Nữ sinh mồ côi cha bán xe đạp điện để có tiền nhập học
‘Ngay sau khi biết mình đậu đại học, em ấy đã bán chiếc xe đạp điện mình đi học mỗi ngày để lấy tiền lo học phí nhập học. Giờ em ấy mong được ở ký túc xá, rồi đi làm thêm để tự lo việc học’.
TS Lâm Thị Kim Liên thông tin hướng hỗ trợ của nhà trường với Võ Thị Bích Thuận chiều 19-10 – Ảnh: TRẦN HUỲNH
Cô Đinh Thị Phương Chi – giáo viên Trường THPT Trường Chinh ( Gia Lai) – chia sẻ với Tuổi Trẻ Online như vậy về “em học trò giỏi, đầy nghị lực vượt khó” Võ Thị Bích Thuận, học sinh Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Gia Lai).
Vừa học vừa làm nhưng học rất giỏi
Cô giáo Phương Chi cho biết thêm: “Em Bích Thuận không phải học sinh trường tôi, nhưng nhà ngoại em ấy gần nhà tôi nên tôi biết rất rõ hoàn cảnh của em. Bố em bị bệnh hiểm nghèo mất sớm, mẹ sau đó lấy chồng khác, nợ nần không lo được cho hai con nên gửi bà ngoại nuôi. Bích Thuận vừa học vừa đi làm. Theo các giáo viên của trường, dù hoàn cảnh vô cùng khốn khó nhưng em ấy học rất giỏi”.
Ký ức tuổi thơ của Võ Thị Bích Thuận vẫn khắc sâu hình ảnh những ngày bố bị bệnh liên miên, phải lo chạy chữa khắp nơi từ bệnh viện ở Gia Lai, rồi xuống tận Sài Gòn. Nhưng do bố Thuận mắc phải căn bệnh ung thư quái ác, tiền bạc trong nhà vốn đã khó khăn cứ “đội nón” ra đi. Đến lúc bố mất, khi đó Bích Thuận mới 12 tuổi, mẹ đành phải bán luôn căn nhà nhỏ lấy tiền trả nợ…
Vài năm sau mẹ “đi thêm bước nữa”, gửi hai chị em Thuận ở nhà bà ngoại. Gia đình mới của mẹ cũng vất vả, với hai con nhỏ thuê nhà trọ ở xã Ia HLốp nên lâu lâu mới ghé về thăm hai chị em Thuận.
Bà Hồ Thị Hường, mẹ Thuận – chia sẻ: “Tôi làm giáo viên mầm non, tiền lương mỗi tháng phải trả nợ ngân hàng (còn nợ khoảng 100 triệu đồng) chỉ còn hơn 2 triệu đồng, không đủ lo cho hai đứa con nhỏ chồng sau, hằng tháng tôi chỉ phụ bà 500.000 đồng lo cho hai đứa con lớn. Nay cháu Thuận đậu đại học, tôi phải dời nhà trọ ra thị trấn, đưa em trai nó, đang học lớp 12 về ở cùng để cháu tiện vừa học vừa làm”.
Bà ngoại Thuận năm nay đã 65 tuổi, vẫn xin làm tạp vụ, quét dọn ở xã. Cả nhà sống dựa vào khoản tiền 1,5 triệu đồng mỗi tháng bà kiếm được nên cả hai chị em Bích Thuận đều phải tranh thủ đi làm thêm ngoài giờ học, đặc biệt là dịp hè để kiếm tiền phụ giúp bà.
“Đang cố xoay xở nhưng khó khăn quá”
Nói về cô bạn thân từ lớp 3 của mình, Đỗ Thị Kim Ngân (học sinh lớp 12A7, bạn cùng lớp Bích Thuận), cho biết: “Bích Thuận luôn là người truyền cảm hứng cho tụi em. Thuận là người chăm chỉ nhất lớp, bọn em rủ đi chơi mà bạn ấy có khi nào đi đâu. Hoàn cảnh bạn ấy rất khó khăn nên phải đi làm thêm đủ thứ để có thêm tiền trang trải. Đậu đại học học, Thuận phải chạy vạy khắp nơi, ngay cả chiếc xe đạp điện cũ Thuận đi học mỗi ngày cũng do bạn đi làm tích góp mua được, nhưng phải bán xe để gom tiền nhập học.”
Video đang HOT
Nhìn học bạ của Bích Thuận với điểm số vô cùng ấn tượng, nhiều môn trên 9 điểm, điểm tổng kết cả năm lớp 12 đạt 8,5, nên việc cô học trò nghèo trúng tuyển vào ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM với điểm thi khối A00 đạt 24,55, không mấy ai bất ngờ. Nhưng bạn bè cùng lớp đều lo Bích Thuận không đủ khả năng tài chính để theo học suốt 4 năm đại học. “Thuận đang cố xoay xở, quyết tâm phải học đại học mà em thấy bạn còn nhiều khó khăn quá!”, Kim Ngân chia sẻ.
Võ Thị Bích Thuận cho hay từ hè năm lớp 9 nữ sinh này đã đi làm thêm đủ thứ việc, phụ quán ăn từ 5h sáng đến 20h tối mỗi ngày để kiếm tiền nộp học phí cho cả năm học. “Từ khi bố mất, em từng rất chán chản và cảm thấy lạc lõng vô cùng. Nhưng sau đó nhờ bà ngoại cưu mang em suy nghĩ rất nhiều và nhận thấy mình cần phải cố gắng học, tìm việc làm thêm, kiếm thêm chút ít tiền phụ bà…”, Thuận tâm sự.
Cũng vì phải làm thêm nhiều nên học kỳ 1 năm lớp 10, kết quả học tập của Thuận chỉ đạt loại khá, nhưng sau đó cô học trò nghèo nhanh chóng lấy lại phong độ và liên tục là học sinh giỏi.
Thuận chia sẻ: “Khi biết kết quả đậu đại học em vui lắm nhưng cũng là lúc em lo lắng nhất vì khoản tiền nhập học quá lớn, chưa biết làm sao có đủ tiền… nên em quyết định bán chiếc xe đạp điện được 3,5 triệu đồng. Bà con, hàng xóm, thầy cô… mỗi người cho một ít, cộng thêm số tiền em đi làm tiết kiệm được vừa đủ để em nhập học. Em biết những ngày tới đây mình sẽ phải vất vả hơn một chút nữa nhưng em sẽ cố gắng tìm việc làm thêm… Hi vọng đất Sài Gòn rộng lớn sẽ giúp em có nhiều cơ hội”.
“Chúng tôi sẽ không để em Thuận bỏ học”
Chiều 19-10, phóng viên Tuổi Trẻ đã cùng Bích Thuận đến Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, hoàn tất các thủ tục chuẩn bị chính thức vào học.
TS Lâm Thị Kim Liên – trưởng phòng công tác sinh viên nhà trường – đã tiếp xúc, tìm hiểu thêm về hoàn cảnh gia đình, nguyện vọng của Bích Thuận để có hướng xem xét hỗ trợ. “Qua tìm hiểu, tôi được biết tuy không thuộc diện chính sách nhưng hoàn cảnh em rất khó khăn. Trước mắt, nhà trường sẽ có những hỗ trợ ban đầu, xét trao học bổng Tương hỗ để có khoản tiền chi phí ban đầu. Chúng tôi sẽ không để em vì khó khăn phải bỏ học”, cô Liên nói với Thuận.
Đồng thời, bà Kim Liên cũng đã tặng Bích Thuận bộ áo dài đồng phục đi học. Trung tâm hỗ trợ sinh viên trường cũng cho biết sẽ giúp Thuận được làm ở quán cà phê khởi nghiệp của trường để có thêm chi phí sinh hoạt.
Bà Nguyễn Thị Nhung – trưởng Ban quản lý ký túc xá Cỏ May – cũng cho hay khi báo Tuổi Trẻ thông tin hoàn cảnh của Võ Thị Bích Thuận, ký túc xá đã quyết định tiếp nhận đơn để xem xét cho nữ sinh này vào ở.
Y Julie - Cô gái khuyết tật 2 tay bẩm sinh bước chân vào đại học
Ước mơ vào giảng đường đại học đã thành hiện thực, cô bé "chim cánh cụt" Y Julie ở Kon Tum đang viết tiếp giấc mơ trên con đường học vấn và từng bước chinh phục những thành công mới trong cuộc sống.
Y Julie trò chuyện cùng bạn học. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)
Không may mắn khi sinh ra với một cơ thể bị khuyết tật 2 tay bẩm sinh, thế nhưng Y Julie, 18 tuổi ở làng Kon Drei, xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum), sinh viên năm nhất ngành Công nghệ thông tin ở Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum vẫn không ngừng nỗ lực vươn lên trong học tập và được ví là "chim cánh cụt" trong trường, trong lớp.
"Chim cánh cụt" ở giảng đường đại học
Mười hai năm học đã qua, Y Julie luôn được xem là "chim cánh cụt" - niềm hy vọng trong trường, lớp nơi mình theo học.
Năm học mới 2020-2021, bước vào giảng đường đại học, cô bé "chim cánh cụt" Y Julie tiếp tục tạo được thiện cảm với bạn bè. Em Y Julie chia sẻ: "Tại đây, em được làm quen với những bạn bè, thầy, cô và những môn học mới. Giảng đường đại học lạ, khó khăn hơn đối với các bạn, song với một người khuyết tật như em càng khó hơn."
Thời gian đầu đến lớp, Y Julie còn rụt rè và ít tiếp xúc với bạn bè xung quanh. Các môn học ở đại học thì khác xa với những gì em đã tưởng tượng. Các thầy, cô khi thấy Y Julie đến lớp cũng đều không tin được rằng, một người khuyết tật như em lại có thể sử dụng thành thạo máy tính bằng chính đôi chân của mình.
Hình ảnh cô gái Y Julie cụt tay hằng ngày đều đặn đến trường đã làm lay động trái tim của mỗi người. Do đó, mọi người đều hết lòng yêu quý và hỗ trợ Y Julie để em có thể tiếp tục hoàn thành giấc mơ của mình.
Anh A Khưnh (39 tuổi), cha của em Y Julie chia sẻ, do hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, nên khi con mình đậu đại học, anh không đủ khả năng để có thể sắm cho Y Julie một dàn máy tính. Rất may, thông tin này đã được một mạnh thường quân biết được và quyết định hỗ trợ để em tiếp tục theo đuổi việc học.
Mặc dù học ngành Công nghệ thông tin, trái với ước mơ được trở thành một giáo viên của mình nhưng Y Julie lại không buồn nhiều. Thay vào đó, em ra sức chuyên tâm học hành, vận dụng tất cả kỹ năng vốn có và đôi chân của mình vào việc sử dụng máy tính. Đôi lúc, do phải ngồi nhiều trước màn hình nên đôi chân của em rã rời. Mệt mỏi nhưng không chùn bước, ngọn lửa đam mê của Y Julie vẫn bùng cháy.
Cô sinh viên năm nhất Y Julie học bài. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)
Em Y Julie cho biết, có nhiều lúc đôi chân và lưng của em đau nhức do dùng máy tính quá nhiều, em cảm thấy mình rất tủi thân vì không có đôi tay để sử dụng như mọi người. Tuy nhiên, khi nghĩ đến hình ảnh cha mẹ không ngại nắng, mưa chở em đi học thì niềm khao khát muốn học thành công trong em lại trỗi dậy. Từ đó, em quyết tâm phải học thật tốt để bù đắp công lao to lớn mà cha mẹ đã dành cho em.
Để có được thành quả này, trước đó, Y Julie đã phải cố gắng gấp nhiều lần so với bạn bè cùng trang lứa.
Hành trình luyện con chữ
Em Y Julie tâm sự: "Từ nhỏ, có lần em theo các bạn đến lớp chơi. Thế nhưng, khi thấy hình ảnh các bạn đang say mê tập viết chữ cái, em lại cảm thấy có chút chạnh lòng vì mình không có đôi tay để có thể viết như các bạn. Tuy nhiên, do ham muốn học hỏi nên em đã nghĩ ra cách dùng chân kẹp vào que củi để có thể tập viết trên mặt đất trước sân nhà."
Chị Y Zoar, mẹ em Y Julie xúc động chia sẻ, là một giáo viên mầm non, nhưng chị thấy lực bất tòng tâm khi không biết phải bày cho con mình tập viết như thế nào. Do đó, khi biết con gái có thể viết được, chị liền mua ngay tập, sách để con có thể tự tiếp tục giấc mơ đi học.
Y Julie sử dụng thành thạo máy tính bằng đôi chân. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)
Thời gian trôi qua, những nét chữ nguệch ngoạc của Y Julie trên nền đất giờ đây được thay bằng những nét chữ nắn nót trên những trang giấy trắng. Những nét chữ ấy chính là biết bao cố gắng và khao khát cháy bỏng của em đối với việc học để trở thành người có ích.
Nhờ nghị lực phi thường, giờ đây, Y Julie đã có thể tự mình viết được hoàn chỉnh và em có thể viết tên cha, mẹ bằng chính đôi chân của mình, thay cho lời cảm ơn vì đã nuôi nấng em nên người.
Chị Lê Thị Diệu Hiền, giáo viên trường Trung học phổ thông Trường Chinh cho biết, mặc dù bị khuyết tật, thế nhưng Y Julie lại viết chữ rất đẹp. Bên cạnh đó, em còn là một học sinh rất chăm chỉ, thông minh và học lực của em luôn nằm trong tốp khá giỏi của lớp. Thấy được nghị lực phi thường, luôn muốn vượt qua khó khăn của Y Julie nên tất cả giáo viên trong trường đều yêu quý và giúp đỡ em tận tình.
Y Julie cũng là một cô gái có tính cách rất vui vẻ, hòa đồng với bạn bè, thường xuyên giúp đỡ các bạn khác trong quá trình học tập. Vì vậy, trong lớp ai cũng quý mến cô bé khuyết tật có thân hình nhỏ nhắn này.
Không chỉ trên lớp học, mà khi về nhà, Y Julie cũng thường xuyên phụ giúp mẹ lau nhà, rửa chén, giặt quần áo... Vào thời gian rảnh, em cũng thường xuyên thay cha mẹ, kèm cặp các em học tập. Trong mắt hàng xóm láng giềng, Y Julie giống như một thiên thần nhỏ, luôn ngoan ngoãn và lễ phép đối với mọi người xung quanh.
Ở nơi còn nhiều khó khăn như làng Kon Drei (xã Đăk Blà), Y Julie xuất hiện như một tia nắng ấm và là tấm gương sáng mang lại niềm tin, nguồn động lực cho rất nhiều người để học hỏi, vươn mình bước qua những khó khăn trong cuộc sống.
Không những thế, Y Julie còn thi đỗ vào ngành Công nghệ thông tin của Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum và trở thành người đầu tiên của làng Kon Drei được bước chân vào giảng đường đại học.
Ước mơ vào giảng đường đại học đã thành hiện thực, cô bé "chim cánh cụt" Y Julie đang viết tiếp giấc mơ trên con đường học vấn và từng bước chinh phục những thành công mới trong cuộc sống./.
Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM làm thủ tục nhập học cho hơn 3.200 sinh viên Ngày 16/10, Trương ĐH Ngân hang TPHCM đa băt đâu lam thu tuc nhâp hoc cho hơn 3.200 sinh viên trung tuyên vao trương năm hoc 2020-2021. Rât đông sinh viên lam thu tuc nhâp hoc sang 16/10 Thơi gian bô tri đê tân sinh viên lam thu tuc nhâp hoc là trong 2 ngày 16 và 17/10. Theo ông Nguyên Anh Vu-...