Nữ sinh trường Ams giành học bổng của 7 đại học tại Mỹ và Phần Lan
Đỗ Cao Minh Châu, cô gái lớp chuyên Sinh trường Ams tự nhận mình là người khá hướng nội nhưng để giành học bổng vào các trường đại học quốc tế, em đã bỏ lại sự rụt rè, rèn luyện, bứt phá hết mình.
Huy chương Bạc kỳ thi Khoa học trẻ quốc tế – động lực chinh phục chân trời mới
Cách đây không lâu, Minh Châu vui mừng nhận thư trúng tuyển kèm học bổng từ 6 trường đại học của Mỹ (các trường nằm trong top 50 bảng xếp hạng đại học quốc gia và đại học khai phóng), gồm: Notre Dame University: 68.000 USD/năm; Smith College: (67.000 USD/năm; Kenyon College: 64.000 USD /năm; Mount Holyoke College: 45.000 USD /năm; Bryn Mawr College: 54.000 USD /năm; Dickinson College: 61.000 USD /năm. Ngoài ra, trường Đại học Aalto (#1 ở Phần Lan) cũng cấp học bổng toàn phần cho cô gái Việt.
Đỗ Cao Minh Châu.
Hành trình của Đỗ Cao Minh Châu (sinh năm 2002) bắt đầu từ năm lớp 10. Thi đỗ cả chuyên Sinh và chuyên Hóa trường Hà Nội – Amsterdam, nhưng cuối cùng em quyết định chọn Sinh bởi đó cũng là ngành bố Châu đã từng học và luôn khuyến khích em theo đuổi – môn khoa học của sự sống và có thể thay đổi cả tương lai.
Vừa vào cấp 3 được một tuần, thấy có thông báo tuyển chọn học sinh đi thi Kỳ thi Olympics Khoa học trẻ quốc tế (14th International Junior Science Olympiad – IJSO) lần thứ 14 tại Hà Lan vào tháng 12/2017, Minh Châu lập tức đăng ký tham gia với ý nghĩ đơn giản là muốn đi Hà Lan chơi để xem tuyết.
Lúc này, nữ sinh mang hi vọng gần như bằng không vì cuộc thi này sẽ phải thi 3 môn Lý, Hóa, Sinh và từ trước đến nay, lợi thế luôn thuộc về các bạn chuyên Toán, Lý, Hóa, trong lịch sử chưa bao giờ có một học sinh chuyên Sinh lọt vào đội tuyển IJSO của Việt nam.
Tuy nhiên, kỳ tích đã xảy ra khi Minh Châu đã thi qua 2 vòng cùng với 300 bạn và trở thành 1 trong 6 bạn được chọn vào đội tuyển. Sau 3 tháng học và đi thi tại Hà Lan, em đã xuất sắc giành được Huy chương Bạc của kỳ thi cũng là thành tích cao nhất của đội tuyển Việt nam năm đó (đội tuyển Việt nam giành được 3 Bạc và 3 Đồng).
Minh Châu (thứ 4, từ trái sang) xuất sắc giành Huy chương Bạc Kỳ thi Olympics Khoa học trẻ quốc tế tại Hà Lan năm 2017.
“Cuộc thi là một trải nghiệm quý báu khi được giao lưu với các bạn từ khắp nơi trên thế giới cũng như vượt qua được giới hạn của chính bản thân để khẳng định mình. Và quan trọng hơn cả, cuộc thi đã mang đến cho em ước mơ được học ở những nước có nền khoa học phát triển.
Trở về nước cũng là lúc em bắt đầu tìm hiểu về du học và lên kế hoạch cho các kỳ thi chuẩn hóa, hoạt động ngoại khóa, viết luận”, Minh Châu chia sẻ.
Tự học, tự lực với một chiến lược đúng đắn
Đỗ Cao Minh Châu bắt đầu tìm hiểu về du học Mỹ và các kì thi chuẩn hóa từ năm lớp 10. Trong vòng 1 năm rưỡi từ học kỳ 2 năm lớp 10 tới cuối học kỳ 1 năm lớp 11, em đã học và thi SAT1 và SAT 2, IELTS. Từ học kỳ 2 năm lớp 10, em bắt đầu tham gia các hoạt động ngoại khóa. Học kỳ 1 năm lớp 12 em chuẩn bị hồ sơ và viết luận cho các trường.
Lịch học đội tuyển quốc gia Sinh học đan xen cùng kế hoạch thi chuẩn hóa dày đặc không làm khó được Châu vì em tự nhận mình là người có khả năng tự học rất tốt, hầu hết kiến thức là em tự lên mạng tìm hiểu và học, số giờ học thêm rất ít và chủ yếu em tham dự lớp chỉ để hiểu được cách tiếp cận.
Video đang HOT
Trong vòng 1 năm rưỡi Châu đã hoàn thành xuất sắc kỳ thi SAT 1 với số điểm ấn tượng là 1590/1600, SAT 2 đạt điểm tuyệt đối cả 3 môn Toán, Hóa, Sinh 800/800 và IELT đạt 8.0 ngay trong lần thi đầu tiên.
Song song với số điểm cao ngất ngưởng, Châu cũng vẫn đạt thành tích rất tốt ở kỳ thi học sinh giỏi quốc gia với Giải Nhì kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học năm 2018 và 2019. Mặt khác, em vẫn duy trì được điểm trung bình môn ấn tượng ở cấp 3 (Điểm GPA: lớp 10: 9.4; lớp 11: 9.5; lớp 12: 9.8).
Nhờ thành tích đạt được, Minh Châu có cơ hội giành tấm vé được tuyển thẳng vào Đại học Y Hà Nội.
Tự nhận mình là người khá hướng nội, nhưng để có thể bước chân vào các trường đại học của Mỹ, Châu đã vứt bỏ sự rụt rè và rèn luyện hết mình, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa về giáo dục và sức khoẻ cộng đồng.
Châu tự sáng lập và giữ vai trò Chủ tịch tổ chức HEO – Healthy Everyday Organization và chỉ trong vòng 1 năm, HEO đã mở được một blog sức khỏe với 2.800 lượt like, tổ chức được 2 talkshow về sức khỏe, dự án Tour de HEO tổ chức 7 buổi học cho khoảng 300 học sinh tiểu học và một khóa Health Science Course về sức khỏe và các bệnh liên quan.
Châu tâm sự: “Đáng nhớ nhất với em là quãng thời gian sáng lập tổ chức HEO – Healthy Everyday Organization, xây dựng một tổ chức có mục tiêu, tầm nhìn và tập hợp được các thành viên yêu thích khoa học cùng tham gia các hoạt động của HEO rất khó khăn khi mọi việc đều bắt đầu từ con số 0 nhưng cực kỳ thú vị”.
Châu là Chủ tịch và người sáng lập Câu lạc bộ HEO vì sức khoẻ cộng đồng.
Các bài luận của em xoay quanh niềm yêu thích của em đối với khoa học và những điều mà bộ môn này đã dạy cho em. Bài luận tâm đắc nhất của em là bài luận phụ về khoa học và những ảnh hưởng của nó tới đời sống con người đã dành được nhiều lời khen của hội đồng tuyển sinh.
“Trở ngại lớn nhất với em có lẽ là làm thế nào để cân bằng được giữa việc tập trung cho mục tiêu đi du học và việc tham gia kì thi Học sinh giỏi Quốc gia với thành tích tốt.
Chỉ riêng việc tham gia đội tuyển cũng đã vô cùng căng thẳng với lịch học dày đặc cả lý thuyết và thực hành, trong khi các kì thi chuẩn hóa cũng như hoạt động ngoại khóa để phục vụ mục tiêu du học cũng đòi hỏi phải đầu tư cực kỳ nhiều thời gian và công sức.
Có rất nhiều lúc em đã muốn bỏ một trong hai và cảm thấy mình không thể đủ sức làm được mọi việc như kỳ vọng của chính bản thân và của cả các thầy cô.
Nhưng may mắn thay, nhờ có một chiến lược đúng đắn về thời gian cũng như nỗ lực vượt qua những giới hạn của bản thân và sự hỗ trợ rất lớn của các thầy cô ở trường Ams, em đã có được kết quả khá tốt”, Châu nhớ lại.
Với hoạt động ngoại khóa và thành tích học tập ấn tượng và các bài luận về chính quá trình trưởng thành của mình, Châu đã xuất sắc dành được hỗ trợ tài chính và học bổng rất cao của 6 trường đại học của Mỹ và học bổng toàn phần của trường Đại học Aalto ở Phần Lan.
Trong đó, trường đại học Notre Dame của Mỹ đã dành cho Châu gói học bổng và hỗ trợ tài chính trị giá 6.4 tỷ đồng cho 4 năm học.
Sự kiên trì, quyết tâm là chìa khoá giúp Châu mở cửa các trường đại học yêu thích.
Giữa nhiều cơ hội mở ra để chinh phục tri thức ở những chân trời mới, Minh Châu dự định chọn Đại học Notre Dame (xếp thứ 15 đại học quốc gia tốt nhất nước Mỹ), vì đây là ngôi trường được đánh giá cao nhất trong số 6 trường ở Mỹ đã nhận và cấp học bổng cho em. Đây cũng là ngôi trường có thế mạnh về khoa học và uy tín cao trong công tác đào tạo hệ Đại học.
“Em dự định tiếp tục theo đuổi Sinh học, đồng thời trải nghiệm thêm một vài lĩnh vực khác để trau dồi các kĩ năng cần thiết. Sau khi tốt nghiệp, em dự định học tiếp lên Thạc sĩ với ngành học mình yêu thích”, Minh Châu cho hay.
Khi được hỏi về bí quyết chinh phục nhiều trường đại học Mỹ của mình, Châu cho rằng, em đã có một hồ sơ tốt về mảng học thuật, với điểm chuẩn hóa cao và các giải thưởng cấp quốc gia và quốc tế.
Niềm yêu thích khoa học, hoạt động ngoại khóa và khả năng chơi đàn bầu – nhạc cụ dân tộc của Việt Nam cũng là điểm nhấn trong hồ sơ của em.
Cô gái Việt dự định tiếp tục theo đuổi đam mê Sinh học tại Đại học Notre Dame, Mỹ.
Trong suốt hành trình đã qua, sự bình tĩnh, lòng kiên trì và phát huy nội lực theo đuổi mục tiêu đã đặt ra giúp Đỗ Cao Minh Châu đạt được kết quả em yêu thích dù em gần như tự lên ý tưởng và kế hoạch, tự học và tự tay làm hầu hết mọi khâu trong quá trình chuẩn bị và ứng tuyển vào đại học Mỹ chứ không qua lộ trình sắp xếp của các trung tâm tư vấn du học như nhiều bạn khác.
Có một chút băn khoăn trong việc chọn trường vì có quá nhiều cơ hội tốt, Đỗ Cao Minh Châu tâm sự là dù vào đâu, em vẫn luôn tin tưởng mình sẽ vẫn quay về Việt Nam để gần gia đình và đóng góp cho sự phát triển của nền khoa học nước nhà.
Nam sinh ĐH Quốc Gia sở hữu bảng điểm full A+, GPA tuyệt đối 4.0, kỳ nào cũng được học bổng
Bảng điểm của chàng sinh viên năm 3 Trần Bùi Anh Tuấn có đến 6/7 môn đạt A (cộng). Anh Tuấn là một trong những sinh viên có thành tích học tập tốt của Đại học Quốc Gia Hà Nội.
Mới đây, dân mạng thi nhau truyền tay nhau một bảng điểm tổng kết đúng chuẩn 'con người ta' của nam sinh Trần Bùi Anh Tuấn, sinh viên năm 3 Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, trường Đại học Quốc Gia Hà Nội. Theo đó, hàng dài điểm xếp hạng A (cộng) nối đuôi nhau ở tất cả các môn, chỉ duy nhất một môn đạt B (cộng).
Điểm GPA năm 2 của Anh Tuấn đạt tuyệt đối 4.0/4.0, điểm tổng kết cả 3 năm đạt 3.67/4. Thành tích của chàng trai sinh năm 1999 'kể đến sáng mai' không hết khi giành HCV môn Địa lý cấp Quốc gia, giấy khen của hiệu trưởng trường ĐHQG cho sinh viên có kết quả học tập xuất sắc năm 2018 - 2019, bằng khen, học bổng ngay khi còn là sinh viên năm nhất,...
Bảng điểm tổng kết full A (cộng) của Anh Tuấn.
Liên hệ với chủ nhân, Trần Bùi Anh Tuấn cho biết bản thân khá bất ngờ khi những môn khó lại đạt được điểm cao hơn kỳ vọng: 'Phương trình Toán lý, Cơ học chất lỏng, hay Khí tượng Động lực, đây là những môn khá nặng về Toán và Vật lý.
Sinh viên ngành khí tượng thường hay đùa rằng 'Ở trường Tự nhiên, ngành khí tượng nặng Toán sau ngành Toán học, nặng Lý sau ngành Vật lý'. Nhưng may mắn, các môn mình đều qua và giành học bổng'.
Chân dung chàng trai 'nhà người ta' Trần Bùi Anh Tuấn
Nam sinh cho biết bí quyết học đạt điểm số cao như vậy là do em luôn đặt mục tiêu cụ thể và rõ ràng ngay từ năm thứ nhất. Tuấn cho rằng, không nên đặt nặng vấn đề điểm số, quan trọng nhất là mình học được những gì, áp dụng vào thực tiễn ra sao.
'Một điều rất thực tế đó là phương pháp tự học ở đại học rất khác so với quá trình học tập phổ thông. Các bạn phải tập trung nghiên cứu và những điều được giảng dạy trên lớp hoàn toàn chỉ là bộ khung, sườn.
Đối mặt với phương pháp mới, có rất nhiều bạn bỡ ngỡ, đồng thời những chuyện ngoài giảng đường có thể làm các bạn mất tập trung và lơ là việc học. Đặc biệt là các bạn sinh viên năm nhất hay mắc phải lỗi này nên có nhiều bạn cảm thấy hụt hơi khi vừa mới vào đại học.' - Tuấn chia sẻ.
Song, khó khăn lớn nhất của nam sinh quê Quảng Ngãi là phải học các môn hoàn toàn bằng giáo trình tiếng Anh. Nam sinh này vẫn thường chịu khó tìm tòi các tài liệu bằng tiếng Anh để cập nhật kiến thức cho bản thân.
3 năm học ở ĐH Quốc Gia, năm nào Anh Tuấn cũng đạt học bổng.
Dù sở hữu bảng thành tích khủng nhưng 9X tự nhận bản thân không phải dân 'mọt sách'. Ngoài thời gian học, Anh Tuấn còn tham gia các hoạt động ngoại khóa tại khoa và trường, là thành viên ban tổ chức nhiều sự kiện do Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải Dương học phụ trách, hoạt động ngoại khóa tại Ký túc xá Mễ Trì.
Ngoài thời gian học, Tuấn dành thời gian để chơi thể thao để nâng cao sức khỏe. Một ngày, em thường dành từ 2 - 3 tiếng để chơi đá cầu, bóng rổ hoặc chạy bộ, đây là những môn giúp em tăng sự tập trung và phản xạ.
Tuấn mong đạt nhiều điểm số khá giỏi làm món quà tặng mẹ.
Anh Tuấn cho biết sẽ tăng tốc, dành thời gian học tập tuyệt đối cho năm cuối. Tuấn hy vọng sẽ phấn đấu bằng giỏi, xuất sắc, tuy nhiên 9X vẫn đặt kỹ năng cao hơn điểm số học tập:
'Quan điểm của mình là điểm số không quan trọng, kỹ năng mới là điều quan trọng. Quan trọng là khi xin việc, bản thân mình có đáp ứng được chuyên môn, phẩm chất của mình có phù hợp ở vị trí mình ứng tuyển không'.
Ảnh: NVCC
Chàng trai 2K đỗ 21 trường ĐH: "18 tuổi, tớ là lãnh đạo của một tổ chức quốc tế!" Thời gian gần đây, Nguyễn Lê Đông Hải đã trở thành "con nhà người ta" chính hiệu khi nhận được thư trúng tuyển, học bổng từ 21 trường Đại học tại Canada, Anh, Pháp, Mỹ. Nếu tìm hiểu nhiều về Đông Hải, chúng mình sẽ càng thấy "choáng" hơn trước bảng thành tích siêu đỉnh trong ba năm THPT của cậu bạn này!...