, trú tại thôn Séo Mý Tỷ cho biết, bản thân làm công cho Công ty Cổ phần Cá hồi – cá tầm Sa Pa hơn 2 năm, chừng ấy thời gian đủ để anh hiểu cách chăm sóc cá sao cho tốt và làm thế nào để đàn cá thích ứng với nền nhiệt độ tăng, giảm vào những ngày hè hoặc những ngày đông khắc nghiệt…
Cuối ngày, mưa dần nặng hạt, chúng tôi chia tay Giám đốc Quyết và những người nuôi cá lồng trên mặt hồ nước nhân tạo cao nhất Việt Nam trong bùi ngùi, xúc động. Tôi chợt nhớ đến một câu nói đại ý như “không có người đi đầu tiên thì làm gì có những con đường mới”, anh Quyết và những cộng sự của mình đã hình thành nên một hướng đi mới sau khi nuôi thành công giống cá ưa nước động nơi mặt hồ tĩnh. Các anh còn chứng minh rằng mặt hồ chứa nguồn nước phục vụ sản xuất điện năng còn có thể phát triển thủy sản mà ở đây là các giống cá nước lạnh có giá trị kinh tế cao.
Theo Kiều Thu (Báo Lào Cai)
Thịt lợn tăng giá cao, bánh chưng nhân cá hồi đắt khách
Bánh chưng nhân cá hồi thay thế nhân thịt lợn đang được rất nhiều khách săn lùng cho dịp Tết 2020. Dù giá bán mỗi cặp bánh chưng này gần nửa triệu đồng.
Chiếc bánh chưng nhân cá hồi vẫn đảm bảo vẻ ngoài và hương vị truyền thống
Bánh chưng nhân cá
Bánh chưng nhân cá hồi thay thế nhân thịt lợn truyền thống đang được rất nhiều thượng khách săn lùng cho dịp Tết 2020. Cho dù, giá bán mỗi cặp bánh chưng lạ miệng này gần nửa triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Thu Hoài (SN 1990), người tạo ra chiếc bánh chưng này cho biết, ý tưởng tạo ra chiếc bánh chưng nhân cá hồi này bắt nguồn từ việc chị tặng bánh cho một người bạn theo đạo Hồi nhưng người đó lại không ăn được thịt lợn.
Nói về chiếc bánh chưng nhân cá hồi, chị Hoài bảo, người Việt Nam ở bên Nhật họ đã làm rồi, một vài người bạn của chị sang Nhật ăn và sau đó về chia sẻ sản phẩn này với chị. Cũng kể từ đó, chị luôn thôi thúc, ấp ủ để làm ra chiếc bánh chưng có một không hai này để bạn bè trên thế giới đều có thể thưởng thức.
Nhìn vào chiếc bánh chưng, chị Hoài tâm sự, ban đầu khi chia sẻ ý tưởng này chị bị người thân trong gia đình, bạn bè gạt ngay đi, không ai ủng hộ. Bởi theo họ, chị không nên bứt phá một cách mạo hiểm, độ rủi ro lại cao, hãy làm bánh truyền thống phù hợp với thuần phong mỹ tục chứ không nên làm hỏng đi hương vị. Thậm chí, họ còn cho rằng, chị bị hâm, bị điên khi đưa một loại cá rất tanh vào làm nhân bánh chưng.
Bỏ ngoài tai những lời khuyên nhủ, chị vẫn quyết định ý tưởng cách tân táo bạo này. Chị cho rằng, mọi người thường quen với hình ảnh bánh chưng nhân thịt. Nay chị muốn đưa ra sản phẩm mới lạ, không bị dập khuôn nhưng vẫn giữ được truyền thống nên có áp lực là điều khó tránh.
Ăn bánh chưng nhân cá này không bị tanh mà có mùi thơm
Sau nhiều thời gian nghiên cứu và thử nghiệm, chị Hoài cùng ê kip đã nấu thành công bánh chưng cá hồi. "Sản phẩm vẫn làm từ nguyên liệu quen thuộc như gạo nếp, đỗ xanh, hạt tiêu và gói bằng lá dong, đảm bảo vẻ ngoài và hương vị truyền thống, điểm khác biệt duy nhất là nhân thịt lợn được thay thế bằng cá hồi", chị Hoài nói.
Theo chị Hoài, sản phẩm ngoài giữ được nguyên vị truyền thống mà còn không tạo ra mùi tanh, độ gây của cá như nhiều người lo ngại.
"Khi tôi đưa vào trải nghiệm cho khách hàng ăn thử bánh có tới 80% khách hàng hài lòng. Nhiều khách hàng còn thích thú vì nó khác lạ lại không tanh, phù hợp với những người không thích ăn thịt. Trong năm qua tung ra thị trường sản phẩm mới này, đã có rất nhiều khách quay lại đặt hàng", chị Hoài nói.
Khách đặt hàng tăng gấp đôi
Chị bảo, năm nay giá thịt lợn đang biến động, rất nhiều khách hàng đã lựa chọn và đặt bánh nhân cá bên chị. Năm ngoái bên chị tiêu thụ 1000 chiếc bánh chưng nhân cá hồi ra thị trường, năm nay số lượng khách đặt đã tăng lên gấp đôi.
Chị Hoài tư vấn cho khách đến đặt bánh
Để tạo nên thương hiệu cho chiếc bánh, nguồn nguyên liệu cũng phải được kiểm soát chặt chẽ qua từng khâu sản xuất, nguồn nguyên liệu chủ yếu như cá hồi Na Uy, gạo nếp nương Điện Biên... Với ý tưởng kết hợp cá hồi và bánh chưng, sản phẩm đã tạo nên một sự đột phá và làm phong phú các sản phẩm bánh chưng truyền thống.
Để chiếc bánh chưng nhân cá không có mùi tanh, chị Hoài chia sẻ, ngoài bí kíp riêng ra bên chị còn ướp cá với rượu sasuke để khử mùi tanh. Bên cạnh đó khi tạo ra sản phậm bên chị cũng chú ý đến việc để bánh không bị khô vẫn có độ mềm, dẻo.
Theo chị Hoài, khách đến đặt hàng bánh chưng nhân cá hồi chủ yếu là khách hàng trẻ, họ thường đặt làm quà tặng trong dịp Tết. Còn những người trung tuổi họ vẫn giữ quan điểm thích bánh chưng truyền thống. Năm nay, giá cho mỗi chiếc bánh chưng cá hồi có trọng lượng 800 gam là 220.000 đồng/chiếc. Khách muốn mua với số lượng lớn phải đặt trước nhiều ngày.
Ghi nhận của PV, tại nơi giao bánh chưng nhà chị Hoài, nhiều khách đến hỏi mua bánh chưng nhân cá hồi nhưng hiện tại bánh đã hết hàng. Khoe khéo với chúng tôi, chị Hoài bảo, chị rất vui khi những chiếc bánh chưng nhân cá hồi bên chị được nhiều người đón nhận và hiện đang chu du đến nhiều quốc gia như Pháp, Anh, Đức, Hà Lan.
Quỳnh An
Theo Đời sống Plus/GĐVN
Những món ăn khác lạ ở nơi mọi thứ đều đóng băng Trong điều kiện thời tiết lạnh giá, có lúc xuống âm 60 độ C, người dân Oymyakon, Nga, sử dụng những thực phẩm bổ dưỡng, giúp họ chống chọi với môi trường khắc nghiệt. Oymyakon là nơi sinh sống lạnh nhất Trái Đất. Vào mùa đông, nhiệt độ tại đây có lúc giảm xuống âm 60 độ C. Trong điều kiện khắc nghiệt,...