Nước đi của Nga trong ván cờ Syria sau “cơn địa chấn” ở Trung Đông
Nga đối mặt với những lựa chọn khó khăn trong việc duy trì hiện diện tại Trung Đông khi chính quyền Tổng thống Syria Bashar Assad sụp đổ chóng vánh.
Năm 2017, từng hàng binh lính Nga mặc quân phục chào đón Tổng thống Vladimir Putin tại Syria. Tuyên bố rằng Moscow đã hoàn thành nhiệm vụ trong cuộc nội chiến ở Syria, ông Putin cam kết rằng Nga sẽ ở lại đất nước này.
“Nếu lực lượng đối lập lại ngóc đầu dậy, chúng tôi sẽ thực hiện các cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ, không giống bất kỳ cuộc tấn công nào mà họ từng thấy”, ông Putin nói trên đường băng của một căn cứ không quân Nga.
Nhưng trong 3 tuần qua, khi phe đối lập tràn vào các thành phố lớn và thủ đô của Syria với mục đích lật đổ một trong những đồng minh thân cận nhất của Nga, Tổng thống Bashar al-Assad, những cuộc tấn công “chưa từng có tiền lệ” đó không còn xuất hiện nữa.
Thay vào đó, với việc chính quyền Tổng thống Assad bị lật đổ, Nga đã phải đối mặt với những đòn giáng mạnh nhất về địa chính trị trong nhiều năm qua. Các nhà phân tích cho biết, Nga phải chịu đòn giáng này phần lớn là do quân đội Moscow đang tập trung nguồn lực cho cuộc chiến ở Ukraine.
“Sự can dự của chúng ta ở đó đã phải trả giá. Cái giá phải trả là Syria”, Anton Mardasov, một nhà phân tích tại Moscow chuyên nghiên cứu về Trung Đông, cho biết, ám chỉ đến cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố “cực kỳ quan ngại” về “những sự kiện kịch tính” và thông báo rằng ông Assad đã rời khỏi đất nước. Nga xác nhận đã cấp quyền tị nạn cho Tổng thống Assad và gia đình ông sau “cơn địa chấn” rung chuyển Syria.
“Đòn giáng” mạnh đối với Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong chuyến thăm tới căn cứ không quân Hmeimim ở Syria vào tháng 12/2017 (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).
Mức độ ảnh hưởng đối với Moscow sau khi chính quyền Tổng thống Assad bị lật đổ vẫn chưa được xác định. Các nhà phân tích cho biết, câu hỏi then chốt là liệu Nga có đạt được thỏa thuận với chính phủ mới của Syria để giữ lại căn cứ hải quân Tartus và căn cứ không quân Hmeimim hay không, nơi ông Putin đã có bài phát biểu chiến thắng vào năm 2017.
Chuyên gia Mardasov cho biết ông không chắc liệu Nga có thể đạt được thỏa thuận như vậy với chính quyền mới của Syria hay không, vì Moscow từng sử dụng các căn cứ đó để không kích áp đảo phe đối lập Syria sau khi Nga can thiệp vào cuộc xung đột ở Syria năm 2015.
Việc mất các căn cứ ở Syria sẽ cản trở một số tính toán của Tổng thống Putin nhằm đưa Nga trở lại vị thế của một cường quốc thế giới, vì chúng rất quan trọng đối với khả năng thể hiện sức mạnh của Điện Kremlin ở những nơi xa xôi như Tây Phi.
“Syria là chỗ đứng thực sự duy nhất của Nga ở Trung Đông và Địa Trung Hải”, Eugene Rumer, giám đốc Chương trình Nga và Âu – Á tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Washington, cho biết.
Ông Rumer cho rằng chiến thắng của phe đối lập đã trở thành “một phần của những gì mà Nga phải trả cho cuộc chiến ở Ukraine”.
Điện Kremlin cũng có khả năng phải chịu tổn thất lớn hơn về hình ảnh của Nga khi chính quyền Syria sụp đổ. Trong cuộc cạnh tranh ngày càng mở rộng của Nga với phương Tây, Tổng thống Putin đã nỗ lực định vị Nga là một quốc gia dẫn dắt quyết đoán, đáng tin cậy của một liên minh toàn cầu chống lại cái mà ông gọi là sự bá quyền của Mỹ.
“Nga có thể đạt được lợi ích gì với tư cách là một đối tác, nếu họ không thể cứu được đối tác lâu đời nhất của mình ở Trung Đông khỏi một nhóm đối lập? Ngoài sự thụt lùi về mặt chiến lược, đây cũng là một đòn giáng về mặt ngoại giao và danh tiếng”, chuyên gia Rumer nhận định.
Người Syria đổ xuống đường sau khi phe đối lập tuyên bố lật đổ chính quyền Tổng thống Assad (Ảnh: Reuters).
Chỉ vài năm trước, Syria nổi lên như biểu tượng lớn nhất cho sự trỗi dậy của Nga trên trường quốc tế. Các cuộc không kích toàn diện của Nga vào các nhóm đối lập đã xoay chuyển tình hình có lợi cho Tổng thống Assad, gửi đi thông điệp rằng Nga đã sẵn sàng sử dụng vũ lực áp đảo để ủng hộ các đồng minh và khẳng định lợi ích của riêng mình.
Ngược lại, Mỹ ngày càng bị coi là một thế lực không đáng tin cậy trong khu vực và đang tách khỏi Trung Đông. Sau khi quyền lực của Tổng thống Assad dường như được đảm bảo, Nga đã sử dụng các căn cứ ở Syria làm điểm trung chuyển để cạnh tranh ảnh hưởng với phương Tây ở các nước châu Phi như Libya, Mali và Cộng hòa Trung Phi.
Video đang HOT
Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Putin quyết định mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào năm 2022, Syria đã “tụt hạng” trong danh sách ưu tiên của Điện Kremlin.
Việc tập trung vào xung đột Ukraine khiến Nga mất cảnh giác khi cuộc tấn công mới của phe đối lập Syria bắt đầu. Nga đã tiến hành các cuộc tấn công vào phe đối lập Syria, nhưng với cường độ ít hơn nhiều so với giai đoạn cao trào của cuộc xung đột trước đây.
Báo New York Times dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, Washington tin rằng điều này là do nhiều máy bay của Nga đã được rút khỏi Syria để hoạt động ở Ukraine.
Các máy bay chiến đấu của Nga, thay vì được gửi đến Syria để thực hiện các chiến dịch ném bom, đã được đưa đến Ukraine. Các tàu chiến của Nga, lẽ ra có thể được điều động từ Biển Đen, thì cuối cùng không thể đi vào Địa Trung Hải vì một hiệp ước cho phép Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa eo biển đối với hải quân của một quốc gia đang có chiến tranh.
Trong khi đó, lực lượng quân sự tư nhân Nga, nhóm Wagner, đã bị giải tán các hoạt động ở Syria vào năm ngoái sau khi thủ lĩnh của nhóm, Yevgeny V. Prigozhin, đã tiến hành một cuộc nổi loạn bất thành chống lại các chỉ huy quân sự Nga.
“Các ưu tiên đã hoàn toàn thay đổi. Không còn thời gian cho Syria nữa”, Denis Korotkov, một nhà báo Nga, một trong những người đầu tiên ghi lại tài liệu về nhóm Wagner, cho biết.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã có cuộc hội đàm với những người đồng cấp Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar, trong khi Tổng thống Putin đã có cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo của hai nước này trong những ngày gần đây.
Trong một dấu hiệu cho thấy Nga có thể tìm kiếm sự hòa giải với chính quyền mới của Syria, truyền hình nhà nước Nga dường như đã “hạ giọng” trong các tuyên bố về các lực lượng đã lật đổ Tổng thống Assad.
Các nhà phân tích cho biết, hy vọng tốt nhất của Nga có thể là đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ – quốc gia hậu thuẫn một số nhóm đối lập – để giúp Moscow duy trì các căn cứ ở Syria. Nhưng vẫn chưa rõ liệu Thổ Nhĩ Kỳ có đủ quyền lực hoặc ảnh hưởng để thuyết phục phe đối lập chấp nhận một thỏa thuận như vậy hay không.
Antonio Giustozzi, một học giả tại viện nghiên cứu RUSI ở London, người đã theo dõi sự hiện diện của Nga tại Syria, cho biết: “Nếu họ có thể bảo vệ được căn cứ của mình và đạt được thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, họ có thể khá hài lòng”.
“Tất cả phụ thuộc vào việc liệu ông Erdogan có thực sự kiểm soát được phe đối lập hay không”, ông Giustozzi nói thêm, đề cập đến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
“Số phận” các căn cứ quân sự Nga
Tàu Nga tại căn cứ hải quân ở cảng Tartus, Syria (Ảnh: AFP).
Syria đóng vai trò trung tâm trong các kế hoạch của Nga nhằm thể hiện sức mạnh trên khắp Trung Đông, bằng chứng là việc Moscow ký kết hợp đồng thuê 49 năm đối với các căn cứ quân sự tại Syria.
Tuy nhiên, sau khi chính quyền Tổng thống Assad bị lật đổ, Nga phải đối mặt với khả năng rằng sự hiện diện của nước này ở Syria có thể sắp đến hồi kết.
“Nga chắc chắn đang làm mọi thứ trong khả năng của mình để duy trì sự hiện diện ở Syria, đồng thời cũng chuẩn bị cho khả năng đây là hồi kết. Việc tiếp cận với giới lãnh đạo mới của Syria vừa là hành động tuyệt vọng vừa là sự chấp nhận thực tế mới”, Ben Dubow, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Phân tích chính sách Châu Âu, nói với trang tin Business Insider.
Các nhà phân tích chỉ ra 3 kịch bản đối với các căn cứ quân sự của Nga tại Syria trong thời gian tới.
Giảm bớt sự hiện diện
Ngay sau khi Tổng thống Assad rời Syria tới Nga, Moscow được cho là đã đạt được một thỏa thuận với chính quyền lâm thời của Syria, do phong trào Hồi giáo Hay’at Tahrir al-Sham lãnh đạo, đảm bảo an ninh cho các căn cứ quân sự của Nga và phe đối lập vũ trang Syria hiện không có kế hoạch tấn công chúng.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu giới lãnh đạo tương lai ở Damascus có sẵn sàng chấp nhận sự hiện diện quân sự lâu dài của Nga hay không.
Hiện tại, một số tàu chiến Nga neo đậu bên ngoài căn cứ Tartus như một biện pháp phòng ngừa và Moscow cũng có những động thái quân sự khác ở Syria.
“Có khá nhiều thiết bị quân sự đã được vội vã rút về vùng ven biển hoặc đang được rút khỏi các vùng xa xôi khác. Vì vậy, các tàu sẽ đến Syria từ Hạm đội Baltic và các máy bay vận tải quân sự đang đến Hmeimim có thể để chuyển những thiết bị này”, Anton Mardasov, một học giả của chương trình Syria thuộc Viện Trung Đông, phân tích.
Bên cạnh căn cứ hải quân Tartus, Nga cũng có một căn cứ không quân lớn ở Latakia là Hmeimim, nơi Moscow đã sử dụng làm bệ phóng để tiến hành các cuộc không kích trên khắp Syria kể từ khi đưa lực lượng tới Syria hỗ trợ chính quyền Tổng thống Assad năm 2015.
“Có thể Nga sẽ không sơ tán hoàn toàn các căn cứ ngay bây giờ. Thay vào đó, họ sẽ chờ cho đến khi một chính phủ mới, có thể được bổ nhiệm sau tháng 3/2025, ban hành một sắc lệnh lên án hoặc hợp pháp hóa hiệp ước trước đây của Damascus với Moscow”, chuyên gia Mardasov cho biết.
Chuyên gia Mardasov chỉ ra rằng, Nga đã duy trì một mạng lưới cơ sở nhỏ hơn trên khắp Syria và có thể di dời các thiết bị liên quan đến các địa điểm đó trong khi vẫn giữ lại những gì cần thiết cho 2 căn cứ lớn.
Theo tổ chức tình báo quốc phòng Janes, Nga còn duy trì một số cơ sở quân sự khác ở Syria, bao gồm 2 căn cứ không quân ở miền trung Syria và 2 địa điểm đặt hệ thống phòng không S-400.
Quân đội Nga đã hiện diện tại các căn cứ ở Manbij và Kobane. Manbij từng là một căn cứ của Mỹ, nhưng Nga đã tiếp quản vào năm 2019 sau khi Washington rút đi. Trong khi đó, Nga đã sử dụng căn cứ Kobane để giám sát thỏa thuận ngừng bắn với Thổ Nhĩ Kỳ. Hãng tin North Press của Syria cho biết lực lượng Nga đã rút khỏi cả 2 căn cứ Manbij và Kobane.
Chuyên gia Mardasov nhận định, việc chỉ duy trì một lực lượng tối thiểu ở Syria sẽ làm mất đi khả năng của Nga trong việc đối phó với lực lượng NATO ở sườn phía nam.
Hiện tại, các quan chức Mỹ tin rằng, trong khi Nga đang thu hẹp sự hiện diện của mình, họ không rút khỏi Syria hoàn toàn. Các quan chức dự đoán Nga sẽ tìm cách bảo vệ quyền tiếp cận các căn cứ không quân và hải quân ở Syria.
Cảnh sát quân sự Nga tại căn cứ không quân Hmeimim ở Syria vào tháng 122017 (Ảnh: Kremlin.ru).
Cách tiếp cận mới
Nga đã ký thỏa thuận thuê có thể gia hạn trong 49 năm với chính quyền Tổng thống Assad vào năm 2017 đối với các căn cứ quân sự tại Syria, dường như để củng cố lực lượng của mình tại quốc gia Trung Đông này trong nhiều thế hệ tới. Hiệp ước thậm chí còn trao cho quân đội Nga quyền miễn trừ pháp lý cho nhân sự của mình tại Syria.
“Tôi không thể nói liệu các thỏa thuận năm 2017 có mang tính ràng buộc hay không, nhưng tại thời điểm này, chỉ có Nga mới có thể thực thi chúng và không có dấu hiệu nào cho thấy họ có ý chí hoặc năng lực để làm như vậy. Nếu Damascus ra lệnh cho Nga rời đi, Moscow sẽ khó có thể chống đỡ được với một cuộc bao vây”, chuyên gia Dubow dự đoán.
Theo các chuyên gia, hy vọng tốt nhất của Nga là cố gắng gia hạn quyền tiếp cận các căn cứ quân sự cho đến khi có thể đạt được các thỏa thuận mới với các nhà lãnh đạo mới của Syria. Nga có thể sẽ phải đưa ra các đề nghị rất hấp dẫn để giành được sự ủng hộ của phe đối lập Syria.
Nga có thể sẽ hỗ trợ tài chính và các ưu đãi kinh tế khác, chẳng hạn giảm giá các sản phẩm nhiên liệu tinh chế, để đổi lấy việc lực lượng cầm quyền mới của Syria chấp nhận sự hiện diện quân sự của Nga.
Tuy nhiên, đây có thể chỉ là những thỏa thuận ngắn hạn.
“Nga khó có khả năng sử dụng các căn cứ này về lâu dài, khi xét đến lập trường phản đối Nga đáng kể trong số các thành viên của chính quyền mới ở Syria sau nhiều năm Nga ủng hộ chính quyền Tổng thống Assad”, Matthew Orr, nhà phân tích về Âu – Á tại tổ chức tình báo rủi ro RANE, cho biết.
Theo ông Orr, chính quyền lâm thời của Syria thậm chí có thể hưởng lợi từ sự hiện diện liên tục của Nga trong ngắn hạn. Điều này có thể cân bằng với sự hiện diện của Mỹ ở phía bên kia đất nước và đóng vai trò là một quân bài mặc cả trong các cuộc đàm phán với các cường quốc khác.
Nhà phân tích Aaron Zelin nói với báo Washington Post rằng, tương lai không chắc chắn của Nga ở Syria có thể tạo đòn bẩy cho các lãnh đạo mới của Syria trong cuộc chơi không chỉ với Moscow mà còn với các cường quốc phương Tây mà họ muốn được nhận viện trợ và giảm nhẹ lệnh trừng phạt.
Chính phủ Syria mới có thể nói rằng “Nga sẽ rời đi nếu các ông hợp tác với chúng tôi, nếu không, họ sẽ vẫn ở lại”, Zelin, thành viên của Viện nghiên cứu Washington, người đã theo dõi lực lượng HTS, cho biết.
Rút quân khỏi Syria
Nếu không đạt được thỏa thuận với chính quyền mới ở Syria, Nga sẽ không còn nhiều lựa chọn.
Nga có thể cố gắng bảo vệ các căn cứ quân sự trong thế giằng co không dễ dàng với lực lượng đối lập do HTS lãnh đạo, đi kèm với rủi ro binh lính của Nga bị tổn hại hoặc bị bắt và phải đối mặt với các phiên tòa xét xử khiến Nga bị tổn hại về mặt danh tiếng. Hoặc Nga có thể sơ tán binh lính và vật tư quân sự bằng đường hàng không.
Vị trí các căn cứ Nga ở Syria (Ảnh: BBC).
“Rõ ràng, một cuộc rút quân đang diễn ra. Nhưng hiện tại vẫn chưa rõ liệu họ sẽ di tản hoàn toàn hay rút quân một phần”, Dara Massicot, chuyên gia cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho biết.
Chuyên gia Orr dự đoán Nga sẽ không rút quân vội vã khỏi Syria. Thay vào đó, Nga có thể đang chuẩn bị “rút quân có trật tự khỏi các căn cứ này, có thể là sau những nỗ lực đàm phán không thành công về việc duy trì các căn cứ trong những tháng tới”, ông Orr cho biết.
“Việc mất các căn cứ này sẽ gây tổn hại đến khả năng triển khai sức mạnh của Nga, vì chúng là những điểm hậu cần quan trọng cho các hoạt động quân sự của Nga ở châu Phi, Trung Đông cũng như các hoạt động hải quân toàn cầu của Nga, và Nga không có các phương án thay thế ngay lập tức cho các căn cứ này”, chuyên gia cho biết thêm.
Tartus vẫn là căn cứ hải quân duy nhất của Moscow ở Địa Trung Hải, khiến cơ sở này đóng vai trò quan trọng đối với bất kỳ hoạt động triển khai kéo dài nào của hải quân Nga ở phía nam Biển Đen và eo biển Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng với Hmeimim, Tartus đóng vai trò là trung tâm hỗ trợ các hoạt động triển khai quân sự và lính Nga ở châu Phi.
Moscow đã tiếp cận Tartus từ thời Liên Xô vào những năm 1970. Hơn nữa, Nga đã đầu tư vào việc mở rộng quân cảng này vào những năm 2010, khiến khả năng mất Tartus càng trở nên khó khăn hơn với Moscow.
Một cảng thay thế của Nga bên ngoài Syria có thể là Tobruk ở miền đông Libya. Chuyên gia Dubow cho rằng cảng Libya gần Ai Cập khó có thể thay thế được Tartus.
“Tobruk sẽ không thể thay thế được Tartus và Latakia. Cảng này vừa nhỏ hơn vừa cách xa Nga hơn nhiều. Ngay cả việc giảm đáng kể sự hiện diện của Nga ở Syria cũng sẽ gây tổn hại rất lớn đến khả năng triển khai sức mạnh của Nga”, chuyên gia Dubow nhận định.
Trong trường hợp này, liệu tổn thất của Nga có thể là lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ không? Thổ Nhĩ Kỳ thân cận với liên minh do HTS lãnh đạo, nhưng nước này cũng có thể không đủ tầm ảnh hưởng để giành được các căn cứ cố định.
“Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ không cần căn cứ Tartus, và việc Thổ Nhĩ Kỳ có được căn cứ này hay không sẽ phụ thuộc vào các điều kiện an ninh trên thực địa. Khả năng như vậy vẫn chưa rõ ràng trong nhiều tháng tới, vì vậy khó có thể xảy ra trong tương lai gần”, chuyên gia Orr cho biết thêm.
“Nhưng nhìn chung, cảng Tartus là nơi mà nếu có một chính phủ thống nhất ở Syria, họ chắc chắn sẽ cố gắng tận dụng để đảm bảo an ninh và kinh tế với một cường quốc, hoặc xóa bỏ căn cứ này như một phần của sự cân bằng địa chính trị giữa các cường quốc”, chuyên gia Orr nhận định.
Tại sao Tổng thống Syria đến thăm Nga?
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Syria đang phục hồi sau nội chiến và nỗ lực bình thường hóa quan hệ với các quốc gia Arab.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) gặp với Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Theo hãng thông tấn TASS, Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Syria Bashar Assad tại Moskva. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về quan hệ thương mại và kinh tế giữa hai nước, tình hình ở Trung Đông và những nỗ lực chung để vượt qua các thách thức trong khu vực.
Ivan Bocharov, điều phối viên chương trình tại Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga (RIAC) cho rằng, ngoài các vấn đề khu vực, hai bên có thể đã đề cập đến việc phục hồi sau cuộc nội chiến của Syria. , Ông Bocharov nhắc lại rằng năm ngoái, Syria đã bình thường hóa quan hệ với một số quốc gia Arab và nước này đã được gia hạn tư cách thành viên trong Liên đoàn các quốc gia Arab, với sự hỗ trợ của Nga.
Chuyên gia Bocharov lưu ý: "Nga ủng hộ nguyện vọng của Saudi Arabia tham gia vào các định dạng hợp tác đa phương, như BRICS, và hỗ trợ đưa các khoản đầu tư từ các quốc gia Arab giàu có vào Syria".
Ông Bocharov cũng dự báo rằng các bên có thể đã thảo luận về tình hình xung quanh Dải Gaza và vấn đề người Kurd ở Syria. Ông Bocharov giải thích: điều này là vì Moskva có thể đóng vai trò trong việc giải quyết cuộc xung đột này thông qua đối thoại giữa Chính phủ Syria và lực lượng người Kurd địa phương.
Về phần mình, Ikbal Durre, Phó Giáo sư tại Đại học Ngôn ngữ Nhà nước Moskva, sau khi Damascus nới lỏng lập trường về việc rút quân của Thổ Nhĩ Kỳ, cơ hội đã mở ra cho khả năng nối lại các cuộc đàm phán giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Trước đây, Tổng thống Assad nhấn mạnh rằng việc bắt đầu bất kỳ cuộc đối thoại nào sẽ phụ thuộc vào việc rút quân. Tuy nhiên, hiện tại, Tổng thống Syria đã sẵn sàng thảo luận về khung thời gian cho việc rút quân.
Chuyên gia Durre lưu ý rằng một điểm bế tắc khác đối với các cuộc đàm phán Thổ Nhĩ Kỳ - Syria là vấn đề người Kurd ở Syria, mà Ankara coi là lực lượng thù địch. Thổ Nhĩ Kỳ không muốn người Kurd sống dọc biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ nhận được bất kỳ địa vị chính trị nào.
Điều này đang làm trì hoãn quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Damascus và Ankara. Ông Durre cho rằng Ankara khó có thể rút quân cho đến khi vấn đề người Kurd được giải quyết, nhưng các cuộc đàm phán có thể khởi động một quá trình hòa giải giữa hai nước thông qua sự trung gian từ Moskva.
Chuyên gia nhận định tấn công Syria có thể gây tác dụng ngược với Israel Mặc dù Israel tuyên bố các cuộc tấn công vào Syria nhằm ngăn chặn vũ khí rơi vào tay các nhóm khủng bố, nhưng thực tế lại có thể làm Syria suy yếu, điều này lại tạo ra mối đe dọa lớn hơn cho an ninh của Israel. Khói lửa bốc lên sau vụ không kích của Israel tại Syria. Ảnh: IRNA/TTXVN Bình...