Nước mắt của những người đàn bà trong phiên tòa xử cá độ bóng đá
Phiên tòa xét xử 9 cầu thủ Ninh Bình tham gia cá độ bóng đá mới diễn ra hôm 25.8 vừa rồi để lại dư vị đắng ngắt, dù mức án dành cho các bị cáo không nặng như vụ cá độ ở tuyển U23 Việt Nam cách đây 9 năm. Cũng tại phiên tòa ấy, người ta lại thấy những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt những người đàn bà là mẹ, là vợ của những cầu thủ đang cúi đầu trước vành móng ngựa.
Mẹ Trần Mạnh Dũng.
Nỗi đau của những người mẹ
Khi nghe tin con trai mình – cầu thủ Trần Mạnh Dũng phải nhận mức án nặng nhất (30 tháng tù giam do cầm đầu đường dây cá độ), bà Nguyễn Thị Kim Oanh không giữ nổi bình tĩnh. Bước ra khỏi tòa, bà Oanh đã dùng những ngôn từ rất mạnh để phản đối mức án mà bà cho là không thỏa đáng. Phản ứng có phần thái quá ấy đã không nhận được sự đồng tình của chính những người thân trong gia đình, người anh bà Oanh (tức là bác ruột của Trần Mạnh Dũng) đã phải dùng tờ báo đánh mạnh vào mặt bà Oanh để bà tỉnh táo lại, ông quát lên giữa sân TAND tỉnh Ninh Bình: “Ngu! Đi về!”. Bà Oanh chợt tỉnh rồi ngồi thừ ra một góc. Thật ra, không ai trách bà, một người mẹ khi đối diện với chuyện con trai mình phải ngồi tù thì làm sao giữ được bình tĩnh.
Với bà Oanh, Dũng là đứa con ngoan. Nhà bà có nghề làm nem giò cũng khá nổi tiếng ở Nam Định nên cuộc sống tuy không gọi là giàu có nhưng cũng không thiếu thốn. Cái ngày bà nhận được tin con trai bà dính vào cá độ bóng đá, bị công an điều tra, bà không tin. Làm gì có cái lý ấy, thằng Dũng con bà đâu có nghèo khổ, tập đá bóng từ nhỏ, trưởng thành rồi vào tuyển Olympic, tuyển QG mấy năm nay, lương bổng cũng khá, bà còn thấy nó mua chiếc xe ôtô để đi lại từ Ninh Bình về Nam Định cho tiện.
Bà bảo, thằng Dũng từ nhỏ chẳng nợ ai nấy một đồng, nó kiếm tiền khá nhưng đâu có tiêu hết, còn đưa cho tôi giữ để tiết kiệm, sau này lập gia đình. Bà cũng bảo, Dũng là đứa biết thương mẹ, khi về nhà thường giúp mẹ gói nem, giò. Hàng xóm vẫn bảo nhà có phúc có được thằng con nổi tiếng đá bóng, kiếm tiền khá lại ngoan. Ai ngờ…
Bà không tin, gọi điện hỏi Dũng thì không được. Bà phải giấu chồng giữa đêm bắt xe từ Nam Định đi Ninh Bình và rồi khi biết chuyện, bà tìm cách gặp bằng được ông bầu Hoàng Mạnh Trường để xin lỗi, để ông tha cho nó.
Hiển nhiên, ngay từ đầu bà đã không tin con bà cầm đầu nhóm cá độ, chính thằng Dũng cũng thừa nhận với bà là không phải nó cầm đầu. Ở hoàn cảnh ấy, ai chẳng buộc lòng mình phải tin. Cho đến khi tòa tuyên án, Mạnh Dũng ở mức nặng nhất trong số 9 cầu thủ, là người duy nhất phải chịu tù ngồi, 8 cầu thủ còn lại nhận án treo, thì bà Oanh không phục. Bà đã khóc nhiều rồi nhưng có lẽ đây là lúc bà phải tỉnh táo, phải tin vào sự công minh của pháp luật bởi lẽ mức án mà Dũng nhận được đã xét đến những tình tiết giảm nhẹ tội như việc tham gia các đội tuyển bóng đá, bản thân chưa có tiền án, tiền sự…
Trong số những cầu thủ đứng hầu tòa, Quang Hùng là cầu thủ có hoàn cảnh khó khăn nhất. Nhà Hùng ở Vụ Bản – Nam Định, bố mẹ Hùng là ông Lê Quang Ba và bà Nguyễn Thị Ngọc đã già. Cách đây 3 năm, người con trai lớn, anh của Hùng không may qua đời vì tai nạn giao thông. Hai ông bà già trông vào Hùng làm trụ cột gia đình, khi cuộc sống bắt đầu yên ả, Hùng thành danh, góp mặt vào tuyển U23, được đá cho V.Ninh Bình với mức lương tháng bằng cả năm lao động của người dân thôn quê. Ấy thế mà Hùng dính vào lao lý. Mất con lớn chưa lâu thì đến lượt thằng nhỏ hầu tòa coi như mất nghiệp, bà Ngọc khóc ngất đi, không tin nổi. Tại tòa, những người tham dự đã lặng đi khi nghe Hùng vừa khóc vừa trình bày là tham gia cá độ để lấy tiền xây mộ cho anh.
Video đang HOT
Nước mắt của những người vợ
Những người dự phiên tòa cũng không khỏi nghẹn ngào chứng kiến cảnh người vợ mới cưới của Gia Từ khóc thút thít và luôn lấy tay quẹt nước mắt khi nghe bản cáo trạng dành cho chồng.
Gia Từ sinh ra trong một gia đình có 8 anh chị em tại huyện nghèo Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh, kinh tế gia đình lúc nào cũng trong cảnh giật gấu vá vai để qua ngày, có thời điểm gia đình Từ luôn nằm trong danh sách hộ nghèo nhất xã. Năm 2008, bố Từ đột ngột ra đi sau một cơn đau tim, gia đình rơi sâu hơn vào khốn khó. Bóng đá là cứu cánh giúp Gia Từ cùng gia đình thoát nghèo.
Từ Hà Tĩnh, Gia Từ nhập V.Ninh Bình và qua bàn tay rèn rũa của HLV Nguyễn Văn Sỹ, Từ dần trưởng thành. Từ một cầu thủ gần như vô danh, Gia Từ được gọi vào đội tuyển một cách bất ngờ nhưng cũng đầy xứng đáng. Năm 2012 coi như một dấu mốc của Gia Từ khi cùng đội tuyển dự AFF Cup 2012 và chỉ hơn một năm sau, Gia Từ đánh dấu thêm một sự kiện trọng đại: Lấy vợ. Cả làng bóng đá xôn xao vì vợ Gia Từ… xinh quá, xinh như một “hotgirl” thực thụ. Như Quỳnh bị ấn tượng bởi vẻ ngoài chân chất của Gia Từ. Hơn nữa, cô biết Gia Từ luôn có ý thức dành dụm để xây cho mẹ một căn nhà dưới quê, thường xuyên gửi tiền về cho các anh chị.
9 tháng sau khi quen nhau, Quỳnh đồng ý kết hôn với Gia Từ, họ chọn đúng ngày tình nhân năm 2013 để làm đám hỏi.
Tại tòa, Quỳnh cũng không thể cầm nước mắt khi tòa hỏi Gia Từ về xuất thân nghèo khổ của anh. Gia Từ chỉ biết ăn năn hối hận và xin cơ hội giảm án để chăm sóc mẹ già đang bệnh cũng như cùng Quỳnh làm lại cuộc đời, có thể là từ tiệm làm tóc mà cả hai mới mở tại Hà Đông (Hà Nội) để thêm thu nhập.
Trong vụ án, có những cầu thủ gật đầu nhận tham gia cá độ vì những lý do rất… đời thường. Khi tòa hỏi, cầu thủ Lê Văn Duyệt nói rằng: “Cá độ lấy 85 triệu đồng để xin việc cho vợ”. Nghe xong, chủ tọa Nguyễn Thành Đoàn lắc đầu ngán ngẩm: “Mỗi bị cáo có một lý do phạm tội. Lý do như thế rất trời ơi”. Tiền ấy là tiền phi pháp và như thế người vợ của Duyệt vẫn chưa có việc làm. Hẳn nhiên, cô cũng không bao giờ đánh đổi và chấp nhận khi biết rằng chồng mình dùng những đồng tiền cá độ để xin việc cho mình…
Theo VNE
Từ ngôi sao sân cỏ tới vành móng ngựa: Đoạn kết buồn của những "chồi non"
Không có đại diện nào của Vissai Ninh Bình xuất hiện trong phiên tòa sơ thẩm xử vụ cá độ tại AFC Cup 2014 của 9 cầu thủ đội bóng đất cố đô.
Cậu cử nhúng chàm
Trong 9 cầu thủ V.Ninh Bình tham gia vào vụ cá độ, Phan Anh Tuấn là người có học vấn cao nhất. Trước khi bước vào cuộc phiêu lưu ở V.Ninh Bình, cầu thủ người Phủ Lý (Hà Nam) này đã kịp tốt nghiệp cử nhân bóng đá, Đại học TDTT Từ Sơn.
Gia Từ không một lần quay lại nhìn người bạn đời Như Quỳnh (áo sọc) trong suốt phiên tòa ảnh: VSI
Cho nên, việc Phan Anh Tuấn gác lại tất cả, cất tấm bằng cử nhân vào tủ để dấn thân với nghiệp quần đùi áo số, kể cũng là chuyện thuộc loại độc đáo trong giới cầu thủ Việt Nam.
Với xuất phát điểm đặc biệt, Phan Anh Tuấn từng được coi là "hàng độc" của HLV Nguyễn Văn Sỹ. Bởi Tuấn được HLV người Nam Định này "nhặt" về V.Ninh Bình, sau khi chứng kiến cầu thủ người Hà Nam này thể hiện trên các sân phủi của đất Nam Định.
Phan Anh Tuấn lặng lẽ tìm chỗ đứng trong màu áo đội bóng đất cố đô. Và thực tế, sau hơn 1 mùa gia nhập V.Ninh Bình và được HLV Nguyễn Văn Sỹ gọt giũa, chàng cử nhân bóng đá này đã tạo dựng một vị trí nhất định. Phan Anh Tuấn cũng là viên ngọc thô, dần được đánh bóng, chẳng khác gì trường hợp trung vệ Nguyễn Gia Từ được Nguyễn Văn Sỹ nhặt về từ đội hạng Ba Hà Tĩnh và chóng vánh nhận vé lên tuyển Việt Nam.
Lẽ ra cuộc phiêu lưu với niềm đam mê của Phan Anh Tuấn có thể kết trái một khi không có phút yếu mềm trên đất Mã. Trớ trêu ở chỗ, cậu cử đá bóng này vốn "dính" nhẹ nhất lại nếm trải cảm giác nghiệt ngã của việc mất tự do, chẳng khác gì những nhân vật chủ chốt là Trần Mạnh Dũng, Nguyễn Mạnh Dũng.
Phan Anh Tuấn không tham gia họp bàn bán độ, chỉ nhận lời "động viên" của Trần Mạnh Dũng khi sắp vào sân từ ghế dự bị: "Vào sân cố gắng ghi nhiều bàn thắng nhé!". Tuy nhiên, sau khi về Việt Nam, Phan Anh Tuấn đã không thoát được khỏi sự cám dỗ, nhận 75 triệu đồng mà Trần Mạnh Dũng chia cho đồng đội sau vụ thắng độ.
"Bị cáo không họp bàn làm độ, nhưng đã nhận đủ 75 triệu đồng được Trần Mạnh Dũng chia cho. Bị cáo biết đấy là tiền thắng độ mà có và lúc này, bị cáo vô cùng ân hận vì không làm chủ được mình trước cám dỗ", Phan Anh Tuấn thốt lên trước phiên tòa.
Cũng may cho Phan Anh Tuấn, mức án mà cậu cử nhân bóng đá này phải nhận là thấp nhất trong 10 bị cáo. Chỉ nghiệt ngã ở chỗ, Phan Anh Tuấn từng phờ phạc vì những ngày bị tạm giam và then chốt nhất, cuộc phiêu lưu với niềm đam mê đành dang dở theo cách chua chát nhất.
Nỗi đau của cô vợ trẻ
Khi Nguyễn Gia Từ bị phát hiện nằm trong nhóm 9 cầu thủ nhúng chàm, rất nhiều người, trong đó có cả HLV Nguyễn Văn Sỹ, đã bị sốc. Sốc ở chỗ, một cầu thủ vốn trầm tư, sống kín và có tiếng là ngoan nhất đội lại dính vào chuyện động trời.
Đối với HLV Nguyễn Văn Sỹ, việc Gia Từ nhúng chàm còn nặng nề hơn cả những đứa em, đứa cháu được ông đưa từ Nam Định về V.Ninh Bình, bởi trung vệ người Hà Tĩnh vốn dĩ được một tay ông gọt giũa từ viên đá thô. Vậy mà Từ lại qua mặt người thầy đã góp công đưa trung vệ này lên thành "sao".
Ở V.Ninh Bình, Gia Từ có tiếng là lành. Hồi mới từ đội hạng Ba Hà Tĩnh ra V.Ninh Bình, Từ chắt chiu từng đồng lương, đồng thưởng gửi về gia đình. Những ánh đèn xanh đỏ, nhậu nhẹt gần như không có bóng của trung vệ này.
HLV Nguyễn Văn Sỹ quý Gia Từ như con trai, dồn hết công sức gọt giũa, nâng đỡ. Thế nên, từ một cầu thủ hạng Ba với đồng lương chưa đầy 3 triệu đồng/ tháng, Từ bật vọt lên tuyển Việt Nam chỉ sau nửa mùa đá chính ở V.Ninh Bình. Tất nhiên, lương thưởng của Từ ở V.Ninh Bình cũng được bầu Trường điều chỉnh, sau những nỗ lực không ngừng.
Tại sao Gia Từ lại đổi thay nhúng chàm và phụ thầy? Giống như 9 cầu thủ nhúng chàm, Từ ân hận và chỉ trực tuôn nước mắt khi đứng trước vành móng ngựa. Suốt phiên tòa, Từ cúi gằm mặt, chịu trận.
Không giống như nhiều đồng đội cùng ngồi trên hàng ghế bị cáo, Từ không một lần quay lại phía sau, nơi có cô vợ trẻ đang thắt từng khúc ruột và những khán giả tò mò, dò xét những người hùng một thời khi sa cơ.
"Bố con đã mất, chỉ còn mẹ già và đang bệnh tật. Vì vậy, con chỉ mong tòa cho con được sớm trở lại cuộc sống đời thường", Gia Từ đau đớn nói lời cuối trước tòa. Từ cuối cùng cũng được tòa ban ân huệ, cho hưởng án treo. Dẫu vậy, giống như nhiều đồng đội khác, cái ngày về thật sự của Từ còn xa lắm, nhất là khi Từ vẫn bị "cách ly" với bóng đá.
Cũng vì thế, trong khi Từ chìm vào trong nỗi ân hận, cô vợ trẻ Như Quỳnh của trung vệ này thổn thức: "Anh Từ nhà em còn cơ hội quay lại với bóng đá không ạ?". Cuộc sống của Từ và Như Quỳnh, giờ trông hết vào tiệm tóc mới mở ở Hà Đông, thay vì được tung hoành trên sân cỏ như thuở nào.
Theo Tienphong
Từ ngôi sao sân cỏ đến vành móng ngựa Bầu Trường vừa tuyên bố, 9 cầu thủ V.Ninh Bình nhúng chàm tại AFC Cup 2014 phải trả lại cho ông số tiền lót tay từng nhận vì vi phạm hợp đồng. Khí chất "anh lớn" Trong phiên tòa sơ thẩm xét xử nhóm cầu thủ V.Ninh Bình cá độ tại AFC Cup 2014, Trần Mạnh Dũng và Đào Đức Lợi được xác...