Nước có nền giáo dục tiên tiến không bao giờ ‘đẩy’ Lịch sử thành môn tự chọn
Nên thay đổi cách dạy, cách tiếp cận, biên soạn tài liệu thay vì đưa môn Lịch sử trở thành môn lựa chọn trong Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Số phận của môn Lịch sử vẫn còn để ngỏ
Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với khối lớp 10 bắt đầu triển khai từ năm học 2022-2023 sẽ chính thức đưa môn Lịch sử trở thành môn “lựa chọn”.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, thầy Lê Đình Hiển – giáo viên Lịch sử tại Hệ thống Giáo dục Tuyensinh247.com cho biết, năm 2015, Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã lồng ghép môn Lịch sử và đưa môn này trở thành môn tự chọn ở cấp trung học phổ thông với tên gọi Công dân với Tổ quốc.
Tuy nhiên, với những góp ý của các nhà khoa học, nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất bỏ môn Công dân với Tổ quốc trong chương trình mới, giữ nguyên môn Lịch sử.
Thầy Lê Đình Hiển (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Năm 2018, Chương trình giáo dục phổ thông mới chính thức ra đời, học sinh bắt buộc học các môn như Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh… còn môn Lịch sử trở thành môn lựa chọn trong nhóm môn Khoa học và xã hội.
Thầy Lê Đình Hiển khẳng định, lịch sử không tạo ra của cải nhưng là môn học giúp phát triển xã hội, phát triển dân tộc và con người.
Video đang HOT
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng dạy: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Ở thời đại ngày nay, biết và hiểu lịch sử không chỉ để “tường” gốc tích, mà còn giúp soi chiếu lối đi đến con đường văn minh, hội nhập, giúp con người tự tin mà không tự ti, nắm bắt thời cơ nhưng thấy rõ nguy cơ, chủ động hội nhập mà không chủ quan khinh suất.
Thực tế, những nước có nền giáo dục tiên tiến không nước nào “đẩy” môn Lịch sử thành môn lựa chọn.
Đừng biện minh hay đổ lỗi khi chưa coi trọng việc học Lịch sử một cách nghiêm túc
Trước những quan điểm cho rằng môn Lịch sử không tạo hứng thú cho học sinh do cách dạy, cách biên soạn tài liệu khô khan, quá nhiều số liệu phải ghi nhớ. Theo thầy Hiển: “Nhiều người nói môn Lịch sử bắt học sinh thuộc lòng nhiều trang giấy, sự kiện, số liệu… nhưng có môn học nào là không cần ghi nhớ.
Đối với môn Toán, học sinh cần thuộc bảng cửu chương và hằng đẳng thức. Với môn Văn, học sinh phải học thuộc lòng nhiều bài thơ. Công thức môn Hóa cũng không ít, các em phải ghi nhớ từng hóa trị, bảng tuần hoàn thì mới có thể giải bài tập một cách dễ dàng.
Vậy học Lịch sử cần nhớ ngày lập quốc, người khai quốc, nhớ những người đổ xương máu, mồ hôi, công sức, trí tuệ để chúng ta được sống trong hòa bình, hạnh phúc có là yêu cầu chính đáng hay không?
Lịch sử đâu chỉ có những số liệu khô khan dù con số ấy phải đổi bằng rất nhiều máu của cha ông ta, trong đề thi cũng không bao giờ hỏi chi tiết về những số liệu này. Vì vậy, đừng biện minh hay đổ lỗi khi chính bản thân không coi trọng việc học môn Lịch sử một cách nghiêm túc”.
Thầy Hiển cho hay, nhiều bạn trẻ hiện nay, nhất là lứa tuổi đang học phổ thông gần như rất ít quan tâm về lịch sử dân tộc.
“Một số bạn trẻ vẫn nghĩ Quang Trung và Nguyễn Huệ là anh em. Điều gì sẽ xảy ra nếu như giới trẻ hiện tại và tương lai không biết gì về lịch sử nước nhà, hoặc nếu biết thì cũng dừng lại những hiểu biết ngây ngô, thậm chí là nhận thức méo mó, lệch lạc?”, giáo viên này bày tỏ lo ngại.
Cũng theo thầy Hiển, không ít học sinh và phụ huynh cho rằng, môn Lịch sử chỉ quan trọng đối với những bạn học khối C, thi khối C. Học sinh ôn khối khác không cần chọn và cũng không cần học, chỉ cần đọc trên mạng, xem phim hoặc đọc sách là đủ.
Thực tế, trong những năm gần đây, số thí sinh lựa chọn môn Lịch sử để xét tuyển đại học chỉ chiếm khoảng 10% tổng số thí sinh. Phổ điểm của môn học này vài năm trở lại đây luôn “đội sổ”. Năm 2021, số thí sinh đạt điểm dưới trung bình chiếm 52% trong tổng số hơn 63 vạn thí sinh chọn Lịch sử để thi tốt nghiệp.
“Theo tôi, suy cho cùng là phải thay đổi trong cách dạy học, cách tiếp cận, biên soạn tài liệu, đổi mới phương pháp, kỹ năng chứ không phải đưa môn Lịch sử trở thành môn học lựa chọn để học sinh nào thích và có khả năng thì mới đăng ký học”, thầy Hiển nêu quan điểm.
Lịch sử là môn tự chọn, nguy cơ bị 'xóa trắng', giáo viên lo thất nghiệp
Giáo viên luôn mong muốn được cống hiến cho nghề, nếu không có môi trường để cống hiến cho ngành nữa thì thực sự sẽ rất nản.
Năm học 2022 - 2023, Chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu triển khai ở lớp 10. Điều đáng nói, môn Lịch sử được xếp vào nhóm lựa chọn thuộc nhóm môn Khoa học và xã hội, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều thầy cô lo lắng cứ đà này thì sau 2 đến 3 năm nữa nhiều giáo viên môn Lịch sử có thể rơi vào viễn cảnh thất nghiệp.
Thầy Đỗ Văn Chiến- giáo viên môn Lịch sử tại Thái Nguyên cho biết, theo thống kê từ các kỳ xét tuyển đại học, cao đẳng thì tỷ lệ các em chọn môn Khoa học tự nhiên và Ngoại ngữ dẫn đầu, chỉ những em có nguyện vọng định hướng nghề nghiệp có liên quan đến Lịch sử thì mới chọn môn này.
Theo thầy Chiến, lâu nay môn Lịch sử luôn được học sinh đánh giá là khó với quá nhiều số liệu, diễn biến cần phải học thuộc nhưng do bắt buộc để thi tốt nghiệp trung học phổ thông nên các em miễn cưỡng phải học. Nhưng khi đưa môn học này trở thành môn lựa chọn thì thầy Chiến dự báo rằng, môn Lịch sử sẽ bị yếu thế nhất so với tất cả các môn lựa chọn. Nếu mục tiêu của các em chỉ học để đỗ tốt nghiệp thì học sinh chắc chắn sẽ chọn những môn nhẹ nhàng, ví dụ như môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ...
Ảnh minh họa: Báo Đại Đoàn kết
Thầy Chiến cho biết, đối với các trường vùng sâu, vùng xa mục tiêu của các em đa số chỉ muốn đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông do các em còn khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức. Đối những em chọn môn Lịch sử đòi hỏi học sinh phải thực sự đam mê yêu thích, tuy nhiên số lượng đó rất ít.
Hằng năm, kết quả môn Lịch sử qua mỗi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông luôn là nỗi trăn trở lớn khi điểm số của môn này luôn đứng top cuối bảng. Điều này một phần xã hội cho rằng giáo viên viên dạy không hay hoặc không có phương pháp phù hợp để khuyến khích các em yêu thích môn học. Tuy nhiên nhìn vào thực tế, do thị trường lao động điều tiết đã một phần tác động lớn đến tâm lý học sinh.
"Xét về cơ chế thị trường học môn Lịch sử sẽ phục vụ cho những công việc như văn hóa xã hội, nghiên cứu, du lịch,... nhưng chỉ tiêu tuyển dụng cho những việc này rất thấp trong khi các ngành kinh tế rất đa dạng. Do đó học sinh có tâm lý dành ít thời gian cho Lịch sử mà chỉ tập trung các môn phục vụ xét tuyển đại học", thầy Chiến cho hay.
Cũng theo thầy giáo này, Chương trình giáo dục phổ thông mới lần đầu triển khai bậc trung học phổ thông do đó đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất chưa thể đáp ứng, khi đó chắc chắn các trường sẽ định hướng học sinh lựa chọn môn học. Tuy nhiên khoảng 2 năm sau trở đi mọi thứ đã chuẩn bị đầy đủ đương nhiên phải thực hiện theo đúng quan điểm, mục tiêu của chương trình các em được toàn quyền lựa chọn.
Như vậy chỉ cần nhìn nhu cầu lao động trong tương lai vài năm tới có thể môn này sẽ không có học sinh lựa chọn ở bậc trung học phổ thông nếu không có biện pháp giải quyết đầu ra cho các em.
Tất nhiên để trở thành một doanh nhân, một lãnh đạo giỏi và có tầm nhìn thì môn Lịch sử có vai trò làm nền tảng cần thiết, nhưng đáng buồn là hiện nay cả phụ huynh và học sinh vẫn chưa nhìn thấy vai trò của lịch sử trong việc phát triển kinh tế xã hội.
Cùng tâm sự trên cô T.N - giáo viên Lịch sử tại Vĩnh Phúc cho biết, chắc chắn học sinh sẽ không lựa chọn môn Lịch sử. Theo số lượng biên chế cả nước hiện nay mỗi trường trung học phổ thông có từ 3 - 4 giáo viên và một số ít trường có 5 giáo viên môn Lịch sử, việc thừa giáo viên buộc nhà trường sẽ cắt giảm đội ngũ, như vậy lượng giáo viên bị ảnh hưởng trực tiếp không hề nhỏ.
"Mục tiêu của chương trình mới cho phép các em chọn môn học theo năng lực và sở thích, nghĩa là chọn các môn theo định hướng nghề nghiệp, như vậy rõ ràng là số lượng giáo viên sẽ không được sử dụng hết dẫn tới bất lợi cho nhiều thầy cô.
Với vai trò là một giáo viên tôi cũng muốn được dạy học phân môn đã được đào tạo theo chuyên ngành đại học, có rất nhiều giáo viên đã học lên trình độ Thạc sĩ và mong muốn được cống hiến cho nghề, nếu không có môi trường để cống hiến cho ngành nữa thì thực sự sẽ rất nản", cô T.N tâm sự.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Đức - giáo viên Lịch sử tại Thái Nguyên cho biết, số đông các thầy cô lo lắng là có cơ sở bởi lâu nay môn Lịch sử vẫn bị coi là môn phụ, ngoài việc lo lắng số tiết được lên lớp không đảm bảo thì trăn trở nhất vẫn là ở chỗ môn học không được đánh giá đúng vị trí và vai trò của nó.
Mô hình giáo dục không áp lực tại Phần Lan khiến nhiều trẻ em ao ước Sự thành công của hệ thống giáo dục đã giúp Phần Lan nổi lên như một nhà lãnh đạo toàn cầu về giáo dục. Vậy điều gì đã khiến nền giáo dục của quốc gia này vượt trội hơn so với nhiều nước khác? Câu trả lời chắc chắn sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên. Vào một buổi chiều tháng 9 ấm áp...