Nữ sinh Việt dừng học một năm tại Harvard để hiểu về cuộc đời
Sau khi nhận được học bổng trị giá 7 tỷ đồng vào ĐH Harvard, Nguyễn Đình Tôn Nữ quyết định trì hoãn một năm để trải nghiệm thực tế.
ảnh minh họa
Nguyễn Đình Tôn Nữ thi SAT (1.560/1.600), TOEFL (118/120), vượt qua hơn 39.500 ứng viên thế giới ứng tuyển để đỗ vào đại học hàng đầu thế giới với học bổng 7 tỷ đồng trong năm 2017.
Chuẩn bị cho chương tiếp theo của cuộc đời
- Chào Tôn Nữ, đối với nhiều quốc gia khác, việc xin nghỉ một năm trước khi vào đại học (gap year) là chuyện không xa lạ. Bạn quan niệm như thế nào về gap year?
- Em biết ngay từ đầu trì hoãn vào đại học một năm là quyết định đúng đắn nhưng phải đến khi bắt đầu mới biết nó thú vị như thế nào. Trong những chuyến đi của mình, em gặp khá nhiều bạn cũng nghỉ học.
Bạn trẻ nên xem xét việc có nên trì hoãn một năm học để trải nghiệm hay không? Nếu luôn nghĩ phải đến trường, việc học sẽ trở thành bắt buộc. Một thời gian dành cho định hướng là tốt.
Với em, gap year là khoảng thời gian để mình tự tìm hiểu về thế giới xung quanh và trau dồi kiến thức trước khi bước sang những chương tiếp theo của cuộc sống. Em cũng như nhiều bạn khác, phải trải qua áp lực học tập nhiều năm liền. Trong quá trình học tập và cuối cùng là đến với Harvard, em luôn đặt mục tiêu học tập lên hàng đầu mà phớt lờ những cái khác.
Em sẵn sàng bỏ qua sức khỏe, bạn bè và gia đình mình để có thể có thời gian cho việc học để thi và hoạt động ngoại khóa. Em cho rằng đây là lối sống vô trách nhiệm.
Khi nhìn lại, em thấy rằng tất cả điều cố gắng sẽ không có giá trị nếu như bản thân phải đánh đổi những gì làm nên con người mình.
- Đã nửa năm sau ngày em nhận được thông tin trúng tuyển vào ĐH Harvard, đâu là hành trình đáng nhớ nhất trong những chuyến đi của em?
- Đó là em tham gia làm tình nguyện ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, vào tháng một theo chương trình của International Catalysts for Empowerment (ICE). Đây là tổ chức có sứ mệnh kết nối học sinh từ những nền tảng giáo dục khác nhau, nhằm rút ngắn khoảng cách và sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.
Video đang HOT
Chúng em đã có những ngày trên đảo bổ sung cho học sinh về kiến thức văn hóa, giúp các em thi THPT quốc gia năm nay vững vàng hơn, các bạn năm sau thi có định hướng hơn. Xa hơn nữa, mục tiêu của chương trình là để những học sinh ở Lý Sơn có cơ hội tiếp cận kiến thức mới, tiếp xúc những sinh viên giỏi để có động lực.
Năm 2018, em tiếp tục làm dự án này, quay trở lại Lý Sơn hoặc mở rộng hơn ở Bến Tre. Nơi nào sẵn sàng tài trợ, chúng em sẽ tiến hành khảo sát và lập dự án.
- Điều đọng lại trong em sau khi chia tay Lý Sơn là gì?
- Hai tháng ở Lý Sơn chưa đủ để em thấy được sự thay đổi lớn nào, nhưng em vui vì học sinh quý mến tình nguyện viên. Điều này khiến em nhận ra từ thiện ảnh hưởng đến cộng đồng phải bắt nguồn từ tình cảm thực chất. Em quan sát các anh chị tình nguyện luôn hết mình với học sinh.
Tôn Nữ cùng các học sinh trên đảo Lý Sơn. Ảnh: NVCC.
Một kỷ niệm nhỏ thôi nhưng khiến em xúc động là kết thúc kỳ tình nguyện, anh Bách – thành viên trong đội – đề tặng cuốn sách cho bạn học sinh kèm lời tặng rất dễ thương: “Anh đặt niềm tin vào em, không phải em là người giỏi nhất nhưng có những khả năng tiềm tàng sẽ phát triển trong tương lai”.
Ở đảo Lý Sơn, chúng em làm cả thư viện để tặng sách cho học sinh vì xác định sách rất quan trọng. Mỗi cuốn sách là một sự yêu thương khác nhau. Em nhận ra không phải làm từ thiện chỉ là đến tặng quà và đi là xong. Điều quan trọng là việc làm đó thay đổi họ và chính mình như thế nào.
Ngoài ra, Lý Sơn là vùng đất mơ mộng, phát triển nhanh nhưng cũng rất nhạy cảm cả về văn hóa và môi trường, trước những thay đổi bên ngoài. Làm thế nào để gìn giữ vẻ đẹp của Lý Sơn là nhiệm vụ của học sinh cấp ba bây giờ, cũng chính là đối tượng chúng em tiếp xúc.
Nó cũng khiến em đặt ra câu hỏi khác là đi tìm điều đúng và hợp lý để quay trở lại đóng góp cho quê hương. Đây cũng là nhiệm vụ khi em sang Harvard học. Vì vậy, nếu làm được điều này ở Lý Sơn, em sẽ vững tin hơn khi sang Mỹ.
Học và chơi
- Ngoài chuyến đi rất thú vị này, thời gian còn lại em làm gì để tích lũy cho bản thân?
- Dịp tháng 9/2017, em vào Sài Gòn 2 tháng để học về điện ảnh, cách xem phim, lý thuyết và lịch sử phim. Thời gian không học, em đi khám phá Sài Gòn, đọc sách, xem phim ở nhà và chăm sóc chị dâu bị ốm. Đây cũng là chuyến đi rất ý nghĩa dù em ở một mình.
Thời gian ở một mình rất quan trọng với em và các bạn bằng tuổi, để khám phá kiến thức, xem mình giỏi điều gì?
Tôn Nữ cho rằng, tất cả những bài học cô có được cho mình trong thời gian qua đều không nằm trên giảng đường. Ảnh: NVCC.
- Trong một năm gap year, em có bài học nào mà giảng đường không dạy, những kinh nghiệm không cuốn sách nào ghi?
- Tất cả điều em học được từ trải nghiệm, thầy cô đều không dạy trên lớp. Về tài chính, em đi dạy gia sư và đơn giản là làm bao nhiêu tiền thì tiêu bấy nhiêu. Nếu không có tiền, em sẽ ở nhà đọc sách.
Sự thay đổi lớn nhất đó chính là suy nghĩ của em theo cách một người tắm bồn chắc chắn sẽ khác bơi ở biển. Trước kia, khi ở trường cấp ba, em khá tự tin. Nhưng ra ngoài xã hội, em thấy mình vững tin hơn theo cách không sợ thất bại, linh động mềm mỏng, cho phép người khác bước vào cuộc đời mình.
Trước đây, em luôn hướng tới mình phải là người giỏi nhất, nhưng bây giờ làm gì cũng phải khiêm nhường. Sự phát triển của em chỉ có ý nghĩa với cá nhân, còn đối với mọi người, mình phải khiêm nhường. Đây thật sự không phải do bản tính mà là trải nghiệm và rèn luyện mỗi ngày.
Em nghĩ nhiều và tin vào hai chữ nhân duyên của cuộc đời, về ý nghĩa của việc học Harvard. Mỗi một cuộc gặp gỡ với ai đó, em đều nghĩ ý nghĩa là gì và mang tới trách nhiệm xã hội ra sao.
- Một năm không ngồi trên giảng đường, không có giáo viên và những bài kiểm tra, làm thế nào để em cân bằng được việc tự học và chơi?
- Em nghĩ mình cần phải sống theo cách không phân biệt giữa việc học và chơi, ngay cả khi chơi cũng phải phục vụ mục đích học tập, khi học cũng phục vụ cho mục đích chơi sâu sắc hơn.
Nếu làm được điều này, em đã định hướng theo cách không có gì thừa trong cuộc đời. Hiện tại, em làm được một nửa định hướng đó, sau khi học ở Harvard sẽ tiếp tục thực hành lý thuyết này.
- Em dự định cho những ngày tháng của Harvard thế nào?
- Em không có định hướng rõ ràng nào cho mình cả, chỉ hướng học khoa học xã hội và nghệ thuật. Em nghĩ việc học gì còn tùy thuộc việc gặp những người như thế nào và tiềm lực của trường ra sao?
Cá nhân em cũng không định hướng công việc sau khi ra trường, tất cả còn phụ thuộc nhân duyên. Em cứ làm hết sức phần của mình, rồi sẽ đi được đến nơi cần đến.
Cánh cổng chính của Đại học Harvard, Mỹ gần như đóng quanh năm, trong khi những cổng khác mở hàng ngày. Trường từng đào tạo 32 nguyên thủ quốc gia, gồm 8 tổng thống Mỹ.
Theo Zing
Cô gái đến Harvard nghiên cứu phương Đông
Mùa tuyển sinh năm 2017, Nguyễn Đình Tôn Nữ (học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) trúng tuyển vào ĐH Harvard.
ảnh minh họa
Sau đó, Tôn Nữ xin phép nhà trường bảo lưu kết quả một năm, dự kiến tháng 8-2018 cô nhập học trường.
"Háo hức bước vào Harvard nhưng tôi cần thời gian để chuẩn bị thêm nhiều kiến thức, sự chín chắn, mạnh mẽ trong tính cách, nhìn nhận cuộc sống và hành xử với mọi người để đương đầu những thử thách mà Harvard sẽ mang lại.
"Gap year" như việc ngồi lại để nhìn rõ hơn việc mình đã làm, cần làm gì về sau. Tôi cũng đang điều hành dự án phi lợi nhuận ICE (International Catalysts for Empowerment) bao gồm dạy học cho trẻ em khó khăn ở vùng Lý Sơn (Quảng Ngãi), tiến tới mở rộng ở Bến Tre, Nghệ An, Thái Nguyên", cô .
Say mê văn học, muốn nghiên cứu văn hóa phương Đông, đặc biệt văn hóa truyền thống, Tôn Nữ cho rằng cô chỉ là một cá thể trong dòng chảy đổi thay của nhiều người trẻ "thích và hào hứng với văn học, nghệ thuật".
Cô tâm sự: "Tôi sang Harvard học cách nghiên cứu về phương Đông. Tôi với tư cách một người châu Á tham gia quá trình nghiên cứu, nghe giới học thuật nói về phương Đông, Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Từ đó hiểu về đất nước mình, cuối cùng hiểu về bản thân. Đó là mục đích trên hết của tôi".
Làm gì để được ngôi trường hàng đầu thế giới chấp nhận? "Để đậu vào Harvard, vấn đề chỉ nằm ở năng lực và một chút may mắn chứ không hề có bí kíp nào cả", cô .
"Các trường đều tìm kiếm học sinh có khả năng phân tích, suy nghĩ, tiết chế bản thân, khả năng làm lãnh đạo, nhìn thấy vị trí của mình trong xã hội, khiêm tốn, tự tin, thấu cảm... những yếu tố khiến một người được tôn trọng và đi lên.
Đối với mỗi người, những điều đó có ý nghĩa khác nhau. Càng hiểu rõ, học sinh càng thể hiện chính xác bản thân. Nhà trường nhìn thấy, nếu phù hợp họ sẽ nhận mình".
Theo TTO
Nữ sinh Việt đầu tiên tại đại học khoa học ứng dụng ở Trung Quốc Khi mới đến Trung Quốc, Lan Anh tự tìm hiểu mọi thứ vì không có đồng hương người Việt đi trước dìu dắt. Lan Anh, nữ sinh Việt đầu tiên tại Đại học Khoa học Ứng dụng Trung - Đức. Ảnh: NVCC. Ngày 10/10, Lan Anh, 19 tuổi, bắt đầu cuộc sống sinh viên tại Đại học Khoa học Ứng dụng Trung -...