Nữ sinh mồ côi cha mẹ khát khao vào giảng đường đại học
“Thiếu đi bố mẹ, cuộc sống vật chất khó khăn và em thấy cô đơn, tủi thân. Có những lúc gặp tình huống trong cuộc sống, em không biết phải nên làm thế này hay thế kia, có đúng không vì không còn bố mẹ định hướng”. Đó là những lời tâm sự của em Nguyễn Thị Hoa (SN 2000), học sinh Trường THPT Yên Định 1, huyện Yên Định ( Thanh Hóa).
Nghị lực của hai chị em gái mồ côi
Trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, em Nguyễn Thị Hoa đã thi được 23,95 điểm của tổ hợp 3 môn xét tuyển vào khối DO1. Trong đó, môn Toán được 6,8 điểm, tiếng Anh được 8,4 điểm và môn Văn được 8,75 điểm.
Ngay sau khi tham gia kỳ thi THPT quốc gia xong, Hoa đã tranh thủ vào miền Nam nơi chị gái đang công tác để làm thuê kiếm tiền. Em cũng vừa trở về quê để làm thủ tục xét tuyển vào đại học.
Hoa cho biết em đã đăng ký xét tuyển vào trường ĐH Hà Nội và trường ĐH Thương mại.
Em Nguyễn Thị Hoa, học sinh Trường THPT Yên Định 1, huyện Yên Định
Trong căn nhà cấp bốn lụp xụp nép mình dưới chân đê ở Duệ Thôn (xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) bao trùm là khung cảnh trống vắng, đìu hiu. Đã nhiều năm qua, chỉ có hai bà cháu Hoa nương tựa vào nhau để sống qua ngày còn chị gái là Nguyễn Thị Hương (SN 1995) vừa tốt nghiệp đại học và đang làm việc ở miền Nam.
Khi được hỏi về hoàn cảnh gia đình, Hoa quay mặt nhìn ra cửa như đang cố ngăn giọt nước mắt chực rơi trên khóe mắt, sau một lúc im lặng, Hoa kể: “Vì mẹ vất vả làm ăn để nuôi sống gia đình mà bị cảm lạnh rồi mất từ năm em mới được 4 tuổi. Ngày đó, em còn nhỏ cũng chưa cảm nhận được nỗi đau mất mẹ”.
Sau khi mẹ mất, người bố sống cảnh gà trống nuôi con. Nhưng nỗi đau lại một lần nữa ập đến gia đình Hoa. Năm 2015, khi em học lớp 10, người bố bị tai biến và mất, để lại hai chị em Hoa và bà nội gần 70 tuổi. Dù gia đình khó khăn không giúp được gì, nhưng chị gái Hoa đã quyết tâm tự lo cho bản thân mình và theo học hết đại học.
Video đang HOT
Hai bà cháu ở trong căn nhà cấp bốn lụp xụp
“Ngày bố mất, em suy nghĩ còn mông lung lắm. Động lực em đi học là để sau này có tiền xây nhà cho bố an hưởng tuổi già, nhưng bố mất rồi, em cảm thấy chới với lắm. Lúc đó, em định nghỉ học, nhưng được thầy cô và bạn bè động viên nên em mới tiếp tục đi học. Hơn nữa, ngày còn sống, bố mẹ cũng mong muốn em được đi học”, Hoa nhớ lại.
May mắn với Hoa là trong quá trình đi học được nhà trường tạo mọi điều kiện, giúp đỡ miễn giảm học phí. Có những suất học bổng nào nhà trường cũng ưu tiên dành cho em.
Sau khi chị gái đi học xa nhà, bố mẹ không còn, thời gian đầu, Hoa vừa đi học, vừa làm ruộng để có tiền nuôi sống bản thân và bà nội. Hiện cuộc sống của hai bà cháu chỉ trông vào khoản tiền chính sách hơn 400 nghìn đồng/tháng của Hoa.
“Thiếu đi bố mẹ, cuộc sống vật chất khó khăn và em thấy cô đơn, tủi thân. Có những lúc gặp tình huống trong cuộc sống, em không biết phải nên làm thế này hay thế kia, có đúng không vì không còn bố mẹ định hướng. Cũng có lúc đến nhà bạn bè chơi, thấy các bạn được bố mẹ chăm sóc, thấy tủi thân và ước ao mình có được sự quan tâm của bố mẹ. Nhưng bố mẹ đã không còn ở bên để chăm sóc và làm chỗ dựa cho em”, Hoa tâm sự.
Sẽ đi làm thuê kiếm tiền theo học
Cuộc sống mồ côi khó khăn thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần nhưng suốt những năm học cấp ba, Hoa đều là học sinh giỏi của nhà trường, năm lớp 9 em còn tham gia kỳ thi học sinh giỏi tỉnh và được giải Khuyến khích môn Văn.
Mơ ước của Hoa đi học là sau này xây dựng lại căn nhà cho bố an hưởng tuổi già nhưng bố em đã mất
Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Hoa đã thi được 23,95 điểm của tổ hợp 3 môn xét tuyển vào khối DO1. Với số điểm này, em đăng ký xét tuyển vào trường Đại học Hà Nội và trường Đại học Thương mại. Sau khi đậu đại học, Hoa dự định xin việc làm thêm để có tiền theo học.
Mặc dù chị gái đang làm việc tại miền Nam, nhưng Hoa cho biết em đăng ký vào các trường đại học tại Hà Nội để theo học: “Học ở Hà Nội, cuối tuần em có thể tranh thủ về thăm bà được, nếu học ở miền Nam thì đi lại xa xôi và tốn kém lắm. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để sau này có thể tự lo cho bản thân và chăm sóc bà nội. Chị gái đã động viên em rất nhiều và em sẽ cố gắng để không từ bỏ ước mơ đại học của mình”.
Đã nhiều năm qua, hai bà cháu Hoa nương tựa vào nhau để sống
Ngồi cạnh cháu gái của mình, bà Trịnh Thị Tân (72 tuổi) nghẹn ngào: “Bố mẹ cháu chết rồi, ngày hai bữa bà cháu có gì ăn nấy thôi, lâu lâu mới có bữa cơm thịt. Cháu nó nói với bà là ăn gì cũng được. Tôi tuổi già rồi không còn làm được gì để giúp cháu, chỉ gắng sống để cháu có chỗ dựa ngày nào hay ngày đó”.
Cô Đỗ Thị Hoa, giáo viên chủ nhiệm em Hoa, chia sẻ: “Em Nguyễn Thị Hoa là một học sinh có hoàn cảnh rất khó khăn, mẹ mất khi em mới 4 tuổi, đến năm lớp 10 thì bố mất. Thời điểm bố mất ở trên viện nhưng các cháu không có nổi 700 nghìn để thuê xe đưa bố về nhà. Trong qúa trình học tập em luôn được các thầy cô giáo và bạn bè giúp đỡ. Dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng bản thân Hoa rất có ý chí học tập, chăm học và quyết tâm thi đậu đại học”.
Duy Tuyên
Theo Dân trí
Bạc Liêu: Điểm thi THPT quốc gia 2018 vẫn giữ ổn định, không cao so với năm 2017
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Bạc Liêu vừa có báo cáo cho biết, điểm thi các môn trong tổ hợp xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng của thí sinh Bạc Liêu năm nay vẫn giữ ổn định và không cao so với năm 2017.
Qua thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu cho thấy, số điểm thi đạt từ 9-10 điểm của năm 2018 thấp hơn khoảng 30 bài thi so với năm 2017. Trong đó, mức điểm này của các môn thi như Toán, Ngữ Văn, Sinh học, Lịch sử... cũng đều thấp hơn năm 2017.
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu, năm 2017 điểm thi trung bình của tỉnh là 5,62 điểm, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành, trong khi đó điểm thi trung bình của tỉnh năm 2018 là 5,31 điểm, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành. Về thứ hạng có tăng lên nhưng mức điểm trung bình các môn thi có giảm so với năm trước là 0,31 điểm.
Về tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2018 đạt 98,31% (tăng 0,46% so với năm 2017). Trong đó, khối giáo dục THPT tỷ lệ tốt nghiệp đạt 99,57% (giảm 0,1% so với năm 2017) và khối giáo dục Thường xuyên đạt tỷ lệ tốt nghiệp 68,75% (giảm 5,64% so với năm 2017).
"Như vậy, chất lượng giáo dục của tỉnh và tỷ lệ tốt nghiệp THPT trong những năm qua luôn được duy trì và ổn định", Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu Dương Hồng Tân ký báo cáo cho biết.
Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu cho biết, điểm thi năm 2018 vẫn giữ ổn định, không có gì "bất thường".
Theo Sở Giáo dục Bạc Liêu, việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2018, Sở luôn thực hiện tốt từ khâu chuẩn bị, coi thi, chấm thi theo đúng quy chế. Công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương, các trường luôn chặt chẽ, xuyên suốt và được sự giám sát của thanh tra ủy quyền của Bộ GD&ĐT nên kỳ thi trên địa bàn tỉnh đã diễn ra an toàn, nghiêm túc.
"Trong nhiều năm qua, Sở Giáo dục đã chỉ đạo toàn ngành nỗ lực phấn đấu, đội ngũ giáo viên chủ động dạy học kết hợp ôn tập cho học sinh để giúp các em học đến đâu thì nắm chắc kiến thức đến đó. Từ đó, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh", báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu nêu rõ.
Huỳnh Hải
Theo Dân trí
Ước mơ của những cô cậu học trò nghèo Ước mơ là những điều to lớn nhưng cũng thật giản đơn với các cô cậu học trò nghèo: một chiếc máy tính để học toán, lớn thật nhanh và có một việc làm để gia đình bớt khổ... Nguyễn Tấn Lộc mồ côi cha mẹ, hiện đang sống với bà nội. Trong ảnh: Lộc đang trò chuyện cùng với một cán bộ...