Nữ Tiến sĩ 8X ghi dấu ấn với hàng loạt bài báo quốc tế
Tiến sĩ Phạm Thị Phương Thùy, giảng viên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM ghi dấu ấn với hàng loạt bài báo quốc tế và những phản biện sắc sảo. Mới đây, cô được trao danh hiệu “ Quả cầu Vàng 2018″, lĩnh vực Công nghệ môi trường.
Trong 10 gương mặt được trao giải thưởng “Quả cầu Vàng 2018″, giải thưởng dành cho các tài năng về khoa học công nghệ, nữ Tiến sĩ Phạm Thị Phương Thùy (sinh năm 1983) là người tạo ấn tượng với nhiều nỗ lực và thành tích nổi bật.
TS Phạm Thị Phương Thùy (thứ hai từ phải sang) trong giờ hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học
Tốt nghiệp ĐH Bách khoa, khoa Công nghệ thực phẩm, cô Phương Thùy giành học bổng du học tại Trường ĐH Quốc gia Chonbuk (Hàn Quốc) về ngành Kĩ thuật môi trường. Sau khi có bằng thạc sĩ, cô Thùy tiếp tục ở lại trường làm nghiên cứu sinh. Cô có nhiều năm làm việc tại Singapore trước khi về gắn bó tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM.
Trong quãng thời gian học tập và làm việc, cô Thùy đạt được nhiều kết quả đáng nể đối với hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH). Nữ Tiến sĩ 8X có 17 bài báo khoa học đã công bố trên các tạp chí quốc tế, trong đó 13 bài thuộc danh mục Q1 (4 bài tác giả chính), 4 bài thuộc danh mục Q2 (2 bài tác giả chính); 1 bài báo khoa học là tác giả chính đã công bố trên tạp chí trong nước. Từ năm 2007, khi mới 24 tuổi, cô đã có báo cáo Poster xuất sắc của hội nghị Công nghệ Hóa học tại Hàn Quốc.
Tiến sĩ Phạm Thị Phương Thùy, giảng viên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM vừa được trao danh hiệu “Quả cầu Vàng 2018″ lĩnh vực Công nghệ môi trường.
Cô cũng là tác giả chính của chương sách chuyên khảo xuất bản quốc tế; đồng tác giả giải pháp hữu ích chứng nhận tại Hàn Quốc; là thành viên của một đề tài cấp Bộ đang được triển khai; giải thưởng bài báo SCI được trích dẫn nhiều nhất trong 5 năm (2009-2013) của tạp chí Water Research.
Các công trình nghiên cứu của cô đều tập trung vào vấn đề Xử lý các chất gây ô nhiễm nguồn nước và Độc học môi trường. Theo cô Thùy, lĩnh vực môi trường là quan tâm của toàn thế giới và cũng là tâm huyết của cô. Qua hoạt động NCKH, cô mong muốn có thể góp sức của mình để làm được điều gì đó cho môi trường sống.
Video đang HOT
Trở về nước làm việc sau nhiều năm tập trung NCKH ở nước ngoài, cô Thùy thực hiện mong muốn “âm thầm” là trở thành một nhà giáo, đứng lớp giảng dạy. Bản thân cô cũng ít nhiều buồn lòng vì điều kiện làm việc trong nước hạn chế, chậm chạp, không thay đổi nhiều và thu nhập cũng thấp hơn nhưng có những thứ ở nước ngoài cô không thể có được.
Sự khác biệt về văn hóa, các mối quan hệ trong môi trường nghiên cứu cũng bó buộc bản thân… Trong khi, cô luôn khát khao được là chính mình.
Về nước, cô Thùy vừa làm công tác nghiên cứu và làm một nhà giáo, đây cũng cách để cô nhen nhóm, tiếp động lực về đam mê NCKH cho thế hệ trẻ.
Với tâm thế này, cô Phương Thùy rất quan tâm, chia sẻ với sinh viên, khuyến khích các em đến với NCKH. Với kinh nghiệm của người đi trước, cô luôn động viên sinh viên trau dồi về ngoại ngữ giúp cho việc học tập, NCKH sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, việc giao lưu học hỏi, tìm tòi nghiên cứu tài liệu, các công trình khoa học, tiếp cận những cái mới, cái hay của khoa học thế giới rất nhanh.
Ngoài ra, cô cũng động viên sinh viên học cách kiên trì, nhẫn nại của việc NCKH khi sẽ phải đối diện với rất nhiều khó khăn.
Với cô Phương Thùy, dù theo đuổi đam mê nào thì việc được sống là chính mình là điều rất quan trọng
Quan điểm của cô Thùy trong NCKH là không nghiên cứu nào là thất bại, bởi từ việc mình chưa thành công sẽ mở cho người làm khoa học một hướng đi mới, một nghiên cứu mới. Ý chỉ của người làm khoa học là không bỏ cuộc mà thay vào đó phải không ngừng tìm tòi tài liệu, không ngừng sáng tạo và làm việc hết mình với công việc ấy.
Ngoài những thành tích nổi bật trong NCKH, cô Phạm Thị Phương Thùy cũng nhiệt tình với những hoạt động cộng đồng. Cô tham gia phản biện 2 tạp chí khoa học quốc tế và 1 tạp chí khoa học trong nước; là đại sứ sinh viên quốc tế tại Trường ĐH Quốc gia Chonbuk, Hàn Quốc. Ngoài ra, cô còn tham gia các hoạt động tư vấn chuyên môn cho người dân; năng nổ hỗ trợ các cuộc thi học thuật của các đơn vị, tổ chức…
Lê Đăng Đạt
Theo Dân trí
Thầy giáo với nhiều chuyên đề sáng tạo
Với những đổi mới trong phương pháp giảng dạy, đặc biệt chú trọng vào dạy học theo định hướng STEM, thầy giáo Lê Thiên Phúc, giáo viên môn Sinh học và Công nghệ, Trường THPT Phú Nhuận, TPHCM đã giành giải Nhất tại cuộc thi Sáng kiến Cộng đồng năm 2018 do Sở Khoa học Công nghệ TPHCM tổ chức.
Thầy Lê Thiên Phúc hướng dẫn học sinh trong tiết Công nghệ lớp 10
Đổi mới phương pháp dạy học
Trong 2 năm học vừa qua, thầy Thiên Phúc đã triển khai khoảng 10 chuyên đề dạy học theo định hướng STEM cho học sinh, chủ yếu kết hợp môn Sinh học, Công nghệ, CNTT.
Theo thầy Phúc, học sinh ngày nay thông minh, sáng tạo và đã chủ động nêu quan điểm của mình, học cách phản biện nên nếu cứ gò bó các tiết học theo kiểu "đọc - chép" sẽ khiến các em nhàm chán, không phát huy được năng lực, phẩm chất. Vì vậy, thầy đã trăn trở, tự tìm hiểu, học hỏi, trao đổi với các đồng nghiệp để đổi mới phương pháp dạy học thông các chuyên đề dạy học sáng tạo, chủ yếu tập trung theo định hướng STEM.
Chương trình môn Công nghệ lớp 10 có vấn đề như phân bón, thuốc trừ sâu, chăn nuôi, nông lâm ngư thủy sản, lương thực thực phẩm, tài chính-doanh nghiệp, tiền tệ, kết hợp với môn Sinh học ở học kỳ I của lớp 11, chủ yếu học về thực vật. Thầy đã lồng ghép với môn Công nghệ để giúp học sinh được trải nghiệm thực tế từ việc nhận diện rau nhiễm hóa chất, thuốc trừ sâu và cách trồng rau sạch để ăn; tự tìm hiểu và nắm được thông tin chất dinh dưỡng (protein, lipit, cacbonhidrat, chất xơ, vitamin và khoáng chất...) có trong các loại rau củ quả để từ đó chế biến thành những món ăn ngon.
Để hoàn thành bài học, thầy Phúc chia học sinh thành từng nhóm, tổ chức ghi nhận vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, phỏng vấn. Quá trình này được chụp ảnh, quay hình, dựng thành các clip. Trong đó, các em đóng vai trò là diễn giả, giới thiệu về sản phẩm hoàn chỉnh của mình. Đặc biệt, kết thúc học kỳ I, học sinh đã vô cùng hào hứng khi cùng nhau chuẩn bị bữa tiệc đứng với các món ăn do nhóm mình làm ra. Và đó cũng chính là đề bài kiểm tra của các em với bộ môn Công nghệ.
Thầy giáo Lê Thiên Phúc từng đạt giải Khuyến khích cấp thành phố khi tham gia cuộc thi "Giáo viên sáng tạo trên nền tảng Công nghệ thông tin" do Sở GD&ĐT TPHCM phối hợp với Microsoft tổ chức vào năm học 2016 - 2017 với dự án "Úm ba la biến nha con muỗi"...
Khi xem những clip học sinh tự quay, về việc các em vào chợ, hỏi các cô chú cách phân biệt thịt bò tươi, kinh nghiệm chọn cá, chọn rau như thế nào, rồi mua đồ về tự chế biến... cũng như thuyết trình về món ăn, thầy Phúc rất hài lòng. Qua từng tiết học, các em đã tự tính toán được khẩu phần ăn cho mình, cho gia đình, biết lựa chọn thực phẩm tươi ngon, đi chợ sao cho phù hợp túi tiền... Phụ huynh cũng khá bất ngờ, vì thường ngày, đa phần các em không hề biết đến việc đi chợ, chuẩn bị bữa ăn cho gia đình.
"Tiết học đổi mới không chỉ giúp các em hứng thú, chủ động, tiếp thu kiến thức để vận dụng vào cuộc sống mà còn nâng cao kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình, giao tiếp, kỹ năng tự phục vụ bản thân... Đặc biệt, qua mỗi chuyên đề, nhiều học sinh bộc lộ khả năng vượt trội, thể hiện được sở trường, năng lực về CNTT, khả năng nói trước đám đông, chế biến, bài trí món ăn...", thầy Phúc nói.
Để có tiết học thú vị
Là giáo viên dạy Sinh, thầy Phúc luôn chủ động lồng ghép kiến thức môn học với giáo dục giới tính cho học trò. Từ chuyên đề Sinh sản ở động vật ở môn Sinh lớp 11, thầy khéo léo lồng ghép giúp các em tìm hiểu có định hướng về giáo dục giới tính, các vấn đề nhạy cảm trong cuộc sống, quan hệ tình dục tuổi vị thành niên, sống thử, cách sử dụng bao cao su, tình yêu tuổi học đường; bạo lực học đường, cách tính chu kỳ kinh nguyệt, vấn đề xâm hại...
Nhắc đến những tiết học thú vị với thầy Thiên Phúc, em Nguyễn Hà Ngọc Linh, lớp 11A1 cho biết: Những tiết học của thầy rất thú vị, không khí học tập luôn thoải mái. Thầy đóng vai trò định hướng, sau đó, tụi con bàn bạc để hoàn thành đề tài thầy giao. Thầy không gò bó vào một khuôn khổ mà cho tụi con tự sáng tạo về cách làm từ quay phim, clip đến giới thiệu về món ăn của mình và cả chế biến món. Việc học tập trải nghiệm, với tụi con là bổ ích và hiệu quả".
Với những chuyên đề học tập thú vị, thầy Phúc đã mạnh dạn đưa sáng kiến của mình với tên gọi "Đổi mới phương pháp dạy để tiết học trở nên thú vị, học sinh không nhàm chán" tham gia cuộc thi Sáng kiến cộng đồng năm 2018 do Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM tổ chức và xuất sắc giành giải Nhất.
Theo thầy Phúc, ngày nay giáo viên có cơ hội tiếp cận với những thiết bị dạy học hiện đại, thông minh, cũng như những phương pháp hữu ích và khi vận dụng, phối hợp cùng với các phương pháp truyền thống sẽ giúp việc giáo dục học sinh hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, giáo viên có cơ hội tiếp xúc thêm CNTT, nâng cao về trình độ chuyên môn, kỹ năng mềm; cách lên kế hoạch; sắp xếp tổ chức tiết dạy hợp lý, logic hơn. Đặc biệt, người thầy cũng học hỏi ngược lại từ chính học sinh về các công nghệ mới của thời đại4.0; các phần mềm trò chơi, cập nhật thêm các xu hướng... do học sinh chia sẻ từ việc thực hiện các đề tài được giao.
Thảo Nguyên
Theo giaoducthoidai
Những "bóng hồng" thủ khoa ĐH xuất sắc nhất năm 2018 Bằng ý chí, tinh thần tự học, những nữ sinh này đã đạt danh hiệu thủ khoa đầu ra ĐH cao quý, một trong số họ còn là thủ khoa "kép" Trần Võ Thảo Hương - Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM: Trần Võ Thảo Hương trong buổi nhận bằng tốt nghiệp. Ảnh: Lê Thoa Trần Võ Thảo Hương tốt nghiệp...