Nước mắt rơi trong buổi họp phụ huynh đặc biệt
Sáng 20/1, lớp 10A2, Trường THPT TenLơMan (Ernst Thlmann), quận 1, TP.HCM do thầy giáo Phạm Thư Tùng làm chủ nhiệm đã có buổi họp phụ huynh cuối học kỳ 1 năm học 2018-2019 vô cùng đặc biệt. Buổi họp đã lấy đi nhiều nước mắt của phụ huynh, lẫn học sinh và cả giáo viên.
Học sinh tự chia sẻ về quá trình học tập, rèn luyện, trải nghiệm của bản thân trong học kỳ 1
Thông thường, các buổi họp phụ huynh chỉ có giáo viên chủ nhiệm và cha mẹ học sinh. Rất ít khi các em học sinh xuất hiện tại đây. Phụ huynh nhiều người cũng sẵn sàng tâm lý để lắng nghe thầy giáo thông báo về tình hình học tập của con em mình, về kế hoạch của nhà trường hay… thậm chí là về thu chi quỹ lớp.
Học sinh đón phụ huynh trước giờ vào họp
Tuy nhiên, buổi họp phụ huynh của lớp 10A2 sáng 20/1 lại rất khác, tất cả học sinh đều có mặt. Ngay từ sớm, các em đã cùng nhau chuẩn bị món mì ý, bánh mì, nước uống để mời ba mẹ. Những chiếc bàn được bê ra ngoài sân, còn lại 2 dãy ghế, ghế dành cho cha mẹ và ghế để các em ngồi.
Tự tay nấu bữa sáng để mời phụ huynh
Lớp phân công ra nhóm phụ trách đón tiếp phụ huynh, bạn thì chuẩn bị loa máy, bạn thì tập hát, tập đàn… Tất cả đều sẵn sàng cho một buổi họp phụ huynh đặc biệt nhất từ trước tới nay.
Buổi họp phụ huynh khá đặc biệt khi có mặt đầy đủ các học sinh của lớp 10A2
Buổi họp phụ huynh được bắt đầu bằng tiết mục văn nghệ do chính học sinh của lớp biểu diễn. Những bài hát như Đi để trở về 2, Mẹ hãy tin con, Vì tôi còn sống, Chưa bao giờ mẹ kể… được các thành viên trong lớp ngân lên khiến các phụ huynh rất bất ngờ và xúc động.
Thầy chủ nhiệm có 5 phút để trao đổi với phụ huynh về hoạt động nhà trường trong thời gian tới
Thầy giáo Phạm Thư Tùng xin phép 5 phút để nói về một số hoạt động trong thời gian tới của trường, của lớp và sau đó nhường quyền chủ trì buổi họp phụ huynh cho 48 học sinh của mình.
Một tiết mục văn nghệ của các em học sinh
Ngay từ xem clip do học sinh tự chuẩn bị về hành trình của lớp trong học kỳ 1, kèm theo là Clip về tình cha con mà các em được xem trong tiết Giáo dục công dân, nhiều phụ huynh mắt ngấn lệ.
Và những giây phút quan trọng của buổi họp phụ huynh cũng tới từng học sinh lần lượt đứng giữa lớp chia sẻ cho ba mẹ mình biết về kết quả học tập, bản thân đã học được điều gì trong học kỳ qua cũng như những điều mong ước, lời hứa, dự định của các con trong học kỳ tới. Và đặc biệt là những lời nhắn gửi, lời cảm ơn tới ba mẹ và thầy giáo chủ nhiệm của mình.
“Học kỳ vừa qua con đạt 8.5 nhưng do điểm môn Toán không tốt nên con chỉ xếp loại Khá, con biết mẹ không áp lực về điểm số với con nhưng bản thân con vẫn cảm thấy mình chưa thực sự nỗ lực nhất. Con sẽ cố gắng trong học kỳ tới để làm món quà tặng cho ba mẹ”, một học sinh nói.
“Con biết mẹ đã tìm trường để con du học, nhưng mẹ ơi, con rất yêu tập thể này 10A2, đây là ngôi nhà thứ hai của con, đây là ngôi trường con yêu nhất và nghĩ đến việc đi du học là con rất buồn. Con dù chỉ là học sinh Khá thôi nhưng con luôn tự hào là thành viên của lớp 10A2, con tự hào là con mẹ và tự hào là học sinh của giáo viên chủ nhiệm Phạm Thư Tùng. Người con rất biết ơn rất nhiều, truyền cho tụi con năng lượng sống”, một học sinh rưng rưng.
“Học kỳ vừa qua đối với con rất nhiều điều kỳ lạ, đó là tụi con đã gặp được thầy giáo “lạ lùng”, một thầy giáo khác biệt. Mới vào năm học thầy đã cho tụi con một thử thách Bàn tay lửa, rồi thầy cho tụi con bất ngờ từ điều kỳ lạ này tới kỳ lạ khác: tụi con tự làm bánh trung thu, làm đèn lồng đi bán và đi tặng quà cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.
Tụi con tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa rất vui, bổ ích, tụi con học nhảy cha cha cha do thầy trực tiếp dạy, tụi con học chụp hình do thầy chỉ… Thầy không chỉ là thầy mà còn là người bạn, là người anh, là người thân của tụi con”, em Hoài Nam nói.
Phụ huynh xúc động khi nghe các học sinh chia sẻ
“Con cảm ơn ba mẹ đã vất vả chở con ngày ngày tới trường, đã dành cho con điều tốt đẹp nhất. Dù với con đạt thành tích loại Giỏi ở học kỳ 1 nhưng con vẫn thấy bản thân còn cố gắng hơn nữa. Con đã có một học kỳ rất thú vị, con đã rũ bỏ sự lười biếng của bản thân để tham gia nhiều hoạt động của lớp, của trường… Và con cảm ơn thầy giáo chủ nhiệm, cảm ơn tập thể 10A2 đã giúp đỡ, sát cánh cùng với con”, một bạn chia sẻ.
Một học sinh bật khóc khi chia sẻ tại buổi họp phụ huynh
48 em học sinh, 48 lời chia sẻ với phụ huynh, xen lẫn nụ cười là những giọt nước mắt với lời xin lỗi “con xin lỗi ba mẹ vì con chỉ được học lực trung bình. Nhưng con sẽ cố gắng ở học kỳ tới. Ai rồi cũng sẽ vấp ngã, và con tin và hứa với ba mẹ sẽ đứng dậy vững vàng sau khi ngã”…
“Đây là lần đầu tôi được dự buổi họp phụ huynh đặc biệt như vậy. Tôi là người cũng khá dễ xúc động nên đã khóc rất nhiều khi nghe các con lần lượt chia sẻ về điểm số, về mong muốn, về lời hứa… Nó giúp cho chúng tôi hiểu các con hơn, gần gũi hơn và nắm bắt được tâm lý các con, những suy nghĩ, ước mơ… Buổi họp phụ huynh thông thường khá nhàm chán, khô khan nhưng với buổi phụ huynh rất khác lạ hôm nay, tôi vô cùng xúc động và tự hào về các con. Rất cảm ơn thầy chủ nhiệm và các con đã tạo ra một buổi họp phụ huynh đầy ấn tượng, mởi mẻ và xúc động như thế”, cô Nguyễn Thị Mai, phụ huynh của em Duy Bảo chia sẻ.
Thảo Nguyên
Theo giaoducthoidai
Con học giỏi sao cha mẹ lại hoang mang, lo lắng?
Gần như 100% học sinh xếp loại khá giỏi, xuất sắc, nhưng các bậc cha mẹ lại vô cùng lo lắng vì nó không phản ánh chính xác chất lượng dạy-học hiện nay.
Hầu hết các trường học trong cả nước đã tiến hành họp phụ huynh thông báo kết quả học tập học kỳ 1. Trên trang cá nhân, nhiều cha mẹ hân hoan khoe thành tích học tập của con nhưng đằng sau đó cũng ẩn chứa quá nhiều lo lắng.
Áp lực học tập, điểm số đang đè nặng lên học sinh.
Cô bé lớp 3 sát nhà tôi học một trường công lập ở giữa Hà Nội, viết chính tả còn sai be bét, cộng trừ nhầm lẫn liên miên. Cha mẹ cháu rất phiền lòng, phải thuê người dạy kèm, cho học thêm, thỉnh thoảng ức chế còn đánh con... nhưng con cũng không tiến bộ là mấy. Xin nói rõ, cháu là người hoàn toàn bình thường, giao tiếp, sinh hoạt không có gì phải chê trách; nói năng lễ phép, biết nghe lời người lớn, không gây lộn với ai bao giờ. Học kỳ vừa rồi con thi được 2 điểm 9 môn Toán và Tiếng Việt. Các môn học còn lại đều đạt. Cầm phiếu điểm của con trên tay mà mẹ cháu cười méo xệch, bởi biết rằng đó không phải kết quả thực sự của con. Mẹ cháu bảo: "Cháu không được phép có điểm thấp. Mẹ có muốn cho con đúp học lại cũng không được. Bởi, nếu như vậy thì sẽ ảnh hưởng đến thành tích của lớp, của trường".
Có lẽ đây là căn nguyên của câu chuyện học sinh học lực khá giỏi mới được tham gia lớp học của các cô giáo thi giáo viên dạy giỏi? Trường có nhiều giáo viên dạy giỏi, có nhiều học sinh khá giỏi nhưng chưa chắc chất lượng dạy - học đã đạt yêu cầu.
Chúng ta đòi hỏi đổi mới giáo dục, đưa nhiều bộ môn mới vào giảng dạy, cho học sinh thực hành nhưng lại không thay đổi thước đo, chuẩn đánh giá học sinh, giáo viên. Chính điều này đã tạo áp lực vô cùng lớn lên cả người dạy và người học. Cách đánh giá, xếp loại học sinh vẫn dựa vào điểm số lại là cơ hội cho những lớp học thêm, dạy thêm; cha mẹ, học sinh lại bị lôi vào một guồng quay không lối thoát.
Thời chúng tôi đi học, có những bạn học 3 năm 1 lớp, còn chuyện 2 năm một lớp không phải là hiếm. Không biết từ khi nào, giáo dục nước nhà không còn chuyện học sinh lưu ban nữa? Nếu như vậy thì giáo dục đang vì ai, có vì học sinh không?
Đồng nghiệp của tôi cho con sang Úc học. Cuối năm bạn được cô giáo và trường khen. Giấy khen dành cho con không phải vì con vượt trội so với các bạn khác mà là sự tiến bộ của con được so sánh với chính con khi bước chân vào trường. Sự đánh giá này khiến cho con thêm tự tin khi đến trường, con không phải chịu bất kỳ áp lực nào.
Chúng ta đã thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học nhưng vẫn còn quá nặng về điểm số. Giờ đây, nhiều cha mẹ đã "buông" chuyện chạy theo thành tích, muốn con mình có một tuổi thơ thật thoải mái, vui vẻ... nhưng vẫn chưa thực sự thoải mái khi cuối học kỳ, cuối năm học vẫn áp dụng một chuẩn đánh giá.
Nhân lực của ngành giáo dục hiện nay cũng là điều đáng bàn. Thầy giỏi mới có trò giỏi. Vẫn "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm" thì không thể trông mong một sự đột phá về chất lượng nhân lực ngành giáo dục. Thực trạng tuyển sinh vào các trường sư phạm hiện nay đã cho thấy khó tìm được sự bứt phá trong tương lai 5-10 năm tới.
Nếu giáo dục vẫn nặng thành tích, điểm số, vẫn thiếu minh bạch (xin điểm, cho điểm)... thì làm sao tránh cho những học sinh "ảo tưởng" về bản thân? Nguy hại hơn, cách làm này tạo ra sự bất công với chính các em, bởi bạn học kém và giỏi bị đánh giá tương đồng. Điều này cũng tạo ra một thế hệ có tư tưởng sống dựa, ỷ lại vào sự ban phát của người khác.../.
An Nhi
Theo VOV.VN
Khi buổi họp phụ huynh bị chính phụ huynh xem nhẹ Đến giờ họp phụ huynh nhưng chỉ có vài người, nhiều người đến muộn, nhiều người vắng họp không thông báo hay để người giúp việc đi họp thay... Việc họp phụ huynh cho con đang bị chính bố mẹ xem nhẹ. Thời điểm này, nhiều trường trong cả nước tổ chức họp phụ huynh tổng kết học kỳ 1 theo quy mô...