Nữ sinh gốc Việt tốt nghiệp đứng đầu trung học Mỹ
Connie Lê đã tốt nghiệp thủ khoa, đứng đầu 594 học sinh tại trường trung học South Houston, với điểm trung bình là 5,4.
Trên nhật báo The Houston Chronicle (Mỹ) vừa có một bài viết về Connie Lê, học sinh đỗ thủ khoa trong kỳ thi tốt nghiệp mùa hè qua tại thành phố Houston, bang Texas.
Connie Lê đã tốt nghiệp thủ khoa, 594 học sinh tại trường trung học South Houston, với điểm trung bình là 5,4.
Connie Lê, thủ khoa của trường trung học South Houston (Ảnh: THE HOUSTON CHRONICLE)
Cô bé 18 tuổi này đã tham gia vào các môn học khó nhai, vốn được tính vào tín chỉ của hệ đại học như lịch sử Mỹ, thống kê học, vật lý, chính quyền học và kinh tế học…
Video đang HOT
Ngoài ra, Connie Lê khá năng nổ trong các hoạt động ngoại khóa như chơi đàn trong ban nhạc của trường, làm thư ký của hội sinh viên và tham gia vào đội tennis của trường suốt 4 năm trung học.
Ông Paul Gutierrez, thầy giáo môn sinh vật học, nhận xét: “Connie Lê đã giữ hạng nhất trong 4 năm trung học. Điều đó thật đáng nể!”.
Sự chuyên cần của Connie Lê giúp em đoạt cùng lúc hai học bổng: Học bổng Houston Endowment Jesse H. và Mary Gibbs Jones, học bổng Metropolitan cả hai đều trị giá 16.000 USD.
Connie Lê dự định theo học tại trường đại học Houston. Cô nói: “Cha mẹ tôi luôn dạy bảo hãy đi học hành để không phải sống cơ cực như họ. Hơn nữa, tôi muốn cha mẹ tôi tự hào về con gái của họ”.
Theo Người lao động
Cậu bé Pa Cô đến trường bằng... hai đầu gối
Bị dị tật bẩm sinh cụt cả hai chân, nhưng bằng nghị lực phi thường cậu bé Hồ Văn Lung, người Pa Cô ở bản Ro Ró, xã A Vao (Đakrông, Quảng Trị), đã vượt khó khăn để tìm đến con chữ và đã viết nên câu chuyện đẹp về sự hiếu học của người con núi rừng Trường Sơn...
Bản Ro Ró nằm tách biệt giữa đại ngàn Trường Sơn, giao thông đi lại khó khăn. Lung là con đầu trong gia đình có 4 người con. Khi sinh ra Lung đã không có được hai bàn chân nên dân bản ai cũng bảo, đó là do ma rừng bắt, nếu để Lung sống thì sẽ làm hại mọi người. Cái nếp nghĩ của người dân vùng cao khiến gia đình Lung hết sức lo lắng.
Lung chơi kéo co cùng các bạn ở trung tâm nuôi dưỡng chùa Đức Sơn.
Chị Hồ Thị Đằng (mẹ Lung), cho hay: "Hồi đó, nghe hàng xóm nói vậy tui không biết mần răng. Thương con nên chỉ biết ngồi khóc. Cũng may, nhờ cán bộ xã và những giáo viên cắm bản giải thích, cháu bị như vậy là do khuyết tật bẩm sinh, không cần phải cúng giàng, khi đó dân bản mới hết bàn tán xôn xao. Thế nhưng nhiều người vẫn không dám đến gần nó, vì sợ vạ lây".
Năm lên 6 tuổi, thấy những đứa trẻ trong bản cặp sách đến trường, Lung cũng đòi theo. Khổ nổi, đôi chân tật nguyền Lung không thể một mình đến trường. Nhà nghèo suốt ngày cha mẹ phải lên nương, lên rẫy kiếm cái ăn cho gia đình. Vậy nhưng Lung cứ nằng nặc đòi đi học cho bằng được. Thương con, hằng ngày chị Đằng đành cõng con đến trường.
Lớn lên một tí, Lung tập đi bằng hai đầu gối. Và, khi mẹ bận lên nương rẫy, Lung một mình tập tễnh đến trường trên hai đầu gối. Con đường từ nhà đến trường ở bản không quá xa, nhưng phải vượt qua ngọn núi Ka Lưi với dốc chênh vênh đá lởm chởm, khiến không ít lần em bị té ngã giữa đường. Đến được lớp học quần áo, cặp sách của em tả tơi, đầu gối tóe máu...
Thấy con khổ quá, bố mẹ Lung khuyên nên nghỉ học nhưng em không chịu, dù nắng hay mưa Lung vẫn đến trường. Lung cho hay, hồi cấp một năm nào em cũng thuộc học sinh tốp đầu trong lớp.
Nhưng rồi, lên cấp 2, trường học nằm ở rung tâm xã A Vao, cách nhà Lung gần 10 cây số đường rừng lên dốc, xuống khe, khiến một mình em không thể đến trường được. Giấc mơ con chữ của Lung bị gián đoạn em đành ở nhà trông coi ba đứa em nhỏ...
Khi nghe tin cậu bé vùng cao hiếu học gặp khó khăn phải bỏ học giữa chừng, các nhà hảo tâm của Quỹ học bổng Vang Vang (do cựu học sinh Trường Quốc học Huế sinh sống ở Mỹ và một số nhà hảo tâm ở Thừa Thiên-Huế sáng lập) đã tìm đến đến A Vao giúp đỡ Lung vào Huế.
Giữa năm 2010, lần đầu tiên, bố em cùng cô giáo chủ nhiệm Trần Thị Nghĩa vượt Trường Sơn đưa Lung về TP Huế giúp em theo đuổi ước mơ học tập. Lung được bố trí sống tại trung tâm nhân đạo ở chùa Đức Sơn, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy (nằm sát TP Huế), cùng nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn khác. Tại đây, em được tài trợ phẫu thuật, gắn chân giả...
Cảnh đi học bằng hai đầu gối của Lung giờ không còn nữa, giờ đây em đã đi lại bình thường trên đôi chân gỗ em có thể vui đùa cùng các bạn, chơi kéo co, đá bóng. Giã từ núi rừng Trường sơn, Lung đang sống và lớn lên trong sự đùm bọc yêu thương của các sư cô chùa Đức Sơn, được chăm sóc chu đáo cùng hằng trăm trẻ em bất hạnh ở chùa.
Hàng ngày em vẫn cắp sách đến trường. Lung tâm sự rằng, những ngày đầu mới vào chùa em lạ lẫm, sợ sệt, nhưng giờ đã quen, bởi ở đây rất nhiều đứa trẻ cùng trang lứa, em có thể trao đổi chuyện học và được các bạn giúp đỡ nhiều. Ước mơ của em là học thật giỏi để sau này trở thành thầy giáo dạy chữ cho các em nhỏ ở bản Ro Ró...
Năm nay, Lung đã 13 tuổi, đang học lớp 7 Trường THCS Thủy Bằng. Sư cô Minh Tú, trụ trì chùa Đức Sơn cho biết: "Sống cùng những đứa trẻ khác, thấy Lung hòa đồng, được hạnh phúc, các sư cũng mãn nguyện lắm. Các cháu khác ở chùa cũng rất thương Lung và hay giúp đỡ em trong sinh hoạt, học tập..."
Theo Giáo dục Việt Nam
Cô học trò lớp 2 và gần 100 trang giấy viết tay về Bác Hồ "Cháu tham gia cuộc thi này vì muốn hiểu biết nhiều hơn về Bác Hồ kính yêu, cháu cũng không nghĩ mình sẽ đạt giải nên khi nhận được kết quả đạt giải Ba, cháu rất vui và bất ngờ. Cháu luôn ghi nhớ Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng". Đó chính là em Lê Thiên Dung (7 tuổi), học...