‘Nữ sinh tỉnh lẻ’ trúng tuyển 11 trường đại học Mỹ nhờ bài luận về… ăn rau
Sinh ra và lớn lên ở tỉnh lẻ, Hồng Nhung (sinh năm 2001) gặp vô vàn khó khăn trong bước đường hiện thực ước mơ du học Mỹ.
Mọi thứ càng khó khăn hơn khi em nhận kết quả điểm thi chuẩn hóa không đẹp như ý, thế nhưng bài luận là thứ làm nên phép màu… giúp em được 11/12 trường đại học Mỹ cấp học bổng.
Nguyễn Thị Hồng Nhung là cựu học sinh trường THPT Chuyên Biên Hòa, tỉnh Hà Nam. Mùa ứng tuyển đại học Mỹ năm nay, em nộp đơn vào tổng cộng 12 trường thì đỗ 11 trường còn 1 trường nằm trong wait-list (danh sách chờ).
Chia sẻ về khoảng thời gian nhận báo trúng tuyển của 11 trường đại học Mỹ cách đây không lâu, Hồng Nhung không thể nào quên cảm xúc vỡ òa khi ấy. Bởi lẽ, việc được gần như tất cả các trường đại học nộp đơn chào đón là một giấc mơ với cô học trò tỉnh lẻ.
Hồng Nhung, nữ sinh Hà Nam giành học bổng 11 trường đại học Mỹ năm 2019.
Những ngày tháng ròng rã xuống Hà Nội tìm hiểu du học
Em kể: “Khoảng thời gian đợi kết quả của em vừa căng thẳng cũng vừa mừng, lúc nào cũng khư khư cái điện thoại chờ email. Thi thoảng đang trên lớp cũng có mail vì múi giờ lệch nhau nên thường sáng ra em nhận được rất nhiều mail từ các trường, ngồi nhà cũng có người gọi ra nhận thư từ Mỹ… kiểu niềm vui cứ đến bất chợt liên tiếp.
Vui và đáng nhớ nhất vẫn là ngày em nhận được tin đỗ trường Đại học Fairfield ở đợt Early Decision (đợt nộp đơn sớm). Nhưng sau đó em lại không đủ chi phí theo học trường này”.
Các trường đại học đều cấp học bổng và hỗ trợ tài chính mỗi năm cho cô gái Việt: Earlham College ($41.570), Hollins University ($40.000), Fairfield University ( $34.000), Gustavus Adolphus College ($32.000), Springfield College ($36.000) Hope College ($24.000), Augustana College ($32.500), Augustana University ($26.000), Depaul University ($18.000) và một số trường khác như University of New Hampshire, University of Cincinnati…
Hồng Nhung quyết định đi du học khá muộn. Trong khi các bạn rục rịch chuẩn bị xây dựng bộ hồ sơ từ những năm đầu lớp 10 hoặc thậm chí từ cấp 2, thì em đến hè năm lớp 12 mới bắt đầu nảy sinh ý định.
Nữ sinh này từng giành Giải Nhì HSG tỉnh Hà Nam môn tiếng Anh 2 năm, Giải Nhì thi Hùng biện bằng tiếng Anh cấp huyện cho học sinh THCS và Giải Nhì thi HSG Văn cấp huyện cho học sinh THCS. Chính tình yêu với tiếng Anh đã nhen nhóm cho em ước mơ vươn xa.
Việc nộp hồ sơ du học của Nhung tuy có hơi gấp gáp và cũng không “thuận buồm xuôi gió” nhưng đã giúp em hiểu bản thân và trưởng thành hơn rất nhiều.
Video đang HOT
Thời gian đầu rất vất vả vì Hồng Nhung ở tỉnh lẻ, phong trào du học không được rầm rộ như các bạn Hà Nội nên vô cùng thiếu thốn thông tin. Thậm chí em còn chỉ có thể học SAT online.
Nhưng may mắn, em có mẹ luôn bên cạnh động viên tham gia các hoạt động cũng như đi các triển lãm các trường đại học Mỹ và hội thảo ở Hà Nội nên dần dần cũng có cái nhìn hoàn thiện hơn về du học Mỹ.
Nhung tâm sự, bố mẹ em đều là những người xuất phát từ 2 bàn tay trắng nên họ hiểu hơn hết tầm quan trọng của việc đi nhiều, học hỏi nhiều. Bởi vậy, bố mẹ không ngừng động viên mỗi lần em gặp khó khăn trong việc apply du học.
“Có tháng tuần nào em với mẹ cũng phải lên Hà Nội nghe ngóng thông tin. Em cứ học xong là mẹ em từ nhà xuống trường đón rồi 2 mẹ con đi. Gần 2 tiếng chứ ít gì (cười). Đây có lẽ là vấn đề chung của đa số các bạn ở tỉnh lẻ.
Rồi về tài chính, vì em muốn tiết kiệm tiền gửi điểm IELTS và SAT đến cho các trường như cách thông thường nên phải email từng trường một xin gửi điểm online. Việc này nghe thì đơn giản nhưng với 12 trường thì rất căng thẳng”, Nhung kể.
Nhung chia sẻ vui rằng, con đường chinh phục giấc mơ Mỹ của em như em thường nói vui với mọi người là một… vở kịch dài tập. Sau khoảng 7 tháng vừa học trên lớp vừa hoàn thành các kì thi chuẩn hóa, Hồng Nhung lại phải “bơi” trong biển thông tin về các trường đại học.
Xuất sắc được 11 trường đại học Mỹ chào đón nhưng Hồng Nhung thừa nhận, điểm số dường như là điểm yếu trong bộ hồ sơ của em. Em đạt điểm IELTS 7.0, SAT 1270… không phải con số lý tưởng cho việc ứng tuyển học bổng.
Vì điểm SAT không như em mong đợi nên hầu như tất cả những trường em thích trước đây đều phải bỏ, thay bằng những trường khả thi hơn.
“Em đã phải chọn lại toàn bộ trường sau khi biết điểm (1 tháng trước deadline)”, Nhung kể.
Nhưng sau này cô gái Việt nhận ra điểm số không phải là tất cả, bài luận mới là thứ làm nên “phép màu”.
Với một định hướng chiến thuật hợp lý, chọn trường phù hợp, Hồng Nhung đã đỗ vào 11 trường đại học em nộp đơn.
Bài luận về việc ăn rau
Theo Hồng Nhung, bí quyết nào bộ hồ sơ của em ấn tượng và thuyết phục được hội đồng tuyển sinh của hàng loạt đại học Mỹ chính là bài luận.
“Đây là một sự phát hiện rất tình cờ”, Nhung nói khi được hỏi về bài luận.
Em viết về quá trình tập ăn rau của mình. Hồi bé em cực kì ghét rau, ghét đến nỗi thành ác mộng mỗi bữa cơm, tại mẹ em cứ bắt ăn. Đó là một trong những lí do khiến em phải ghé thăm bệnh viện nhiều lần.
Rồi một ngày em giác ngộ ra rằng hóa ra rau không đáng ghét mà chính thói quen của em đã gắn cái mác ác cảm cho nó. Vì thế em cần thay đổi suy nghĩ của mình, sinh hoạt một cách lí trí chứ không chỉ theo cảm tính rồi tự mình hại mình như thế được.
Bây giờ thì em có thể ăn tất cả các loại rau dù bản thân vẫn không ưa gì nó, nhưng nó tốt cho em nên em phải ăn. Đây là bài học đầu của em về việc dùng lí trí thay vì con tim. Nghĩa là nếu không có lí trí chúng ta cũng chỉ như những đứa trẻ, khóc khi đói, làm bất kể điều gì nó muốn.
Nhưng trưởng thành nghĩa là ta phải biết gạt bỏ cảm tính sang một bên, cân nhắc trước khi hành động, làm điều nên làm. Thậm chí đó không phải là điều mình muốn.
Nhung trong những ngày đầu tại Mỹ.
“Em rất thích Đại học Fairfield vì trường mạnh về ngành Kinh doanh, lại ở Connecticut gần thành phố New York nên cơ hội thực tập, làm việc rất cao.
Trường xếp thứ nhất trong top trường phía bắc nước Mỹ về ngành này. Nhưng không như những trường khác, Fairfield báo đỗ rồi 1 tháng mới báo học bổng và hỗ trợ tài chính.
Vì những năm trước trường hỗ trợ học sinh rất nhiều nên em cứ chủ quan nghĩ mình sẽ học. Nhưng cuối cùng câu trả lời là không, do số tiền nhà em phải đóng lên tới $37.000″, Nhung chia sẻ.
Nhung chia sẻ, em dành thời gian nhiều nhất cho việc học tập phát triển bản thân. Em thích chụp ảnh, quay và làm video.
Trong tương lai nếu có thể thì em muốn làm vlog hoặc viết blog về cuộc sống du học. Một phần do em thích một phần cũng muốn cập nhật cho mọi người ở nhà và chia sẻ kiến thức về việc chuẩn bị và cuộc sống du học để những học sinh cũng ở tỉnh lẻ như em có thể tham khảo.
Hồng Nhung vừa sang Mỹ học cách đây 1 tháng, hiện tại em đang theo đuổi ngành Marketing. Em dự định sau khi tốt nghiệp em sẽ về nước để làm việc và cống hiến.
Theo Lệ Thu / Dân trí
Năm yếu tố quyết định bạn có thể ở lại Mỹ làm việc hay không
Tiếng Anh tốt, tận dụng kỳ nghỉ hè để thực tập tại các công ty, tập đoàn sẽ giúp bạn tiến gần hơn đến cơ hội làm việc ở Mỹ.
Chiều 7/7, anh Trần Việt Hùng, cựu thành viên Ban điều hành quỹ học bổng Vietnam Education Foundation (VEF), đã chia sẻ với học viên du học Mỹ bậc thạc sĩ, tiến sĩ cách tận dụng các cơ hội để thu được kết quả tốt nhất. Thời gian học thạc sĩ, tiến sĩ tại Mỹ chỉ kéo dài từ 1,5 đến 2 năm, ngắn hơn một nửa so với bậc cử nhân nên người học phải rất nhanh nhạy trong việc này.
Điều đầu tiên theo anh Hùng là mỗi du học sinh cần cải thiện tiếng Anh. Có thể ở Việt Nam, kết quả thi IELTS, SAT... của bạn rất tốt, quá trình học cử nhân cũng đã cho bạn lượng kiến thức bổ ích, nhưng khi đặt chân tới Mỹ và ngồi học trên giảng đường thì đó sẽ là một câu chuyện hoàn toàn khác. Nếu không chuẩn bị kỹ về tiếng Anh, du học sinh kể cả bậc thạc sĩ và tiến sĩ đều sẽ sốc.
"Tuần học đầu tiên đến giảng đường, tôi cảm giác hoàn toàn bất lực, không thể nghe - hiểu được với tốc độ giảng bài của thầy. Ngay cả khi cần hỏi tôi cũng không biết làm thế nào để người ta có thể hiểu được", anh Hùng kể và cho hay phải mất gần một năm để theo kịp bài giảng trên lớp. Việc có nền tảng tiếng Anh giao tiếp chắc chắn sẽ quyết định bạn có bị sốc và chật vật học tại Mỹ hay không.
Yếu tố thứ hai anh Hùng nhấn mạnh là chuẩn bị kỹ năng mềm. Khi ở Việt Nam, bên cạnh bạn có gia đình, bạn bè, những người luôn sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ bạn. Nhưng khi ở Mỹ, bạn phải tự hoàn thành mọi việc, những kỹ năng mềm như nấu ăn là rất cần thiết.
Anh Trần Việt Hùng chia sẻ với các học viên du học Mỹ. Ảnh: Thanh Hằng
Điều thứ ba rất quan trọng là bên cạnh việc học tập tại trường lớp, du học sinh cần chủ động học tất cả những gì có thể. Sau đại học, du học sinh có thể đăng ký học rất nhiều môn từ trường bên ngoài với mức học phí đa dạng, thậm chí miễn phí, chứ không gói gọn trong ngôi trường mình trúng tuyển. Ngay khi nhập học, du học sinh nên tìm hiểu quy định này của trường để có thể tận dụng cơ hội.
Việc biết tận dụng tài nguyên trong trường cũng giúp ích rất nhiều cho du học sinh trong việc cải thiện kết quả học tập. Các trường đại học có thể giúp sinh viên đăng ký những khóa học miễn phí tại trường hoặc các cơ sở giáo dục khác. Nhà trường có cơ sở vật chất như văn phòng, laptop cùng đội ngũ giáo sư, cố vấn để giúp đỡ sinh viên trong các bài tập nhóm. Thậm chí với du học sinh đã lập gia đình, một số trường sẽ có quỹ tài chính để hỗ trợ khi người học gặp khó khăn.
"Nhờ sự hỗ trợ của nhà trường về mặt thiết bị và cố vấn, tôi thành lập được một công ty ngay khi đang theo học sau đại học tại Mỹ. Năm 2012, chúng tôi giành quán quân một cuộc thi về kế hoạch kinh doanh tại Mỹ. Nhà trường đã cho chúng tôi 60.000 USD (khoảng 1,2 tỷ đồng) để làm vốn. Nhờ số tiền đó, tôi đã thuê được ekip kỹ sư ở Việt Nam để xây dựng công ty", anh Hùng chia sẻ.
Yếu tố thứ tư là xây dựng các mối quan hệ, tìm kiếm những người giỏi đi trước để làm cố vấn cho mình. Việc xây dựng mạng lưới quan hệ cần thực hiện ngay từ những ngày đầu khi có ý định du học Mỹ, bởi không phải bao giờ khi tiếp cận cố vấn và ngỏ lời muốn xin giúp đỡ thì họ cũng đồng ý. Anh Hùng cho rằng cần kiên trì, lịch sự và thể hiện rõ ràng mục tiêu của bạn để nhận được cái gật đầu của các chuyên gia, giáo sư.
Yếu tố cuối cùng anh Hùng nhấn mạnh là quá trình thực tập. Mỗi dịp hè, du học sinh thường muốn đi du lịch hoặc trở về Việt Nam. Tuy nhiên, nếu muốn có cơ hội ở lại Mỹ làm việc thì du học sinh Việt Nam nên dành thời gian nghỉ hè để nghiên cứu xem thị trường cần gì, khả năng của bản thân ra sao để có thể bổ sung và cố gắng trong kỳ học sắp tới. Ngoài ra, mùa hè cũng là khoảng thời gian lý tưởng để đăng ký trở thành thực tập sinh tại các công ty, tập đoàn của Mỹ để tích lũy kiến thức và kỹ năng mềm.
Mỗi năm có khoảng 2.000 du học sinh Việt Nam tốt nghiệp các đại học ở Mỹ, tuy nhiên chỉ khoảng 500 người (25%) có thể ở lại sinh sống và làm việc. Nếu không có sự đầu tư nghiêm túc và lâu dài, việc du học sinh tìm được một công việc tốt ở Mỹ gần như là không thể.
Thanh Hằng
Theo VNE
Sai lầm của học sinh Việt trong bộ hồ sơ du học: Chỉ đánh mạnh vào một "mặt trận" Sai lầm trong chuẩn bị các yếu tố của bộ hồ sơ, sai lầm trong tư duy xin học bổng/ hỗ trợ tài chính, sai lầm trong cách chọn trường... khiến nhiều học sinh Việt thất bại trong giấc mơ du học Mỹ. Triển lãm các trường Đại học Top đầu Mỹ và Canada 2019 diễn ra ngày 30/6 tại Hà Nội với...