Nữ tiến sĩ đề xuất cho trẻ học sáng, chơi buổi chiều
TS Vũ Thu Hương đề xuất nội dung cho chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cấp tiểu học theo hướng giảm tải kiến thức, tăng cường kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm.
Dự thảo chương trình phổ thông tổng thể mới nhất được ban hành vào ngày 28/7 đã có nhiều điểm mới, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, giáo viên và phụ huynh. Tuy nhiên, dự thảo chương trình lần này vẫn còn có một số điểm cần bàn đến.
TS Vũ Thu Hương – khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội – có bài viết đề xuất ý tưởng cho chủ đề này. Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Với chương trình phổ thông tổng thể cấp tiểu học, việc quan trọng cần giải quyết mấy vấn đề sau: Giải quyết bệnh thành tích trong giáo viên và phụ huynh; giảm tải cho học sinh; tăng cường kỹ năng sống và các hoạt động trải nghiệm; tăng cường hoạt động thể chất; chuẩn bị kỹ năng và kiến thức lên các cấp học trên; chuẩn bị kỹ năng và kiến thức vào đời; có tầm nhìn xa 20-30 năm.
Với những mục tiêu trên, chương trình cấp tiểu học cần thiết phải có các nhiệm vụ: Giảm số tiết học của học sinh; tăng cường thực hành trải nghiệm và kỹ năng sống; tăng hoạt động thể dục thể thao; giải quyết mâu thuẫn giữa thời gian học của trẻ và khó khăn của cha mẹ khi đi làm cả ngày.
Dựa trên các nghiên cứu phân tích từ chương trình 1979 cho thấy việc bố trí thời lượng học các môn học là vô cùng quan trọng. Dưới đây, tôi xin hiến kế một chương trình cụ thể như sau:
Thời gian bắt đầu tiết một đang xây dựng vào lúc 8h30. Tuy nhiên, tùy từng vùng miền và điều kiện địa phương, thời gian học có thể là 8h hoặc 7h30.
Theo như cách bố trí này, thời gian học của học sinh tiểu học chỉ dồn vào buổi sáng từ 8h30 đến 12h25 với 5 tiết học, mỗi tiết 40 phút. Thời khóa biểu của học sinh chỉ gồm các môn cơ bản như: Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên – Xã hội (Khoa học, Lịch sử & Địa lý), Đạo Đức, Ngoại ngữ, Công nghệ (nếu có), Mỹ Thuật, Hát nhạc, Thủ công.
Buổi chiều là thời gian tự nguyện, nếu các gia đình tự chăm lo được cho con thì sẽ đón về sau 12h25. Những gia đình không có điều kiện thì sẽ gửi con tại trường.
Hoạt động chiều: Thời gian từ 14h-16h30 là các họat động trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống, lao động, thể thao và nghệ thuật.
Chương trình trải nghiệm của học sinh được bố trí bao gồm: 5 buổi/năm học tại bảo tàng; 5 buổi/năm học tại các cơ sở sản xuất; 5 buổi/năm học tại các địa điểm tham quan.
Chương trình bố trí theo điều kiện của từng vùng. Trong đó, chương trình rèn luyện kỹ năng sống bao gồm các kỹ năng sống cơ bản; thoát hiểm và ứng phó; sử dụng vật nguy hiểm; giao tiếp; sử dụng đồng tiền; lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch.
Chương trình lao động bao gồm sản xuất các sản phẩm thủ công; chăm sóc động vật; trồng cây, chăm sóc cây cảnh; hoạt động bảo vệ môi trường; tuyên truyền cộng đồng theo các chủ đề.
Chương trình thể dục thể thao bao gồm các tiết thể dục hàng ngày; các môn thể thao (theo sự lựa chọn của học sinh và phụ huynh).
Video đang HOT
Chương trình hoạt động nghệ thuật bao gồm học vẽ, nặn, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt; học nhạc lý, hát, học sử dụng một số nhạc cụ, múa, nhảy.
Lưu ý, chương trình do trường tự thiết kế cho học sinh thông qua việc liên kết với các cung thiếu nhi, các trung tâm nghệ thuật tại địa phương.
Chương trình thể thao cũng do trường tự thiết kế cho học sinh thông qua liên kết với các cơ sở đào tạo thể thao tại địa phương.
Các phần học đều được kiểm tra đánh giá. Phương pháp kiểm tra đánh giá theo thông tư 22. Các kết quả được xét lên lớp bao gồm Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên – Xã hội, Kỹ năng sống, Thể thao (theo thể trạng của học sinh).
Ưu điểm của chương trình là giảm tải cho học sinh với số tiết học chính thức còn 25 tiết/tuần. Như vậy, thời lượng học của học sinh còn 875 tiết/năm, giảm đáng kể so với chương trình hiện hành, phù hợp với sức khỏe và sự tập trung của học sinh tiểu học.
Thời lượng các hoạt động chiều đủ cho nhu cầu trải nghiệm và hoạt động khám phá của trẻ, đảm bảo được nhiệm vụ định hướng nghề nghiệp ngay từ cấp tiểu học, đảm bảo thời lượng cho các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống.
Theo Zing
Những thay đổi mới nhất của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
Bản dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cập nhật đến ngày 21/7 có nhiều thay đổi so với dự thảo cũ được Bộ GD&ĐT công bố vào tháng 4.
Bản dự thảo mới nhất này được chia sẻ tại hội thảo về giáo dục STEM ngày 25/7.
Cấp tiểu học: Thời lượng tiết học giảm
Số tiết học và tên gọi các môn cấp Tiểu học có nhiều thay đổi. Sự thay đổi dễ dàng nhận thấy nhất trong dự thảo mới đây chính là thời lượng các tiết học giảm xuống rõ rệt trong từng lớp.
Cụ thể, lớp 1, 2 giảm từ 1.147 tiết xuống còn 1.015 tiết; lớp 3 giảm từ 1.147 tiết xuống 1.085 tiết; lớp 4, 5 giảm từ 1.184 xuống còn 1.120 tiết.
Bảng tổng hợp kế hoạch giáo dục ở cấp tiểu học.
Về nội dung, các môn học chỉ còn phân chia thành 2 loại: Môn học, hoạt động bắt buộc và môn học tự chọn chứ không phân thành nhiều loại như trước đây (môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn, nội dung giáo dục của địa phương).
Ở cấp tiểu học, các môn và hoạt động giáo dục bắt buộc nội dung và thời lượng các môn Tiếng Việt, Ngoại ngữ (ở lớp 3, 4, 5) không có sự thay đổi. Riêng số tiết môn Toán lớp 5 giảm từ 210 tiết xuống 175 tiết.
Môn Giáo dục Lối sống trong dự thảo cũ được đổi tên thành Đạo đức, đồng thời giảm thời lượng từ 70 tiết ở các lớp 1, 2, 3 xuống còn 35 tiết.
Môn Cuộc sống Quanh ta (ở các lớp 1, 2, 3) được gộp chung thành một môn Tự nhiên và Xã hội. Ở các lớp 4, 5, môn Tìm hiểu Tự nhiên được đổi thành môn Khoa học.
Còn môn Tìm hiểu Xã hội được đổi thành Lịch sử và Địa lý. Thời lượng học tập không thay đổi.
Môn Thế giới Công nghệ dự kiến dạy ở lớp 1 đến lớp 3 trong dự thảo cũ thì trong dự thảo lần này đã bị bỏ.
Hai môn Tìm hiểu Công nghệ và Tìm hiểu Tin học ở lớp 4 và lớp 5 được thay thế bằng môn học Tin học và Công nghệ với thời lượng bằng thời lượng của 2 môn (70 tiết/năm).
Các môn Giáo dục Thể chất, Nghệ thuật vẫn giữ nguyên như dự thảo cũ.
Ngoài ra, hoạt động tự học có hướng dẫn chiếm thời lượng khá lớn trong dự thảo trước đây bị loại bỏ trong dự thảo mới nhất. Nội dung giáo dục địa phương được đưa vào hoạt động trải nghiệm.
Bên cạnh đó, môn Ngoại ngữ 1 được đưa vào một trong 2 môn học tự chọn cho học sinh ngay từ lớp 1 (cùng với Tiếng dân tộc thiểu số).
Dự thảo mới cũng nêu rõ cấp tiểu học thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học. Mỗi tiết học từ 35 phút đến 40 phút giữa các tiết học có thời gian nghỉ.
Đưa hướng nghiệp từ THCS
Cấp Trung học cơ sở (THCS) các môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1 không có thay đổi so với dự thảo.
Với môn Giáo dục Công dân, thời lượng ở các lớp 8, 9 giảm từ 52,5 tiết/năm xuống còn 35 tiết năm, giống các lớp 6, 7.
Môn Tin học giảm từ 52,5 tiết/năm giảm xuống còn 35 tiết.
Kế hoạch giáo dục cấp THCS.
Môn Công nghệ và Hướng nghiệp đổi tên thành Công nghệ. Thời lượng ở các lớp 6, 7 giảm từ 52,5 tiết/năm xuống 35 tiết/năm, ở các lớp 8, 9 giảm từ 70 tiết/năm xuống 52 tiết/năm.
Thời lượng các môn Giáo dục Thể chất, Nghệ thuật không thay đổi. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo đổi tên thành Hoạt động trải nghiệm.
Mỗi môn học Công nghệ, Tin học, Giáo dục Thể chất được thiết kế thành các học phần; Hoạt động trải nghiệm được thiết kế thành các chủ đề; học sinh được lựa chọn học phần, chủ đề phù hợp nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.
Thời lượng Nội dung giáo dục địa phương ở cấp THCS được tách riêng với khoảng 35 tiết/năm. Các môn tự chọn gồm Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2 với thời lượng 105 tiết/năm.
Điểm mới đáng chú ý nội dung hướng nghiệp được đưa vào từ cấp THCS. Cụ thể, dự thảo mới quy định rõ, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc đều tích hợp nội dung giáo dục hướng nghiệp.
Ở lớp 8 và 9, các môn học Công nghệ, Tin học, Khoa học Tự nhiên, Nghệ thuật, Giáo dục Công dân, Hoạt động trải nghiệm và Nội dung giáo dục của địa phương có học phần hoặc chủ đề về nội dung giáo dục hướng nghiệp.
Với cách tổ chức kế hoạch giáo dục mới, thời lượng giáo dục của cấp THCS giảm từ 58-78 tiết/năm so với dự thảo cũ.
THPT: Có 3 nhóm môn học để định hướng nghề nghiệp
Cấp THPT được gọi là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp có sự thay đổi khá lớn. Nổi bật nhất là dự thảo mới không tách cấp học này thành 2 giai đoạn với 2 tính chất (dự hướng và định hướng nghề nghiệp) như dự thảo trước mà dồn chung thành một giai đoạn, thông suốt từ lớp 10 đến lớp 12.
Cụ thể, giai đoạn này bao gồm các môn học bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục Thể chất, Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Hoạt động trải nghiệm, Nội dung giáo dục địa phương.
Trong đó, môn Giáo dục Thể chất được thiết kế thành các học phần; hoạt động trải nghiệm được thiết kế thành các chủ đề; học sinh được lựa chọn học phần, chủ đề phù hợp nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.
Các môn học được lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp gồm 3 nhóm môn. Nhóm Khoa học Xã hội: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật. Nhóm môn Khoa học Tự nhiên: Vật lý, Hóa học, Sinh học. Nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật.
Nội dung mỗi môn học thuộc nhóm này được thiết kế thành các học phần, học sinh được lựa chọn học phần phù hợp nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường. Học sinh chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn học trên, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn.
Các chuyên đề học tập: Mỗi môn học Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật có một số chuyên đề học tập tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học giúp học sinh tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.
Thời lượng dành cho mỗi chuyên đề học tập từ 10 đến 15 tiết; tổng thời lượng dành cho cụm chuyên đề học tập của một môn là 35 tiết.
Ở mỗi lớp 10, 11, 12, học sinh chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và điều kiện tổ chức của nhà trường.
Về thời lượng giáo dục, nhìn chung, các môn học đặc biệt là lớp 11-12 của dự thảo mới giảm khá nhiều so với dự thảo cũ kể các các môn học bắt buộc cũng như tự chọn. Tổng số tiết học của cấp THPT là 1015 tiết/năm, trung bình 29 tiết/tuần.
Theo Zing
Giáo dục thất bại vì người lớn 'nhồi sọ' học sinh Ông Đào Tuấn Đạt - người phụ trách chuyên môn trường THPT Anhxtanh, Hà Nội - nêu quan điểm cá nhân về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được Bộ GD&ĐT công bố. Sau nhiều lần cải cách, cải tiến, giáo dục của chúng ta vẫn liên tiếp thất bại. Nguyên nhân không phải do chương trình mang nặng tính...