Nước mắt Cần Giờ
Ngày cuối năm, không khí trĩu nặng bao trùm bãi biển Cần Giờ. 2h sáng 30-12, nước biển rút mạnh, việc tìm kiếm thuận lợi… Các cháu Đoàn Minh Tâm, Lê Trường Duy, Lê Công Hậu được tìm thấy. 5h, thi thể Nguyễn Phan Thành Lâm được đưa lên bờ. Và sau đó, cháu bé cuối cùng bị sóng cuốn trôi là Võ Tấn Tài được gia đình đón nhận trong tiếng khóc xé lòng.
Rất nhiều bậc làm cha mẹ như tôi đã bật facebook liên tục để gửi những lời cảm thông, chia sẻ với các gia đình có con gặp nạn. Xót xa, đau đớn. Mấy hôm trước, đám trẻ giận tôi, vì đã không cho chúng đi Vũng Tàu tham quan với các bạn cùng lớp. Tôi ân hận, công việc cuối năm quá nhiều, cũng vì tôi không yên tâm khi không thể cùng đi, để giám sát chúng, dù các con đã tuổi dậy thì. Trẻ mới lớn thường hay bốc đồng, thích thể hiện, đôi lúc còn muốn khoe tài năng trước các bạn gái, nên liều lĩnh, không lường trước được hiểm nguy rình rập… Bọn trẻ đọc thông tin về nước mắt đang rơi ở Cần Giờ, không nói gì, lặng lẽ nhắn cho nhau điều gì đó. Hôm qua, trẻ trong khu phố tự tổ chức gặp nhau cuối năm. Chúng thắp 7 ngọn nến và cầu mong cho các bạn gặp nạn sớm siêu thoát. Cảm động vì nghĩa cử rất người lớn của các con, nhưng cũng chợt giật mình, trẻ thì chan chứa tình yêu thương, còn chúng ta, vẻ như lãng quên mất…
Tôi nhớ, những ngày cuối tuần, bãi biển 30-4 rất đông, chừng 400-500 người nhưng chỉ có chục bảo vệ, đội cứu hộ chỉ 3-4 người. Cần Giờ ngay gần cửa sông, xói lở liên tục, cứ sóng to là tạo thành xoáy đập mạnh vào bờ. Bãi biển đã có biển cảnh báo nguy hiểm, bảo vệ thường xuyên nhắc nhở người tắm biển, tuy nhiên sự giám sát và phát hiện tai nạn lại không thường xuyên, có thể nói có sự buông lỏng, chủ quan. Thời điểm xảy tai nạn, xấu trời, gió to, rất ít người xuống biển tắm, nhất là ra mấy bãi đá xanh vì sóng rất lớn… Người dân Cần Giờ cho biết, khi nhìn thấy mấy cánh tay chới với, có rất nhiều tiếng kêu cứu, đội cứu hộ đã khá lúng túng, mất nhiều thời gian để kéo canô từ trong nhà ra biển, đến khi ra được thì canô lại không có xăng… Có người bảo, nếu phương tiện cứu hộ luôn sẵn sàng, biết đâu, cả 7 học sinh đã không bị cuốn ra biển!
Đáng tiếc là ông Đinh Quân Tuấn – Đội trưởng lực lượng bảo vệ của khu du lịch 30-4, đã xuống nhắc nhở mấy học sinh không được xuống tắm, dặn cả thầy cô giáo lưu ý nhưng thầy cô chưa kịp làm thì sự cố xảy ra… Phải chăng cả nhà trường, thầy cô và đa phần học sinh đều chưa nhận thức được sự an toàn khi trời lạnh, sóng lớn? Trẻ lớn lên ở thành phố thiếu rất nhiều kỹ năng và đặc biệt là đối phó với những tình huống bất ngờ khi đi dã ngoại. Thầy cô giáo hiện nay, phần lớn chỉ ép trò lao vào học hành, tất cả là học để có kiến thức. Cha mẹ cũng mong muốn con chuyên tâm học, để sau này có nghề nghiệp, có tương lai, song mấy ai để ý, đào tạo các con kỹ năng sống, kỹ năng tự phòng ngừa rủi ro? Các thầy cô không có kinh nghiệm hoạt động xã hội và cộng đồng nên quản lý các em không tốt đã đành, rất nhiều công ty du lịch, vì chạy theo lợi nhuận, cũng bỏ qua khâu quản lý, giám sát và bảo vệ chuyến đi an toàn. Bên cạnh đó có một thực tế ở TP.HCM và các tỉnh lân cận là trào lưu các trường học đua nhau tổ chức cho học sinh đi tham quan, dã ngoại. Nó đang là mốt, trường A mà tổ chức du lịch kém trường B, là khó chịu, cuộc chơi phải tốn kém hơn, hoành tráng hơn… Tất nhiên ai cũng biết, các công ty du lịch luôn đến các trường mời chào, lãnh đạo trường cũng muốn cho học sinh vui chơi ngoài giờ học và nếu đồng ý thì chắc chắn có “lại quả”… Đó là lý do, nhiều trường ép các con phải đi du lịch. Nhiều cha mẹ linh cảm các con đi không an toàn nhưng trẻ vật vã, dỗi hờn, phản ứng tiêu cực… nên đành chiều con vì tin vào nhà trường, tin vào sự “lớn” của con mình. Nhưng các con, dù có trưởng thành thế nào, vẫn khó tránh khỏi vấp ngã. Có những sự vấp ngã không thể làm lại được…
Nỗi đau rồi sẽ lắng. Nhưng sau những tai nạn thương tâm này, ai sẽ chịu trách nhiệm? Ban quản lý bãi biển, nhà trường, hay công ty du lịch… Không thể vì sợ tai nạn mà ngăn cản không cho con tham gia những hoạt động cộng đồng, dã ngoại. Trẻ phải có những cuộc đi mới giúp các con cọ xát, tích lũy kỹ năng sống. Vấn đề ở chỗ, nhà trường, thầy cô và chính cha mẹ phải thường xuyên hướng dẫn, tạo dựng một môi trường tư vấn kỹ năng sống, giúp con bảo vệ bản thân và nâng cao các biện pháp quản lý trẻ trong các chuyến đi sao cho an toàn, tránh những rủi ro đáng tiếc. Mong rồi nước mắt sẽ không tuôn rơi ở Cần Giờ và nhiều nơi khác nữa, vì những nguyên nhân từ nhận thức, sự chủ quan của chính chúng ta.
Theo ANTD
Những nỗi đau tột cùng mang tên "dã ngoại"
Chúng ta vừa trải qua một năm đầy khó khăn. Tuy phía trước, năm 2014 vẫn được dự báo là còn nhiều thử thách, nhưng những tin buồn liên tiếp được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng những ngày gần đây càng khiến người ta mong muốn cho năm "xui xẻo" này qua mau.
Video đang HOT
Dư luận ngày nay hẳn vẫn còn đang sốc trước vụ việc 7 em học sinh cấp II - những đứa trẻ đang ở độ tuổi tràn đầy ước mơ và tương lai phía trước, bỗng chốc bị sóng dữ cuốn đi trong một chuyến thăm quan dã ngoại. Những cái chết bất ngờ của các em không chỉ khiến cho cha mẹ, người thân của các em đau đớn mà rất, rất nhiều người khi biết thông tin đã rơi nước mắt thương xót cho những trái tim đã phải ngừng đập quá sớm.
Dã ngoại là một hoạt động vừa hấp dẫn, vừa bổ ích, đặc biệt là với lứa tuổi học sinh. Cha mẹ, dù khó khăn về kinh tế vẫn cố gáng để các con được hưởng những giờ phút vui vẻ. Tuy nhiên, những cái chết thương tâm trong các chuyến dã ngoại đang khiến nhiều người lo lắng. Những vụ việc dù chỉ là tai nạn bất ngờ, nhưng nó cũng đặt ra một câu hỏi về trách nhiệm của những người tổ chức ra các buổi thăm quan dã ngoại đang ngày càng trở nên phổ biến tại các trường học.
Chi phí dã ngoại không nhỏ
Những năm gần đây, trái ngược với tình trạng kinh tế khó khăn, nhiều bậc cha mẹ phải "thắt lưng buộc bụng" để có tiền cho con đóng học phí, đi học thêm, luyện thi... thì dường như dịch vụ tổ chức thăm quan dã ngoại lại làm ăn phát đạt bởi tần suất các chuyến dã ngoại của các trường học lại tăng thêm.
Khảo sát của PV cho thấy, kinh phí cho mỗi buổi đi dã ngoại của các con không hề nhỏ. Theo lời một phụ huynh học sinh có con học tiểu học ngay tại nội thành Hà Nội thì con chị tham gia một chuyến thăm quan Lăng Bác cũng phải nộp tới 160.000đ/học sinh (không bao gồm ăn trưa).
Trong khi đó, một phụ huynh khác cho biết, con chị học tại một trường tiểu học tại quận Ba Đình, mới đây có tham gia đi dã ngoại do nhà trường tổ chức tại một trang trại tại Gia Lâm bằng phương tiện ô tô. Khi đi, các con phải tự mang theo đồ ăn thức uống, sáng đi lúc 8h và chiều về lúc 3h30 nhưng đã phải chi phí tới hơn 200.000 đồng.
Điều đáng nói, việc đi dã ngoại do nhà trường tổ chức tuy là tự nguyện, nhưng vì giáo viên dùng mọi cách để vừa khuyến khích, vừa "nhắc khéo" về "ý thức tập thể" nên nhiều gia đình hoặc không dư giả về kinh tế, hoặc lo lắng cho sự an toàn của con nhưng vẫn phải bấm bụng cho con đi dã ngoại với nhà trường. Trong khi đó, thậm chí có trường, các cô còn tuyên bố thẳng là phụ huynh không được đi theo lớp trong các chuyến dã ngoại. Lý do thực sự của việc ngăn cản này thì không ai biết, nhưng một số phụ huynh rỉ tai nhau rằng, các cô không muốn phụ huynh chứng kiến tình trạng các con ăn đồ tự mang theo, còn giáo viên thì được Ban tổ chức chiêu đãi tiệc đàng hoàng (?!)
Về chất lượng các chuyến đi dã ngoại cũng là việc cần phải bàn. Một số phụ huynh cho biết, có trường đến mấy năm liền cho các con đi xem xiếc, có trường lại nhiều lần tổ chức đi đến một điểm thăm quan quen thuộc khiến các con nhàm chán. Hơn nữa, không phải chuyến dã ngoại nào cũng có được nhiều hoạt động bổ ích. Có cháu bé cho biết, mang tiếng đi trang trại nhưng lại câu cá bằng... nhựa trong chậu, trồng cây trong... cốc, khiến các con thất vọng.
Không có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau mất con
Tiễn con đi chơi, đón con ở... nhà xác
Ngày nay, việc tạo điều kiện cho các con đi thăm quan, dã ngoại, được tiếp xúc với thiên nhiên và tham gia các hoạt động ngoài trời là điều rất nên làm. Tuy nhiên, trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay thì việc tổ chức thăm quan mỗi năm đến 2-3 đợt, mỗi đợt đều có chi phí lên vài trăm ngàn/học sinh cũng là điều các trường nên cân nhắc. Nhưng quan trọng hơn chính là vấn đề đảm bảo an toàn cho các con trong khi đi thăm quan. Thực tế, đã có rất nhiều cái chết thương tâm xảy ra trong các chuyến thăm quan đó.
Cùng ngày 7 học sinh thiệt mạng trên biển Cần Giờ trong chuyến dã ngoại thì cũng có một em học sinh lớp 6 tại Bến Tre bị sóng biển cuốn trôi khi đi dã ngoại cùng trường. Thi thể của em đã đước tìm thấy vào hôm qua 30/12/2013.
Đó là em Hồ Kim Trọng, 11 tuổi, học sinh lớp 6 Trường THCS Thới Lai, Huyện Bình Đại. Trọng là một thành viên trong đoàn gần 200 học sinh được nhà trường tổ chức đi tắm biển.
Khoảng 13 giờ ngày 29/12, khi cả đoàn đang tắm và vui chơi ở bãi biển Thạnh Hải (xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú) thì gió thổi mạnh, sóng biển dâng cao nên các thầy cô yêu cầu các em lên bờ, không cho tắm nữa.
Tuy nhiên, Trọng và một bạn học cùng lớp do ham chơi nên vẫn tắm biển, và mặc dù có phao nhưng do sóng lớn nên Trọng bị cuốn trôi. Chiều 30/12, lực lượng cứu hộ đã vớt được thi thể em Trọng sau hơn một ngày tìm kiếm.
Trước đó, hôm 4/11, trường THCS Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội) tổ chức cho hơn 500 học sinh, bao gồm cả bốn khối đi dã ngoại tại khu du lịch sinh thái Tây Thiên, Vĩnh Phúc. Khoảng 12h30 cùng ngày, sau khi ăn trưa, một nhóm rủ nhau tới khu suối của khu du lịch để vui chơi, sau đó năm nam sinh xuống tắm mát. Bơi lội một lúc, cả nhóm lên bờ, riêng Nguyễn Linh Quang, học sinh lớp 9D xuống tắm tiếp.
Thấy bàn tay chới với và có tiếng kêu cứu, nhóm bạn tưởng Quang trêu đùa, vì trước đó Quang vẫn bơi bình thường nên không ai để ý. "Nhưng sau đó thấy Quang chìm hẳn, mọi người vội hô hoán, đưa lên bờ nhưng không kịp", một người chứng kiến kể lại sự việc. Giáo viên chủ nhiệm cùng hướng dẫn viên đã có mặt dùng mọi biện pháp để sơ cứu, tuy nhiên Quang đã ngừng thở
Năm 2008, hôm 13/9, ba học sinh lớp 6 của trường THCS Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) đã bị tử nạn tại khu du lịch Thiên Sơn - Suối Ngà. Điều đáng nói là cả ba học sinh lại bị chết đuối trong một chiếc hồ rộng chưa đến 30m2, trước sự có mặt của rất nhiều người lớn.
Trên đây chỉ là ít trong số những vụ tai nạn đau lòng cướp đi sinh mạng của nhiều em học sinh trong các chuyến dã ngoại. Điều đó cho thấy, công tác tổ chức thăm quan, dã ngoại cần phải được quan tâm hơn nữa, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế, vừa bảo đảm an toàn cho học sinh. Ngoài ra, nhiều người cho rằng, ở độ tuổi ngịch ngợm của các em, không thể hoàn toàn giao phó cho các thầy cô và một số hướng dẫn viên của các công ty du lịch.
Trước sự việc đau lòng về 7 học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) chết đuối trong buổi dã ngoại tại biển Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh), ngày 30/12, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương đã có văn bản khẩn chấn chỉnh các trường tổ chức việc tham quan, dã ngoại cho học sinh.
Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường phải dừng ngay việc tổ chức cho học sinh đi tham quan, dã ngoại cho đến hết năm học
Ngọc Quỳnh
Theo_VnMedia
"Cùng lúc mất 3 người bạn thân, em sợ lắm!" "Chúng em đang tắm thì bất ngờ cát dưới chân sụp xuống, chỗ em đứng bị sụp nhẹ nên thoát kịp. Ngoái lại nhìn thì em không thấy các bạn ấy đâu nữa nên vội chạy đi báo cho thầy cô. Mất 3 người bạn thân em sợ lắm!" - em Võ Ngọc Tuấn kể. Học sinh Tuấn vẫn chưa hết bàng hoàng...