Nữ thủ khoa khiếm thị
Bị khiếm thị từ năm 10 tuổi, nhưng với những nỗ lực vượt bậc, Đào Thu Hương tốt nghiệp thủ khoa Tiếng Anh ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2010.
Cùng với 120 thủ khoa các ĐH, Học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2010, Thu Hương được Thành đoàn thành phố Hà Nội đề nghị tuyên dương và khen thưởng vào tối 15/8 tại Vườn hoa Lý Thái Tổ Hà Nội.
Không chịu đầu hàng
Đang học lớp bốn, tiểu học Quang Trung, Hà Nội, Đào Thu Hương phải chuyển vào học lớp 2 dự bị của trường Nguyễn Đình Chiểu vì căn bệnh bẩm sinh quái ác khiến đôi mắt của bạn ấy không còn thấy ánh sáng. Cú sốc của căn bệnh phần nào đã làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý của Thu Hương nhưng không làm cô học trò xinh xắn nản lỏng. Liên tục là học sinh giỏi của trường Nguyễn Đình Chiểu và trường THPT Lương Thế Vinh, Thu Hương được Bộ GD-ĐT xét thẳng vào ĐH Sư phạm Hà Nội.
Thu Hương cho biết, phương pháp học của bạn ấy trong trường ĐH cũng không có gì đặc biệt. Nội dung các môn học giống các bạn, chỉ có hình thức học là khác. Các sinh viên dùng giáo trình, tài liệu photo của thầy cô giáo và mua ngoài hiệu sách còn Thu Hương phải tìm cách để chuyển các tài liệu đó sang file mềm để đọc trên máy tính. Công việc này tốn rất nhiều thời gian và công sức.
Khó khăn không làm chùn bước bạn ấy. Hương thường xuyên chép bài đầy đủ và chịu khó sưu tầm các tài liệu để học thêm. “Mình không thể quên việc các thầy cô vừa biên soạn xong sách đã chuyển ngay cho mình, mà không để ý đến bản quyền”, Thu Hương xúc động nói.
Hiểu nỗi khó khăn trong giao tiếp của các em khiếm thị, cô đã thiết kế đĩa CD đồ dùng dạy nói tiếng Anh cho học sinh khiếm thị. Đĩa CD này đại diện cho sản phẩm của lớp được gửi tham gia cuộc thi nghiệp vụ sư phạm cấp trường năm học 2008 và đoạt giải ba.
Bền bỉ học tập, nghiên cứu, Thu Hương tốt nghiệp thủ khoa Tiếng Anh, ĐH Sư phạm Hà Nội với số điểm rất ấn tượng: điểm rèn luyện toàn khóa 9.7; kết quả học tập toàn khóa là 8.75 và trong bốn năm liền đều là sinh viên giỏi.
Video đang HOT
Thu Hương luôn ấp ủ trở thành cô giáo của các em khiếm thị.
Mơ thành cô giáo
Hiện nay, Thu Hương đang làm phiên dịch cho tổ chức phi chính phủ Samaritan’s Purse. Bạn ấy chọn tổ chức này bởi có những dự án liên quan đến Trường Nguyễn Đình Chiểu. Mỗi ngày hai lần, Thu Hương được mẹ chở đi làm và đón về. Làm việc tại đây, bạn ấy cũng gặp những khó khăn nhất định. Chẳng hạn, khi phiên dịch, Hương chỉ dịch được trên những file mềm trong máy tính, còn bản cứng thì không. “Hòa nhập cuộc sống không phải điều đơn giản với người khiếm thị, chỉ đơn giản với đường sá đông đúc như hiện nay, mình cũng như nhiều người khiếm thị rất khó tự chủ động việc đi lại được”, Thu Hương tâm sự.
Ngoài thời gian làm việc cho tổ chức, Thu Hương còn đi dạy thêm tiếng Anh. Bạn ấy đang rèn luyện thêm các kỹ năng để sau này, khi đã trưởng thành và có nhiều kinh nghiệm hơn sẽ trở thành giáo viên dạy tiếng Anh cho các em học sinh khiếm thị của ngôi trường Nguyễn Đình Chiểu. Đây cũng là lý do bạn chọn khoa Tiếng Anh khi bước vào ngưỡng cửa ĐH.
Theo Dân Việt
Cậu bạn khiếm thị làm tẩm quất đã đỗ ĐH
Vượt lên hàng trăm thí sinh khác, cậu học trò khiếm thị Vũ Văn Tuấn đã thi đỗ vào ngành Công tác xã hội, Trường đại học Khoa học Huế. Giờ đây cổng trường đại học đã rộng mở với cậu bạn khiếm thị làm tẩm quất nuôi ước mơ giảng đường ĐH.
Tuấn ở buổi đầu của kỳ thi đại học năm 2010.
Mong ước thành hiện thực
Gặp chúng tôi, Tuấn vui mừng chia sẻ niềm hạnh phúc sau bao cố gắng và nỗ lực của bản thân, giờ đây Tuấn đã đạt được ước mơ bấy lâu của mình là thi đỗ đại học. Trước ngày Tuấn lên đường đi thi ĐH, một niềm vui đã đến với em khi thầy Đồng Văn Ngọc, Trưởng khoa Điện, Trường cao đẳng Nghề cơ điện Hà Nội đã ủng hộ tiền cho em đi thi kèm theo lời hứa sau khi em đỗ ĐH, thầy sẽ tài trợ cho em trong suốt 4 năm học.
Những lời động viên, an ủi và cả những tấm lòng nhân ái đã tạo thêm cho em động lực và quyết tâm chinh phục ước mơ của mình. Trong những ngày vào Huế đi thi, Tuấn còn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của một gia đình ở Huế đã cho em ăn ở miễn phí và đưa đón em đi thi.
Bạn bè giúp Tuấn cách tiếp cận vi tính.
Vượt lên hàng trăm thí sinh khác, Tuấn đã ghi danh mình vào ngành Công tác xã hội, Trường đại học Khoa học Huế. Thời gian vừa qua là những ngày đợi chờ hồi hộp của Tuấn. Mặc còn nhiều khó khăn đón đợi phía trước, nhưng trên hết Tuẫn rất vui vì đã đạt được những kết qủa bước đầu trên con đường chinh phục mơ uớc.
Hành trang lớn nhất là niềm tin
Chia sẻ với Dân trí, em Vũ Văn Tuấn cho biết: "Sau khi biết mình đỗ đại học, hoàn cảnh gia đình khiến em lo lắng, nhưng trên hết vẫn là niềm vui và hạnh phúc, điều khiến em lo lắng nhất là không có giáo trình chữ nổi dành riêng cho những người có hoàn cảnh như tụi em. Em chỉ mong ước có bộ máy vi tính để nhờ bạn copy tài liệu và sử dụng phần mềm học tiếng Anh dành riêng cho người khiếm thị và phần mềm bằng tiếng Việt để phục vụ việc học tập. Hành trang lớn nhất của em mang theo vào đại học là niềm tin ở bản thân. Em sẽ cố gắng để không phụ lòng mong mỏi của bố mẹ và những người đã tin tưởng và dành cho em sự quan tâm".
Sau khi có điểm thi và biết mình nằm trong danh sách những thí sinh trúng tuyển vào đại học, Tuấn đã đón xe buýt xuống thành phố để báo tin cho bố đang làm tẩm quất tại Thành hội người mù Thanh Hóa và đến chia sẻ niềm vui với những người từng dìu dắt em những ngày đầu tiên tại Tỉnh hội người mù Thanh Hóa.
Để khắc phục những khó khăn trong 4 năm học, Tuấn cũng cần sự trợ giúp của bạn bè trong việc tìm kiếm và đọc tài liệu giúp mình. Tuấn quyết tâm sẽ nỗ lực hết mình để vượt những khó khăn phía trước và em mong sao sau này khi ra trường được vào làm việc tại một Trung tâm bảo trợ để có thể đem lại một điều gì đó cho những người cùng cảnh ngộ như mình.
Năm nay, cô em gái của Tuấn là Vũ Thị Quỳnh dự thi vào Trường đại học Công đoàn nhưng kết quả không như mong muốn. Noi gương anh trai, Quỳnh quyết tâm tiếp tục nuôi ước mơ vào đại học.
Có lẽ những thành công của Tuấn hôm nay phải kể đến người bạn thân là em Nguyễn Xuân Hưng. Học với nhau từ năm lên cấp 2, thấy hoàn cảnh Tuấn khó khăn, Hưng luôn ở bên động viên và an ủi Tuấn trong học tập và cuộc sống. Ngày Tuấn vào Huế nộp hồ sơ, thương và lo lắng cho bạn nên Hưng đã cùng Tuấn khăn gói vào Huế.
Hưng chia sẻ: "Tuấn là người học giỏi, được bạn bè và thầy cô giáo yêu qúy, mặc dù hoàn cảnh như thế nhưng Tuấn có nghị lực và quyết tâm khiến em thấy bạn ấy là một tấm gương để em học tập và noi theo. Em rất tự hào về một người bạn như Tuấn. Nhìn Tuấn đam mê học tập mà em cũng tự nhủ mình phải cố gắng hơn nữa".
Ngày tựu trường đang đến gần, phía trước Tuấn còn cả một chặng đường đầy gian nan...
Duy Tuyên
Theo dân trí
Công bố điểm trúng tuyển NV1, chỉ tiêu và điểm xét tuyển NV2 Chiều 8/8, sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn, các trường ĐH lần lượt công bố điểm trúng tuyển NV1, chỉ tiêu (CT) và điểm xét tuyển (ĐXT) NV2. Mức điểm trúng tuyển này dành cho học sinh phổ thông khu vực 3. Đại học Bách khoa Hà Nội: điểm chuẩn khối A theo 5 nhóm ngành; nhóm ngành 1 là 18...