Nữ sinh mang khát vọng đổi đời cho cộng đồng dân tộc K’Ho
Nhi cho hay, kế hoạch tương lai của cô là thu hẹp khoảng cách ngày càng lớn giữa cộng đồng dân tộc thiểu số với các cộng đồng khác ở Việt Nam.
Nhi (mặc áo đỏ) cùng các bạn trong nhóm đến thăm một gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Di Linh. (Ảnh: PV)
Lớn lên ở Lâm Đồng, nơi dân tộc thiểu số K’Ho chiếm khoảng 15% dân số, từ thời thơ bé, Nguyễn Mỹ Nhi đã mong muốn hỗ trợ nhóm cộng đồng này.
“Em nhận thấy hầu hết đồng bào dân tộc K’Ho đều có hoàn cảnh vô cùng khó khăn vì tỷ lệ mù chữ và bỏ học cao,” Nhi chia sẻ.
Từ khát vọng đổi thay cho người K’Ho
Khát vọng thay đổi cuộc sống cho người dân K’Ho đã thôi thúc Nhi cùng bảy nữ sinh Trường Trung học cơ sở Tam Bố (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) thành lập nhóm “Vì kỹ năng sống tốt hơn của học sinh đồng bào dân tộc K’Ho” vào đầu năm nay.
Thầy Trương Văn Thanh, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Tam Bố, vẫn nhớ như in lần đầu tiên Nhi chủ động gặp và trao đổi về mong muốn thành lập nhóm với thành viên là các nữ sinh từ trường của mình.
“Cô gái 18 tuổi đó nói với tôi rằng em mong muốn đóng góp cho cộng đồng dân tộc thiểu số, không chỉ bằng vật chất, mà còn qua việc nâng cao kỹ năng mềm, cũng như phát triển nhận thức về xã hội và môi trường cho nữ sinh thuộc nhóm dân tộc này.
Đây là lần đầu tiên học sinh dân tộc thiểu số tại trường tôi có cơ hội tham gia vào các hoạt động cộng đồng ngoài trường. Các em tự tin hơn, tạo dựng quan hệ với người khác nhanh chóng hơn, cũng như xây dựng được tinh thần đoàn kết tương ái,” thầy Thanh chia sẻ.
Nguyễn Mỹ Nhi (mặc áo đỏ) cùng nhóm “Vì kỹ năng sống tốt hơn của học sinh đồng bào dân tộc K’Ho”. (Ảnh: PV)
Nói về quyết định này của mình, Nhi cho hay, chế độ mẫu hệ vẫn được duy trì mạnh mẽ trong cộng đồng K’Ho nên phụ nữ vẫn giữ vai trò trụ cột trong gia đình. Họ có toàn quyền quyết định mọi việc quan trọng lớn nhỏ trong nhà trong khi vẫn phải tự đảm đương việc nội trợ.
“Nhóm chúng em muốn giúp đỡ nữ sinh dân tộc K’Ho vượt qua áp lực và nỗi sợ dễ bị tổn thương do thuộc cộng đồng thiểu số để các em có thể phát triển cả về mặt cá nhân và nghề nghiệp. Khi thực hiện điều này, chúng em hy vọng chính họ có thể truyền cảm hứng và giúp đỡ lại cộng đồng mình,” Nhi nói.
Với nhiệt huyết và năng lực lãnh đạo truyền cảm của cô bạn, nhóm đã quyên góp được 40 triệu đồng, nâng cao nhận thức về trách nhiệm môi trường, đồng thời phối hợp với nhiều tổ chức khác để giúp đỡ những đồng bào có hoàn cảnh khó khăn.
… đến học bổng toàn phần Đại học RMIT
Bên cạnh các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng, nhờ thông minh và chăm chỉ học tập, suốt thời phổ thông Nhi còn là nữ sinh có học lực nổi trội luôn đứng đầu lớp, giành nhiều giải thưởng học tập danh giá khi theo học chuyên Pháp và trong nhiều cuộc thi quốc gia.
Video đang HOT
Với thành tích học tập tốt và những nỗ lực, tinh thần vì cộng đồng, mới đây, Nguyễn Mỹ Nhi đã được Đại học RMIT chọn trao học bổng toàn phần. Đây là học bổng được trao cho ứng viên có thành tích học tập xuất sắc và năng lực lãnh đạo vượt trội trong suốt quá trình học phổ thông trung học. Ngành được Nhi chọn học là Kinh doanh (Kinh tế và Tài chính). Nhi tin rằng ngành học này sẽ là công cụ cần thiết để phát triển đam mê.
Nhóm đã giúp đỡ cộng đồng K’Ho tại thôn Đăng Srôn, xã Ninh Gia, dọn sạch một con mương nhỏ để tránh nước tù đọng. (Ảnh: PV)
“Em muốn có được tấm bằng kinh doanh và dùng kiến thức của mình để kết nối đồng bào K’Ho với mạng lưới kinh doanh rộng lớn hơn để họ có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của mình. Em tin bản thân sẽ được trang bị kiến thức nền tảng, kỹ năng chuyên môn và trải nghiệm thực tiễn để thực hiện ước mơ. Kỹ năng lãnh đạo, truyền thông, lập kế hoạch và quản trị của em cũng sẽ được phát triển và nâng cao,” Nhi chia sẻ.
Dù sẽ bắt đầu hành trình tại RMIT vào học kỳ này, Nhi cho hay sẽ vẫn tiếp tục dẫn dắt nhóm của mình và kỳ vọng tạo ra tác động lớn hơn trong cộng đồng nhờ những kết nối mà cô bạn sẽ tạo dựng được trong thời gian học tại RMIT.
Kế hoạch tương lai của cô là thu hẹp khoảng cách ngày càng lớn giữa cộng đồng dân tộc thiểu số với các cộng đồng khác ở Việt Nam./.
Chuyện nữ sinh 9X Việt làm cô giáo ở xứ sở kiwi
Tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Tiểu học (Graduate Diploma in Teaching and Learning - Primary) ở ĐH Canterbury, New Zealand, 9X Việt trở thành cô giáo trường Lakeview ở Masterton.
Tốt nghiệp Đại học RMIT, Quỳnh tham gia giảng dạy bán thời gian ở Hà Nội. Cô từng có kinh nghiệm 2 năm làm trợ giảng cho Hội đồng Anh. Niềm đam mê với sự nghiệp "trồng người" đã thúc đẩy Nguyễn Như Quỳnh du học để tiếp tục mở mang kiến thức và trau dồi nghiệp vụ sư phạm.
Sau khi hoàn thành chương trình trường ĐH Canterbury, Quỳnh trở thành giáo viên của trường tiểu học Lakeview, thị trấn Masterton (New Zealand) từ tháng 1/2020.
Cùng PV Dân trí tìm hiểu, mảnh đất Kiwi đã giúp cô gieo mầm và đạt đến ước mơ như thế nào?
PV: Cơ duyên nào giúp Quỳnh biết đến nền giáo dục New Zealand và lựa chọn nơi đây để học tập?
Cô giáo Nguyễn Như Quỳnh: Mình biết đến giáo dục New Zealand thông qua tìm hiểu cá nhân. Một điều khá may mắn là mình tình cờ có cơ hội gặp gỡ Đại diện của trường ĐH Canterbury trong một sự kiện trường ghé thăm Hà Nội.
Sau khi trau đổi với trường về cơ hội học tập ngành Sư phạm và cơ hội làm việc tại New Zealand ngay sau tốt nghiệp thì mình rất hứng thú.
Chọn một điểm đến du học không phải là quyết định đơn giản vì bạn cần cân nhắc nhiều yếu tố. Chẳng hạn như môi trường học tập, điều kiện tài chính của bản thân, định hướng trong tương lai, văn hóa của quốc gia đó...
Mình chọn học ở New Zealand qua 3 yếu tố: học phí hợp lý, môi trường học tương đồng với triết lý trong nghề của mình và môi trường sống yên bình, phù hợp tính cách. Nền giáo dục của quốc gia này rất tốt, phù hợp với triết lý giảng dạy và cách dạy mà mình luôn theo đuổi.
Đó là khuyến khích học sinh luôn tò mò, luôn tìm hiểu chứ không chỉ dựa vào người giáo viên chỉ bảo các em cần học gì. Tinh thần học tập suốt đời cũng là triết lý mình tin rằng bất kỳ giáo viên nào cần có. Hơn nữa, văn hóa New Zealand rất tôn trọng và cởi mở với các nền văn hóa khác nhau.
Đặc biệt là văn hóa Maori có nhiều nét tương đồng với văn hóa Việt Nam. Điều đó khiến mình cảm thấy rất gần gũi khi tìm hiểu về văn hóa Maori cũng như sống tại New Zealand. Ngoài ra thì sự yên bình, con người thân thiện cũng là điểm cộng lớn để mình quyết định chọn học tại mảnh đất này.
- Theo đuổi chuyên ngành Sư phạm Tiểu học (Graduate Diploma in Teaching and Learning - Primary) ở ĐH Canterbury, Quỳnh có cảm nhận gì về môi trường ngành Sư phạm ở New Zealand?
Môi trường ngành Sư phạm ở New Zealand rất tốt để sinh viên học tập và phát triển sự nghiệp. Trong thời gian học, chỉ cần bạn gặp sự cố dù là về tài chính hay sức khỏe, tinh thần... đều sẽ được trường hỗ trợ tận tình.
Lớp học của mình có gần 100 sinh viên nhưng ai cũng vui vẻ và sẵn sàng giúp đỡ nhau, đặc biệt là với sinh viên quốc tế như mình. Tuy chương trình học chỉ kéo dài 1 năm nhưng mình học hỏi được nhiều điều thực sự có ích cho quá trình làm việc sau này.
Mình rất ấn tượng với cách học ở New Zealand. Điều quan trọng là nền giáo dục New Zealand không gò ép người giáo viên phải dạy theo một quy chuẩn cứng nhắc. Thay vào đó, họ chấp nhận mỗi giáo viên có một cách dạy khác nhau, và sự khác biệt đó đều được đón nhận miễn sao nó phù hợp với giáo viên và hiệu quả với học sinh.
Cơ hội thực hành cũng rộng mở qua 2 lần thực giảng, mỗi lần kéo dài 7 tuần trong chương trình học. Nhờ đó mà mình học hỏi được nhiều về cách dạy của giáo viên và có cơ hội đứng lớp như một cô giáo thực thụ.
Thầy cô cũng hỗ trợ nhiệt tình cho sinh viên trong giai đoạn tìm việc làm. Các bạn sẽ được thầy cô đánh giá CV và góp ý để mình hoàn thiện hồ sơ tốt nhất.
Ngay sau khi tốt nghiệp tại New Zealand, Như Quỳnh đã tìm được công việc ở nước sở tại.
- Trở thành giáo viên ở nước sở tại ngay sau khi tốt nghiệp. Trải nghiệm làm cô giáo ở xứ Kiwi có gì đặc biệt với Quỳnh không?
Dĩ nhiên là có nhiều trải nghiệm rất mới mẻ và thú vị. Mình làm giáo viên cho các bé lớp 5-6 ở trường Lakeview ở Masterton. Điểm đặc biệt khi đi dạy là cô giáo sẽ đóng vai trò dẫn đường để các con tự chủ động học tập và hoàn thành lộ trình học trong năm đó.
Kiến thức cũng không phải là ưu tiên hàng đầu ở độ tuổi tiểu học. Thay và đó, thầy cô sẽ tập trung giúp các con trau dồi, xây dựng nhân cách, biết cách đối xử mới mọi người thật tốt. Điều này cũng tương tự như câu nói "Tiên học lễ, hậu học văn" ở Việt Nam vậy.
Những giao tiếp xã hội giúp con trẻ "học" được nhiều hơn và biến việc học thành trải nghiệm tự nhiên, gần gũi với cuộc sống thường ngày.
Lớp học đầy màu sắc do nhờ những bức tranh do các em nhỏ tự tay vẽ.
Mình và các thầy cô Kiwi thường cho học sinh nhiều cơ hội làm việc nhóm để giúp các bé học tư duy phản biện, làm việc nhóm, đóng góp ý kiến cùng nhau.
Ngoài ra, mình có thể điều chỉnh giáo trình theo năng lực của từng trẻ, giúp những bé học tốt phát huy hết năng lực và giúp các bé chậm hơn vẫn theo được chương trình mà không bị tâm lý tự ti hay thấy mình bị bỏ lại phía sau.
Kế hoạch trong tương lai của mình vẫn là tiếp tục làm cô giáo ở New Zealand và trang bị thật nhiều kinh nghiệm chuyên môn lẫn kỹ năng mềm để tự tin đồng hành, giúp các bé phát triển.
Như Quỳnh hiện đã thực hiện được ước mơ làm cô giáo tiểu học ở vùng đất Kiwi.
- Lời khuyên của Quỳnh dành cho các bạn trẻ đang quan tâm và muốn trải nghiệm ngành Sư phạm ở New Zealand?
Các trường Đại học ở New Zealand đều nằm trong top 3% những trường có chất lượng hàng đầu thế giới, nên bạn có thể hoàn toàn yên tâm được trải nghiệm nền giáo dục chuẩn mực ở quốc gia này. Bên cạnh đó, nếu bạn mong muốn có cơ hội làm việc sau tốt nghiệp thì đây cũng là môi trường lý tưởng.
Bởi sinh viên quốc tế sau khi tốt nghiệp sẽ có quyền lời có visa làm việc từ 1-3 năm. Đây là khoảng thời gian đủ để bạn trau dồi kỹ năng chuyên môn, kinh nghiệm giảng dạy trong môi trường quốc tế trước khi quyết định tiếp tục làm việc ở New Zealand hay trải nghiệm môi trường khác.
Riêng đối với những bạn có dự định học như mình, thì chương trình học có lượng kiến thức của 3 năm gộp lại trong 1 năm nên sẽ có chút "căng" hơn.
Vì thế bạn sẽ khó lòng để đi làm thêm trong khi học, đặc biệt là vào giai đoạn đi thực giảng có thời gian biểu dạy hằng tuần trong suốt gần 2 tháng liền.
Theo mình, hãy tập trung học cho thật tốt để hiểu được nền giáo dục New Zealand và những kiến thức quan trọng. Sự vững vàng về mặt kiến thức đó sẽ giúp bạn tự tin và để xin việc hơn.
Để an tâm hơn về mặt tài chính thì bạn có thể tập trung săn học bổng trước khi du học để có thêm khoản trang trải chi phí ăn học ở nơi xứ người.
- Nhắc đến giáo viên bậc tiểu học, người ta thường nghĩ ngay đến việc thầy cô có những áp lực đặc thù so với bậc học lớn hơn. Với Quỳnh thì sao?
Dạy học, trong đó có dạy học bậc tiểu học không phải là một công việc dễ dàng, nhưng một khi bạn có đam mê, bạn đã hoàn thành một nửa "cuộc chiến".
Mình muốn làm quen với những đứa trẻ thuộc nhiều nguồn gốc khác nhau như Pakeha, Maori, Pasifika, v.v., và góp phần thay đổi cuộc sống của chúng bằng giáo dục.
- Quỳnh có thể chia sẻ rõ hơn về cơ hội nghề nghiệp với ngành này ở New Zealand?
Ngành Sư phạm Tiểu học ở New Zealand có nhiều triển vọng nghề nghiệp cho các bạn trẻ. Giáo viên tiểu học ở New Zealand có thể nhận được mức lương từ 48,000NZD - 80,000NZD/năm tùy theo năng lực và kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, đây cũng là ngành học được ưu ái "đất dụng võ" tại quốc gia này khi thuộc top những ngành nghề có nhu cầu nhân lực cao ở New Zealand. Mình tin các bạn trẻ có đam mê, quyết tâm với nghề sư phạm tiểu học thì New Zealand là một mảnh đất tuyệt vời để bạn ươm mầm, phát triển nó.
Cảm ơn Quỳnh và chúc bạn tiếp tục thành công với đam mê.
Thuê chuyến bay chở giáo viên nước ngoài đến Việt Nam giảng dạy Vì dịch Covid-19, vấn đề khó khăn nhất đối với các trường đại học, phổ thông có yếu tố quốc tế cũng như các trung tâm Anh ngữ là thiếu hụt giáo viên nước ngoài. Chuyến bay chở giảng viên ĐH RMIT và các sinh viên RMIT người Việt về Việt Nam ngày 6.9 - ẢNH: BAMBOO AIRWAYS Dành gần 1 tỉ đồng...