Nữ thủ khoa xinh đẹp khối C trường huyện ‘bật mí’ bí quyết đạt điểm cao
Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm nay em Nguyễn Thị Minh Anh, lớp 12D1, Trường THPT Anh Sơn 1 đã đạt số điểm khối C cao nhất huyện Anh Sơn với 27,5 điểm (trong đó Ngữ văn 8,75 điểm, Lịch sử 9 điểm và Địa lý 9 điểm (điểm ưu tiên 0,75).
Đây là thành tích khiến nhiều bạn bè ngưỡng mộ. Tìm đến nhà Nguyễn Thị Minh Anh ở thôn 2, xã Long Sơn, em ấn tượng đặc biệt với chúng tôi bởi có mái tóc xoăn tự nhiên, gương mặt sáng, thông minh và đôi mắt đen láy.
Bố mẹ Minh Anh trước đây là công nhân ở Công ty Xi măng sông Lam 2 nay đã nghỉ hưu, do công việc bận rộn nên cũng không có thời gian và điều kiện kèm con học tập. Chính vì vậy, từ nhỏ Minh Anh luôn tự ý thức việc học là quan trọng nhất đối với tương lai của bản thân, gia đình.
Trong suốt quá trình học, Minh Anh luôn cố gắng không ngừng nghỉ.
Ý chí và sự quyết tâm, nỗ lực của Minh An đã được đền đáp bằng kết quả đáng ghi nhận: 12 năm học sinh giỏi, luôn nằm trong top đầu từ tiểu học đến THPT.
Đặc biệt, ngay từ hồi học THCS, Minh Anh đã là một “hạt nhân” quan trọng trong đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi của trường năng khiếu huyện Anh Sơn và giành giải Nhì cấp tỉnh môn Lịch sử từ năm lớp 9. Năm học lớp 11, Minh Anh đạt giải Khuyến khích môn Lịch sử học sinh giỏi cấp tỉnh. Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, Minh Anh gây ấn tượng khi xuất sắc giành đạt số điểm khối C cao nhất huyện Anh Sơn.
Minh Anh (bên phải) cùng bố và chị gái.
Với Minh Anh, để đạt điểm cao trong kỳ thi vừa rồi, không có bí quyết nào bằng việc tự mình rèn luyện từng giờ, từng ngày. Khối C khá nặng về lượng kiến thức nên trong quá trình ôn tập không những cần siêng năng mà phải có một phương pháp, thời gian biểu phù hợp. Em đã chia việc học thành nhiều giai đoạn với những mục tiêu cụ thể đó là: “Học kỳ một, em tập trung vào việc nắm chắc kiến thức cơ bản, đặc biệt chú ý bám sát sách giáo khoa. Đầu học kỳ 2, song song với việc ôn kiến thức cơ bản, em bắt đầu làm quen với các dạng đề thi cụ thể. Giai đoạn quan trọng nhất là từ cuối học kỳ hai đến trước kỳ thi 1 tháng, em tập trung bồi dưỡng kiến thức và rèn kỹ năng viết bài”.
Video đang HOT
Minh Anh (bên phải) là cây văn nghệ trong các hoạt động ở trường.
“Học khối C mà học thuộc là một sai lầm, vì học khối C phải biết tư duy và xâu chuỗi các sự kiện. Đặc biệt là phải siêng năng rèn luyện viết và đọc nhiều. Ngoài nắm vững kiến thức trên lớp em còn dành thời gian truy cập Internet để tìm hiểu, mở rộng kiến thức. Để có kết quả tốt nhất, trước kỳ thi THPT Quốc gia, Minh Anh tự mua và sưu tập nhiều sách có bộ đề thi thử để ôn luyện và điều quan trọng là không nên ép bản thân phải nhồi nhét kiến thức, phải coi việc học như là một sân chơi, một đam mê, một sở thích mà cố gắng hết sức để chinh phục.”
Nguyễn Thị Minh Anh
Nữ Thủ khoa khối C huyện Anh Sơn tâm sự, tâm trạng lúc vào phòng thi khá hồi hộp nhưng em vẫn cố gắng áp dụng phương pháp làm bài mình định ra từ trước. Việc đầu tiên đó là phải làm hết tất cả câu hỏi bởi chỉ cần bỏ qua 1 câu sẽ ảnh hưởng rất lớn tới kết quả chung của cả bài. Tiếp đó, em chú ý trình bày phần trả lời thành bài có ý, xuống dòng rõ ràng. Việc phân chia thời gian theo từng gói câu hỏi để tránh thiếu giờ, đọc lại bài trước khi ký nộp, theo Minh Anh cũng rất quan trọng.
Với điểm số cao như vậy, Nguyễn Thị Minh Anh đã đăng ký xét tuyển vào ngành Luật Kinh tế Trường Đại học Luật Hà Nội. Vào đại học, em sẽ dành thời gian để bồi dưỡng thêm khả năng Tiếng Anh để có cơ hội phát triển hơn trong công việc sau này.
Thầy cô, hàng xóm đến chúc mừng Minh Anh và gia đình.
“Trong suốt quá trình học, Minh Anh luôn cố gắng không ngừng. Nhà trường, các thầy cô cũng không ngạc nhiên trước số điểm của em đạt được trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa rồi, bởi trước đó, em vẫn luôn giữ vững thành tích rất đáng nể trong học tập. Ngoài học giỏi, Minh Anh còn có năng khiếu múa hát nên ở trường em là cây văn nghệ thường xuyên tham gia đóng góp trong các hoạt động ngoại khóa của nhà trường.”
Cô giáo Lê Thị Giang – Giáo viên chủ nhiệm, cũng là giáo viên dạy môn Ngữ văn của Minh Anh
Thái Hiền
Theo baonghean
4 bí mật khiến đứa con bình thường cũng trở nên hơn người
Nhà tâm lý học Mỹ chọn vài trẻ bình thường trong một lớp bình thường, nói 'chúng rất thông minh'. Ít tháng sau điểm số các em tăng hẳn.
Zhou Yunwei, nhà hoạt động xã hội, chuyên gia từ Trường Tâm lý và Xã hội học Trung Quốc, sáng lập viên của Koala Book Club, đã tập hợp những quy tắc giáo dục nổi tiếng trên thế giới và theo kinh nghiệm của người Trung Quốc:
1. Hiệu ứng Rosenthal
Robert Rosenthal là một nhà tâm lý học người Mỹ. Năm 1968, ông đã làm một thí nghiệm đối với kỳ vọng thành tích học tập của học sinh: Ông đến một trường trung học bình thường, vào một lớp học bình thường và chọn một vài cái tên đưa vào danh sách. Ông nói với hiệu trưởng rằng: "Những em này rất thông minh". Sau đó hiệu trưởng đưa danh sách cho cô giáo chủ nhiệm. 8 tháng sau, Rosenthal và trợ lý quay lại, điểm số của các học sinh trong danh sách tăng lên đáng kể.
Bí quyết cải thiện điểm số của học sinh rất đơn giản, bởi vì các giáo viên chú ý đến chúng nhiều hơn. Bọn trẻ không hề biết chúng được thầy hiệu trưởng ám thị "thông minh", nhưng lại nhận ra sự quan tâm và đánh giá cao hơn của cô giáo.
Nghiên cứu này cho thấy mọi đứa trẻ đều có thể trở thành một tài năng, nhưng phát hiện được khả năng này phụ thuộc vào việc cha mẹ và giáo viên có yêu thương, mong đợi và trân trọng đứa trẻ này như thiên tài không. Hướng phát triển của một đứa trẻ phụ thuộc vào sự kỳ vọng của cha mẹ và giáo viên. Nói một cách đơn giản, bạn mong đợi đứa trẻ trở thành một người như thế nào thì đứa trẻ có khả năng trở thành người như thế.
2. Hiệu ứng gió Nam
Hiệu ứng này bắt nguồn từ câu chuyện ngụ ngôn của tác gia người Pháp - Jean de La Fontaine: Gió Bắc và gió Nam thi nhau xem ai thổi rơi áo khoác người đi đường. Gió Bắc thổi những luồng gió lạnh đến thấu xương. Kết quả người đi đường càng quấn áo chặt hơn. Gió Nam từ tốn thổi những làn gió nhẹ, mọi người cảm thấy mát mẻ nên cởi áo ra hưởng thụ. Cuối cùng gió Nam chiến thắng.
Ảnh: Sohu.
Hiệu ứng gió Nam muốn nói với mọi người, lòng khoan dung có năng lực uốn nắn rất mạnh mẽ. Điều này cũng đúng đối với việc giáo dục trẻ em. Các bậc cha mẹ chỉ trích con cái, cuối cùng càng thấy trẻ ngày không chịu lắng nghe.
Mỗi đứa trẻ đều có thể mắc sai lầm. Cha mẹ nên khoan dung cho những thiếu sót của chúng một cách khách quan, hợp lý và khoa học. Từ đó giúp cho việc giáo dục con cái tốt hơn.
3. Nguyên tắc bể cá thuỷ sinh
Cá vàng vùng nhiệt đới được nuôi trong bể thì tối đa chỉ dài khoảng 30 cm, dù có nuôi lâu thế nào cũng không thể lớn hơn. Nhưng nếu đem loại cá này mà thả xuống ao thì chỉ hai tháng sau con cá ban đầu 30 cm có thể dài đến 34 cm.
Điều này cũng giống như việc giáo dục trẻ em. Sự phát triển của trẻ cần được tự do. Sự bao bọc của cha mẹ giống như một bể cá, trẻ em không thể phát triển nếu cứ ở mãi trong bể cá đó.
Để trẻ lớn lên khoẻ mạnh, cha mẹ nhất định cho con có không gian chơi tự do. Thuận theo tiến bộ xã hội, kiến thức đời sống, cha mẹ nên kiềm chế những tư tưởng của mình để trẻ có không gian tự do phát triển.
4. Nguyên tắc tính cách của sói
Sói là loài động vật hiếu kỳ nhất trên thế giới. Chúng không xem bất cứ thứ gì là điều tất yếu, mà có khuynh hướng tự nghiên cứu và trải nghiệm. Những điều mới lạ của tự nhiên sẽ luôn khiến các con sói ngạc nhiên.
Vì chúng không ngừng tìm kiếm thức ăn ở các môi trường khác nhau, chúng hiểu được sự nguy hiểm, nên có năng lực sống sót mạnh mẽ.
Để nuôi dưỡng khả năng học tập tốt của con cái, chúng ta phải nuôi dưỡng sự tò mò của trẻ em về thế giới. Hãy hướng cho chúng quan sát cuộc sống một cách tỉ mỉ, lấy hứng thú làm mục đích của học tập. Một đứa trẻ như vậy sẽ trở thành một ngôi sao sáng trên con đường tương lai.
Huyền Trang (Nguồn: Haiwai, Sohu)
Theo VNE
Mẹ Hà Nội chi hàng trăm triệu đồng thay đổi tư duy quý tử Chị Thọ không ngần ngại ký bản hợp đồng 'cố vấn cuộc sống' giá trị cao nhất cho con trai, với hy vọng con hoàn thiện tốt các kỹ năng. Sau gần một năm ký hợp đồng cố vấn cuộc sống cho con trai 16 tuổi, chị Nguyễn Thọ, sinh năm 1978, ở Thanh Xuân, Hà Nội, hiện làm ở một công ty...