Nữ sinh mồ côi nuôi bà đau bệnh
Mẹ bỏ đi khi mới 6 tháng tuổi, bố mất vì bệnh tâm thần, em vừa đi học, vừa chăm nuôi bà nội đau yếu. Đó là hoàn cảnh đáng thương của em Nguyễn Thị Thanh (15 tuổi) ở xóm 9, xã Tân Sơn, huyện Đô Lương.
Chúng tôi đến nhà Thanh khi em vừa đi học về, ngôi nhà nhỏ ở giữa làng của hai bà cháu Thanh hôm nay dường như có đông người hơn vì anh em, bà con láng giềng đến hỏi thăm sức khỏe của cụ Nguyễn Thị Hồng (80 tuổi) – bà nội em. Mấy bữa nay, cụ đau bệnh, đang được mọi người đưa đi chữa trị tại bệnh viện Đa khoa huyện.
Trong câu chuyện về hoàn cảnh éo le của nữ sinh nghèo, bà Nguyễn Thị Tám – láng giềng cạnh nhà Thanh cho biết: “Ở xóm này, gia đình hai bà cháu Thanh thuộc diện khó khăn nhất. Bà nội cao tuổi, thường xuyên đau yếu, Thanh thì côi cút, cả hai bà cháu đều sống nhờ vào sự đùm bọc của anh em, chòm xóm. Vừa rồi xóm cũng phát động quyên góp, nhà 10 – 20 nghìn đồng, tùy lòng hảo tâm, để động viên cháu bước vào năm học mới”.
6 tháng tuổi, mẹ bỏ đi, bố mất vì bệnh tâm thần, Thanh sống với bà nội.
Thanh là cháu nội duy nhất của cụ Hồng. Bố em, ông Nguyễn Tất Hoàng (SN 1972) trước đây cũng là một người bình thường, nhưng sau lần đi xuất khẩu lao động không thành công, đã dần đổ bệnh tâm thần. Khi Thanh sinh được 6 tháng, do bố em phát bệnh nặng, mẹ em không chịu được cảnh này, đã rời nhà ra đi, bỏ mặc con nhỏ cho bà nội. Có thể nói tuổi thơ của Thanh đã lớn lên trong những tháng ngày đau khổ, thiếu thốn tình cảm của mẹ, đặc biệt là luôn bị ám ảnh, sợ hãi về một người bố điên loạn.
Theo lời kể của bà Tám, những năm tháng bố Thanh bị bệnh, người ngoài ít ai dám đến nhà. Ông Hoàng thường xuyên đốt lửa giữa sân, nhảy múa, chửi bới, kêu gào thảm thiết… Khi bệnh quá nặng, không kiểm soát được, anh em nội ngoại đã phải xích tay, xích chân ông để nuôi cơm tại chỗ. Tháng 3/2019, ông đã qua đời sau một cơn đau nặng.
Những ngày qua, Thanh vừa đi học, vừa đi chăm bà tại bệnh viện.
Cụ Nguyễn Thị Hồng (80 tuổi) – bà nội Thanh, nuốt nước mắt vào trong, cố gắng chắt chiu từng bó rau, từng cái trứng để nuôi đứa cháu nội. 15 năm qua, bà vừa thay cha vừa thay mẹ của đứa cháu gái tội nghiệp. Những năm gần đây, sức khỏe của bà ngày càng giảm sút, ốm đau thường xuyên. Đầu tháng 9 này, không thể gắng được nữa, bà đã phải đi bệnh viện.
Thanh cho biết, khi bà còn khỏe mạnh, hai bà cháu thường cuốc đất vườn trồng rau, trỉa đậu, nuôi gà… để kiếm thêm đồng ra đồng vào. Hàng ngày, sau những buổi học, Thanh còn theo cô ruột đi chợ xa để bán rau, bán trứng, nhiều đêm theo bạn bè trong làng đi bắt cua, bắt ốc ngoài ruộng bán, kiếm tiền mua sách vở. Nay bà ốm, buổi sáng đi học, buổi chiều em lại phải đi viện chăm bà, cuộc sống đã khó khăn nay lại muôn phần vất vả.
Nguyện vọng của nữ sinh mồ côi là được học hết lớp 12 rồi đi làm để giúp đỡ bà.
Video đang HOT
Lớn lên trong hoàn cảnh éo le, Thanh luôn cố gắng chăm ngoan học giỏi. Mấy năm trở lại nay, vượt lên khó khăn, Thanh liên tục đạt học sinh tiên tiến, đặc biệt là trong kỳ thi chuyển cấp vừa qua, Thanh đã đỗ vào lớp 10 Trường THPT Đô Lương 3. Nguyện vọng của nữ sinh nghèo là mong muốn học hết lớp 12, tìm được một công việc phù hợp, để đi làm và giúp đỡ bà.
Nói về học sinh của mình, thầy Nguyễn Công Pháp – giáo viên chủ nhiệm lớp 10 T3, Trường THPT Đô Lương 3 cho biết: “Ngay trong ngày lễ khai giảng, chúng tôi đã đến nhà, thăm hỏi, động viên em Nguyễn Thị Thanh. Hoàn cảnh của Thanh là trường hợp đặc biệt nhất trong lớp. Hi vọng các ban ngành, đoàn thể và cộng đồng xã hội sẽ giúp đỡ em, để Thanh tiếp tục được đến trường”.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Em Nguyễn Thị Thanh xóm 9, xã Tân Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An hoặc lớp 10 T3, Trường THPT Đô Lương 3.
Hoặc thông qua Phòng Phát hành – HĐXH, Báo Nghệ An, số 3, đường Lênin, TP Vinh. Điện thoại: 02383.686.585
Huy Thư
Theo baonghean
Hơn 200 triệu đồng được quyên góp, chắp cánh ước mơ giảng đường cho học sinh nghèo Nghệ An
Những ngày qua, người làm báo Nghệ An chúng tôi cảm thấy vô cùng vui mừng, trân quý. Bởi sau khi Báo Nghệ An đưa tin về nguy cơ lỡ hẹn với giảng đường đại học của nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đã nhận được sự giúp đỡ, thăm hỏi của các tổ chức, nhà hảo tâm, kịp thời giúp các em có thể tiếp tục thực hiện ước mơ của mình.
"Cứ ngỡ như trong truyện cổ tích!"
Như Báo Nghệ An đã đưa tin về gia cảnh đặc biệt của em Trần Thị Hồng Ngọc trú tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Nhà chỉ có 2 mẹ con, mẹ bị tàn tật lại mắc bệnh hiểm nghèo. Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019, em đã đỗ vào Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội với tổng số điểm 25,75 điểm.
Các đơn vị, tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình em Trần Thị Hồng Ngọc. Ảnh tư liệu
Tưởng chừng sự nghiệp học tập của em sẽ phải dừng lại ở đây để đi làm thuê lấy tiền thuốc thang cho mẹ thì "phép màu" đã đến. Chiều 21/8, sau khi biết được hoàn cảnh của nữ sinh Ngọc qua thông tin đăng tải trên báo, lãnh đạo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã về tận nhà thăm hỏi gia đình và đón nữ sinh nghèo nhập học. Nhà trường quyết định miễn phí toàn bộ các khoản chi phí như học phí của khóa học, phí ký túc xá cho em.
Được biết, tính đến thời điểm hiện tại, số tiền ủng hộ từ các tổ chức, tấm lòng hảo tâm dành cho em đã lên đến hơn 100 triệu đồng.
Ngọc mong muốn thông qua thông tin báo chí sẽ có thêm nhiều bạn may mắn sớm nhận được sự giúp đỡ như mình. Ảnh: NVCC
Sáng 22/8, Ngọc đã chính thức trở thành tân sinh viên. Nữ sinh vui mừng chia sẻ: "Em tự hứa sẽ cố gắng, phấn đấu hết mình để không phụ lòng của mọi người. Lý do em chọn theo học ngành Báo chí cũng bởi vì mong muốn sau này trở thành phóng viên có thể viết bài kêu gọi sự giúp đỡ những bạn có hoàn cảnh khó khăn như em. Hy vọng trong thời gian tới thông qua việc đăng tải thông tin của báo chí, sẽ có thêm nhiều bạn có cơ hội được học tập, phát triển tài năng và ước mơ của mình"
"Nếu không có những bài báo đăng tải kịp thời về hoàn cảnh của em Ngọc thì em đã không thể có cơ hội nhập học đúng hạn, thực hiện được ước mơ của mình. Trân trọng, cảm ơn và đánh giá rất cao vai trò của báo chí đối với mọi lĩnh vực trong cuộc sống, đặc biệt lĩnh vực giáo dục hiện nay."
Cô Nguyễn Thị Nhàn- giáo viên chủ nhiệm của em Ngọc.
Phép màu nối tiếp phép màu
"Phép màu" cũng đã đến với cậu học trò nghèo Phạm Nhân Quyền. Quyền sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hai mẹ con Quyền sống với nhau và em chưa bao giờ biết bố mình là ai. Mẹ ốm đau bệnh tật, không được nhanh nhẹn.
Căn nhà nhỏ của mẹ con Quyền chỉ toàn là phế liệu mà mẹ em gom nhặt về để bán lại, trang trải cuộc sống hàng ngày. Ảnh: Hồng Diện, Ngô Kiên
Nhưng với nghị lực vượt khó, em Phạm Nhân Quyền, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Quỳnh Lưu 1 đạt 27,35 điểm, đỗ vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Cũng nhờ bài báo "Nam sinh Nghệ An thi đạt 27,35 điểm có nguy cơ lỡ hẹn với giảng đường đại học" đăng trên Báo Nghệ An điện tử và được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội, các tổ chức, nhà thiện nguyện đã tìm đến, động viên em về tinh thần lẫn vật chất. Số tiền Quyền nhận được tính đến nay lên đến gần 100 triệu đồng, cụ thể một ngân hàng TMCP đã ủng hộ 50 triệu đồng, nhóm thiện nguyện "Niềm tin" hỗ trợ 22 triệu đồng, các hội đồng hương quyên góp hơn 20 triệu đồng...
Nhóm thiện nguyện "Niềm tin" đến nhà động viên, hỗ trợ Quyền một khoản tiền giúp em có chi phí đi nhập học. Ảnh: Ngô Dương
Ngày 13/8/2019, trên Báo Nghệ An điện tử (baonghean.vn) có bài báo "Đạt gần 29 điểm, nữ sinh mồ côi bố khó chạm giấc mơ đến với giảng đường" viết về câu chuyện của em Võ Thị Hường, quê tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, điểm xét tuyển của em là 28,55 điểm. Hường mong ước trở thành sinh viên Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN và sau này sẽ trở thành phiên dịch viên giỏi. Tuy nhiên, với hoàn cảnh: bố mất sớm, Hường là con cả trong gia đình có 5 anh chị em, thu nhập của mẹ Hường chỉ khoảng 3.000.000đ - 3.500.000đ/tháng, chi phí sinh hoạt tại Hà Nội, học phí đều cao nên ước mơ trở thành phiên dịch viên của Hường dường như khó thành hiện thực.
Bài báo sau khi đăng tải, lan truyền rộng rãi khắp các trang mạng xã hội đã nhận được nhiều hồi âm tích cực. Khi biết được thông tin, cán bộ Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN đã liên hệ trực tiếp Báo Nghệ An để kết nối, hỗ trợ em Hường cụ thể: Nhà trường sẽ cấp học bổng phù hợp, bố trí chỗ ở miễn phí tại KTX Đại học Ngoại ngữ trong thời gian học; Đoàn Trường ĐHQGHN sẽ hỗ trợ một phần phí sinh hoạt phí, giới thiệu việc làm thêm và hỗ trợ làm thủ tục vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho em Võ Thị Hường. Bên cạnh đó, Trường Đại học Thái Bình Dương (Nha Trang, Khánh Hòa) gửi công văn trực tiếp đến tòa soạn Báo Nghệ An với mong muốn dành tặng suất học bổng toàn phần cho nữ sinh.
Ngày 11/8 vừa qua, Võ Thị Hường đã chính thức trở thành tân sinh viên ngành tiếng Trung chất lượng cao của Trường Đại học Ngoại Ngữ.
*Như trường hợp em Trần Đình Xuân Sang - cậu học trò mồ côi nghèo đỗ Học viện Phòng không Không quân. Trước thời gian nhập học 3 ngày, em đã bán toàn bộ sách cũ chỉ vọn vẹn được 80.000 đồng để lên đường nhập học. Báo Nghệ An đã viết bài chia sẻ hoàn cảnh thương tâm của em và ngay lập tức nhận được sự giúp đỡ đáng quý. Số tiền mà các nhà hảo tâm gửi tặng em khoảng 7 triệu đồng và đặc biệt bà Nguyễn Thị Yến - Tổng Giám đốc Tập đoàn TECCO hàng tháng sẽ hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt cho em từ 1 - 2 triệu đồng trong suốt khoảng thời gian Sang đi học.
Sáng 23/8, Sang đã chính thức trở thành tân sinh viên Học viện Phòng không Không quân. Ảnh: NVCC
Nhiều năm qua, Báo Nghệ An luôn tích cực chắp bút kêu gọi những tấm lòng hảo tâm để có thể chắp cánh ước mơ cho các em học trò nghèo xứ Nghệ và nhận được nhiều kết quả tích cực.
Mọi thông tin và sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ:
Phòng Phát hành - HĐXH, Báo Nghệ An, số 3, đường Lênin, TP. Vinh.
Điện thoại: 02383.686.585
Tùng Linh
Theo baonghean
Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đồng hành "Nâng bước em đến trường" Chương trình "Nâng bước em đến trường" được Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh triển khai xây dựng mô hình điểm từ đầu năm 2014, nhằm hỗ trợ các em học sinh nghèo, học sinh vùng dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Lãnh đạo Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh trao quà hỗ trợ học sinh...