Nữ sinhcó điểm 3 môn xét tuyển cao nhất cả nước năm 2019
Với việc giành tổng điểm 29,8, Ngô Thu Hà (học sinh lớp 12 Chuyên Toán Trường THPT Chuyên Hùng Vương, Phú Thọ) là thí sinh có điểm thi 3 môn xét tuyển ĐH cao nhất cả nước trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
Cụ thể, Thu Hà đạt tổng điểm 3 môn thi theo tổ hợp xét tuyển cao nhất cả nước là 29,8 điểm với 2 điểm 10 các môn Hóa học và Sinh học, môn Toán em được 9.8 điểm. Điều này cũng đồng nghĩa em cũng trở thành thủ khoa khối B của kỳ thi THPT quốc gia năm nay.
Chia sẻ với VietNamNet, Hà cho hay bản thân khá bất ngờ về thông tin này dù cũng tự tính được điểm của mình sau khi thi xong. “Em cũng áng được mức điểm của mình ngay khi thi xong nhưng không nghĩ trở thành thủ khoa vì nghĩ có thể nhiều bạn sẽ có được điểm cao hơn. Trở thành thủ khoa trong kỳ thi THPT quốc gia là niềm hạnh phúc và vinh dự lớn đối với bản thân em, giúp em có thể chạm tới được ước mơ trở thành bác sĩ”, Hà chia sẻ.
Ngô Thu Hà (học sinh lớp 12 chuyên Toán Trường THPT Chuyên Hùng Vương, Phú Thọ) là thí sinh có điểm thi 3 môn xét tuyển ĐH cao nhất cả nước trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, ngay từ những năm học THCS, Thu Hà đã bộc lộ tư chất của một học sinh toàn diện. Đỗ thủ khoa chuyên Toán của trường THPT Chuyên Hùng Vương năm 2016, Thu Hà trở thành một trong những hạt nhân xuất sắc khối chuyên Toán của trường và được bạn bè, thầy cô ngưỡng mộ và kỳ vọng.
Thực tế, với sự cố gắng không ngững cô nữ sinh Chuyên Hùng Vưng cũng từng đạt được nhiều kết quả cao như Giải nhì kỳ thi Toán Hà Nội mở rộng HOMC, Huy chương Bạc Giao lưu học sinh giỏi các trường THPT chuyên khu vực Duyên hải và Đồng bằng Bắc Bộ, 2 năm liền đạt giải nhất học sinh giỏi cấp tỉnh môn Toán.
Nuôi uớc mơ trở thành bác sĩ đa khoa trong tương lai, Hà dành nhiều thời gian và tâm huyết với các môn học khối B.
Trong năm học 2018- 2019, ở các kì thi khảo sát do Sở GD-ĐT và nhà trường tổ chức, 3 lần em cũng đều giành ngôi vị thủ khoa với số điểm đều trên 28.
Thu Hà và những người bạn của mình.
Video đang HOT
Nói về bí quyết học tập, Hà tâm sự: “Em bắt đầu tập trung ôn luyện cao độ vào năm lớp 11. Đọc kỹ và đi thật chắc từ những bài toán cơ bản trong SGK và sách bài tập rồi mới đọc thêm một số sách để luyện dạng bài tập nâng cao hơn”.
Khi có kiến thức nền vững, Hà mới bắt đầu luyện đề.
Cùng sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô, Hà xác định cho mình một hướng ôn luyện rất cụ thể như tự căn thời gian làm đề, đối chiếu đáp án để tự chấm điểm một cách nghiêm túc.
Những vấn đề và những phần hay mắc sai sót, em đều ghi lại vào một quyển sổ nhỏ và thường xuyên đọc lại. “Trong đó em còn lưu ý những phương pháp tiếp cận bài toán và những kinh nghiệm khi luyện đề để có phương pháp điều chỉnh”, Hà nói.
Song Hà chia sẻ, để có được kết quả này một phần cũng nhờ sự quan tâm, định hướng phương pháp ôn luyện, bồi dưỡng của nhà trường và các thầy cô giáo .
Tập thể lớp 12 chuyên Toán Trường THPT chuyên Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ- nơi Hà theo học.
Thu Hà cho biết với kết quả này, em dự định sẽ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào ngành Y đa khoa và nguyện vọng 2 vào ngành Răng hàm mặt của Trường ĐH Y Hà Nội để theo đuổi niềm đam mê với ngành y.
Một điều trùng hợp khá thú vị là thủ khoa khối B của năm học 2017- 2018 Ngô Bá Hoàng cũng là học sinh chuyên Toán của Trường THPT Chuyên Hùng Vương.
Thanh Hùng
Theo vietnamnet
Thay đổi nào để giảm nhẹ kỳ thi THPT quốc gia?
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 khép lại nhưng nhiều trăn trở về những ngày thi vẫn còn đó. Một câu hỏi được đặt ra, kỳ thi '2 trong 1' này sau 5 năm có còn phù hợp trong điều kiện hiện tại, khi chi phí và công sức cả xã hội bỏ ra quá nhiều so với giá trị của nó?
Giám thị làm thủ tục cho thí sinh tham dự thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Chưa thấy rõ định hướng
Bộ GD-ĐT đã ban hành Quy chế thi THPT quốc gia năm đầu tiên vào 2015 để bắt đầu tổ chức kỳ thi "2 trong 1" vừa phục vụ xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển ĐH và CĐ. Đến nay, sau 5 lần diễn ra, dù được điều chỉnh nhiều bước kỹ thuật cho phù hợp hơn với tình hình thực tế nhưng đang cho thấy nhiều vấn đề cần quan tâm.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng các năm gần đây kỳ thi có nhiều thay đổi nhưng không cho thấy rõ định hướng của kỳ thi. Năm 2017, kỳ thi này có sự tham gia nhiều của các trường ĐH, đến năm 2018 lại gần như giao hết cho các sở GD-ĐT. Rồi sau những tiêu cực thi cử xảy ra tại Sơn La, Hòa Bình và Lạng Sơn của năm ngoái thì trong năm nay lại tăng cường vai trò của các trường ĐH đến mức tối đa.
Ông Nghĩa nói dù nghị quyết của Đảng đã ghi rõ kỳ thi vừa phục vụ xét tốt nghiệp, vừa làm cơ sở để tuyển sinh nhưng có lúc chính lãnh đạo Bộ lại khẳng định kỳ thi chỉ chủ yếu xét tốt nghiệp.
Nhìn lại kỳ thi năm nay, dù vẫn được giao cho các sở GD-ĐT chủ trì nhưng các trường ĐH và CĐ không chỉ hỗ trợ tổ chức thi, giám sát mà còn chủ trì chấm thi toàn bộ các bài trắc nghiệm. Gần 50.000 cán bộ giảng viên từ trường ĐH, CĐ di chuyển về các địa phương. Ngoài 5 ngày tham gia tập huấn, coi thi, giám sát thi thì ban chấm thi trắc nghiệm từ các trường ĐH tiếp tục ở lại các điểm chấm thi trên dưới 10 ngày nữa. Chi phí chỉ riêng cho các trường ĐH về địa phương làm nhiệm vụ của cả nước đã có thể lên tới cả trăm tỉ đồng. Nhưng nếu so với kỳ thi "3 chung" (chung đề, chung đợt và sử dụng chung kết quả) trước 2015 được tổ chức tại chính các trường ĐH, CĐ, thì về mặt bản chất sự tham gia của các trường ĐH không khác nhiều.
"Cái khác quan trọng ở đây là sự tham gia của các trường ĐH vào kỳ thi rất lớn nhưng không chắc các thí sinh này sẽ tham gia xét tuyển vào trường mình hay không. Trong khi ở thời điểm "3 chung" các trường tổ chức kỳ thi để xét những thí sinh đó vào trường mình", tiến sĩ Nghĩa nhìn nhận.
Tiến sĩ Nghĩa đặt vấn đề: "Trong bối cảnh số lượng thí sinh tham gia xét tuyển ĐH bằng kỳ thi này ngày càng giảm, các trường ĐH tăng cường thêm các phương thức khác. Ngay kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đã thu hút khoảng 60.000 thí sinh tham gia. Vậy thời gian tới kỳ thi này sẽ như thế nào?".
Duy trì vì tin cậy hơn các phương thức khác
Nhiều người đồng ý tiếp tục duy trì kỳ thi nhưng cần thay đổi cách thực hiện theo hướng gọn nhẹ hơn.
Phó hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM nhìn nhận, trong số rất nhiều phương thức tuyển sinh mà các trường đang thực hiện, kết quả kỳ thi này vẫn được xem là ưu việt. Phó hiệu trưởng này nói: "Phương thức đánh giá thí sinh dựa trên một đề thi chung, cùng một chuẩn là cách đánh giá rõ ràng và dễ chấp nhận nhất. Tôi không tin lắm vào điểm số học bạ, nhất là khi từng chứng kiến những học sinh rất giỏi nhưng điểm thí sinh này đạt được trong kỳ thi chung không cao lắm".
Vị lãnh đạo này cũng cho rằng, để trúng tuyển vào ĐH hiện nay không có gì khó, vấn đề là thí sinh muốn vào học ở trường nào mà thôi. Trong đó, những trường lớn vẫn cần kỳ thi này để đánh giá thí sinh thực sự giỏi trên mặt bằng chung.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng cho biết ủng hộ việc tổ chức một kỳ thi chung như hiện nay. "Đề thi có năm khó hơn, có năm dễ hơn nhưng các trường vẫn tuyển được thí sinh trên mặt bằng điểm chung nhất. Còn các phương thức xét khác, như học bạ hoặc thi năng lực thực tế, vẫn chỉ là phương thức bổ sung để các trường xét thí sinh", ông Dũng nói.
Tăng cường sử dụng công nghệ
Một điểm chung trong đề xuất cải tiến kỳ thi này từ các trường là tăng cường sử dụng công nghệ thông tin để gọn nhẹ trong khâu tổ chức.
Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, với những điều chỉnh của kỳ thi như năm nay, các tiêu cực thi cử có thể sẽ được hạn chế ở mức tối đa nhưng chi phí tổ chức khá lớn. Ông Nhân cho rằng nên tính tới việc tổ chức thi trên máy tính bằng chính những đề thi như hiện tại. Như vậy sẽ đỡ chi phí tổ chức mà vẫn công tâm. Trên thế giới, ngay như Trung Quốc vẫn đang thực hiện cách thức thi này.
Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, vẫn duy trì một kỳ thi chung toàn quốc nhưng nên giao cho các trung tâm khảo thí thực hiện. Có thể chuyển từ hình thức thi trắc nghiệm trên giấy sang trắc nghiệm trên máy tính, tăng cường yếu tố công nghệ thông tin để tiết kiệm chi phí, gọn nhẹ hơn mà vẫn đảm bảo nghiêm túc.
"Không nên giao kỳ thi tuyển sinh về các trường tự tổ chức, vì chỉ đơn giản thi năng khiếu vào từng trường thôi vẫn có tình trạng ôn luyện trước ngày thi. Cũng không nên bỏ một kỳ thi chung vì bỏ kỳ thi này học sinh sẽ không còn chú tâm vào việc học nếu việc thi tuyển không còn", ông Dũng đề xuất.
"Trong bối cảnh có rất nhiều cách để học ĐH mà không phải tham gia kỳ thi này thì cũng đến lúc cần tính toán lại việc giảm áp lực trong việc tổ chức. Để làm được điều này, kỳ thi cần tính tới tăng cường sử dụng công nghệ. Dù có thể tốn kém hơn nhưng đầu tư cho một kỳ thi mà cả xã hội quan tâm thì tôi tin rằng vẫn có được sự đồng thuận từ xã hội", Phó hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM cũng có cùng ý kiến.
Theo Thanh niên
Thời điểm Bộ GDĐT công bố đáp án các môn thi THPT quốc gia 2019 Thay vì công bố đáp án chính thức ngay sau khi kết thúc các buổi thi THPT quốc gia như mọi năm, năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) sẽ công bố đáp án chậm hơn, để tăng tính bảo mật, phòng ngừa gian lận thi cử. Năm 2019, Bộ GDĐT thay đổi thời điểm công bố đáp án các môn...