Nữ sinh vùng cao suýt bị chôn sống muốn học nấu ăn
Nhà nghèo, cha nhiễm chất độc màu da cam, mẹ mất khi mới chào đời, Phương Anh từng suýt bị họ hàng cho vào quan tài chôn sống.
Từ thành phố Lào Cai di chuyển khoảng 20 km về phía Tây Bắc, đoàn tới thăm nhà của em Phan Thị Phương Anh (học sinh lớp 6, trường THCS Bản Vược). Căn nhà đất rộng hai gian là nơi trú nắng, trú mưa của 4 con người.
Là một trong 6 học sinh nằm trong chương trình “ Nâng bước em đến trường” của Đồn Biên phòng Bát Xát, Phương Anh cho biết năm học vừa qua, em đạt học sinh khá và đang được nhà trường cử đi thi học sinh giỏi môn tiếng Anh.
“Trong các môn học, em thích nhất học Toán, tiếng Anh. Lớn lên, em muốn học nấu ăn để có thể nấu những món thật ngon cho bà và gia đình thưởng thức”, cô bé nói.
Bà Vũ Thị Tư – người nhận nuôi Phương Anh – nhận xét cô bé là đứa trẻ thông minh nhưng ít nói và nhút nhát. Bên cạnh đó, thể chất của em cũng rất kém so với các bạn.
Thiếu tá Phạm Công Khanh của Đồn Biên phòng Bát Xát (trái) đang giảng bài cho bé Phương Anh. Ảnh:Kim Ngân.
Video đang HOT
Suýt bị chôn sống khi còn đỏ hỏn
Ngồi trong căn nhà lụp xụp rộng hơn 15 m2, bà Tư nghẹn ngào kể về những ngày bất hạnh đầu đời của Phương Anh. Cha nhiễm chất độc màu da cam. Mẹ mất khi em vừa chào đời. Phương Anh bị cả hai bên nội – ngoại từ chối.
Gia đình hoàn cảnh lại chỉ nặng 1,8 kg khi mới sinh, người nói đem em vứt bên đường, người nghĩ bỏ em vào quan tài chôn. Tuy nhiên, Phương Anh may mắn khi được người đàn bà sinh năm 1960 mang về nuôi.
Khi đó, nhà bà Tư cũng chẳng dư giả. Chồng mất sức lao động và ốm đau liên miên, một mình bà gồng mình để nuôi 3 con, 4 cháu. Biết mẹ sắp nhận nuôi thêm một đứa trẻ nữa nhưng không ai trong gia đình ngăn cản. Họ biết nếu không để người phụ nữ nhân hậu này đem đứa bé tội nghiệp kia về, bà “sẽ bị điên”.
“Phương Anh yếu nên nuôi cháu rất vất vả. Ban ngày, tôi trông cháu, ban đêm lại đi quốc vườn. Một đêm, tôi chỉ ngủ được 2 tiếng”, bà tâm sự.
Thu nhập chính của gia đình đến từ vài đồng lẻ bán rau. Nhiều lúc, nhà hết tiền, người phụ nữ này không ngại vay lãi ngoài để mua sữa cho cháu. Thậm chí, đôi lúc, nhà chỉ còn 2-3 con gà, bà cũng ẵm đi để đổi sữa về.
Bà Tư (trái) kể về cuộc sống của Phương Anh. Ảnh: Kim Ngân.
Vất vả nhưng bà Tư chưa bao giờ có ý định gửi Phương Anh đến gia đình khác.
“Kệ thôi. Cứ đi làm đêm thôi. Ban ngày ở nhà trông cháu, ban đêm nấu rượu, nuôi lợn, đi xin nước rác”, bà nói.
Những đứa trẻ bà Tư nuôi dạy đã khôn lớn, trong đó có 6 người lập gia đình. Nay bà chỉ sống cùng chồng và 2 đứa trẻ. Hàng ngày, ngoài giờ học, Phương Anh cùng chị giúp bà làm việc nhà. Chị hái rau và em nấu cơm.
Nỗi lòng của đứa trẻ trưởng thành trước tuổi
Không hồn nhiên như những đứa trẻ cùng trang lứa, Phương Anh sớm nhận thức hoàn cảnh bản thân từ nhỏ. Em biết bà nội và bà ngoại ruột của em đã mất.
Em biết ông nội đi lấy vợ hai. Em biết người vợ hai đấy của ông nói vứt em đi từ khi đỏ hỏn. Do đó, em gần như không nhắc đến họ hàng cũng như luôn từ chối khi bà Tư khuyên em về thăm cha.
Em sợ phải rời xa mái ấm của bà Tư, sợ phải về sống bên cạnh những người chưa bao giờ đến thăm hay dành tình thương cho em.
Chia sẻ với Zing.vn, Phương Anh cho biết nhiều lúc thấy bạn bè có cha mẹ kề bên, em cũng thấy tủi thân. Tuy nhiên, em luôn cố giấu bởi sợ bà Tư buồn. Song các chú bộ đội biên phòng đã đến, quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ cùng em khiến em “cảm thấy như trong mơ”.
Nữ sinh cho biết các chú thường đến thăm em vào buổi tối để giảng bài cũng như giúp đỡ mấy bà cháu. Ngày lễ, ngày Tết không có quà của cha mẹ nhưng những món quà bé nhỏ của các chú (chỉ là một chiếc áo mới hay vài cái bánh, túi kẹo) giúp em cảm nhận sự ấm áp.
Nguyễn Việt Dũng – đội trưởng Đội vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Bát Xát – thông tin đồn lập danh sách học sinh vào chương trình “Nâng bước em đến trường” thông qua xã.
Hàng tháng, các chiến sĩ trong đồn trích một phần nhỏ từ thương của mình để hỗ trợ mỗi em 500.000 đồng/tháng. Số tiền còn lại để mua quà cho các em trong những dịp lễ, Tết hoặc hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập cho các em.
Theo Zing