Nữ sinh người Tày và con đường đến giải Nhất quốc gia
Vượt hơn 100 km đi thi, trở thành học sinh duy nhất của huyện vùng cao Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) đỗ THPT chuyên Bắc Giang (2019 – 2020) và 3 năm sau Hoàng Thanh Huyền giành giải Nhất quốc gia môn Tiếng Trung.
Hoàng Thanh Huyền (bìa phải) và cô giáo Nguyễn Thị Hiên – phụ trách đội tuyển tiếng Trung.
“Bật mí” bí quyết học giỏi
Cô học trò “vàng” – Hoàng Thanh Huyền sinh ra và lớn lên trong gia đình có bố mẹ là giáo viên tại vùng quê miền núi nghèo thôn Kim Bảng, xã An Lạc (huyện Sơn Động, Bắc Giang). Bởi vậy, ngay từ thuở bé Huyền đã là cô học trò chăm ngoan, học giỏi.
Với 4 năm học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Sơn Động dù bỡ ngỡ xa nhà nhưng Huyền đã phấn đấu trở thành học sinh giỏi Tiếng Anh cấp huyện. Đó cũng chính là động lực để Huyền đến với chuyên ngành tiếng Trung (Trường THPT chuyên Bắc Giang) để bắt đầu cho hành trình chinh phục giải Nhất cấp quốc gia.
Mặc dù đoạt giải Nhì cấp huyện tại kỳ thi chọn học sinh giỏi (HSG) môn Tiếng Anh lớp 9 nhưng điểm thi “đầu vào” Trường THPT chuyên Bắc Giang của Huyền chỉ nằm ở mức trung bình so với các bạn.
“Lúc đầu, em không tự tin khi thi vào Trường THPT chuyên Bắc Giang vì tiếng Anh còn hạn chế so với các bạn ở thành phố hay các huyện: Hiệp Hòa, Yên Dũng, Việt Yên… Đỗ trường chuyên là một sự may mắn cũng có thể là cái duyên với môn học Tiếng Trung…”, Huyền bày tỏ.
Cũng tại năm học 2019 – 2020, huyện Sơn Động chỉ có duy nhất Hoàng Thanh Huyền đỗ vào Trường THPT chuyên Bắc Giang. “Phong trào học tiếng Anh tại trường phổ thông DTNT không mạnh, khó để so sánh với các trường trong tỉnh Bắc Giang. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện cũng chưa có trung tâm ôn luyện môn Tiếng Anh. Vì vậy, ngoài sự giúp đỡ các thầy cô thì việc tự học là chính. Những kiến thức nâng cao, khó hiểu thì em nhờ thầy cô bộ môn giúp đỡ chỉ bảo thêm…”, Huyền nhớ lại.
Khi thi vào lớp tiếng Trung (Trường THPT chuyên Bắc Giang), Hoàng Thanh Huyền chỉ xếp thứ 22/35 trong lớp. “Tiếng Trung là môn học bắt đầu học từ lớp 10. Vì vậy, điểm xuất phát là giống nhau và ai cũng phải cố gắng học tập. Khi mới tiếp cận tiếng Trung thực sự khó, cả phát âm, viết và nhớ mặt chữ…”, Huyền nhớ lại.
Tuy nhiên, dưới sự hướng dẫn tận tình của thầy cô cùng các chuyên gia, Hoàng Thanh Huyền từng bước làm quen học theo bộ chữ và cách ghép để hiểu về các từ có nghĩa liên quan.
“Tiếng Trung lôi cuốn sự say mê của em. Em dành hầu hết thời gian để học nói, luyện đọc và luyện viết tiếng Trung. Bên cạnh đó, em mua thêm giáo trình Hán ngữ nâng cao để tự học…”, Huyền tiết lộ.
Huyền chia sẻ, để học tốt môn Tiếng Trung thì yếu tố chăm chỉ đóng vai trò quan trọng. “Năm lớp 10 và 11 do mới tiếp cận môn học nhiều kiến thức còn mới, do vậy đến lớp 12 em mới thành thạo việc thực hành giao tiếp. Em cùng các bạn trong lớp thường thảo luận bài, dịch tài liệu, so đáp án, chơi đố từ… Đặc biệt, đợt dịch vừa qua em cùng các bạn thực hiện nhiều dự án tiếng Trung. Qua đó, giúp em củng cố kiến thức và đạt hiệu quả hơn với môn học…”, Huyền bày tỏ.
Video đang HOT
Theo Huyền, việc học trên sách vở với các thầy, cô và giáo sư được duy trì thường xuyên. “Bản thân em tự củng cố lại kiến thức của mình, giữ vững các điểm mạnh và dành nhiều thời gian ôn luyện các phần mình còn chưa tốt với tiếng Trung…”, Huyến nhấn mạnh.
Chia sẻ về dự định sắp tới, Huyền cho biết, em mong muốn theo học Khoa Kinh tế Đối ngoại – Trường Đại học Ngoại thương.
“ Giải Nhất quốc gia là bất ngờ, niềm vui lớn của em nhưng thời điểm này em cùng các bạn tập trung ôn luyện và hoàn thành tốt các chương trình học lớp 12. Đồng thời, trang bị thêm kiến thức tiếng Trung cho bản thân để tự tin bước vào giảng đường đại học…”, Huyền nói.
Thầy Trần Duy Phương – Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Bắc Giang chia sẻ với Báo GD&TĐ.
Viết tiếp trang sử vẻ vang
Với kết quả giải Nhất tại kỳ thi HSG quốc gia môn Tiếng Trung, Hoàng Thanh Huyền bày tỏ mong muốn, các em học sinh khóa sau Trường THPT chuyên Bắc Giang nói riêng và các bạn học sinh phải thật sự có quyết tâm, từ đó nỗ lực, cố gắng để nhất định phải đạt được mục tiêu đề ra.
“Mỗi khi mệt mỏi, chán nản em tự nhắc và nhớ lại quyết tâm của bản thân để tự tạo ra động lực cho chính mình…”, Huyền chia sẻ.
Chia sẻ với Báo GD&TĐ, cô Nguyễn Thị Hiên, giáo viên phụ trách đội tuyển tiếng Trung (Trường THPT chuyên Bắc Giang), cho biết, 5 năm trở lại đây nhà trường liên tục có học sinh đoạt giải cao môn Tiếng Trung tại các kỳ thi chọn HSG quốc gia. Đặc biệt, là giải Nhất của Hoàng Thanh Huyền vừa qua.
“Không chỉ chăm ngoan học giỏi, Hoàng Thanh Huyền là tấm gương của nghị lực vươn lên trong học tập. Em không chỉ đam mê học giỏi tiếng Trung, Huyền còn dẫn chương trình năng động tại các sự kiện của nhà trường, tham gia các tiết mục văn nghệ trong các hoạt động…”, cô Hiên tiết lộ.
Được biết, năm 2021, Huyền đoạt giải Nhì tại cuộc thi “Nhịp cầu Hán ngữ” lần thứ 14 dành cho học sinh các trường THPT tại Việt Nam do Bộ GD&ĐT và Đại sứ quán Trung Quốc phối hợp tổ chức thường niên.
Thầy Trần Duy Phương – Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Bắc Giang – cho biết thêm, không chỉ học giỏi tiếng Trung, Huyền còn học đều tất cả các môn.
“Kết quả trung bình các môn học, em luôn xếp thứ nhất lớp. Huyền là lớp trưởng gương mẫu, tích cực, năng động tham gia các hoạt động phong trào của nhà trường. Trong nhiều chương trình giao lưu, Huyền được chọn làm người dẫn chương trình và là hạt nhân văn nghệ của nhà trường được thầy cô và các bạn quý mến, tin tưởng…”, thầy Phương tự hào nói.
Kỳ thi chọn HSG quốc gia THPT năm học 2021 – 2022, Bắc Giang có 66/90 thí sinh dự thi đoạt giải. Bắc Giang là địa phương nằm trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về tổng số giải. Cụ thể, đoàn Bắc Giang có 66/90 học sinh dự thi đoạt giải. Trong đó, có 1 giải Nhất, 17 giải Nhì, 30 giải Ba và 18 giải Khuyến khích.
Nam sinh nghèo mang giải Nhất môn Hóa đầu tiên về Hà Tĩnh
Em Phan Xuân Hành (trú xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) vừa đậu giải Nhất quốc gia môn Hóa. Hành có thể được tuyển thẳng vào Trường ĐH Y Hà Nội. Thế nhưng nam sinh nhà nghèo lo sợ không có tiền để theo học.
Em Phan Xuân Hành (học sinh lớp 12 Hóa, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh) vừa đạt giải Nhất môn Hóa. Em vui mừng khi mình đã "góp mặt" trong số 12 giải Nhất quốc gia năm nay. Đây cũng là lần đầu tiên tỉnh Hà Tĩnh có học sinh đạt giải Nhất quốc gia môn Hóa học.
Mặc dù đậu giải Nhất, thế nhưng nam sinh nhà nghèo rất khiêm tốn khi nói về mình "em chưa giỏi lắm, thành tích đó là nhờ sự hỗ trợ hết mình của thầy cô, bạn bè, và có bố mẹ tạo động lực".
Nam sinh Phan Xuân Hành
Hành cho biết, em sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Hương Sơn, bố mẹ làm nông nghiệp. Cơ duyên đưa em "lọt" vào đội tuyển học sinh giỏi môn Hóa là năm học lớp 8, em bị "đánh trượt" khỏi đội tuyển môn Toán.
"Hồi trước em yêu môn Toán, nhưng đến năm lớp 8, lúc thi vào đội tuyển thì em lại không được thầy cô gọi vào bởi năng lực môn Toán kém hơn các bạn. Sau đó em được bổ sung vào đội tuyển môn Hóa. Từ đó đến nay, em luôn nỗ lực và cố gắng cho niềm đam mê môn Hóa của mình", Hành nói.
Cách đây ba năm, cậu học trò huyện miền núi Hương Sơn Phan Xuân Hành cũng từng gây ấn tượng khi có kết quả thủ khoa đầu vào môn Hóa tại Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh.
"Nhà em ở trên rừng, để xuống được thành phố học tập, em đã cố gắng và nỗ lực rất nhiều. Xuất phát điểm của em thấp hơn nhiều bạn cùng trang lứa, bố mẹ là nông dân nên em luôn muốn cố gắng để đưa lại niềm tự hào cho bố mẹ".
Hành cho biết, chút tiếc nuối trong kỳ thi năm lớp 11 đã tạo động lực cho em đạt giải Nhất năm nay
Trong mắt gia đình, thầy cô, Hành luôn là con ngoan, trò giỏi. Năm học lớp 11, mặc dù cố gắng, nỗ lực nhưng em chỉ đạt giải Ba quốc gia môn Hóa học.
Đạt giải "không cao" so với kiến thức mình có được, nam sinh nhà nghèo từng "rơi nước mắt, tiếc nuối vì nghĩ mình có thể chinh phục được thang điểm cao hơn". Tuy nhiên "giải Ba năm lớp 11 đã tạo động lực, tiền đề để em cố gắng đạt giải nhất quốc gia môn Hóa năm nay", Hành nói.
Chia sẻ về bí quyết "ẵm" giải Nhất quốc gia môn Hóa, Hành cho biết: "Để đạt giải cao trong kỳ thi này, có thể nói em đã chuẩn bị kiến thức trong suốt ba năm học. Thầy cô hướng dẫn, giúp đỡ em rất nhiều trong quá trình ôn luyện. Em lên mạng tìm hiểu thêm kiến thức, kết bạn với những người bạn cùng niềm đam mê môn Hóa với mình để học hỏi, mở mang kiến thức. Ngoài thời gian học trên lớp thì em tranh thủ học ở nhà, buổi tối em học đến 1h sáng rồi mới đi ngủ".
Năm nay, đội tuyển Hóa học của Hà Tĩnh có 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba và 1 giải Khuyến khích
Nam sinh cũng cho biết, những lúc học hành áp lực, Hành bắt xe buýt về nhà với bố mẹ: "Quãng đường từ trường Chuyên về nhà em mất khoảng hơn 70 cây số. Mỗi lúc học hành áp lực, em lại lên xe buýt về nhà kể chuyện với bố mẹ, rồi lấy lại tinh thần để tiếp tục xuống phố. Học ở thành phố vất vả, nhưng thật may vì nhà trường luôn tạo điều kiện, tặng học bổng cho học sinh xa nhà".
Kỳ thi năm nay, nam sinh cho biết, em tham gia thi với tinh thần thoải mái và đầy tự tin: "Nhờ trang bị kiến thức kỹ càng, thầy cô, gia đình cũng tạo động lực cho bản thân nên em làm bài khá tốt. Kết quả giải nhất không ngoài dự đoán của em, bởi khi đối chiếu đáp án em cũng nghĩ mình sẽ đạt chừng ấy điểm. Dù không bất ngờ vời kết quả nhưng em thật sự vui và hạnh phúc.
Khó khăn của em trong thời gian ôn thi đội tuyển là phải lên mạng tìm kiến thức, do chưa có điều kiện mua máy tính nên em phải dùng điện thoại lên mạng thường xuyên, em lại bị cận thị nên khá là mỏi mắt. ", Hành tâm sự.
Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh nơi Hành theo đang theo học
Với thành tích đáng nể này, em Phan Xuân Hành có thể được tuyển thẳng vào nhiều trường ĐH trên cả nước, trong đó có Trường ĐH Y Hà Nội.
"Từ nhỏ em khao khát được làm bác sĩ cứu người, nhưng em đang ngần ngại khi lựa chọn trường Y Hà Nội bởi em có thể sẽ mất 6 đến 9 năm học. Đây là quãng thời gian khá dài, tốn kém. Nhà em lại nghèo nên em sợ bố mẹ không kham nổi. Nếu không được học Y, em sẽ chọn học sư phạm Hóa", Hành nói.
Anh Phan Sinh Quân (SN 1971, trú xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn)- bố của Hành cho biết: "Hành ngoan từ nhỏ đến lớn. Thấy con đam mê học hành nhưng bố mẹ nông dân cũng không có nhiều tiền để đầu tư cho con nên cũng thiệt thòi. Gia đình khó khăn bởi chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng, nhưng nếu con có đam mê bác sĩ thì con cũng đừng chùn bước, bố mẹ sẽ vay mượn cho con học".
Thầy Đặng Đình Hảo, Giáo viên ôn luyện đội tuyển môn Hóa, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh cho hay: "Hành sinh ra trong gia đình thuần nông ở huyện miền núi, kinh tế của gia đình khó khăn. Tuy nhiên, em là học sinh ngoan, giàu tiềm năng. Có được thành tích cao như vậy là nhờ Hành thông minh, chăm chỉ và nỗ lực thật sự. Thầy cô, nhà trường, bạn bè luôn tự hào về em".
Bắc Ninh dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh giỏi đạt giải nhất cấp quốc gia Bắc Ninh là địa phương dẫn đầu cả nước về số giải nhất cũng như tỷ lệ học sinh dự thi đạt giải với hơn 88%. Bộ GD&ĐT vừa thông báo kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2021-2022. Theo đó, kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2022 có 4.671 thí sinh dự thi...