Nữ sinh Sài Gòn khóc nức nở kể về giáo viên quyền lực
Lấy tay gạt nước mắt, nữ sinh ở huyện Nhà Bè kể về câu chuyện ấm ức của lớp em trong mối quan hệ với một giáo viên.
Sáng 23/3, tại chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo ngành giáo dục TP HCM với học sinh tiêu biểu năm 2018, em Phạm Song Toàn (THPT Long Thới, Nhà Bè) bật khóc khi kể về mối quan hệ giữa học sinh và giáo viên.
Em kể, trong lớp có một cô giáo bộ môn khi lên bục giảng “không nói gì với chúng con cả, cô không dạy, cô chỉ viết bài”. Đã hơn một học kỳ, lớp em phải tự học, tự làm bài và không biết nói với ai cả.
“Giáo viên chủ nhiệm của chúng con cố gắng giải quyết, nhưng không thành công. Có thể nói là cô khá quyền lực, mọi người đều sợ, chính con cũng sợ và cả thầy cô cũng vậy. Con mong muốn được dạy dỗ bình thường như các bạn thôi cũng được, như vậy cũng đã quá đủ với tụi con rồi”, Toàn kể, giọng chầm chậm.
Nữ sinh Phạm Song Toàn.
Tại cuộc đối thoại, nhiều học sinh quan tâm đến vấn đề phát triển văn, thể, mỹ, giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho học sinh trung học. Nguyễn Tấn Đức (trường THPT Võ Văn Kiệt) trăn trở khi thấy bạn bè cùng trang lứa đang mắc chứng lười vận động, chìm đắm trong mạng xã hội. “Mong thầy cô quan tâm hơn, tạo ra nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích hơn, khuấy động được tinh thần của các bạn”, Đức nói.
Video đang HOT
Trong khi đó, Cao Quốc Thắng (THPT Trưng Vương) kể trường có những hoạt động văn hóa dân gian, cuộc thi tìm hiểu lịch sử khiến học sinh rất thích thú. Song, hoạt động này còn ít trường tổ chức trong khi học sinh đang có xu hướng hướng ngoại. “Cần đưa văn hóa dân gian vào trường, vào các tiết học để chúng em biết về truyền thống nhiều hơn”, Thắng đề nghị.
Nói về trường hợp em Phạm Song Toàn, ông Lê Duy Tân (Trưởng phòng Giáo dục Trung học) cho rằng, phần lớn các thầy cô đều thương yêu học sinh, nữ giáo viên kia có thể chưa biết cách thể hiện. Nhà trường và học sinh cũng nên có diễn đàn để thầy cô lắng nghe tâm tư của học trò nhiều hơn.
“Có thể các thầy cô vì áp lực công việc, mải mê với bài vở, giáo án mà quên đi việc thể hiện tình cảm, lắng nghe các em nhiều hơn”, ông Tân chia sẻ. Đại diện ngành giáo dục TP HCM hứa sẽ tìm hiểu câu chuyện này để giúp đỡ Toàn và các bạn trong lớp.
Chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo ngành giáo dục với học sinh tiêu biểu được Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM tổ chức hàng năm, nhằm lắng nghe chia sẻ của học sinh cũng như đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa công tác giáo dục. Năm nay, có 110 học sinh THCS và THPT tham gia cuộc gặp gỡ.
Mạnh Tùng
Theo vnexpress.vn
Nữ sinh bật khóc khi kể về giáo viên "quyền lực"
"Chúng con chỉ muốn được dạy dỗ bình thường như các bạn. Bình thường thôi cũng được, như vậy đã là quá đủ đối với con rồi", nữ sinh bật khóc khi kể về giáo viên "quyền lực".
Chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM với học sinh trên địa bàn thành phố diễn ra sáng 23/3, ghi nhận nhiều ý kiến của học sinh về các vấn đề trong nhà trường.
Nhiều em đã nói lên suy nghĩ, tình cảm và cả ấm ức trong quá trình học tập của mình.
Mong một lần được nghe cô giảng
Chia sẻ câu chuyện về mối quan hệ với giáo viên dạy Toán của mình, em Phạm Song Toàn (THPT Lâm Thới, Nhà Bè, TP.HCM) bật khóc.
"Đối với các bạn, giáo viên đến lớp giảng bài là điều vô cùng nhàm chán. Nhưng con mong muốn được một lần như vậy. Tại vì giáo viên của con không nói gì cả. Con không hiểu vì sao cô đến lớp chỉ viết bài và giao bài tập cho chúng con làm mà không nói gì cả", nữ sinh cho biết.
Song Toàn cho hay giáo viên dạy Toán của lớp em không hề giảng, không trò chuyện với học sinh, chỉ chép bài và giao bài tập. Hơn một học kỳ, lớp của Song Toàn tự học và không biết bày tỏ nỗi lòng với ai.
"Giáo viên chủ nhiệm của con có cố gắng nhưng không thành công lắm. Cô rất quyền lực. Hơn một học kỳ này, chúng con tự học và làm bài, tự ghi chép mà không biết nói với ai. Ở trường cũng không ai dám nói gì, mọi người đều sợ và chúng con cũng sợ", Song Toàn vừa khóc vừa kể.
Nữ sinh nghẹn ngào nói lên mong muốn tưởng như bình thường nhưng lại là khát khao đối với lớp mình: "Con chỉ mong giáo viên dạy Toán dạy bình thường như bao người khác, được một lần nói chuyện với cô thôi. Đó là điều bình thường với bao người nhưng với con lại là mong muốn rất lớn".
Giáo viên có nhiều áp lực
Chia sẻ về câu chuyện của em Phạm Song Toàn, ông Lê Duy Tân - trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT TP.HCM - cho rằng thầy cô đều thương yêu học sinh nhưng có thể nhiều người chưa biết cách thể hiện.
Ông Tân cho rằng giữa nhà trường và học sinh nên có các diễn đàn nói và nghe, thầy cô nên lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của các em nhiều hơn.
"Có thể các thầy cô vì áp lực, yêu cầu công việc, mải mê với bài vở, giáo án mà quên đi việc thể hiện tình cảm với học sinh, chưa trò chuyện, lắng nghe các em nhiều hơn", ông Tân nói.
Ghi nhận câu chuyện của Song Toàn, ông Tân cho hay sẽ cầu nối giúp em và các bạn trong lớp thực hiện nguyện vọng bình dị này.
Chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo ngành giáo dục với học sinh tiêu biểu thành phố nhằm lắng nghe những vấn đề mà các em quan tâm và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục học sinh.Năm nay, chủ đề "Học sinh thành phố phát triển toàn diện Đức - Trí - Thể - Mỹ" nhằm mục đích gợi mở cho 110 học sinh tiêu biểu của thành phố, chia sẻ những suy nghĩ và hiến kế công trình hay cho ngành giáo dục.
Theo Minh Nhật (Zing)
Nữ sinh 15 tuổi ứng tuyển vị trí quản lý khu học chính 'Chúng ta hiện có nhiều việc phải làm trước khi mọi thứ là bình đẳng, và tôi muốn rút ngắn thời gian đó càng sớm càng tốt', India Unwin cho biết. ảnh minh họa Hội đồng quản lý các trường học ở thành phố Seattle vừa qua đăng tuyển vị trí giám sát mới cho khu học chính lớn nhất bang Washington, Mỹ....