Nữ sinh lên mạng thóa mạ GV: Cần có cái nhìn công tâm
“Để đưa ra quyết định kỷ luật này, các giáo viên, hội đồng sư phạm chắc chắn phải trải qua nhiều cuộc họp, và cũng rất đau khổ và day dứt khi đuổi học V.”, cô Nguyễn Thị Thu Huyền chia sẻ.
Trước sự việc nữ sinh Nguyễn Thanh V. (học sinh trường THCS Lý Tự Trọng, Quảng Nam) lên mạng xã hội “thóa mạ” thầy cô giáo của mình và bị đuổi học 1 năm. Dư luận đã có rất nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này. Bên cạnh ý kiến đồng tình với quyết định của nhà trường, một số ý kiến cho rằng đây là hành động “nặng tay”. Nhận định về vấn đề này, Thạc sĩ Giáo dục, giảng viên khoa Tâm lý, ĐH Sư Phạm TP.HCM Nguyễn Thị Thu Huyền đã có cái nhìn khách quan về trách nhiệm của nhà trường, gia đình.
Nhà trường có lý do chính đáng
Thạc sĩ Giáo dục, giảng viên khoa Tâm lý, ĐH Sư phạm TP.HCM Nguyễn Thị Thu Huyền
Dưới góc độ cũng là một chuyên gia về giáo dục, cô Nguyễn Thị Thu Huyền cho rằng cần xem xét sự việc một cách công bằng và công tâm, không nên lên án, chỉ trích hoặc quy kết mọi trách nhiệm cho nhà trường. Bởi quyết định của nhà trường cũng có lý do chính đáng.
Thứ nhất, để đưa ra quyết định đuổi học một học sinh trong vòng một năm không phải chỉ do một sự việc đơn lẻ là hành động thóa mạthầy cô trên mạng mà đó là kết quả của chuỗi hành vi trước đó. Trước đó nữ sinh V. đã từng đánh nhau và bị đuổi học 3 ngày (dù sự việc theo em V. là nhà trường cũng tìm hiểu thông tin chính xác nhưng dù sao việc em có tham gia đánh nhau cũng là vi phạm nội quy và cần ở nhà 3 ngày để xem xét lại hành vi của mình). Trong khi đang cần phải suy nghĩ về hành vi sai phạm của mình, em lại tiếp tục vi phạm nặng hơn qua việc tung đoạn văn thóa mạ thầy cô trên mạng.
Thứ hai, nhà trường khi quyết định đuổi học vì nhận thấy rằng sự có mặt của học sinh này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhân cách của những em khác. Do đó, nhà trường buộc phải quyết định cách ly V. ra khỏi tập thể học sinh.
Thứ ba, nhà trường có hình phạt nghiêm khắc để muốn răn đe những em học sinh khác không tái lập hành vi này nữa.
Thứ tư, vô lễ với giáo viên (cùng với đánh nhau) được xem là một trong những lỗi vi phạm nặng nhất của học sinh phổ thông và hình phạt cao nhất có thể là đuổi học. Việc này hầu hết các trường phổ thông đều đồng thuận.
Video đang HOT
Trách phạt không phải là biện pháp duy nhất
Cô Huyền cũng cho biết: “Trong giáo dục không có một quy tắc ứng xử nào hoàn toàn đúng với mọi trường hợp. Vì vậy, các nguyên tắc cần phải được vận dụng một cách linh hoạt”.
Theo cô, trong trường hợp em học sinh này, nếu nhà trường đã trao đổi và nhận thấy em có dấu hiệu hối lỗi, bản thân gia đình cũng nhận thức được trách nhiệm của họ và cam kết sẽ cùng phối hợp với nhà trường để giáo dục lại, thì nhà trường nên cho V. một cơ hội để em có thể nhanh chóng quay trở lại trường.
“Bởi chỉ có môi trường giáo dục trong nhà trường mới là nơi lý tưởng nhất để giáo dục em, nếu đẩy ra ngoài xã hội sẽ có thể sẽ để lại hậu quả khó lường, đặc biệt ở lứa tuổi vị thành niên như em V. – một độ tuổi đang định hình nhân cách”, cô Huyền chia sẻ.
Nhân cách của học sinh là kết quả của quá trình phát triển trong đó có 4 yếu tố ảnh hưởng: yếu tố bẩm sinh – di truyền, môi trường sống, giáo dục (tác động tự giác, có chủ đích từ bên ngoài) và hoạt động của cá nhân.
Sản phẩm nhân cách hiện tại của V. một phần là do kết quả tác động từ phía nhà trường. Do vậy, nhà trường trong đó bao gồm giáo viên, tập thể sư phạm phải có trách nhiệm cho sự phát triển nhân cách của nữ sinh này. Ở một chừng mực nào đó, đây cũng là một biểu hiện cho sự thất bại trong việc giáo dục nhân cách.
Trách nhiệm của nhà trường đó là chưa sâu sát học sinh, khi V. có những biểu hiện vi phạm nhỏ đã không kịp thời can thiệp, giúp em nhận ra lỗi lầm và điều chỉnh hành vi của mình. Trong giáo dục phẩm chất cho học sinh, có rất nhiều phương pháp khác nhau như: giảng giải, nêu gương, kể chuyện, rèn luyện thói quen. Trong số đó, trách phạt là nhóm phương pháp cuối cùng khi tất cả các phương pháp giáo dụckhác không còn có ý nghĩa.
Nhưng một căn bệnh khá phổ biến của tất cả các nhà trường hiện nay đó là khi học sinh vi phạm, việc đầu tiên các giáo viên nghĩ đến là trách phạt. Điều này tất yếu dẫn đến việc có phạt nhưng lại không có tác dụng giáo dục sâu sắc. Việc sử dụng phối hợp linh hoạt các phương pháp giáo dục mới là cách tốt để hình thành nhân cách của học sinh theo chiều hướng tích cực.
Chính vì chưa giải quyết triệt để vấn đề nhỏ nên dẫn đến việc em V. không điều chỉnh các hành vi sai của mình mà trượt dài thêm vào các sai phạm và cộng hưởng tất cả các sai phạm đó khiến nhà trường phải đưa ra quyết định đuổi học.
“Dư luận và xã hội cần phải có cái nhìn công tâm bởi nếu tiếp xúc trực tiếp trong môi trường giáo dục thì mới hiểu được áp lực của các thầy cô. Để đưa ra quyết định kỷ luật này, các giáo viên, hội đồng sư phạm chắc chắn phải trải qua nhiều cuộc họp, và cũng rất đau khổ và day dứt khi quyết định đuổi học V. Nhưng nhà trường vẫn buộc phải đưa ra quyết đinh này vì nếu không xử lý nghiêm có thể các học sinh khác sẽ theo đuôi, bằng chứng đã có rất nhiều em ủng hộ lời kêu gọi củanữ sinh này. Như vậy, trò vui đùa của V. có thể sẽ dẫn đến hậu quả tiêu cực mà em không nghĩ đến. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, lòng bao dung và niềm tin vào con người là điều rất quan trọng trong giáo dục, với một em học sinh chưa trưởng thành như V., nhà trường cũng nên cân nhắc lại một lần nữa xem có thể giảm bớt hình phạt cho em, tạo điều kiện cho em sớm quay trở lại lớp học”, cô Huyền chia sẻ.
Bài học cho phụ huynh
Về phía phụ huynh, cô Huyền cho rằng: “Cha mẹ của em cũng nhận thức được sự việc con mình gây ra là rất nghiêm trọng và có trách nhiệm của họ trong đó. Họ có lỗi trong việc không giám sát con em của mình đến nơi đến chốn”.
Đây là lời cảnh báo cho tất cả các phụ huynh. Đó là, cần quan tâm hơn đến con em của mình, đặc biệt ở độ tuổi vị thành niên, khi các em còn rất trẻ con nhưng lại nghĩ mình đã trưởng thành.
Cô Huyền đưa ra lời khuyên: “Bởi vậy, nhà trường và gia đình đều phải định hướng về những chuẩn mực, các giá trị để các em biết được thế nào là đúng, thế nào là sai, hành động nào được chấp nhận và hành động nào không được chấp nhận, từ đó, các em mới có thể tự giám sát hành vi của chính mình”.
Tuy nhiên, cô cũng lưu ý đối với độ tuổi này khi giáo dục cần hết sức nhẹ nhàng, khéo léo. Bởi đặc điểm tâm lý của các em ở tuổi vị thành niên thường rất xốc nổi, dễ bị kích động, nếu can thiệp không khéo léo có thể phản tác dụng và gây ra những phản ứng tiêu cực.
Tóm lại, trước sự việc trên, nhà trường và gia đình đều phải xem xét lại trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, dư luận cần có cái nhìn công tâm, khách quan về quyết định của nhà trường. Sự lên án, chỉ trích thái quá của một bộ phận dư luận có thể khiến nhiều em học sinh thấy mình được bênh vực và cho rằng hành động của mình là không có gì nghiêm trọng, điều này có thể dẫn đến việc nhiều em học sinh khác sẽ thực hiện hành vi vi phạm tương tự.
AN HOÀNG
Theo Infonet
Vụ "chống phá kỳ thi" trên Facebook: Sở GD-ĐT sẽ xem xét lại vụ việc
Cha mẹ học sinh này có đơn xin cứu xét sau khi trường ra quyết định cho nghỉ học 1 năm song cuộc họp sau đó vẫn giữ mức kỷ luật này.
Hội đồng Kỷ luật Trường THCS Lý Tự Trọng, TP Tam Kỳ - Quảng Nam ngày 8/1 cho biết đã đuổi học 1 năm đối với học sinh Nguyễn Thanh Vy, học sinh lớp 8/6. Trước đó, nhà trường phát hiện học sinh này đăng trên Facebook bài Tuyên ngôn học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng với những nội dung chống phá trước kỳ thi học kỳ I và xúc phạm thầy cô giáo.
Kỷ luật để răn đe
Ông Nguyễn Tấn Sĩ, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng, cho biết nhà trường đã đắn đo rất nhiều mới quyết định kỷ luật đuổi học Nguyễn Thanh Vy 1 năm. Theo ông Sĩ, Trường THCS Lý Tự Trọng là trường điểm của TP, phần lớn tập trung học sinh có học lực giỏi và hạnh kiểm tốt. Việc học sinh Vy đưa ra những nội dung chống phá kỳ thi và xúc phạm thầy cô giáo cần phải được xử lý nghiêm để tạo tính răn đe cho các học sinh khác.
Trước đó, Vy có đánh nhau với các bạn nữ và bị nhà trường đuổi học 3 ngày. Trong thời gian ở nhà, Vy đọc được bài Tuyên ngôn học sinh Trường THPT Thái Phiên 10C1 trên internet nên sao chép rồi sửa đổi tên thành Trường THCS Lý Tự Trọng và đưa lên trang cá nhân Facebook vào ngày 17/12/2012. "Việc này, nếu lan tỏa trong nhà trường thì có thể gây ảnh hưởng đến kỳ thi và tâm lý của học sinh"- ông Sĩ nói.
Ông Sĩ cũng cho hay nhà trường đã mời phụ huynh của Vy đến làm việc nhưng phải đến lần thứ 3 mới được. "Điều này chứng tỏ gia đình của học sinh Vy thiếu quan tâm đến con cái. Có thể đó là điều khiến em ấy có những hành động như vậy" - ông Sĩ nhận xét và cho biết thêm là Hội đồng Kỷ luật của trường đã cân nhắc bằng cách đưa ra 2 hình thức xử lý là đuổi học 1 năm hoặc đuổi học 1 tuần.
Kết quả 8/9 thành viên của hội đồng biểu quyết nhất trí đuổi học 1 năm. Sau đó, phụ huynh có gửi đơn xin nhà trường xem xét cho Vy đi học trở lại nên trường đã tổ chức cuộc họp với thành phần là hội đồng kỷ luật, hội cha mẹ học sinh, đại diện cha mẹ của Vy cùng Công an phường An Sơn - TP Tam Kỳ nhằm xem xét lại hình thức xử lý kỷ luật nhưng tại cuộc họp này, kết quả bỏ phiếu vẫn là đuổi học 1 năm.
Lo ngại hậu quả xấu hơn
Ông Sĩ cho biết trong trường có hơn 300 học sinh sử dụng mạng xã hội Facebook và nhà trường không thể cấm học sinh. "Cấm không được thì phải hướng đến cái lợi, phải dạy học sinh sử dụng như thế nào cho đúng cách" - ông Sĩ nói. Chính ông Sĩ cũng lập trang cá nhân trên Facebook và kết bạn với hầu hết học sinh trong trường.
"Tôi đã chỉ dạy các em không được văng tục, chửi thề, không sử dụng những ngôn ngữ viết tắt mà viết đúng theo chuẩn tiếng Việt trên mạng xã hội này" - ông Sĩ nói và khẳng định học sinh của trường đã sử dụng Facebook như một công cụ để trao đổi kinh nghiệm học tập, từ đó có những nhóm được lập ra theo tên của từng môn học để các thành viên chia sẻ kinh nghiệp học tập, tạo được hiệu ứng tốt.
Ông Trần Văn Nhựt, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, cho biết việc Trường THCS Lý Tự Trọng kỷ luật đuổi học sinh 1 năm đưa về cho gia đình giáo dục, nếu không khéo thì vô tình sẽ đẩy các em đến chỗ hư hỏng thêm. Hiện sở đã yêu cầu Phòng GD-ĐT TP Tam Kỳ báo cáo gấp và gửi toàn bộ hồ sơ kỷ luật em Nguyễn Thanh Vy về Sở để Sở họp, xem xét việc xử lý như vậy đúng hay không.
Theo Người Lao Động
Vụ nữ sinh "Chống phá kỳ thi" bằng Facebook: Chỉ để đọc cho vui! Phóng viên vừa tìm về nhà em Nguyễn Thanh Vy (học sinh lớp 8/6 Trường THCS Lý Tự Trọng, TP Tam Kỳ - Quảng Nam) vừa bị đuổi học 1 năm do lên mạng "chống phá kỳ thi". Nỗi ân hận muộn màng Khi chúng tôi đến nhà, ông Nguyễn Duy Văn (SN 1976, ngụ phường An Sơn, TP Tam Kỳ, Quảng Nam)...