Nữ sinh trường làng đỗ thủ khoa ĐH GTVT
Với tổng điểm 26,5 (Toán: 9, Lý: 8,5, Hóa: 9), Nguyễn Thị Ngọc – cô học trò Trường THPT Nam Đàn 1 (huyện Nam Đàn, Nghệ An) đỗ thủ khoa ĐH Giao thông vận tải Hà Nội. Đây là nữ thủ khoa xứ Nghệ đầu tiên trong kỳ thi ĐH năm nay.
Thủ khoa Nguyễn Thị Ngọc cho biết: “Em không nghĩ mình sẽ đậu thủ khoa…”.
Nguyễn Thị Ngọc sinh năm 1994 trong một gia đình nông dân nghèo ở xóm 4, xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Kinh tế khó khăn, gia đình chỉ có vài sào ruộng làm quanh năm không đủ để nuôi con ăn học, bố Ngọc đã vào tận Kiên Giang làm bảo vệ công ty để kiếm tiền. Một mình mẹ Ngọc ở nhà lam lũ ruộng đồng nuôi 2 chị em Ngọc.
“Mỗi năm bố chỉ về quê được vài lần thôi. Dịp tết thì bố phải ở lại trực không về được. Lúc đầu chị em và mẹ rất buồn và nhớ bố nhưng lâu rồi thành quen. Bố dặn em phải học thật giỏi”.
Vâng lời bố, Ngọc luôn chăm chỉ học bài. Suốt 12 năm học phổ thông, cô học trò nhà nghèo đều đạt thành tích cao trong học tập.
Từ khi còn là học sinh Trường tiểu học Nam Xuân, Ngọc luôn dẫn đầu lớp. Em đạt danh hiệu học sinh giỏi huyện năm lớp 4 và học sinh giỏi tỉnh năm lớp 5. Lên THCS, Ngọc học khá nổi các môn khoa học tự nhiên, đặc biệt là môn Hóa học. Liên tục nhiều năm liền em là học sinh giỏi huyện hai môn Toán và Hóa. Năm lớp 9, Ngọc đạt giải Ba tỉnh môn Toán, giải Khuyến khích tỉnh môn Hóa.
Những bằng khen, giấy khen là thành tích của Ngọc cho chặng đường 12 năm học phổ thông.
Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vào Trường Nam Đàn 1 năm 2009-2010, Nguyễn Thị Ngọc đạt điểm khá cao và được chọn vào lớp mũi nhọn của trường. Năm học lớp 12, Ngọc đạt giải Ba môn Hóa học cấp tỉnh. Điểm thi tốt nghiệp THPT của Ngọc là 51 điểm, trong đó, 2 môn Toán và Hóa Ngọc giành điểm tuyệt đối (10 điểm).
Trong kỳ thi ĐH, CĐ năm 2012, Ngọc đăng ký ngành Kinh tế – Xây dựng ĐH Giao thông Vận tải. Kết thúc 3 buổi thi, Ngọc rất vui vì đề ra vừa sức và cả 3 môn em đều hoàn thành tốt. “Em tự tin mình sẽ đạt điểm cao khoảng 25, 26 điểm nhưng không nghĩ sẽ đậu thủ khoa. Em nghĩ thủ khoa phải đạt 28, 29 điểm. Mấy đứa bạn thân gọi điện hét toáng lên là em đậu thủ khoa nhưng em chưa tin, phải lên mạng xem lại. Khi biết tin chính xác, em mới sung sướng và chạy đi khoe với bà, với mẹ”, Ngọc chia sẻ.
Bí quyết học giỏi
Video đang HOT
Chia sẻ với Dân trí, Ngọc cho rằng: “Để học giỏi thì mỗi người có một phương pháp riêng. Đối với em, trước hết mình phải nắm thật chắc kiến thức cơ bản từ thầy cô truyền đạt, trong sách giáo khoa và cốt yếu là tự mình học cho mình. Sau đó thì phải vận dụng thật nhiều vào các dạng bài tập”.
Ở nhà, Ngọc luôn biết bố trí thời gian để có thể tự học. Em luôn tự hoàn thành các bài tập thầy cô ra và sau đó đối chiếu với các tài liệu tham khảo để tìm những cách giải hay. Ngoài việc học qua sách vở, Ngọc còn tranh thủ học qua mạng. “Đầu năm 12, bố đã gom mấy tháng lương lại để mua cho hai chị em một cái máy tính và nối mạng. Nhờ đó, em có thêm một kênh nữa để học hiệu quả”.
Ngoài thời gian học ra, Ngọc còn chăm sóc cố Nguyễn Thị Lúc (93 tuổi).
Ngọc cho rằng, học trên mạng rất tốt nhưng dễ sao nhãng. Nếu ai không biết làm chủ thì dễ sa đà vào các trang vô bổ. “Trước đây em học kém môn Vật lý, em phải sắp xếp thời gian để ngày nào cũng vào trang Thư viện Vật lý để củng cố kiến thức và làm bài tâp. Sau một thời gian thì em thấy tự tin hơn với môn học này. Em thấy học trên mạng vừa hiệu quả vừa giúp mình có thêm kiến thức tin học để khi vào ĐH có thể áp dụng được ngay”, Ngọc tâm sự.
Không chỉ chăm học và học giỏi, ở lớp, Ngọc là một bí thư hoạt động nhiệt tình đươc thầy cô và bạn bè yêu mến. Ở nhà, dù bận đến mấy Ngọc dành thời gian để kèm cặp cậu em trai vừa vào trường THPT Nam Đàn 1. Ngọc còn chăm chỉ làm việc nhà, chăm sóc bà cố già đã 93 tuổi và bà ngoại ngoài 60 tuổi.
“Em sẽ cố gắng học thật giỏi, hoàn thành tốt chương trình đại học để có được việc làm ổn định trong tương lai, có tiền giúp bố mẹ, giúp cố, giúp bà” – Ngọc tâm sự.
Nguyễn Duy – Thanh Trà
Theo dân trí
Cuộc đối thoại giữa GS Ngô Bảo Châu và sinh viên
Sau buổi tiết lộ về cuốn tiểu thuyết Toán hiệp, sáng 4/8, giáo sư Ngô Bảo Châu đã tiếp tục ở trong vòng vây câu hỏi và xin chữ ký của sinh viên tại diễn đàn du học sinh Pháp.
Sáng qua (4/8), tại ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội đã diễn ra hội thảo lần thứ 7 du học Pháp. Chương trình do Tổng hội du học sinh Việt Nam tại Pháp và đại sứ quán Pháp phối hợp tổ chức.
Tại đây, đại sứ quán, các giảng viên đại học người Pháp và du học sinh đã có những chia sẻ rất thiết thực về hành trang đến với nước Pháp.
Đó là những thông tin rất tổng quan như tìm hiểu hệ thống giáo dục ở Pháp, cách xin visa, mua bảo hiểm... đến các mẹo nhỏ để có một hành trang tốt nhất khi đi du học như chuẩn bị hành lý ra sao, có thể thuê những ngôi nhà như thế nào...
Giáo sư Ngô Bảo Châu trong vòng vây của sinh viên Hà Nội.
Đặc biệt, rất đông học sinh, sinh viên đã bày tỏ sự thích thú khi có sự xuất hiện của giáo sư Ngô Bảo Châu, người cũng từng du học tại Pháp. Tại đây, các bạn trẻ đã hỏi khá giáo sư khá nhiều các vấn đề liên quan đến những năm tháng anh ở Pháp
Dưới đây là cuộc trò chuyện của giáo sư với các bạn trẻ:
- Là người từng đi du học Pháp, vậy nước Pháp trong trái tim của giáo sư như thế nào?
- Tôi có 18 năm ở Việt Nam, 17 năm ở Pháp, nước Pháp ở trong tôi chỉ ít hơn Việt Nam một chút thôi. Kỷ niệm xa nhất nhưng in đậm trong tôi là hôm đầu tiên sang Pháp. Khi đặt chân đến sân bay, tôi được một giáo sư ra đón. Lúc đó còn rất sớm, và thành phố Paris 5h sáng không một bóng người với tiếng nhạc trong xe là điều mà tôi không thể quên được.
- Lý do gì giáo sư lựa chọn tiếng Pháp, chia sẻ một vài lời khuyên cho các bạn học ngoại ngữ này.
- Việc đi học ở Pháp là sự tình cờ. Hết lớp 12 tôi được đi học bổng ở Hungary. Học ở đó 1 năm thì họ cắt học bổng. Lúc đó có 2 giáo sư người Pháp sang Việt Nam và tìm học sinh sang Pháp học. Thế rồi tôi qua Pháp.
Lúc đó tiếng Pháp của tôi rất kém, đã thế thời đó rất ít du học sinh nên tôi hầu như chỉ tiếp xúc với người Pháp. Thế rồi tôi chơi với họ, tiếp thu được rất nhiều điều văn hóa, cuộc sống của họ. Và từ đó, việc học tiếng Pháp mở ra cho tôi hướng hiểu biết về kho tàng nhân văn của văn hóa Pháp.
Giáo sư Ngô Bảo Châu trả lời các câu hỏi của sinh viên.
- Là sinh viên du học ở Pháp, giáo sư đã khắc phục như thế nào về sự thay đổi về môi trường, văn hóa và đặc biệt là gia đình?
- Có lẽ khó khăn nhất khi đi du học là về sự khác biệt văn hóa. Những năm gần đây, văn hóa Việt Nam và phương Tây tuy rằng có sự gần gũi hơn nhưng đối với sinh viên vừa sang Pháp thì thời gian đầu rất khó. Tôi nghĩ cái sai lầm khi bạn mới sang và chỉ sinh hoạt trong một cộng đồng của người Việt Nam trong khi các bạn có nhiều cơ hội để mở rộng mối quan hệ. Dù rằng điều đó không dễ, vì chẳng hạn mình nói đùa họ không hiểu, nhưng rồi qua một vài lần dù hơi vô duyên một chút nưng rồi cũng thành bạn cả mà thôi.
- Và chắc hẳn giáo sư cũng có những người bạn thân thiết từ thưở đầu?
- Tôi nhớ nhiều những người bạn từ năm thứ nhất của tôi. Có những người lớn tuổi hơn tôi, buổi tối gặp nhau, trò chuyện, ăn tối (dù lúc đầu tôi nói họ không hiểu lắm, nhưng rồi họ cũng chia sẻ về cuộc sống, vui buồn của họ với tôi).
- Trong những ngày đầu khó khăn, điều gì đã giúp giáo sư vượt qua khó khăn. Con đường nghiên cứu cũng vậy, và với giáo sư, đâu là động lực?
- Xét về phương diện cá nhân, tâm tư tình cảm thì một năm đầu rất khó khăn đối với tôi. Nhưng xét một điều đơn giản thì sang Pháp học là điều mà tôi chưa từng mơ tới. Và chính khát khao học tập đã biến những điều đó trở nên nhỏ bé hơn.
Sinh viên xin chữ ký của giáo sư.
- Hiện tại, giáo sư làm việc ở viện Toán, vậy làm sao để chúng em có thể tham gia được những buổi nói chuyện với các nhà khoa học lớn do viện tổ chức?
- Hiện tại tôi đang muốn xây dựng một chuỗi các bài giảng khoa học thường thức. Mà thời gian qua đã có một số chương trình khá thành công. Như buổi nói chuyện về hạt Higgs (hạt của chúa) của giáo sư Pierre Darriulat cách đây khoảng 2-3 tuần, với khoảng 150 người tham gia. Buổi nói chuyện đó kéo dài 2,5 tiếng đồng hồ và diễn ra rất thú vị.
Buổi nói chuyện thứ 2 sẽ diễn ra ĐH Quốc gia HN với chủ đề nóng trong khoa học ở lĩnh vực y. Việc tham gia như thế nào, lịch trình ra sao thì các bạn có thể xem thông báo trên trang web của viện.
- Em đã học về ngành Toán ứng dụng trong kinh tế quản trị, giáo sư có suy nghĩ gì về ngành học của em?
- Toán học không phải là chất thơ (đối với riêng tôi thì có cần), mà nó là vũ khí con người tạo ra để chinh phục thiên nhiên, chinh phục thế giới. Trong cuộc sống bất cái gì mà không có Toán thì khó lắm. Và bạn cũng như đa số người học Toán, đều phục vụ cho mục đích tính toán cụ thể trong cuộc sống. Đó là điều rất thực tế.
THỦY NGUYÊN
Theo Infonet
Gặp 2 chàng thủ khoa xứ Quảng Một là thủ khoa khối B Đại học Quảng Nam. Một là thủ khoa Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Phía sau danh hiệu thủ khoa của hai cậu học trò xứ Quảng là hai câu chuyện xúc động về nghị lực vượt khó phấn đấu học tốt. Cai nghiện game để thành thủ khoa đại học Tin câu học trò Trân Anh...