Nước mắt phụ huynh cầu xin cô cho con mình ở lại trường
Khi cô giáo nổi giận, tuyên bố từ chối nhận con học tại trường để phụ huynh tìm nơi khác tốt hơn cho đứa trẻ thì người mẹ mới bật khóc nức nở cầu xin cô cho cháu ở lại trường… để khỏi ai biết là con mình tự kỷ.
Cô Nguyễn Dung, quản lý một trường mầm non ở TPHCM kể, mấy năm trước trường học nơi cô công tác có nhận một trẻ tự kỷ.
Lúc nhập học, khi trường khảo sát các sở thích, năng khiếu, nhất là bệnh lý riêng để trường tiện theo dõi, có phương pháp phù hợp thì bé không có gì đặc biệt. Chỉ có lời gửi gắm của mẹ bé là nhờ giáo viên đứng lớp để ý cháu hơn chút vì “cháu hơi hiếu động”.
Trẻ tự kỷ tại Trường giáo dục đặc biệt Khai Trí, TPHCM vui chơi, sinh hoạt tại trường.
Tiếp đó là những ngày cháu la hét, đánh đấm, cào cấu mà giáo viên đứng lớp bất lực. Mỗi lần như vậy, cô Dung phải vào lớp ôm thặt chặt bé, chịu những cú đấm, cào, cắn, cho đến lúc bé bình tĩnh lại.
Lúc đó, cô cũng chỉ làm theo bản năng của một người mẹ nếu không cháu bé có thể tự đập đầu vào tường, làm mình bị đau. Để rồi sau đó, cô trở về nhà toàn thân đau nhức, bầm dập vì bị bé cắn, cào cấu…
Nhưng điều cô vô cùng bất ngờ là khi trao đổi với phụ huynh về vấn đề của cháu bé, họ không nhận mà thậm chí lúc đầu còn buông lời xúc phạm giáo viên dám nói con họ như thế.
Cô Dung nổi giận thật sự, cô tuyên bố từ chối nhận cháu bé học tại trường để phụ huynh tìm cho con một trung tâm có phương pháp giáo dục đặc biệt hợp và tốt hơn cho con.
Đến lúc này, người mẹ bật khóc nức nở, cầu xin cô cho con ở lại trường, đóng bao nhiêu tiền cũng được. Họ muốn con ở lại đây vì họ thấy con mình có chiều hướng tích cực và hơn hết, lý do quan trọng nhất, người mẹ nói rằng chuyển sang các trung tâm, họ lo sợ bà con, bạn bè sẽ biết… con mình tự kỷ.
Cô Dung đau nhói. Không còn là cái đau đớn bầm dập ngoài da khi chịu trận những cú đấm, cào, cắn đến bật máu của bé mà là nghe nhoi nhói tận trong tim.
“Có thể tôi và nhiều người may mắn khi sinh ra những đứa con khoẻ mạnh nên không thể thông cảm được với nỗi vất vả của những gia đình không may. Nhưng tôi không thể tìm ra câu trả lời, tại sao họ cố giấu khi biết rõ ràng điều đó làm triệu chứng của các bé nặng thêm?” – cô đau đáu với nỗi đau nhiều đứa trẻ tự kỷ không được thừa nhận từ trong gia đình.
Đây không còn là câu chuyện hiếm có, cá biệt về thân phận học trò tự kỷ ở nhiều trường học. Phụ huynh không chấp nhận hoặc vì có người không tìm được trường phù hợp nên làm mọi cách “đẩy” con đến mô hình giáo dục thông thường. Giáo viên ở các trường thông thường họ cũng không có kiến thức, chuyên môn để giao tiếp, giáo dục trẻ đặc biệt, do vậy có thể làm cho tình trạng của trẻ nặng hơn.
Video đang HOT
Trường hợp cô giáo phải “treo” trẻ đặc biệt tại Trường mầm non B Trực Đại (huyện Trực Ninh, Nam Định) mới đây là một nỗi đau và cũng là một bài học.
Phụ huynh tại TPHCM trong một chuyên đề trao đổi về trẻ tự kỷ
Ông Lê Tấn Đạt, đồng sáng lập của Tổ chức The Big Friends, một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ người tự kỷ ở Việt Nam chia sẻ chính chúng ta chưa có nhận thức đúng về trẻ tự kỷ. Nhiều người “chụp mũ” lên đầu phụ huynh con bị tự kỷ là do bố mẹ thế này thế nọ, do xem tivi nhiều, không có thời gian cho con… Trước hết chính phụ huynh cần giải tỏa suy nghĩ này, không tìm kiếm những lý do để đổ tội cho mình.
Có người mẹ khi con bị tự kỷ, đã ngồi lục lọi ghi lại mình đã ăn gì, nói gì, làm gì trong thời gian mang thai. Chính chị tin rằng mình đã làm một cái gì đó và người nhà cũng cho là… như vậy. Cả gia đình cũng làm mọi cách để đưa cháu vào học tại một trường thường vì không chấp nhận… cho con mình vào trường chuyên biệt cho trẻ tự kỷ.
Ông Đạt cũng cho rằng, phụ huynh có con tự kỷ đang mong chờ quá nhiều vào các chuyên gia, bác sĩ, vào một trường học nào đó mà quên mất rằng, người đồng hành quan trọng nhất của con chính là bố mẹ. Hơn bất kỳ ai, bố mẹ cần chuẩn bị tinh thần đi đường dài cùng con trước hết bằng sự chấp nhận con.
Tại TPHCM từng có nhiều hội thảo với câu hỏi “Trường học nào cho trẻ tự kỷ?” nhưng không tìm được câu trả lời. Số trẻ tự kỷ được phát hiện ngày càng tăng, số trường chuyên biệt chăm sóc trẻ tự kỷ không đủ. Phụ huynh vô cùng nan giải đi tìm trường cho con, có khi biết không tốt nhưng vẫn phải “nhắm mắt” cho con vào trường thường. Hoặc có người không thừa nhận con là trẻ tự kỷ nên “ép” con vào học trường thường.
Đến nay, ở Việt Nam, tự kỷ vẫn chưa có trong Luật Người khuyết tật, các em vẫn đứng ngoài mọi chính sách dành cho trẻ em và người khuyết tật.
Và càng đau đớn hơn gấp nhiều lần khi có những đứa trẻ bơ vơ, không được chấp nhận ngay trong gia đình mình, bởi những người sinh ra mình…
Theo Dân Trí
Hành trình cùng con tự kỷ hòa nhập cộng đồng: Gian nan và vất vả
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Việt Nam có khoảng 200.000 người gồm cả trẻ em và người trưởng thành mắc tự kỷ. Trong đó, số lượng trẻ chẩn đoán mắc tự kỷ và điều trị ngày càng tăng.
Làm thể nào để giúp người tự kỷ, đặc biệt là trẻ tự kỷ có thể hòa nhập tốt với cộng đồng vẫn luôn là điều trăn trở đối với các nhà chuyên môn và gia đình các em.
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Liêm - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện nay cộng đồng còn nhiều quan niệm sai lầm về trẻ tự kỷ. Có người coi tự kỷ là một vấn đề liên quan đến tâm linh, thậm chí có người coi tự kỷ là một dạng bệnh tâm thần....
Nhọc nhằn nuôi con tự kỷ
Trẻ tự kỷ nếu được phát hiện và can thiệp sớm khả năng hòa nhập cộng đồng càng cao. (Ảnh minh họa).
Chính những quan niệm sai lầm đó, khiến cho khả năng trẻ tự kỷ được can thiệp sớm, cũng như hòa nhập với cộng đồng ngày càng trở lên khó khăn hơn. Đồng thời, quan niệm sai lầm này cũng chất thêm gánh nặng cho những gia đình có con không may mắc chứng tự kỷ. Thực tế đã có nhiều bậc phụ huynh mắc chứng trầm cảm vì sự kỳ thị, phân biệt đối xử của nhiều người khi con cái họ khác biệt.
Theo các chuyên gia y tế, tự kỷ là một tình trạng thần kinh phức tạp bao gồm những khiếm khuyết trong tương tác xã hội, phát triển ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp kết hợp với hành vi cứng nhắc, lặp đi lặp lại. Chứng tự kỷ thường xuất hiện ngay trong những năm đầu đời của trẻ. Bởi vậy, việc nuôi lớn một đứa trẻ khỏe mạnh đã khó, đồng hành cùng một đứa trẻ mắc chứng tự kỷ với nhiều khác biệt lại càng khó khăn hơn.
Theo các chuyên gia y tế, việc can thiệp, điều trị cho trẻ tự kỷ cần thời gian lâu dài. Trong quá trình điều trị, các bác sĩ nhận thấy đa số trẻ tự kỷ không có khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ tưởng là giống nhau, nhưng thực chất trẻ hoàn toàn khác nhau về biểu lộ hành vi, cảm xúc.
Chính vì vậy các bác sĩ đã xây dựng mô hình can thiệp có tính chất cá thể hóa. "Tức là, có trẻ chúng tôi chú trọng tăng cường về mặt giao tiếp, có trẻ cần can thiệp về vận động tinh, vận động thô, điều hòa cảm giác...
Sốc nặng, không chấp nhận sự thật, đau đớn, hoang mang, bế tắc... đó là tâm lý chung của những bậc phụ huynh khi biết con mình mắc chứng tự kỷ. Đơn cử, chị Vũ Hằng (ở Hà Nội), 5 năm phát hiện con mắc chứng tự kỷ là từng ấy thời gian đong đầy mồ hôi và nước mắt cùng con chiến đấu với bệnh.
"Tôi từng thấy đất trời bỗng nhiên sụp đổ dưới chân khi nhận ra con mình mắc chứng tự kỷ, từng xót xa như xát muối vào lòng khi nhận được lời khuyên đưa con vào Trung tâm dành cho trẻ khuyết tật. Nhưng chính những lời động viên của bác sĩ tại bệnh viện đã kéo tôi ra khỏi hố sâu tuyệt vọng, tiếp thêm nghị lực cho tôi chiến thắng trong hành trình đưa con trở về thế giới của trẻ bình thường".
Chị Hằng cho biết, con trai chị sinh ra hoàn toàn bình thường như các trẻ khác. Tuy nhiên, khi được 26 tháng, con vẫn chưa nói được nhiều như các trẻ đồng trang lứa. Linh cảm có điều gì đó bất thường, gia đình đưa con đến bệnh viện khám thì các bác sĩ nhận định con chỉ chậm hơn trẻ bình thường một chút. Đến 3 tuổi gia đình cho con đi nhà trẻ thì giai đoạn này con tự nhiên mất hẳn ngôn ngữ, không thấy nói năng gì nữa.
Một điều đặc biệt là dù không chịu giao tiếp, nhưng khi được mẹ dạy thì con chị Hằng lại tiếp thu rất nhanh. "Tôi đã lang thang trên rất nhiều trang mạng, đọc tất cả những bài viết về các bà mẹ nuôi dạy con tự kỷ thành công. Trẻ tự kỷ gắn với hình ảnh, nên tôi đã tự tạo ra rất nhiều dụng cụ học tập cho con bằng hình ảnh. Cứ như thế, nhận thức của cháu tiến bộ dần dần", chị Hằng chia sẻ.
Khó khăn chồng chất khó khăn, khi con chuẩn bị vào lớp 1, chị Hằng lại lo sợ không trường nào nhận cháu vào học với nhiều biểu hiện bất thường như vậy. Đứng trước băn khoăn cho con ở lại mẫu giáo hay đi học lớp 1, chị Hằng đã được bác sĩ Thành Ngọc Minh - Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương quả quyết: "Tuy còn nhiều hạn chế về giao tiếp nhưng con chị rất sáng dạ.
Chị nên cho con vào lớp 1, nếu con không học được thì chị học cùng con, cháu ở lại lớp còn hơn cho cháu học mầm non vì lớp 1 là môi trường có kỷ luật. Điều này tốt hơn cho sự phát triển của cháu". Khi đó, chị Hằng biết mình cần phải dừng lại hết công việc, tiếp tục chiến đấu, đồng hành cùng con trên con đường hòa nhập cùng cộng đồng.
Tương tự, chị Nguyễn Thu (Hà Nội) tâm sự: "Con lớn nhà tôi bị tự kỷ, về cơ bản, cháu chậm về ngôn ngữ, nên mọi thứ chậm hơn 1 trẻ phát triển bình thường. Ví dụ 6 tuổi mới đi được xe đạp bốn bánh dù cả nhà ra sức dạy. Và gần như tôi không biết dạy toán cho con thế nào. Đôi lúc nếu nói không nản là không thật lòng. Nhưng mà sau đó tôi đặt yêu cầu thấp hơn cho con. Con chỉ cần nhận biết số và viết đúng số mẹ đọc được là được..."
Tuy nhiên, chị Thu vẫn thấy con mình còn may mắn là được học ở một trường công mà cô hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm và tất cả các bạn trong lớp hết sức quan tâm giúp đỡ. Còn ở nhà, mọi người trong gia đình chị cũng không ép con phải họctheo bất cứ khung chuẩn nào. Chị Thu cũng cho biết, riêng bản thân chị từ lâu đã phải xác định rõ ràng con mình chậm và khác biệt so với các bạn.
Bởi lẽ, mẹ phải ý thức rõ nhất về tình trạng của con thì mới hiểu và đồng hành cùng con được. Theo chị Thu, hiện nay nhận thức của xã hội và của mọi người không trong cùng hoàn cảnh, sẽ rất lâu để có thể được như thông điệp: "Tôi đã hiểu, còn bạn". Nhưng chị luôn mong tất cả các trẻ tự kỷ đều có môi trường hòa nhập tốt, và được nuôi dạy bằng mọi sự thấu hiểu của gia đình.
Cha mẹ phải biết can thiệp đúng cách
Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Thành Ngọc Minh cho biết, đây chỉ là hai trong số rất nhiều trẻ bị chứng tự kỷ hiện nay. Đơn cử, tại Bệnh viện Nhi Trung ương mỗi năm khám và điều trị cho trẻ tự kỷ tăng từ 10-20% (có khoảng 22.000 lượt trẻ đến khám chuyên khoa tâm thần mỗi năm, trong đó 1/3 lượt trẻ đến khám đánh giá tự kỷ).
Cũng theo Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương, việc nuôi dạy con tự kỷ, giai đoạn nào cũng có những nỗi khó khăn, vất vả và không ít khổ đau. Chỉ có tình yêu thương và sự đồng hành suốt đời cùng con, các bậc phụ huynh mới có thể cứu và đánh thức những tiềm năng trong mỗi đứa trẻ tự kỷ. Điều quan trọng, trẻ tự kỷ cần được phát hiện sớm và can thiệp trước tuổi đi học, để trẻ có thể học được các kỹ năng và hòa nhập xã hội sớm. Trong đó, các bậc phụ huynh cần chú ý, triệu chứng của trẻ tự kỷ thường biểu hiện từ lúc nhỏ và mức độ tăng dần, điển hình nhất vào giai đoạn bé 1-3 tuổi.
Do vậy, khi thấy trẻ 6 tháng tuổi mà không hoặc ít phản ứng với âm thanh và tương tác với ánh mắt; 12 tháng không biết bập bẹ; 16 tháng không nói được từ đơn như bà, mẹ... và không có cử chỉ nét mặt cha mẹ nên đưa con đến Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương hoặc Khoa phục hồi chức năng của các bệnh viện tỉnh nơi trẻ sinh sống để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.
Theo các chuyên gia y tế, việc can thiệp, điều trị cho trẻ tự kỷ cần thời gian lâu dài. Trong quá trình điều trị, các bác sĩ nhận thấy đa số trẻ tự kỷ không có khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ tưởng là giống nhau, nhưng thực chất trẻ hoàn toàn khác nhau về biểu lộ hành vi, cảm xúc. Chính vì vậy các bác sĩ đã xây dựng mô hình can thiệp có tính chất cá thể hóa.
"Tức là, có trẻ chúng tôi chú trọng tăng cường về mặt giao tiếp, có trẻ cần can thiệp về vận động tinh, vận động thô, điều hòa cảm giác... Ngoài ra, chúng tôi còn có mô hình đào tạo cho cha mẹ can thiệp cho trẻ tự kỷ tại nhà sau mỗi đợt can thiệp tại bệnh viện, cũng giống như đào tạo cho 1 chuyên gia - rất kỳ công và rất mất thời gian", bác sĩ Thành Ngọc Minh nói.
Trưởng khoa Tâm thần Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho biết thêm, đến thời điểm này, vấn đề giúp trẻ nói được không đặt lên hàng đầu, mà việc làm thế nào giúp trẻ giao tiếp được mới là quan trọng, bởi có tới 50% số trẻ tự kỷ không bao giờ phát triển được ngôn ngữ nói.
"Nếu đứa trẻ bị câm điếc không nói được, khi khát nước có thể biết ra ký hiệu, kéo tay cha mẹ đến chỗ lấy nước, nhưng với trẻ tự kỷ không biết biểu hiện điều đó. Mặt khác, ở trẻ tự kỷ thường có những hành vi, vận động khác thường như tăng động, thiếu tập trung, gặp khó khăn về ăn uống, giấc ngủ, tự làm đau mình... Khi gặp những rắc rối ấy, chúng tôi sẽ đồng hành cùng giúp cha mẹ hiểu và biết cách can thiệp đúng để giảm thiểu những hành vi đó, giúp trẻ sớm hòa nhập tốt với cộng đồng", bác sĩ Thành Ngọc Minh nhấn mạnh.
Minh Khuê
Theo laodongthudo
Khởi động chương trình về trẻ em tự kỷ Việt Nam Chương trình kéo dài từ 2018 - 2022 với hơn 10.000 gia đình và hơn 4.000 trẻ em tự kỷ sẽ được hưởng lợi trực tiếp. PNJ tài trợ 10 tỷ đồng cho chương trình hỗ trợ trẻ tự kỷ. Sáng 2/4, Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ, chương trình "Cùng chong chóng sắc màu lan tỏa yêu thương" thuộc dự...