Nực cười: ‘Người trẻ muốn làm việc tốt, phải quên những gì… học ở trường đi’
Học, thi cử, rồi lại học, cho đến khi có được bằng cấp, và khi đi làm, những điều học được ở trường không hẳn là thích hợp với yêu cầu công việc thực tiễn, nhất là với những ngành xã hội. Đây vốn không phải là một thực tế quá gây shock với người Việt Nam.
Học hành ở nhà trường quá áp lực nhưng lại ít thực tiễn. Ảnh minh họa.
Mỗi người Việt chúng ta đều chấp nhận thực tế ấy như một chân lý hiển nhiên và miễn là con cái chúng ta cố học để có đủ các bằng cấp, điều kiện thiết yếu để xin việc, thì bất kể việc chúng không đủ kỹ năng để đi làm, cũng đều được chấp nhận.
Điều này dẫn đến kết quả là hết thế hệ trẻ này đến thế hệ khác thiếu thốn các kỹ năng căn bản khi thực sự bước ra xã hội, bước vào mưu sinh. Và đương nhiên, không tránh khỏi sự tụt lùi trong việc tạo ra một đời sống có chất lượng cao mà mỗi người đều mong muốn.
Hệ thống giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông và phổ cập không nên chỉ là cách thức để đào tạo ra những cỗ máy chỉ biết làm việc kiếm tiền.
Hệ thống giáo dục cần phải cung cấp những nhận thức toàn diện bao gồm ý thức công dân, kỹ năng tương tác xã hội, kỹ năng làm việc, kỹ năng tư duy và thỏa mãn các nhu cầu kiến thức của mỗi người trẻ. Bây giờ chúng ta sẽ cùng xem xét đến các khía cạnh mà tôi vừa đề cập:
Mỗi đứa trẻ lớn lên, đều sẽ trở thành mỗi công dân. Và mỗi công dân cần biết gì? Họ cần biết về quyền và trách nhiệm của người dân trong xã hội, biết các kỹ năng hành chính căn bản. Sẽ thật tệ hại khi một công dân không biết đầy đủ về quyền và trách nhiệm của mình.
Môn giáo dục công dân ở Việt Nam, xét về mặt giáo trình đã có một bước tiến đáng kể trong việc đưa các vấn đề quyền và trách nhiệm của công dân vào chương trình học. Tuy nhiên, những gì học sinh học được là lý thuyết. Ngay chính trong môi trường học đường, những thực hành thiết yếu về quyền và trách nhiệm của ban giám hiệu, thầy cô, học trò, phụ huynh… đều không hề có.
Điều này có thể là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng bạo lực học đường và những xung đột giữa nhà trường và gia đình mà gần đây báo chí thường nhắc đến. Thứ những đứa trẻ cần học, theo tôi, không phải chỉ đơn giản là những bài học đạo đức giáo điều, mà là ý thức tôn trọng pháp luật mà mỗi người trưởng thành xung quanh chúng cũng đều phải thấm nhuần.
Video đang HOT
Ở một khía cạnh khác, mềm mại hơn, chính là tương tác xã hội giữa người với người. Việc lúc nào cũng chăm chỉ lên lớp và phải hòa đồng với cộng đồng chung không hẳn đã giúp mỗi đứa trẻ trở nên tử tế hơn hay có tính người hơn.
Thậm chí, áp lực hòa nhập mà các nhà trường đang cố áp đặt lên mỗi cá nhân cũng đã lỗi thời so với thời đại mà yếu tố cá nhân được đặc biệt coi trọng như ngày nay. Áp lực này chỉ khiến cho những mâu thuẫn theo lối tẩy chay ngày càng gia tăng, và hơn thế nữa, hệ thống giáo dục không giúp học sinh, sinh viên tương tác mà biến họ thành các cỗ máy vận hành theo tập thể.
Kỹ năng làm việc, kỹ năng tư duy và các nhu cầu kiến thức là những gì dễ nhận thấy nhất ở hệ thống giáo dục của chúng ta. Trong suốt quá trình học ở bậc phổ thông, học sinh chỉ được học những kiến thức trong Sách giáo khoa theo lối thầy đọc trò chép và mỗi học trò phải cố gắng làm sao để hoàn thành các bài thi rồi tốt nghiệp.
Việc này chiếm quá nhiều thời gian của một đứa trẻ. Chúng phải học chính khoảng 4-5 tiếng đồng hồ, rồi sau đó phải học phụ đạo khoảng 3-4 tiếng. Như vậy, một đứa trẻ phải “ngồi lì” trên lớp từ 7 đến 9 tiếng, cứ như người lớn đi làm công ăn lương. Đó là còn chưa kể những lịch học dầy đặc ở nhà riêng của các giáo viên choán hết cả thời gian cá nhân.
Thực tế là, nếu những đứa trẻ không thể đạt mục tiêu điểm chác mà chúng mong muốn bằng việc tập trung học trong quãng thời gian học chính (chứ không phải bao gồm cả phụ đạo, học thêm, và học ở nhà) thì lỗi là do cách thiết kế chương trình học và trình độ giáo viên chứ không phải hoàn toàn do lỗi những đứa trẻ.
Tôi xin được nói thẳng, chương trình học phụ đạo là một hình thức giam cầm học sinh ở trường để bù lấp cho sự quá tải của một chương trình học thiết kế thiếu tính giáo dục, sự kém cỏi của giáo viên, và sự thờ ơ của phụ huynh trong việc giúp những đứa con có được kiến thức và kỹ năng hữu ích. Tại sao phải mất chừng ấy thời gian để giam cầm những đứa trẻ trong bốn bức tường trong khi chúng có thể học hỏi từ Internet, các thư viện, các cộng đồng sở thích…
Tình trạng này có giảm bớt khi trở thành sinh viên, nhưng các sinh viên vốn đã được đào tạo suốt 12 năm trong một môi trường hạn hẹp lại không thể thích ứng được với việc chuyển tiếp từ lối học phổ thông sang lối học đại học vốn cần tập trung vào các kỹ năng làm việc. Và ngay cả vậy, thì các kỹ năng này cũng lỗi thời nhanh chóng trong một xã hội mà cái mới được tạo ra từng ngày.
Nhà trường, với sự chậm tiến như tôi đã đề cập ở trên, thực sự đã trở thành một lực cản lớn đối với xã hội. Nhà trường, đáng lý phải là nơi tạo ra những công dân tốt, những nhân tài sẵn sàng cống hiến cho xã hội thì lại ở mãi trong ảo tưởng các thành tích số lượng học sinh giỏi và giáo viên dạy giỏi. Và thật nực cười, khi một người trẻ thực sự bước vào đời, muốn làm việc tốt, lại cần… quên những gì được học ở trường đi.
Theo baophapluat
Hồ hởi từ nước ngoài trở về, giáo sư thành... anh thất nghiệp
Một số địa phương đã có chính sách trải thảm đỏ mời gọi, đãi ngộ người tài, người có bằng cấp về làm việc. Tuy nhiên, chưa có tổng kết xem đã có bao nhiêu người đến rồi đi, ở lại bao nhiêu, có thực đạt yêu cầu đề ra không?
Tôi có một người bạn là tiến sĩ tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật châu Á (AIT), đã làm giáo sư nhiều năm ở một trường đại học Thái Lan, đào tạo nhiều tiến sĩ chuyên ngành. Trường đại học Thái Lan anh giảng dạy bằng tiếng Anh và tiếng Thái.
Vài năm trước, anh hồ hởi trở về nước khi đọc thấy chính sách ưu đãi chuyên gia, lại thấy tỉnh nhà mở trường đại học, anh bèn ứng thí.
Sau khi tiếp anh, người ta biết rõ trường đại học, lĩnh vực của anh, nhưng rất băn khoăn vì anh không có thư giới thiệu của ai cả. Người ta đòi hỏi anh phải có chứng chỉ tiếng Anh. Anh nói anh đã dùng tiếng Anh ba chục năm nay, không còn nhớ mình phải có cái chứng chỉ gì, nếu cần thì anh có thể thi bất kỳ chứng chỉ nào, ngoài ra anh còn có 6 ngoại ngữ nữa có thể đọc, nói, viết sách và dạy ngoại ngữ đó, nếu cần anh sẽ bổ sung chứng chỉ.
Nhưng cái khó là anh không có lời giới thiệu của một quan chức cấp chính phủ. Nếu có sự "gửi gắm" đó thì có thể chứng chỉ tiếng Anh hoãn cũng được.
Anh nói với tôi, anh có học trò, bạn bè nhiều người làm ở chính phủ, ở các tổ chức quốc tế, nhưng vấn đề là, anh có tự trọng để không hành xử đến mức nhờ họ phải giới thiệu cho mình đến lãnh đạo tỉnh. Dù anh biết, có thể chỉ cần một tiếng nói từ trên thôi, nhà trường tất nhiên sắp xếp mọi thứ cho anh.
Anh là người sẵn sàng cống hiến những gì mình có sau hàng chục năm giảng dạy ở nước ngoài, chứ không phải là người thất nghiệp xin việc.
Oái oăm thay, khi trở về, anh đã xin thôi chân giáo sư ở nước ngoài, và trở thành thất nghiệp thực sự.
May thay, trường cũ ở Thái Lan thấy tình cảnh của anh, lại sẵn sàng nhận anh trở lại. Anh làm thêm 6 năm nữa, gần đây mới chuyển sang giảng dạy luân phiên ở Malaysia và trở về ở trong nước. Bây giờ thì anh không muốn cống hiến ở đâu nữa, anh mở lớp dạy tiếng Anh, dạy toán tại nhà.
Bằng cấp không bằng... bằng lòng. Ảnh minh họa
Vừa qua, tôi đi qua địa phương trên đây, đó cũng là quê hương của tôi và anh bạn tôi. Vui chuyện nói lại chuyện năm xưa, một người có chức sắc hiểu chuyện nói: Cũng khó cho tổ chức ở trường đó vì khi mới lập trường, họ nhận được nhiều trường hợp là "con, cháu" được gửi gắm.
Nếu họ "giải quyết" người này thì mất lòng người kia, nên họ cần biết là ai đúng là chuyên gia thứ thiệt, cần soi đến hồ sơ, bằng cấp, chứng chỉ cả, tức là họ cần có "cái ô" để nhà trường đứng ra bảo vệ vì nếu không làm như vậy thì ông cấp cao đè được ông cấp thấp.
Những người không được nhận sẽ phản đối vì họ có cần biết trường nào thứ hạng cao trên thế giới đâu, họ không cần so đo thực tài, chỉ chăm chăm tìm kẽ hở để khiếu nại. Vì thế, những người làm tổ chức ở trường đó cần bằng cấp, cần lời giới thiệu từ "trên" để họ che chắn cho mình, nếu không mất ghế như chơi. Đúng là bằng cấp không bằng bằng lòng.
Như vậy, vấn đề đã hé mở. Đó là các trường đại học thực chất không tự chủ được cơ cấu bộ máy của mình, không tự quyết nhận người tài.
Trường hợp bạn tôi làm giáo sư ở trường đại học nước ngoài, nhưng không có quan hệ giảng dạy trong nước, không được phong phó giáo sư trong nước thì các trường trong nước không dám nhận.
Trớ trêu thay, học trò của anh về nước, làm phó giáo sư, khi so sánh hồ sơ, thì hơn hẳn thầy, thầy chỉ là giáo sư ở nước ngoài, chứ trong nước là "chân trắng".
Trên đây chỉ là câu chuyện về chuyển dịch công việc của một chân giảng dạy đại học, còn biết bao nhiêu chuyện khác về tuyển dụng, sử dụng nhân lực trái khoáy ở nước ta? Nếu không có các chính sách chi tiết, nếu không thay đổi tận gốc việc này thì lời kêu gọi phụng sự tổ quốc đối với những người Việt Nam ở nước ngoài chỉ dừng lại ở mong muốn. Mà có hàng ngàn người Việt Nam tài năng sống trên thế giới và họ không nổi tiếng như Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn...
Họ không nổi tiếng, nhưng công việc của họ, thành tựu của họ đang vượt xa chuẩn tương ứng trong nước, họ cũng có nguyện vọng được góp sức xây dựng Tổ quốc, nhưng con đường về khúc khuỷu thì khó có ai vượt qua.
Nếu chúng ta không định chuẩn lại thang bậc giá trị giáo sư ở Việt Nam, thì việc thực học, thực dạy chưa đâu vào đâu cả.
Chủ trương gọi người tài ở nước ngoài, hay các thủ khoa trong nước về trở thành chuyên viên cấp bộ, hay làm quản lý ở các cơ quan địa phương là rất đáng hoan nghênh, nhưng rõ ràng khi đi vào cụ thể từng trường hợp thì rất nhiều chuyện.
Xuân Hưng
Theo vietnamnet
Người mới tốt nghiệp đại học ở Hồng Kông kiếm được bao nhiêu tiền? Những người mới tốt nghiệp đại học ở Hồng Kông mang tiền về nhà ít hơn so với người mới ra trường cách đây hơn 30 năm và cứ trong 6 người thì có 1 người buộc phải làm việc không cần chuyên môn. Hơn 16% số người tốt nghiệp đại học ở Hồng Kông phải làm công việc không cần chuyên môn...