Nữ sinh không tay được đặc cách vào đại học
Nữ sinh không tay Lê Thị Thắm được Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa, đặc cách vào học khoa Ngoại ngữ, chuyên ngành Sư phạm Tiếng Anh.
Ngày 1/8, nữ sinh Lê Thị Thắm (trú xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) được mẹ đưa đến Đại học Hồng Đức làm hồ sơ xét tuyển vào đại học. Thắm là thí sinh đặc biệt của kỳ thi THPT quốc gia 2016 vừa qua. Em sinh ra bị khuyết tật bẩm sinh, không có đôi tay.
Trong kỳ thi, Thắm khiến nhiều người cảm phục khi đến trường làm bài bằng đôi chân. Nữ sinh đạt tổng điểm 3 môn khối D là 18,83 điểm (cộng 1 điểm ưu tiên vùng).
Thắm cùng mẹ đến Đại học Hồng Đức làm hồ sơ xét tuyển vào học. Ảnh: Nguyễn Dương.
Nữ sinh chia sẻ, lúc biết kết quả điểm thi, em có chút buồn. “Hôm thi môn Tiếng Anh và Ngữ văn, em mới làm bài được một nửa thời gian thì bị ngất xỉu”.
Vì hoàn cảnh đặc biệt và nghị lực của nữ sinh, Đại học Hồng Đức quyết định nhận em vào học khoa Ngoại ngữ, chuyên ngành Sư phạm Tiếng Anh.
Thầy Nguyễn Mạnh An – Hiệu trưởng Đại học Hồng Đức cho biết, số điểm của Thắm hoàn toàn đủ điều kiện làm hồ sơ xét tuyển vào ngành Sư phạm Tiếng Anh của trường.
“Trường hợp em không đủ điểm đỗ, nhà trường sẽ nhận hồ sơ xét đặc cách để em có thể nhập học theo nguyện vọng” – thầy An nói.
Thầy hiệu trưởng chia sẻ, Thắm không có đôi tay nhưng có ý chí, nghị lực, là tấm gương sáng để học sinh, sinh viên trong tỉnh noi theo.
“Ước mơ của em là được theo học ngành Sư phạm Tiếng Anh của trường để tích lũy kiến thức, dạy những em nhỏ ở quê và người cùng cảnh ngộ. Nhà trường muốn chắp cánh cho ước mơ của em thành hiện thực – thầy An nói.
Video đang HOT
Thắm viết đơn xin xét tuyển vào đại học bằng đôi chân. Ảnh: Nguyễn Dương.
Cũng theo vị hiệu trưởng, đây là trường hợp đặc biệt nên nhà trường sẽ tạo điều kiện giúp em và gia đình.
Đại học Hồng Đức sẽ bố trí cho nữ sinh và mẹ được ở trong ký túc xá. Bên cạnh đó, trường sẽ đóng bàn học riêng cho em. Nhà trường cũng sẽ tìm việc làm phù hợp cho mẹ của Thắm để có thời gian đưa đón em đến lớp, cũng như tiện chăm sóc em.
Hiệu trưởng Đại học Hồng Đức còn hứa sẽ tìm kiếm các suất học bổng giúp nữ sinh và gia đình ổn định hơn trong suốt thời gian theo học.
Trước tình cảm trên của nhà trường, Thắm xúc động chia sẻ: “Em sinh ra không được như các bạn cùng trang lứa. Trước đây, em chỉ biết cố gắng học để không phụ tấm lòng của cha, mẹ và cũng để tự tạo niềm vui cho bản thân. Giờ em sẽ cố gắng hết sức để thực hiện ước mơ của mình. Em cảm ơn thầy An và mọi người đã quan tâm, giúp đỡ”.
Bà Nguyễn Thị Tình – mẹ Thắm – cho biết, sắp tới, khi con gái nhập học sẽ lên thành phố để chăm sóc con. Phần việc ở nhà và chăm sóc con trai út sẽ giao hết cho chồng.
“Dù sắp tới còn gặp nhiều khó khăn nhưng vợ chồng tôi sẽ cố gắng giúp con gái đạt được ước mơ của mình “- người mẹ rưng rưng nói.
Theo Zing
Thí sinh cao 1 m không dám mơ đại học
Cao 1 m, nặng chưa đầy 26 kg, Hoàng Thị Lương có vóc dáng nhỏ bé như học sinh cấp 1. Em là thí sinh nổi bật tại điểm thi trường THCS Đồng Phú (TP Đồng Hới, Quảng Bình).
Lương là con gái út trong gia đình có 3 người con tại vùng quê nghèo Cảnh Hóa (Quảng Trạch, Quảng Bình), anh trai đầu của em sinh ra lành lặn, nhưng người anh thứ hai cũng không may mắn bị khuyết tật từ nhỏ giống em.
Hai anh em đều phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật chỉnh hình ngày bé mới có thể đi lại bình thường.
Vượt lên hoàn cảnh khó khăn
Ngày Lương sinh ra, đôi chân của em co quắp nên dù đã học lớp 1 em vẫn chưa biết đi. Bố mẹ em phải vay mượn khắp nơi, bán hết tài sản trong nhà, gửi con cả cho người thân rồi đem 2 anh em Lương vào Đà Nẵng mổ chỉnh hình và điều trị hơn 1 năm.
Sau những ca mổ là chuỗi ngày luyện tập vất vả, hơn 6 tháng hồi phục và 1 năm miệt mài tập đi, cuối cùng Lương có thể bước trên chính đôi chân của mình. Dù bước chân còn yếu, lại hay ốm đau, em vẫn cần mẫn đến trường, chăm chỉ học tập và luôn đạt học lực khá.
Suốt những năm cấp 1, cấp 2, bố em - ông Hoàng Minh Đức - luôn ở bên, hàng ngày đưa 2 anh em đến trường. Bế 2 con vào tận lớp học, người cha có thân hình nhỏ thó, khuôn mặt khắc khổ ấy mới an tâm đi làm.
Công việc của ông Đức trước đây là làm thợ nề cùng vợ, thu nhập của 2 vợ chồng khá ổn định cùng các khoản trợ giúp xã hội nên cũng đủ để chi trả việc chữa bệnh cho 2 con.
Thí sinh Hoàng Thị Lương được bố chở đến trường thi từ rất sớm. Bố con em đã vượt gần 100 km để đến thành phố Đồng Hới dự thi kì thi THPT quốc gia. Ảnh: Quỳnh Như.
Nhưng tai họa bắt đầu đổ xuống khi ông Đức bị tai nạn lao động, ngã từ giàn giáo xuống, khiến vai, xương sườn và xương chậu đều bị tổn thương, mất 2 năm mới có thể bình phục. Ngay sau đó, vợ ông Đức được chẩn đoán bị ung thư máu, gia cảnh đã nghèo nay càng khổ thêm.
"Tai họa cứ xảy ra liên tiếp, các con thì bệnh tật. Nếu không có anh em họ hàng và các tổ chức xã hội giúp đỡ, chắc gia đình tôi cũng không sống nổi. Nhiều lúc nghĩ nản lắm nhưng vì các con nên tôi đành cố gắng", ông Đức thở dài nói.
Từ ngày lên cấp 3, bố Lương yên tâm để các bạn trong lớp đến đưa em đi học. Lương khoe mình chơi thân với cả lớp, các bạn luôn yêu thương và giúp đỡ.
"Mỗi khi em vừa đến cổng trường là các bạn chạy ra cầm hộ cặp sách và dìu vào lớp", Lương cười tít mắt khi nhớ đến các bạn tại trường THPT Lê Trực.
Đi học trên đôi chân cha
Trong những ngày thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016, Hoàng Thị Lương được bố chở đến trường thi từ rất sớm. Bố con em đã vượt gần 100 km để đến thành phố Đồng Hới dự kỳ thi này.
Là thí sinh đặc biệt tại điểm thi trường THCS Đồng Phú, Lương được các tình nguyện viên chương trình tiếp sức mùa thi giúp đỡ nhiệt tình, ai cũng khâm phục nghị lực của em.
Người cha buồn tâm sự về hoàn cảnh gia đình và lo lắng cho tương lai con gái. Ảnh: Quỳnh Như.
Bạn Nguyễn Đức Nam, sinh viên Đại học Quảng Bình chia sẻ: "Ngay tại buổi làm thủ tục dự thi, mình đã rất ấn tượng với Lương khi em ấy từ chối lời đề nghị cõng vào phòng thi của tình nguyện viên. Dù phải đi bộ và leo cầu thang vào phòng thi khá xa và mệt, Lương rất hạn chế nhờ mọi người giúp đỡ. Em ấy rất tự lập và khao khát được đi trên chính đôi chân của mình".
Đến nay, người anh lớn trong gia đình Lương, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng, đã có việc làm ổn định, phụ giúp bố mẹ chữa bệnh và nuôi các em. Người anh thứ hai được ra Hà Nội học nghề. Tương lai của con gái út là điều bố mẹ Lương lo lắng nhất.
"Các thầy cô khuyến khích con tôi đi thi đại học lắm, ai cũng bảo cháu học giỏi, đi thi sẽ đỗ nên tôi cũng gắng chở cháu vào tận thành phố Đồng Hới để thi. Nếu Lương có đỗ đại học, chắc cũng không thể theo được, vì đi học xa nhà cần có người chăm sóc. Chúng tôi không đủ tiền thuê người ở bên chăm sóc cho con được", ông Đức tâm sự.
Người cha chia sẻ, đợt này đưa con đi thi về, vợ chồng ông dự tính bán con bò ở nhà, mở cho Lương tiệm tạp hóa gần nhà, bố mẹ có thể giúp đỡ.
Nghe bố chia sẻ về hoàn cảnh của mình, Lương chỉ im lặng, đôi mắt buồn lén nhìn bố rồi thở dài. Hơn ai hết, em hiểu rõ ước mơ học đại học của mình thật khó khăn.
"Em đi thi đại học nhưng nếu có đậu cũng không dám học bởi nó không thực tế", Lương mở lời.
"Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, em dự định đăng ký học ngành mỹ thuật tại Huế, nhưng giờ em nghĩ rằng vào đại học không phải con đường duy nhất. Có lẽ sau khi thi xong, em sẽ về mở một tiệm tạp hóa để buôn bán vì con đường vào đại học đối với người như em quả thật quá khó khăn", nữ sinh nói.
Theo Zing
Thí sinh bại liệt nuôi ước mơ làm kỹ sư công nghệ thông tin Một cơn sốt lúc 7 tháng tuổi khiến Nguyễn Thị Hồng Nhung bị bại liệt cả hai chân. Nhưng điều đó không ngăn được quyết tâm của em trở thành học sinh giỏi 12 năm liên tục. Nguyễn Thị Hồng Nhung (Xuân Giang, Sóc Sơn, Hà Nội) là một trong 24 thí sinh đặc biệt, có hoàn cảnh khó khăn, được Thành đoàn...