Nước Mỹ và cuộc chiến chống khủng bố vẫn chưa đi đến hồi kết
18 năm sau vụ khủng bố 11/9, dù có những thành công nhất định trong cuộc chiến chống khủng bố, song nỗi ám ảnh của nước Mỹ vẫn chưa chấm dứt khi “gốc rễ” của chủ nghĩa khủng bố vẫn chưa thể “nhổ bỏ.”
Khói bốc lên từ một trong hai tòa tháp đôi của Trung tâm thương mại thế giới bị sập sau vụ tấn công khủng bố bằng máy bay ở New York, Mỹ ngày 11/9/2001. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 11/9/2001, cả thế giới rúng động khi 19 đối tượng khủng bố al-Qaeda chiếm quyền điều khiển 4 máy bay chở khách cỡ lớn, rồi lần lượt cho chúng chuyển hướng, tấn công hàng loạt mục tiêu trên đất Mỹ.
Sau thời điểm kinh hoàng đó, Tổng thống George W. Bush đã tuyên bố khai màn “cuộc chiến chống khủng bố” – cuộc chiến tới nay được xem là kéo dài và tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ.
18 năm trôi qua, dù có những thành công nhất định trong cuộc chiến chống khủng bố, song nỗi ám ảnh của nước Mỹ vẫn chưa chấm dứt khi “gốc rễ” của chủ nghĩa khủng bố vẫn chưa thể “nhổ bỏ,” trái lại đang có xu hướng gia tăng và biến đổi theo chiều hướng phức tạp.
Đối với nhiều người Mỹ, vụ tấn công khủng bố 18 năm trước là ký ức đau buồn không bao giờ có thể quên.
Ngoài cướp đi sinh mạng của 2.966 người, khiến 6.000 người khác bị thương, thảm kịch ngày 11/9/2001 đã để lại vô số hệ lụy về sức khỏe, gây ra những vết thương tâm lý dai dẳng, đặc biệt đối với người dân New York.
Bên cạnh đó, nước Mỹ đã bị “tổn thương” sâu sắc bởi đây được xem là vụ tấn công vào hai biểu tượng sức mạnh của cường quốc này, tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới (WTC) – và Lầu Năm góc.
Kể từ đó, không chỉ Mỹ mà nhiều nước khác trên thế giới đã bị cuốn vào guồng máy “chống khủng bố toàn cầu” do ông Bush phát động, từ cuộc chiến đầu tiên tại Afghanistan cho đến chiến trường tại Iraq và sau này là cả những nỗ lực chống các tay súng thuộc tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Không thể phủ nhận những kết quả của cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ phát động. Điểm nhấn đầu tiên là Washington đã ngăn chặn đáng kể số vụ tấn công khủng bố xảy ra trên đất Mỹ.
Số người Mỹ bị các phần tử khủng bố sát hại trên đất Mỹ được xác định là “ở mức thấp” kể từ ngày 11/9/2011 tới nay, trung bình 6 người/năm.
Nhiều chuyên gia cho rằng sự kiện 11/9 tuy là bi kịch lớn song cũng là cơ hội để Mỹ điều chỉnh lại bộ máy chính quyền cũng như tập trung vào nỗ lực đề phòng và chống khủng bố.
Đó là thành lập Bộ An ninh Nội địa, Bộ chỉ huy miền Bắc, Giám đốc tình báo quốc gia, Lực lượng đặc biệt chống khủng bố với quy mô nhân lực và kinh phí lần lượt tăng lên gấp 2 và 3 lần so với trước.
Các biện pháp, phương tiện đảm bảo an ninh đường không, đường biển, nội địa, an ninh mạng được phát triển, tổ chức chặt chẽ, nhằm hình thành “phòng tuyến” vững chắc bảo vệ nước Mỹ.
Ngoài ra, những nỗ lực của Mỹ truy tìm và theo dõi hành tung của các phần tử khủng bố, “đào xới” các dữ liệu thông tin của các nghi phạm và siết chặt kiểm soát an ninh biên giới cũng gây khó khăn cho các phần tử khủng bố muốn thâm nhập vào nước Mỹ như chúng đã từng tung hoành thời kỳ trước sự kiện 11/9.
Cục Điều tra liên bang Mỹ đã triển khai một chiến dịch quy mô rộng lớn nhằm xác định và bắt giữ số lượng lớn các đối tượng Hồi giáo thánh chiến và chiến dịch này hiện vẫn đang diễn ra.
Để ngăn chặn hiệu quả các vụ tấn công khủng bố trên đất Mỹ, Washington cũng đã triển khai chiến lược tập trung vào 3 mũi nhọn chính, gồm tấn công những nơi trú ẩn của các phần tử khủng bố, hợp tác tình báo và tăng cường an ninh nội địa.
Video đang HOT
Kể từ sau ngày 11/9, các thành viên của các tổ chức khủng bố như al-Qaeda, IS, và các phong trào Hồi giáo thánh chiến khác đã phải liên tục lẩn trốn, thu hẹp địa bàn hoạt động tại những nơi ẩn náu ở Pakistan, Somalia, Syria và các nước khác.
Chiến dịch tình báo toàn cầu chống phong trào Hồi giáo thánh chiến cực đoan cũng tương đối phát huy tác dụng. Mỹ đã vận dụng mối quan hệ tình báo với các đối tác nước ngoài như một trọng tâm trong nỗ lực chống IS và al-Qaeda.
Sau sự kiện 11/9, mối quan hệ đối tác của Mỹ đã phủ sóng tới hơn 100 nước, đóng vai trò then chốt trong việc truy bắt và tiêu diệt các nghi can khủng bố.
Đơn cử như chiến dịch bắt giữ điệp viên cao cấp của al-Qaeda Riduan Isamuddin, biệt danh Hambali vào năm 2003 là có sự phố hợp hoạt động và tình báo giữa Mỹ và Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.
[Vụ tấn công đẫm máu 11/9 tại Mỹ: Nghi can chủ mưu có thể ra làm chứng]
Với vai trò lãnh đạo “Liên minh quốc tế” chống khủng bố, sức mạnh mềm và sức mạnh cứng của Mỹ cũng được tăng cường. Mỹ và các nước tham gia liên minh chống khủng bố đã tiêu diệt được trùm khủng bố khét tiếng Osama Bin La-den cùng nhiều “phó tướng” của al-Qaeda và các thủ lĩnh cấp cao của tổ chức IS tự xưng, góp phần chống IS tại Syria và Iraq.
Khói lửa bốc lên từ một trong hai tòa tháp đôi của Trung tâm thương mại thế giới sau khi bị tấn công khủng bố bằng máy bay ở New York, Mỹ ngày 11/9/2001. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo thống kê của trang National Interest, trong giai đoạn 2001-2019, Mỹ đã chi 5.900 tỷ USD cho cuộc chiến này, trong đó hơn 2.000 tỷ USD chi cho các chiến dịch quân sự ở nước ngoài, 924 tỷ USD cho an ninh nội địa, 353 tỷ USD để chăm sóc y tế và thương binh đối với các quân nhân Mỹ từng phục vụ ở các khu vực chiến sự trên thế giới.
Tuy nhiên, một nghịch lý là Mỹ càng chi nhiều tiền, số phần tử khủng bố càng tăng trên phạm vi toàn cầu.
Theo nghiên cứu của trung tâm CSIS (Mỹ), số lượng các tay súng thánh chiến Hồi giáo dòng Salafi đã tăng tới 270% kể từ năm 2001.
Tính đến năm 2018, có tới 67 nhóm thánh chiến hoạt động trên thế giới, tăng 180% so với năm 2001.
Đáng chú ý, phần lớn trong tổng số khoảng 280.000 tay súng thánh chiến hiện nay hiện diện ở các quốc gia mà Mỹ có can thiệp quân sự trong 18 năm qua, như Iraq, Afghanistan hay Libya.
Trớ trêu thay, mức độ nguy hiểm của mối đe dọa mà các tổ chức khủng bố đặt ra đối với nước Mỹ lại phụ thuộc đáng kể vào sự ổn định của những quốc gia nêu trên.
Mặt khác, sau 18 năm với 3 đời tổng thống cùng với những chiến lược khác nhau, Mỹ lại bị “sa lầy” tại chiến trường Iraq và cả Afghanistan.
Các tay súng Taliban vẫn tiến hành các cuộc tấn công khủng bố thường xuyên tại Afghanistan, và đây là một phần nguyên nhân khiến các cuộc đàm phán mà Mỹ xúc tiến với Taliban để mở đường cho việc rút quân khỏi chiến trường Tây Nam Á này đổ vỡ mới đây.
Giới quan sát nhận định sự sụp đổ của cuộc đàm phán Mỹ-Taliban có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng bởi nó làm dấy lên lo ngại Taliban sẽ gia tăng các hành vi bạo lực tại Afghanistan để trả đũa.
Điều này cũng làm tiêu tan hy vọng của ông chủ Nhà Trắng đưa tất cả các binh sỹ Mỹ trở về nhà trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Trong khi đó, al-Qaeda có xu thế chia thành những nhóm nhỏ, hoạt động tinh vi hơn và phạm vi hoạt động mở rộng sang tận Trung và Nam Á. Bất chấp phải hứng chịu rất nhiều thất bại ở Syria và Iraq, IS đang có điều kiện để “trỗi dậy trở lại.”
Bên cạnh đó, dù nước Mỹ đã được tôi luyện hơn để có thể chống lại các âm mưu khủng bố, song vẫn dễ tổn thương trước những vụ tấn công nhỏ lẻ.
Trong bối cảnh các công nghệ truyền thông mới nở rộ và sự phát triển của mạng xã hội, chỉ cần một cú “click” chuột máy tính, các đối tượng khủng bố có thể “truyền cảm hứng” cho các phần tử Hồi giáo cực đoan trên toàn thế giới thực hiện một vụ tấn công.
Đây cũng cách thức được sử dụng trong cả vụ đánh bom ở Boston (Bô-xtơn), bang Massachusetts năm 2013 và hộp đêm Pulse, thành phố Orlando, bang Florida hồi tháng 6/2016.
Các lực lượng an ninh chống khủng bố phải chịu sức ép lớn để phát hiện và ngăn chặn những đối tượng “có cảm tình” với IS hay al-Qaeda thực hiện các vụ tấn công theo kiểu “sói đơn độc.”
Sau 18 năm, đúng vị trí các phần tử khủng bố lao máy bay tấn công biểu tượng kinh tế của nước Mỹ giữa lòng New York, một trung tâm thương mại mới đã sừng sững mọc lên, mang lại niềm hy vọng về một nước Mỹ hùng mạnh và đang “vĩ đại trở lại.”
Tuy nhiên, hiểm họa khủng bố vẫn chưa thôi rình rập nước Mỹ và cả thế giới. Có vẻ việc chỉ dựa vào sức mạnh quân sự để chống khủng bố vẫn là một chiến lược còn nhiều khiếm khuyết khi Mỹ và phương Tây đang tạo ra nghịch lý “hận thù, bạo lực” nối tiếp nhau, vô hình trung lại kích động chủ nghĩa khủng bố phát triển.
Điều này phần nào lý giải vì sao Mỹ càng tăng cường chống khủng bố, khủng bố lại có dấu hiệu càng phát triển theo hướng đa dạng và manh động hơn.
Chủ nghĩa khủng bố sinh ra từ sự thù hận, tư tưởng cực đoan mà nguồn gốc chính là sự bất công, phân cực trên thế giới. Do đó, một cách tiếp cận mới bền vững hơn về vấn đề chống khủng bố là điều Mỹ cần tìm kiếm và thúc đẩy để có thể đưa cuộc chiến này đi đến hồi kết./.
Theo Phương Oanh (TTXVN/Vietnam )
18 năm, nhiều người vẫn chết dần, chết mòn vì thảm kịch 11/9
18 năm trôi qua, nhưng những di chứng về bệnh tật để lại sau thảm kịch 11/9 vẫn còn hiện hữu và có thể sẽ tiếp tục kéo dài trong tương lai.
Theo một nghiên cứu công bố tuần trước, các nhân viên cứu hỏa được điều động tới dọn dẹp tàn tích của Trung tâm Thương mại thế giới sau vụ khủng bố 11/9 đang "chết dần, chết mòn" vì các vấn đề sức khỏe, đặc biệt là liên quan tới các bệnh về tim mạch.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA Network Open hôm 6/9 cho thấy có mối liên hệ mật thiết giữa việc bị phơi nhiễm hóa chất sau thảm kịch cách đây 18 năm và nguy cơ mắc bệnh tim mạch lâu dài với các triệu chứng bao gồm đau tim, đột quỵ, đau thắt ngực không ổn định, phẫu thuật động mạch vành và nong mạch vành.
Theo tác giả của nghiên cứu, các nhân viên cứu hỏa tới hiện trường vào ngày xảy ra vụ tấn công có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn 44% những người tới vào ngày hôm sau hoặc muộn hơn. Những người làm việc tại địa điểm này trong 6 tháng trở lên có nguy cơ gặp các biến cố về tim mạch cao hơn 30% so với những người làm việc dưới 6 tháng.
Lính cứu hỏa được điều động tới hiện trường có nguy cơ cao mắc các bệnh về tim mạch. (Ảnh: Getty)
Kể từ năm 2002, hơn 16.000 lính cứu hỏa tham gia vào các hoạt động cứu hộ, phục hồi, dọn dẹp tại Vùng đất trống- nơi tọa lạc Tòa Tháp Đôi, được đưa vào diện kiểm tra và đánh giá sức khỏe toàn diện của thành phố New York và các tổ chức y tế.
Vụ khủng bố 11/9 giải phóng một lượng hóa chất khổng lồ ra không khí. Hàng chục nghìn nhân viên cứu hộ, lính cứu hỏa và tình nguyện viên tham gia vào các nỗ lực cứu hộ và dọn dẹp tại Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC), Lầu năm góc và khu vực xung quanh Shanksville, Pennsylvania trong ngày 11/9 và nhiều tháng sau đó phải tiếp xúc với hỗn hợp đặc biệt nguy hiểm bao gồm amiăng, bụi xi măng, vật liệu xây dựng và khói.
Họ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh ung thư với ung thư tuyến tiền liệt, thận và bàng quang là 3 trong số các loại ung thư thường gặp nhất.
Theo Chương trình Sức khỏe Trung tâm Thương mại Thế giới, chương trình liên bang hỗ trợ về mặt sức khỏe cho những người sống sót sau 11/9, có khoảng 10.000 người bị chẩn đoán mắc ung thư sau vụ việc.
Vào cuối tháng 6, 21.000 trường hợp không thuộc nhóm phản ứng đầu tiên cũng được đưa vào danh sách theo dõi. Trong số này, 4.000 người mắc ung thư, phổ biến nhất là ung thư tiền liệt tuyến, vú và da.
Một nghiên cứu vào tháng 8/2019 cho thấy mức phơi nhiễm đường hô hấp với bụi mà vụ khủng bố 11/9 phát tán vào môi trường có thể gây ra phản ứng viêm và miễn dịch ở mô tuyến tiền liệt liên quan đến ung thư.
Nhiều người chỉ trích giới chức New York hời hợt trong việc đánh giá hậu quả sau thảm họa, không đưa ra cảnh báo cách ly mà vẫn để người dân tiếp diễn nhịp sống bình thường sau ngày 11/9 cách đây 18 năm.
"Mọi người ở đó trở lại với cuộc sống bình thường chỉ vài ngày sau thảm họa. Nhưng thử nhìn vào những gì xảy ra vài năm sau, người ta đang chết dần", Febrillet, 44 tuổi, một trong số 21.000 trường hợp thêm vào mới đây cho biết.
John Mormando không nằm trong số các nhân viên cứu hộ, lính cứu hỏa hay tình nguyện viên có mặt để trợ giúp và hỗ trợ sau thảm kịch, nhưng địa điểm anh làm việc cách không xa Vùng đất trống.
"Chúng tôi quay trở lại làm việc đúng một tuần sau ngày hôm đó. Chúng tôi được thông báo rằng không khí vẫn ổn và chúng tôi cần quay lại làm việc", Mormando nói.
Cách đây hơn 1 năm, Mormando bị chuẩn đoán ung thư vú, căn bệnh hiếm gặp ở nam giới dù gia đình không có ai bị tiền sử mắc ung thư. 14 người sống và làm việc gần Vùng đất trống cũng bị chuẩn đoán mắc căn bệnh quái gở này giống Mormando.
Các chuyên gia sức khỏe thừa nhận rất khó để chỉ ra nguyên nhân mắc ung thư với từng bệnh nhân, nhưng lượng khói bụi mà các trường hợp mắc ung thư hít phải sau thảm kịch cách đây 18 năm có liên quan tới tình trạng sức khỏe hiện tại của họ.
Nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, tỷ lệ ung thư của những người hít phải khói bụi tại hiện trường cao hơn 10-30% so với những người không tiếp xúc.
Tổng thống Trump hồi tháng 7 ký một dự luật để các nạn nhân có thể tiếp tục nhận đề bù và nộp đơn yêu cầu bồi thường tới tháng 12/2020. Quỹ Bồi thường trị giá 7,3 tỷ USD, mức bồi thường trung bình cho các bệnh nhân dao động từ 240.000 USD - 682.000 USD
Các chuyên gia y tế cho rằng các căn bệnh ung thư đều cần thời gian ủ bệnh và có thể đợi tới vài chục năm sau mới phát tác.
"Ung thư không có thời hạn. Nó sẽ không dừng lại một cách kỳ diệu vào một thời điểm nào đó. Sẽ chẳng có thời hạn nào cho ung thư cả", một chuyên gia nói.
Ngày 11/9/2001, cả thế giới bàng hoàng chứng kiến cảnh hai máy bay đâm thẳng tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) trong một loạt khủng bố nhằm vào nước Mỹ. Ngoài Tòa tháp đôi ở New York, một máy bay khủng bố khác đâm vào trụ sở của Bộ Quốc phòng Mỹ ở Washington, chiếc máy bay thứ tư, được cho là nhắm vào Nhà Trắng hoặc Tòa nhà Quốc hội, rơi xuống một cánh đồng ở Shanksville, Pennsylvania.
Thảm kịch khiến gần 3.000 người thiệt mạng và là vụ khủng bố đẫm máu nhất do thế lực nước ngoài gây ra tại Mỹ. Ngoài ra, còn có hơn 6.000 người khác bị thương, trong khi danh tính của hơn 1.100 nạn nhân vẫn chưa được xác định.
(Nguồn: SCMP, NBC News)
SONG HY
Theo VTC
Sốc: Ảnh chưa từng tiết lộ về hiện trường kinh hoàng vụ khủng bố 11/9 Một bác sĩ đầu tiên có mặt tại Ground Zero (mặt đất bằng không) - nơi tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, Mỹ đổ sập trong vụ khủng bố 11/9/2001 vừa lần đầu công bố những bức ảnh ám ảnh về hiện trường ngổn ngang, kinh hoàng sau thảm họa. Nước Mỹ đang tưởng niệm 18...