Nữ sinh Hà Nội xây dựng mô hình Toán tương tác cho học sinh
Từng được mệnh danh là “ cô bé vàng Toán học Việt Nam”, Nga Nhi đã làm ra một công cụ giúp các bạn nhỏ học Toán tự nhiên hơn.
Đang bận rộn ôn luyện cho kỳ thi học sinh giỏi Toán quốc gia, Nguyễn Nga Nhi, lớp 12 trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, vẫn dành thời gian hàng tuần dựng các bài Toán tương tác, dạy học lập trình cho các em tiểu học, mỗi tháng một buổi nói chuyện về mô hình, cách học Toán. Với Nhi, dự án Toán tương tác là đứa con tinh thần em sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai.
Ý tưởng về mô hình Toán tương tác
Được tiếp xúc với Toán từ hồi mẫu giáo qua những cuốn sách bố mua cho, Nhi dần yêu thích môn học này bởi tính logic của nó. Lớn lên, Nhi lại càng mê Toán vì những ứng dụng quan trọng trong đời sống.
Nguyễn Nga Nhi – tác giả mô hình Toán tương tác. Ảnh: NVCC
Hết lớp 6, Nhi tham gia cuộc thi Olympic Toán châu Á – Thái Bình Dương (APMOPS). Ngay từ lần đầu thi quốc tế, em đã xếp thứ 4 vòng chung kết và là thí sinh Việt Nam đầu tiên trong lịch sử lọt vào top 10 cuộc thi này. Kết quả đó giúp Nhi tự tin tham gia nhiều hơn các kỳ thi Toán. Em từng giành huy chương vàng Toán học trẻ quốc tế KIMC tại Hàn Quốc và huy chương bạc CIMC tại Trung Quốc cùng nhiều giải thưởng về Toán và Khoa học.
“Ở các kỳ thi quốc tế, em được tiếp xúc nhiều với bài toán thiên về tư duy logic. Em cũng được gặp gỡ các bạn với nhiều hướng tiếp cận Toán học mà không cùng theo bất kỳ khuôn mẫu nào. Đó là một trong những lý do khiến em có ý tưởng về công cụ giúp học sinh thử nhiều cách tiếp cận bài toán chứ không đơn thuần theo một hướng duy nhất thầy cô đưa ra”, Nhi nói.
Nhi nhiều lần tổ chức các buổi nói chuyện truyền cảm hứng với mong muốn học sinh cũng yêu và học tốt môn Toán. Giống như những buổi nói chuyện thông thường, Nhi sử dụng phần mềm trình chiếu Powerpoint để thuyết trình và đưa ra các ví dụ về Toán học, vì đây là phần mềm tích hợp nhiều định dạng như văn bản, hình ảnh, âm thanh, video…
Tuy nhiên, Nhi cho rằng về cơ bản việc trình diễn với Powerpoint vẫn dựa vào một kịch bản sư phạm. “Đó là nhược điểm mang tính cốt lõi của công cụ này mà em muốn khắc phục”, Nhi nhận định.
Từ thực tế đó cùng những gì trải nghiệm khi thi quốc tế, em cho đời dự án Toán tương tác – Flash for Math. Các bài toán được chuyển từ chữ viết thành mô hình trực quan. Thông qua tương tác trực tiếp trên mô hình như thao tác nhấp chuột, kéo thả hay nhấn bàn phím máy tính, giao diện sẽ đổi màu, chuyển trạng thái giúp học sinh có thể xem xét bài toán trên nhiều phương diện để dần dần đi đến kết quả cuối cùng, thay vì lặp lại các bước giải do giáo viên chỉ dẫn.
Kho bài toán tương tác của Nga Nhi.
Từ không được tin tưởng đến gần 200 bài toán tương tác được đón nhận
Có ý tưởng từ năm lớp 8 nhưng phải lên cấp 3, Nhi mới xây dựng được dự án của riêng mình và phát triển mạnh mẽ trong khoảng một năm nay. Không được học bài bản về lập trình, em phải tự mày mò nghiên cứu trên mạng. Càng tìm hiểu, em càng đam mê. Từ đó, việc làm Toán tương tác trở thành công việc thú vị với cô gái sinh năm 2001.
Hiện Nhi có gần 200 bài toán tương tác, hầu hết dành cho học sinh tiểu học. Tất cả đều có thể hoạt động độc lập hay nhúng vào các phần mềm trình chiếu như Powerpoint. Khi thiết kế kịch bản sư phạm cho mỗi mô hình, Nhi tính toán trước các cách tiếp cận của học sinh để ai cũng có thể tìm lối đi riêng ở từng bài toán.
Nhi chia sẻ khi mới giới thiệu công cụ này, nhiều người không tin tưởng để thử nghiệm. Em đã nghĩ đến việc thực hiện các cuộc nói chuyện về mô hình của mình ở các trường học và đưa bài toán lên báo điện tử, nhưng một số trường và cơ quan báo chí không mấy hào hứng với ý tưởng của em.
Nhi tìm đến các thầy cô để xin góp ý cho mô hình Toán tương tác. Được thầy cô đánh giá cao và giới thiệu, Nhi có thể đến các trường và trung tâm thực hiện những cuộc nói chuyện truyền cảm hứng Toán học với tần suất mỗi tháng một lần. Đều đặn mỗi tuần, một bài toán tương tác của em xuất hiện trên một trang báo điện tử.
Ngoài ra, trong dự án Toán tương tác, Nhi còn mở lớp học dạy lập trình với nội dung tập trung vào các kỹ năng cần thiết để phát triển sản phẩm giống như những gì Nhi đã làm. Hiện lớp học của em có 10 học viên, duy trì một buổi mỗi tuần. Mục tiêu cuối cùng của Nhi là giúp các bạn tiếp cận tất cả môn học một cách tự nhiên nhất, không chỉ riêng Toán học và lập trình.
Nga Nhi trong một buổi trò chuyện với học sinh về Toán tương tác. Ảnh: NVCC
Thời gian tới, Nga Nhi còn có ý định nâng cấp mô hình. “Hiện mọi người chỉ tương tác được bài toán trên máy tính trong khi việc sử dụng các thiết bị cảm ứng cầm tay dần trở nên thông dụng hơn. Vì vậy, em sẽ nghiên cứu để đưa ra mô hình có thể tương tác trên điện thoại hay máy tính bảng nhằm tiếp cận được nhiều người hơn”, Nhi chia sẻ.
Mới đây, dự án Toán tương tác của Nhi đã vượt qua hơn 400 công trình, sáng kiến để lọt vào top 15 chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục 2018″ do Trung ương Đoàn và Bộ Giáo dục và Giáo dục triển khai.
Thầy giáo Trần Phương, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng, người từng góp ý cho mô hình Toán tương tác của Nhi, nhận định đây là công cụ khá mới ở Việt Nam, đặc biệt lại do nữ sinh từng được mệnh danh là “cô bé vàng Toán học trẻ Việt Nam” làm ra.
“Điều quan trọng mà Nhi làm được là tìm ra các dạng bài phù hợp để làm toán tương tác, có kịch bản sư phạm tinh tế và các mô tả tường minh. Với mô hình giống như trò chơi này, học sinh sẽ được truyền cảm hứng”, thầy Phương nói và cho biết Nhi từng đưa ra mô hình trong những lần cùng thầy trợ giảng và nhận được sự thích thú của học sinh.
Dương Tâm
Theo VNE
Nữ sinh trường Ams thiết kế mô hình tương tác khiến môn Toán không còn đáng sợ
Là một trong 7 dự án góp mặt tại Gala "Vietnam's Young Leader", lập trình Toán tương tác của Nguyễn Nga Nhi (học sinh lớp 12 Toán 1, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam) gây ấn tượng vì mô hình này cho phép học sinh tự khám phá bài toán một cách trực quan, sinh động.
Xuất phát từ mong muốn giúp các bạn học sinh còn đang e ngại môn Toán có thể hiểu những bài toán trừu tượng một cách đơn giản, trực quan, Nga Nhi đã cùng với bố của mình là anh Nguyễn Lân Hùng Quân lên ý tưởng và cho ra đời san phẩm lập trình Toán tương tác. Dự án này đã nhận được nhiều phản hồi rất tích cực của các thầy cô giáo đang giảng dạy bộ môn Toán.
Nguyễn Nga Nhi gây ấn tượng với lập trình Toán tương tác
Với học sinh tiểu học, khi nhận biết về hình lập phương, giáo viên phải sử dụng đến những khối gỗ để giới thiệu. Tuy nhiên, việc trình bày theo dạng thức này rất khó khăn bởi trong một lớp học đông, giáo viên không thể mang khối hộp ấy đến chỗ của từng học sinh.
Do vậy, mô hình của Nga Nhi đã biểu diễn lại khối lập phương lên màn hình theo dạng 3D. Ở đó, học sinh có thể di chuyển xung quanh, quay, lật khối lập phương để nhìn các mặt một cách trực quan. Với mô hình này, Nga Nhi mong muốn rằng, bất kì ai khi tiếp cận cũng sẽ thấy môn Toán không còn đáng sợ.
"Em nghĩ ra ý tưởng này khi đang hướng dẫn các bạn cùng lớp giải toán. Thông thường, cách suy nghĩ của em sẽ là mô hình hóa bài toán và em thấy rất dễ hiểu. Tuy nhiên các bạn lại không suy nghĩ như em. Từ đó em nghĩ rằng, nếu có thể biểu diễn được suy nghĩ của mình lên màn hình thì các bạn sẽ dễ dàng hiểu hơn".
Với mong muốn ấy, Nga Nhi đã tạo ra một mô hình biến mỗi bài toán trở nên thú vị khi tiếp cận. Ví dụ, với một bài toán đếm hình tam giác cơ bản của học sinh lớp 1, không phải học sinh nào cũng có thể tưởng tượng ra những hình tam giác đôi, tam giác ba,... Vì thế trong mô hình tương tác của Nhi, khi người học muốn đếm hình nào chỉ cần nhấn vào, phần hình tam giác ấy sẽ sáng lên. Từ đó học sinh có thể hiểu rằng, từ nhiều tam giác nhỏ có thể tạo ra một hình tam giác lớn hơn.
Mô hình Toán tương tác cho phép học sinh tự khám phá bài toán một cách trực quan, sinh động.
Để thực hiện dự án này, Nhi cho biết, em đã dành ra 3 tháng để mày mò lập trình cho từng bài toán. Tính đến hiện tại, Nga Nhi đã làm ra hơn 100 sản phẩm với hơn 100 mô hình khác nhau. Đối tượng em hướng tới hiện tại là học sinh cấp 1, cấp 2.
"Đối tượng sử dụng công cụ của em hiện tại là những học sinh nhỏ vì các bài toán cấp 1 khá sơ đẳng. Do đó việc lập trình cũng không quá phức tạp. Đặc điểm của mô hình rất vui mắt nên học sinh cấp 1 khá thích thú với những bài toán này.
Ngoài ra, trong dự án em còn tổ chức ra các lớp hướng dẫn học sinh THCS tự xây dựng mô hình Toán tương tác cho riêng mình" - Nga Nhi chia sẻ.
Tại lớp học này, Nga Nhi sẽ trực tiếp đứng lớp cung cấp cho học sinh cấp 2 những hiểu biết căn bản về lập trình. Từ đó, các em có thể tự mình sáng tạo ra những chương trình tương tác cá nhân.
"Việc giải được một bài toán giống như khi ta vượt qua một bàn chơi gay cấn trong một trò chơi nào đó. Mô hình này sẽ giúp học sinh chủ động hơn trong việc học tập. Các bạn không phải đi theo bất kì con đường nào đã được định sẵn.
Giống như một đứa trẻ, các bạn được tự tìm tòi. Có thể sẽ sai nhưng lâu dần sẽ tìm ra hướng đi đúng. Việc tự làm ra những sản phẩm lập trình khi còn nhỏ, tuy đơn giản nhưng cũng là nguồn cảm hứng giúp các bạn bước đầu tiếp cận đến lập trình ở bậc phổ thông" - Nga Nhi nói.
Dựa trên những điều căn bản về lập trình, những "học viên" có Nhi đã có thể tự rút ra cách thức, tự tìm hiểu và sáng tạo để tạo ra những sản phẩm kế tiếp.
Hiện tại, chương trình Toán tương tác còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Vì thế, Nga Nhi mong muốn rằng, trong tương lai, các giáo viên cũng có thể sử dụng công cụ này để thay thế Powerpoint đơn thuần phục vụ cho việc giảng dạy.
"Mọi người thường nghĩ lập trình rất khó nhưng thực tế, em đã dạy được học sinh lớp 6 sau 3 tiếng đồng hồ có thể làm ra một sản phẩm. Em nghĩ nếu các bạn nhỏ được tiếp cận với mô hình này sớm thì môn Toán sẽ không còn gì đáng sợ nữa".
Mô phỏng bài toán đếm hình lập phương có sơn 4 mặt. Những khối lập phương có thể di chuyển để học sinh quan sát trực quan (Ảnh cắt từ clip).
Nga Nhi cho rằng, hiện nay các giáo viên thường giảng bài toán theo các bước tuần tự, công thức nên có thể sẽ gây khó hiểu cho học sinh. Nhi mong muốn tìm ra cách nào đó để giải thích chúng một cách đơn giản hơn.
"May mắn khi học toán em có được suy nghĩ hình tượng hóa. Em nghĩ đó cũng là một lợi thế và em mong muốn sử dụng khả năng của mình để giúp mọi người. Việc hình tượng hoá khiến các bài toán thực sự đơn giản và thú vị".
Với những sáng tạo và tính mới mẻ của dự án, Lập trình Toán tương tác của Nga Nhi đã dành giải Outstanding Award (Giải Nổi bật) trong Gala "Vietnam's Young Leader 2018 - Nhà lãnh đạo trẻ Việt Nam 2018" do Thành đoàn Hà Nội và Trung tâm Ivycation phối hợp tổ chức.
Ngoài ra, 2 dự án khác cũng đã dành giải Creative Award (Giải Sáng tạo) là dự án Act Voice và giải Impressive Award (Giải Ấn tượng) là dự án Hub Brig.
Act Voice là dự án tổ chức các lớp học tự vệ miễn phí nhằm giúp những người phụ nữ học được kỹ năng tự vệ để bảo vệ chính mình, bảo vệ người khác khi bị tấn công, bạo hành hoặc xâm hại.
Trong khi đó, Hub Bright là dự án nhằm giúp đỡ các nạn nhân và những người trực tiếp tham gia vào kháng chiến chống Mỹ thông qua "Cửa hàng không đồng" với mục tiêu "Ai dư mang đến, ai thiếu mang về". Ngoài ra, dự án còn trao những suất quà và thư cảm ơn động viên tới các cựu chiến binh. Mục tiêu lâu dài của dự án sẽ tạo ra một bộ tài liệu lưu trữ những mẩu chuyện về chiến tranh, giúp thế hệ sau có cái nhìn chân thực về kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Là cháu nội của chuyên gia Nguyễn Lân Hùng - Tổng thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam, Nguyễn Nga Nhi là một mầm non sáng giá của dòng họ Nguyễn Lân.
Nguyễn Nga Nhi được biết tới là "cô bé vàng" của Toán học trẻ Việt Nam khi đoạt huy chương vàng Toán châu Á Thái Bình Dương tại Singapore năm 2013. Với vị trí xếp hạng thứ 4, Nguyễn Nga Nhi là thí sinh Việt Nam đầu tiên lọt vào Top 10. Năm 2014, Nga Nhi tiếp tục đoạt huy chương vàng trong cuộc thi Toán học trẻ quốc tế tại Hàn Quốc. Năm 2015, em cũng đoạt huy chương bạc trong cuộc thi này.
Em cũng từng được biết tới là thủ khoa đầu vào của ba khối chuyên: chuyên Toán Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm, chuyên Toán Trường THPT chuyên Đại học Khoa học tự nhiên và chuyên Lý Trường THPT chuyên Đại học Khoa học tự nhiên.
Thúy Nga
Theo vietnamnet.vn
Cơ hội học sinh trải nghiệm ứng dụng của Toán trong khoa học, kỹ thuật Các học sinh, sinh viên sẽ có cơ hội được thưởng thức vẻ đẹp và trải nghiệm ứng dụng của Toán trong khoa học, kỹ thuật tại Ngày hội Toán học mở do Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán tổ chức ngày 4/11 tới đây. Ngày hội Toán học mở là một chuỗi các hoạt động về Toán nhằm tạo cơ hội...