Nuôi dưỡng tình yêu nghề giáo
Chính tình yêu nghề đã trở thành động lực mãnh liệt, giúp họ vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống để neo lại với nghề. Dạy học, với họ, không đơn thuần chỉ là nghề mà còn là nghiệp.
Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành (Đà Nẵng) cùng HS của trường. Ảnh: Hà Anh
Trọng nghề mới được làm nghề
Cô Trần Thị Kim Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (quận Sơn Trà – TP Đà Nẵng) tâm sự: “Gần 30 năm trong nghề, làm sao tránh khỏi những lúc nản lòng, nhưng rồi lòng yêu nghề, ý thức trách nhiệm nghề nghiệp đối với xã hội đã giúp mình đứng vững được. Nghề nghiệp, ngoài mang lại cho mình một công việc ổn định, còn tạo cơ hội cho mình được tôn vinh, quý trọng, sao mình có thể phụ bạc được”.
Cô Bình thường gửi gắm với tập thể sư phạm nơi mình công tác rằng: “Học trò càng đặc biệt thì mình càng phải kiên nhẫn bởi chỉ cần thiếu đi chút nhẫn nại thôi, thì có thể số phận các em sẽ khác đi. Học sinh càng thiếu thốn sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ thì giáo viên càng phải quan tâm, phải “cho” nhiều hơn. Khi dạy trẻ, vì vậy, đừng bao giờ nghĩ đến phụ huynh vì ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến trẻ. Hãy cứ nhìn vào HS để dạy thì sẽ công bằng cho tất cả các em. Mình cứ làm cho hết sức của mình, đặt cả tình yêu của mình vào đó, có thể phụ huynh và học sinh chưa thể nhận ra ngay công sức, tâm huyết của thầy cô giáo, nhưng chúng ta đang làm công việc của người gieo hạt để gửi những mùa sau, cứ gieo rồi sẽ được gặt…”.
Câu chuyện của cô Bình khiến tôi nhớ đến tâm niệm của cô giáo Nguyễn Thị Quảng (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), người suốt nhiều năm liền, một mình vượt núi băng hầm vượt đoạn đường hơn 16km đi bộ để phổ cập tiếng Anh cho con em làng phong dưới chân đèo Hải Vân. Cô tâm niệm: “Học trò càng yếu, càng thua thiệt thì mình càng thương. Làm sao giúp một em học lực kém vươn lên thành học sinh trung bình mới là điều đáng nói ở một người thầy. Điều đó giá trị hơn việc mình đang dạy bao nhiêu học sinh giỏi”.
Cô giáo Trà Thị Thu và HS ở điểm trường Tắk Pổ trong lễ khai giảng năm học 2019 – 2020. Ảnh: TG
Tốt nghiệp ĐH năm 2003, anh Huỳnh Viết Thắng, Khoa Điện tử – Viễn thông được Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) giữ lại trường làm giảng viên. Anh Thắng chia sẻ: “Thời điểm mới tốt nghiệp, khoảng thời gian chờ đợi làm hoàn chỉnh hồ sơ ở trường, mình có đi làm ở ngoài, công việc cũng liên quan đến nghiên cứu với mức lương thời điểm đó khoảng 2,5 đến 3 triệu/tháng, trong khi lương giảng viên tập sự ở trường chỉ khoảng 1,5 triệu đồng. Thời gian đầu, quả là hơi khó chịu khi phải “điều tiết” việc chi dùng cá nhân. Nhưng mình xác định, mục tiêu số một lúc đó không phải là thu nhập, mà là một suất học bổng ở nước ngoài nên cũng không so sánh với các công ty ở ngoài”.
Thay vì chọn đi làm ở các doanh nghiệp bên ngoài, TS Huỳnh Viết Thắng cho biết, mình chọn con đường nghiên cứu chuyên sâu nên giáo dục đại học là môi trường phù hợp, không lãng phí thời gian đào tạo. Làm một giảng viên ĐH, theo như TS Thắng, thời gian làm việc không thể rạch ròi đúng 8 tiếng hành chính được, công việc không tách bạch ra khỏi cuộc sống nên gia đình có thông cảm thì mới làm được. “Chúng tôi không chỉ đơn thuần truyền thụ kiến thức mà ở một chừng mực nào đó, còn ảnh hưởng đến cách sống, tâm hồn của SV nữa. Có những SV tìm đến mình tâm sự, mỗi lời khuyên của mình dù là ý kiến chủ quan, cũng có thể ảnh hưởng đến tương lai sau này của các em. Thế nên, những gì mình nói lại đeo bám mình rất lâu, về đến tận nhà rồi vẫn còn suy nghĩ xem mình nói thế có đúng không, có ảnh hưởng tiêu cực gì tới các em không”.
Giữ lửa với nghề
Video đang HOT
Ở khu hiệu bộ của Trường THCS Lê Độ (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), tấm biển ghi 20 điều giáo viên cần thấu hiểu được BGH nhà trường bố trí cho treo ở nhiều nơi: Phòng họp hội đồng, phòng tiếp phụ huynh… Chỉ cần thấu hiểu được 20 điều căn cốt này, giáo viên cũng đã có thể trở thành một nhà giáo chuẩn mực, được học sinh và phụ huynh quý trọng. Chẳng hạn như: “Hãy bước vào lớp với nụ cười. Khi học trò chào, hãy nhìn vào mắt từng em để hiểu được tâm trạng của chúng, vui thì chia vui, buồn thì động viên” hoặc “Không cần che giấu tình cảm của mình với các em, nhưng cần tuyệt đối tránh sự ưu ái đặc biệt với một vài em nào đó. Hãy cố nhìn thấy những ưu điểm ẩn sâu trong mỗi em. Có thể chính các em cũng không biết mình có những ưu điểm đó. Bạn hãy giúp chúng nhận ra, phát triển chúng thêm”… Làm nghề giáo, đòi hỏi mỗi giáo viên phải học cách kiềm chế, bình tĩnh, bao dung, kiên trì và mềm mỏng.
Cô Phạm Thị Loan – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (Đà Nẵng) dạy lớp kỹ năng sống miễn phí cho HS. Ảnh: NVCC
Cô giáo Trà Thị Thu (Trường Tiểu học Trà Tập, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) – nữ giáo viên được nhắc đến với lễ khai giảng năm học 2019 – 2020 rất giản dị của 38 HS và hai cô giáo cùng một đại biểu tham dự là trưởng nóc đã tâm sự rằng, ngay cả những ngày đầu cắm bản ở đỉnh núi Ngọc Linh với rất nhiều tâm trạng ngổn ngang, cô cũng chưa nghĩ đến chuyện bỏ nghề hoặc xin chuyển về xuôi. “Dù vật chất, điều kiện thiếu thốn nhưng được sống với bà con, với học trò nghèo mà đong đầy tình cảm thì không gì hạnh phúc bằng. Đừng suy nghĩ quá nhiều bởi hạnh phúc không phải do hoàn cảnh mang lại, mình tự tạo được niềm vui thôi”.
Cô giáo Hồ Thị Tâm (GV Ngữ văn, Trường THPT Quốc học – Thừa Thiên – Huế) tâm sự: “Cũng có những lúc tưởng chừng như không thể bước lên bục giảng, chỉ mong con đường đến trường cứ dài mãi, nhưng cứ bước chân vào lớp, tôi lại quên hết mọi chuyện để đắm say với bài giảng, với học sinh; cũng bần thần cả người khi đứng trước một đứa học trò lầm lỳ, hỏi không thưa la không nói, để sau đó là những đêm dài nhắn tin đến mờ mắt, mong sao HS chia sẻ với cô giáo để còn biết cách mà hỗ trợ. Làm những điều đó là bởi mình ý thức được nghề, ít ra, mình biết mình cần phải xấu hổ trước học trò”.
Từ những trải nghiệm của bản thân, thầy Nguyễn Đình Hòa cho rằng: “Muốn giữ lòng yêu nghề thì anh phải có tình yêu với nghề đã. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Anh phải có “nội lực” là trình độ chuyên môn, bản lĩnh nghề nghiệp. Anh còn phải có sự “trợ lực” là sự hỗ trợ của gia đình, lãnh đạo, đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh…”.
Trong cách soi chiếu như vậy, ông Nguyễn Đình Vĩnh – Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, trước đây là Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho rằng: “Có rất nhiều điều mà CBQL giáo dục có thể triển khai, áp dụng nhằm giúp giảm bớt “độ căng” cho giáo viên, để tình yêu nghề trong họ bớt bị xói mòn”. Ông Vĩnh ví dụ: Nếu cơ ngơi trường lớp luôn phải được chỉnh trang, xanh sạch đẹp, có phòng đón tiếp phụ huynh thì rõ ràng tâm lý của phụ huynh sẽ thoải mái hơn nhiều là đứng trao đổi với giáo viên ở ngoài hành lang hay thậm chí là dưới nắng. Chúng ta đừng nghĩ rằng không phải trường học phải được đầu tư mới mới là khang trang sạch đẹp.
Tâm lý chung là bước vào một ngôi trường khang trang, nền nếp, có quy củ từ bảo vệ cho tới người đứng đầu thì tâm thế của phụ huynh sẽ khác hẳn. Nhà trường cũng nên có nhiều kênh tiếp nhận những phản ảnh của phụ huynh và học sinh. Nếu thủ trưởng thân thiện thì mọi người sẽ được nói tiếng nói của mình. Trước những bức xúc của phụ huynh, nếu cán bộ quản lý giỏi, có kinh nghiệm thì sẽ mời phụ huynh vào phòng làm việc, lắng nghe, trao đổi lớp lang, thậm chí là nhận lỗi về mình nếu như giáo viên sai. Ông Vĩnh cho rằng, vai trò của người quản lý là phải giảm thiểu tối đa những bất lợi cho HS và GV trong suốt quá trình dạy – học. “Áp lực cho giáo viên cũng đến từ bệnh hình thức của cán bộ quản lý. Chẳng hạn như đón tiếp đoàn đến tham quan nhà trường thì cứ bình thường thôi, sao phải bắt học sinh tập đứng xếp hàng đón từ cổng, tập vẫy cờ hoa…” – ông Vĩnh ví dụ.
Rất nhiều thầy cô giáo đang “truyền lửa” cho học sinh theo cách của riêng họ. Chính tình yêu nghề đã trở thành động lực mãnh liệt, giúp họ vượt qua những thời khắc nản lòng, những khó khăn, thử thách trong cuộc sống để neo lại với nghề.
Để giữ được tình yêu nghề theo năm tháng, trước những áp lực từ cả phía học sinh, phụ huynh, trước những đòi hỏi của xã hội và yêu cầu đổi mới để thích ứng với sự phát triển của giáo dục là khó hay dễ thì rất khó nói. Có những người yêu nghề, tha thiết với nghề đến mức khổ mấy, khó mấy họ cũng có thể vượt qua được để neo lại với nghề. Đó gọi là nghiệp. Nhưng quả thật cũng không phải dễ để duy trì tình yêu với nghề dạy học. Nhiều người đã phải bỏ nghề. Nhưng đau lòng hơn cả là những người còn trong nghề nhưng tình yêu nghề đã nhạt. Bí quyết để tình yêu nghề của mình không vơi đi theo năm tháng, đó là phải quên đi những vi phạm, những lỗi của HS và vui mừng với những tiến bộ, thay đổi của các em; tạo mối quan hệ thầy – trò – phụ huynh thân thiện, thoải mái thì mọi thứ sẽ rất nhẹ nhàng. -
Thầy Nguyễn Đình Hòa (GV Trường THPT Trần Phú, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng)
Cô giáo trẻ ươm mầm nơi bản làng nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa
Tông bảo những ngày đầu cắm bản, cô đã khóc rất nhiều vì buồn, cô đơn và nhớ nhà khi mỗi buổi tối phải ở lại một mình nơi lớp học. Nhưng tình yêu nghề, yêu trẻ đã giúp cô vượt qua tất cả.
Niềm vui của cô Sung Thị Tông là mỗi ngày trẻ được đón các em đến lớp. (Ảnh: PV/Vietnam )
Đường vào bản Mùa Xuân lởm chởm sỏi đá và bùn lầy, có những đoạn chiều rộng đường chỉ hẹp chừng nửa mét, một bên là núi, một bên là vực, nếu đi không cẩn thận có thể ngã xuống vực bất cứ lúc nào. Nhưng đó lại là cung đường mỗi ngày tới với các em học sinh của cô giáo Sung Thị Tông.
Những ngày đầu cắm bản, Tông đã khóc rất nhiều vì buồn, cô đơn và nhớ nhà khi mỗi buổi tối phải ở lại một mình nơi lớp học. Nhưng tình yêu nghề, yêu trẻ đã giúp cô vượt qua tất cả.
Một lớp học, ba chiếc bảng
Bản Xía Nọi (xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa), quê hương Tông, cách trung tâm xã 27 km và cách trung tâm huyện tới 67 cây số, xung quanh chỉ là đồi núi bao phủ. Tuổi thơ cô Tông gắn liền với những con suối và ruộng nương. "Nhà tôi có 8 anh chị em, như hầu hết các gia đình khác, nhà nào cũng có 8-10 người con. Người Mông chúng tôi sinh con dày đến mức anh chị em mà nhìn như đứa trẻ cùng lứa tuổi. Vì thế cái đói, cái nghèo cứ mãi đeo bám," cô Tông chia sẻ.
Tông bảo mình là một trong 7 đứa trẻ may mắn nhất trong bản khi được cắp sách tới trường. Lũ trẻ đến lớp khi quần áo còn lấm lem bùn đất, cả lớn cả bé học chung một lớp ghép ba trình độ. Phòng học vô cùng chật chội nhưng thầy giáo vẫn phải kê ba cái bảng ở ba hướng khác nhau để dạy. Đồ dùng học tập là những quyển sách, chiếc bút do chính thầy cô cho. Nhiều bạn vừa học vừa phải cõng em. Anh ê a đọc chữ còn em ngủ trên lưng lúc nào không hay.
Tình yêu với nghề giáo đã được hun đúc trong cô bé Tông từ những lớp học ghép tranh tre nứa lá, từ những yêu thương bảo bọc dạy dỗ chở che của những người thầy bám bản bám trường. "Tôi ao ước sẽ trở thành cô giáo để có thể đem tri thức của mình truyền đạt lại cho bao thế hệ trẻ thơ chịu nhiều thiệt thòi và khốn khó nơi tôi sinh ra," cô Tông chia sẻ.
Ước mơ ấy của Tông đã trở thành hiện thực khi năm 2016, cô chính thức trở thành một giáo viên mầm non. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, Tông xung phong nhận nhiệm vụ đứng lớp tại điểm trường Mùa Xuân, Trường Mầm non Sơn Thủy.
Giống lớp học của chính mình khi xưa, lớp của cô Tông cũng là lớp ghép của học sinh mầm non các độ tuổi. (Ảnh: PV)
Trăn trở vì học trò nghèo
Mùa Xuân là một bản vùng biên nghèo nhất tỉnh Thanh Hoá với đầy đủ ba không: không điện, không đường, không trạm. Bản có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, cách điểm trường chính và trung tâm xã 22 cây số, giáp với nước Lào. Do đường vào bản rất khó khăn nên đồng bào sống tự cung tự cấp, dựa vào trồng ngô, trồng lúa trên nương. Sự càn quét của cơn bão số 3 năm 2019 càng làm cho bản nghèo thêm xơ xác khi những ngôi nhà đất mái lá vốn đã đơn sơ, tuềnh toàng sập xuống, đường xá sạt lở...
"Hành trình đến với điểm trường Mùa Xuân của tôicàng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Để đến với điểm trường, tôi phải vượt qua quãng đường bùn lầy, dốc đá lởm chởm và có nhiều đoạn chiều ngang con đường chỉ khoảng nửa mét, một bên là núi, một bên là vực, nếu đi không cẩn thận sẽ rơi xuống vực bất cứ lúc nào. Nếu mùa khô thì đi xe máy sẽ mất khoảng hơn 5 giờ đồng hồ, còn đi bộ sẽ mất một ngày. Nhưng những khó khăn đó cũng không làm cho tôi chùn bước mà càng thôi thúc tôi nhanh đến điểm trường hơn," cô Tông chia sẻ.
Không chỉ dạy học, Tông còn chăm sóc các em như người mẹ thứ hai. (Ảnh: PV)
Nhìn phòng học xuống cấp, đồ dùng học tập, trang thiết bị, đồ chơi bị mưa bão cuốn trôi và hư hỏng... lòng cô giáo trẻ như thắt lại vì sự thiệt thòi của những đứa trẻ nơi đây. Cô trăn trở và suy nghĩ làm gì để những đứa trẻ nơi đây bớt khổ, bớt đói; làm thế nào để các em có đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị cần thiết để vui chơi, học tập, đáp ứng các yêu cầu của công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi?
Những trăn trở đầy yêu thương ấy đã giúp cô tìm ra được giải pháp là tham vấn với nhà trường kết nối với các tổ chức thiện nguyện. Trong hơn một tháng, cô đã kêu gọi được nhiều đồ chơi, đồ dùng, bàn ghế. Đoàn thiện nguyện Búp Măng Non đã đến tại điểm trường Mùa Xuân để tổ chức Tết trung thu cho trẻ. Đặc biệt, chương trình Vì trẻ em vùng cao và Nuôi em, tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ nuôi ăn cho tất cả các cháu và 100% cháu được bán trú tại trường.
Mong "mùa xuân" đến bản
Khi cơ sở vật chất đã tạm thời ổn định, cô lại suy nghĩ làm thế nào để mỗi đứa trẻ nơi đây đều được đến lớp học tập và vui chơi cùng bạn bè. Điểm trường mầm non Mùa Xuân chỉ có một lớp cho tất cả ba độ tuổi, một mình cô Tông bám bản đứng lớp. Sau mỗi buổi dạy, cô đến từng nhà học sinh để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình từng cháu, động viên, tuyên truyền cho phụ huynh đưa trẻ ra lớp học... Với sự vận động của cô, trẻ 100% trẻ từ ba tuổi trở lên đã ra lớp.
Với những nỗ lực cống hiến của mình, ngày 23/9, cô Tông đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã tặng bằng khen điển hình tiên tiến xuất sắc ngành giáo dục toàn quốc (Ảnh: PV/Vietnam )
Với lợi thế là người cùng dân tộc, cô Tông sử dụng linh hoạt tiếng Việt và tiếng Mông để giúp các em tăng cường vốn tiếng Việt mỗi ngày. Cô cũng tận dụng mọi vật liệu sẵn có ở địa phương như vỏ cây, hạt quả, lá rừng, sỏi đá để tạo đồ dùng đồ chơi, trang trí cảnh quan lớp học và sân vườn trường, nhằm tạo sự hứng thú trong học tập và thu hút trẻ đến trường.
Niềm vui lớn nhất với cô là mỗi sớm mai thức dậy, học sinh háo hức đến trường. "Dù còn nhiều khó khăn ở phía trước nhưng tôi sẽ cùng với tập thể giáo viên, nhân viên nhà trường sẽ tiếp tục mang sức trẻ, sự tâm huyết của mình đưa đến cho trẻ em điểm trường Mùa Xuân những hy vọng mới, luồng ánh sáng mới và hình thành cho trẻ một nhân cách tốt. Tôi mong rằng bản làng nơi đây sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm... giúp bà con giảm dần khoảng cách với những vùng thuận lợi, các cháu được vui chơi, học tập trong những điều kiện tốt nhất; giúp cho bản Mùa Xuân ngày càng trở nên tươi đẹp, tràn đầy sức sống như tên gọi thân thương ấy," cô Tông xúc động nói./.
Nhà giáo thắp lửa nghề ở xứ trà Những năm qua, ngành Giáo dục Thái Nguyên ghi nhận nhiều tấm gương điển hình. Mỗi thầy cô giáo có cách đóng góp khác nhau nhưng cùng chung mục tiêu thắp lửa nghề cho xứ trà. Đồng chí Phạm Việt Đức - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên trao tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất...