Nữ sinh xây nhà vệ sinh cho trẻ
Hai điều mà Kiều Yến muốn làm trong mọi công việc của mình đó là minh bạch và bền vững. Chuyện xây nhà vệ sinh cho Trường Tiểu học Bình Phú (Thạch Thất, Hà Nội) chính là dự án cô tâm đắc nhất. Nhà vệ sinh của Trường Tiểu học Bình Phú trước và sau khi được xây dựng lại. (Ảnh: nhân vật cung cấp).
Từng khổ vì nhà vệ sinh rồi nên hiểu lắm!
Kiều Yến hiện đang là sinh viên năm cuối Trường ĐH Khoa học xã hội&Nhân văn, ĐHQG Hà Nội. Ngoài làm dự án xây nhà vệ sinh cho trẻ em ở trường tiểu học, cô bạn 9X quê Phú Thọ cũng từng tham gia với vai trò Leader project (dẫn dắt kế hoạch, lên ý tưởng) cho CLB SIFE của trường trong việc phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho các địa phương như trồng bèo tây ở Hà Nam, trồng rong đỏ chữa bệnh tim mạch cho bệnh nhân.
Từng tham gia nhiều khóa học về đào tạo, nâng cao kĩ năng lãnh đạo cũng như kiến thức về môi trường nên khi biết được cuộc thi “Mầm nhân ái” hồi năm 2010, ý tưởng về việc xây nhà vệ sinh cho trẻ em được nhen nhóm trong đầu Kiều Yến.
Bạn tâm sự: “Từ những năm học ở phổ thông chứng kiến cảnh học sinh phải khổ sở như thế nào với việc đi vệ sinh trong trường học nên khi có cuộc thi em rất phấn khởi và cố gắng làm cho kỳ được”. Sau khi chia sẻ với các bạn trong lớp, được ủng hộ, Kiều Yến đã lên kế hoạch thực hiện cùng các bạn gồm: Bá Hưng, Phương Thảo, Thanh Hằng, Hoàng Công.
Về địa điểm lựa chọn, theo Kiều Yến: “Trong nội thành có thể có nhiều trường điều kiện vệ sinh cho học sinh cũng chưa tốt. Nhưng em nghĩ họ có tiền để thay đổi và sự giúp đơ của mình phần nào sẽ không được chào đón”.
Video đang HOT
Trong nhóm có bạn quê ở huyện Thạch Thất nên các bạn quyết định lựa chọn địa điểm khảo sát và tiến hành kế hoạch tại đây. Bên cạnh việc xây nhà vệ sinh, Kiều Yến và nhóm cũng kết hợp làm luôn hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức vệ sinh, bảo vệ môi trường cho các em học sinh.
Khó khăn chồng chất
Mỗi ngày chạy hơn 100km, khảo sát đến 30 trường tiểu học trong vùng là những vất vả ban đầu trong quá trình khảo sát của Kiều Yến và các bạn. Với biểu mẫu phỏng vấn học sinh, nhà trường và khảo sát thực tế là những căn cứ để nhóm lựa chọn trường phù hợp thực hiện dự án.
“Có trường nhà vệ sinh được xây từ năm 1979 (Trường Tiểu học Dị Nậu), vệ sinh bằng tro bếp. Có trường nhà vệ sinh nằm giữa đồng không mông quạnh. Nhiều trường giáo viên và học sinh không có nơi để vệ sinh hay giáo viên phải cho học sinh sử dụng khu của mình,..Nói chung là rất khổ sở và trường nào cũng cần phải thay đổi” – Kiều Yến nhớ lại.
Tiêu chí để nhóm lựa chọn thực hiện là trường học cơ sở phải tập trung (nhiều nơi một trường nhưng nhiều địa điểm học), được sự hợp tác tích cực, chủ động của nhà trường và địa điểm xây dựng phù hợp với quy hoạch đất đai (tức sẽ không bị phá bỏ khi làm xong hoặc chưa có trong kế hoạch xây dựng của phòng giáo dục huyện,..).
Và Trường Tiểu học Dị Nậu đáp ứng được các tiêu chí đó. Thêm nữa, như Kiều Yến tâm sự: “Cô Hiệu trưởng rất tốt. Cô cũng chia sẻ rằng cũng bức xúc vì chuyện vệ sinh, nhiều lần đề xuất lên trên nhưng chưa được. Trường sẽ tích cực làm cùng các em.
Nhưng khi chuẩn bị bắt tay vào làm, có lẽ do báo chí viết nhiều, “trên” họ biết nên sau đó họ đã quyết định rót 3 tỉ đầu tư xây dựng cho các hạng mục của trường trong đó có xây nhà vệ sinh. Đấy là lời cô hiệu trưởng phân trần với em”.
Tiếc ngẩn ngơ lại thêm áp lực cần hoàn thành dự án trong vòng 1 năm nên suốt mùa hè năm 2010 là những tháng ngày không được nghỉ ngơi của cô bạn. Chuyển sang Trường Tiểu học Bình Phú cũng là sự tình cờ của bạn và nhóm vì: “Trước đó nhóm đã khảo sát và biết trường đã có nhà vệ sinh. Nhưng sau gần 6 tháng quay lại thì cơ sở đã cực kỳ xuống cấp.
Tuy nhiên phần nhà thì vẫn còn kiên cố. Nếu làm thì kinh phí 35 triệu đồng từ cuộc thi cộng thêm sự tham gia của nhà trường là đủ, sẽ không vất vả để vận động các nguồn khác” – Yến cho hay.
Trong vòng 15 ngày từ 5-20/11/2010, mọi việc đã được hoàn tất. Hai phòng vệ sinh nam nữ liền kề, mỗi phòng có 2 ô đại tiện (dùng bệ xí bệt tự hoại, có cửa), 2 bồn rửa tay có kèm xà phòng và túi lưới đựng xà phòng, 6 ô tiểu tiện có hệ thống đường ống dẫn dội nước bán tự động; có gạch lát sàn và ốp tường, có bảng chỉ dẫn và khẩu hiệu.
Phần tường bao mặt trước nhà vệ sinh được trang trí bởi những bức tranh sơn màu. Màu sơn tường bên trong được chọn là khu vệ sinh nữ sơn màu hồng, khu vệ sinh nam sơn màu xanh da trời. Bồn hoa và cây cảnh được đặt dọc lối đi và sát 2 bên tường nhà vệ sinh…
Nhóm còn kết hợp với nhiều nhóm tình nguyện khác tổ chức các hoạt động mang tính chất bền vững cho các em học sinh như: trồng cây xanh, làm bồn hoa, tổ chức làm các sản phẩm dễ thương và tiện ích từ rác tái chế, tổ chức các trò chơi kĩ năng để giáo dục học sinh kĩ năng sống vệ sinh cho học sinh nhà trường.
Nhưng đến khi xây xong nhóm của Kiều Yến lại nhận được tin trường sắp được đầu tư xây các hạng mục nhà đa năng, trong đó có thể phải đập đi nhà vệ sinh các em vừa hoàn thành. Buồn, chán và cả bực tức song may mắn là những ngày vừa làm dự án vừa hoàn thành một loạt giấy tờ, văn bản liên quan đến chuyện cam kết thực hiện, sử dụng và bảo vệ nhà vệ sinh đã giúp cho kế hoạch của Kiều Yến không bị phá vỡ.
Hiệu trưởng Phùng Thị Phương vui mừng khi nhà vệ sinh mới được hoàn thành và cam kết sẽ giữ gìn, duy trì nhà vệ sinh của nhóm đã xây dựng. Cô cũng cho biết: “Hiện nhà vệ sinh vẫn trong điều kiện sử dụng tốt”.
Đam mê các hoạt động vì cộng đồng nhưng Kiều Yến không thích những hoạt động chỉ mang nhiều tính hình thức
Đam mê vì cộng đồng, ghét bệnh hình thức
Cho đến giờ Kiều Yến mới bộc bạch chuyện em bị mất 10 triệu đồng trong khoản 35 triệu nhận được từ giải thưởng trên. “May mắn em được phía nhà tài trợ giúp đỡ 5 triệu, Trường tiểu học Bình Phú 2 triệu, 3 triệu thì đi vay mượn bạn bè để làm. Tới giờ vẫn đang phải làm để trả hết”.
Vất vả không ngại, mong ước lớn nhất của Kiều Yến là mọi việc làm của mình đều phải minh bạch và có tính bền vững.
Bạn chia sẻ: “Mấy lần nghe tin báo từ các trường em cứ như ngồi trên lửa vì lo lắng. May mà mọi chuyện đã thành công”. Hơn 1 năm lăn lộn với dự án, từng gặp nhiều sự phản đối của cả bạn bè, người thân nhưng Kiều Yến vẫn quyết tâm vì việc mình làm sẽ phần nào giúp đỡ thay đổi cuộc sống cho các em.
Là người thẳng tính, thích nói thật, Kiều Yến nói mình không những hoạt động tình nguyện mà phần nhiều chỉ mang tính hình thức, bề nổi: “Năm nào em cũng thấy chuyện các bạn về dạy nơi này nơi kia, chuyện làm đường giúp dân,…nhưng phần nhiều chỉ thấy không khí chứ chưa thấy nó mang nhiều tính hình thức hơn là hiệu quả thực tế”.
Sắp tới, Kiều Yến sẽ vào TP.HCM trong chuyến thực tập 2 tháng dành cho sinh viên năm cuối. Là người đi xa nhất trong gần 100 bạn sinh viên trong lớp, mong muốn của cô bạn là được học hỏi kinh nghiệm làm báo chuyên nghiệp tại đây. Đồng thời cũng để thỏa ước mơ đi xuyên Việt, khám phá các vùng đất mới của Kiều Yến.
Ước mơ trong tương lai của bạn là được dùng ngòi bút của mình góp phần thay đổi, giúp ích cho xã hội. Kiều Yến tin rằng: “Em có thể làm và nếu làm thì sẽ làm đến cùng chứ không bỏ lửng giữa chừng vì khó khăn”.
Theo VNN