Nữ sinh giành học bổng từ 9 đại học Mỹ
Khả năng tài chính thấp, Nguyễn Hải Ly lo bị các đại học Mỹ từ chối, nhưng rồi trúng tuyển 9 trường, trong đó có Dartmouth trong khối Ivy League danh giá.
Buổi chiều giữa tháng 5, Nguyễn Hải Ly, học sinh lớp 12 chuyên Hóa, trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, không phải tới trường. Em gặp gỡ một người em khóa dưới, chia sẻ kinh nghiệm, quá trình nộp hồ sơ vào đại học Mỹ.
Ở kỳ tuyển sinh của Mỹ năm nay, Ly nộp hồ sơ vào nhiều trường do lo ngại khả năng đóng góp tài chính thấp dẫn đến cơ hội được nhận thấp. Kết quả, em trúng tuyển 9 trường với tổng giá trị học bổng 1,6 triệu USD (hơn 37,3 tỷ đồng). Trong đó, Đại học Amherst, trường top 2 nhóm Liberal Arts College theo US News & World Report, đưa ra mức hỗ trợ tài chính cao nhất – 321.500 USD cho bốn năm.
Với Đại học Colby (top 11 nhóm Liberal Arts College), em được hỗ trợ 248.000 USD, đồng thời là một trong 10 ứng viên được chọn làm học giả Pulver (Pulver Scholar), được nghiên cứu tại các viện khoa học quốc gia hàng đầu của Mỹ. Một số trường khác như Đại học Drexel, Temple hay Purdue cũng trao cho Ly học bổng cùng một số danh hiệu dành cho tân sinh viên.
Tới khi nhận được thư báo trúng tuyển cùng học bổng 300.000 USD từ Đại học Dartmouth thuộc nhóm Ivy League danh giá, Ly như vỡ òa. Đây là trường Ly yêu thích nhất, đã nộp hồ sơ từ đợt tuyển sinh sớm nhưng phải vào danh sách chờ kết quả ở đợt tuyển sinh thường. Em đã viết thư thể hiện khao khát gửi tới trường hồi cuối tháng 1 và nhận được thư chúc mừng trúng tuyển vào cuối tháng 3.
“Em đã rất thất vọng khi không được trường chấp nhận ngay rồi sung sướng vì có thể theo học đúng ngôi trường mơ ước”, Ly nói. Đại học Dartmouth, nơi Ly gắn bó 4 năm tới, xếp thứ 12 ở Mỹ, theo US News & World Report. Tỷ lệ chấp thuận của trường năm nay chỉ 8,8%.
Nguyễn Hải Ly trong buổi chụp ảnh kỷ yếu tại trường. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Học trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam từ năm lớp 6, nhìn thấy nhiều anh chị lớp 12 được vinh danh sau khi nhận học bổng du học, Ly cũng muốn được như vậy. Thế nhưng khi đó Ly chỉ nghĩ chuyên tâm học thật giỏi để đạt nhiều giải thưởng chứ chưa chuẩn bị gì.
Vào lớp 10, qua giới thiệu của một giáo viên, em được tham gia nghiên cứu khoa học ở Viện nghiên cứu Y – Dược học quân sự của Học viện Quân y. Tại đây, Ly đã làm đề tài “Chế tạo và đánh giá bộ kit định lượng virus BK ở bệnh nhân ghép thận” cùng một bạn khác.
Những buổi đầu làm quen, Ly phải tập sử dụng pipet sinh học phân tử thông dụng trong phòng lab và các kỹ thuật sinh học. Không ít lần thí nghiệm thất bại chỉ vì run tay hay thiếu chặt chẽ, Ly hiểu ra được kiên trì theo đuổi ý tưởng trong khoa học như thế nào.
Từ chỗ chỉ cố gắng học Hóa thật tốt chứ chưa biết sau này làm gì, Ly đã mường tượng về nghề nghiệp tương lai và trở nên đam mê nghiên cứu khoa học. Giành giải nhì cuộc thi Intel ISEF cấp quốc gia, Ly càng ấp ủ ước mơ được học tập và nghiên cứu ở nước ngoài.
Thời gian làm nghiên cứu khoa học ở Học viện Quân y, Ly cũng tham gia nhiều câu lạc bộ ở trường vừa để học hỏi, vừa chuẩn bị cho hồ sơ du học. Là Phó chủ tịch câu lạc bộ Society of Open Sciene hay phó ban sự kiện câu lạc bộ tranh biện Puzzles Ams, cô gái cao 1m52, nặng chỉ 45 kg bận suốt ngày.
Ly vẫn nhớ mùa hè sau khi kết thúc lớp 10 vừa làm nghiên cứu, vừa học chuẩn bị cho kỳ thi chọn đội tuyển thi học sinh giỏi Hóa, vừa tổ chức một trại hè và chuẩn bị cho sự kiện khoa học truyền thống ở trường với sự tham gia của 2.000 người, Ly quay như chong chóng, không ngày nào ngủ trước 2h sáng.
“Em làm không đơn thuần chỉ cho đẹp hồ sơ du học mà thực sự làm vì đam mê bởi đó đều là những câu lạc bộ đem lại những kỹ năng, kiến thức cần thiết. Đó là cả thanh xuân của em, giúp em trưởng thành”, Ly nói. May mắn, em vẫn được vào đội tuyển và đạt giải khuyến khích thi học sinh giỏi quốc gia.
Thế nhưng cũng vì bị cuốn vào các hoạt động ngoại khóa, Ly bắt đầu học và thi các bài chuẩn hóa khá muộn. Mãi đến lớp 11, khi các bạn thi SAT lần 2, lần 3, Ly mới bắt đầu ôn luyện nên kết quả lần đầu không được như ý. Sau ba lần thi, em đạt 1550/1600 SAT I. Với SAT II, Ly đạt 800/800 ở ba môn Toán, Lý, Hóa. Điểm TOEFL là 113/120.
Với điểm chuẩn hóa tốt, điểm tổng kết lớp 10 và 11 đạt 9,7 và 9,8 cùng nhiều thành tích học tập, hoạt động ngoại khóa, Ly tự tin có thể gây ấn tượng ban đầu với các nhà tuyển sinh ở Mỹ. Nhưng để tăng cơ hội trúng tuyển, em vẫn dành nhiều tâm huyết cho bài luận.
Nguyễn Hải Ly trong một sự kiện khoa học tại trường năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Bắt đầu lên ý tưởng cho bài luận từ tháng 6/2019 nhưng phải đến tháng 10, ngay trước thời điểm nộp hồ sơ đợt tuyển sinh sớm vào các đại học Mỹ, Ly mới hoàn thành. “Em đã phải đắn đo suy nghĩ và đi qua rất nhiều bản thảo. Em vẫn nhớ như in những lúc 2h sáng vẫn ngồi bàn về bài luận với một chị hướng dẫn để đến được với bản hoàn chỉnh cuối cùng”, Ly nói.
Ở bài luận chính, Ly viết về chính con người mình trong phòng lab, ở câu lạc bộ tranh biện, tổ chức trại hè, hội chợ khoa học hay khi diễn thuyết ở các cuộc thi. Qua những phân cảnh quen thuộc đó, em lột tả tính cách và thiên hướng của bản thân bằng việc ví mình như virus. “Mặc dù khá tiêu cực, khi xem video về cách virus kháng lại cơ thể và học cách tiến hóa, em đã rất ấn tường. Em tự thấy bản thân cũng giống virus, nhỏ bé nhưng có sức ảnh hưởng to lớn và không ngừng tiến hóa”, Ly nói.
Ở bài luận phụ, Ly viết về nữ giáo sư Jane Hill của Đại học Dartmouth. Cô đang nghiên cứu trong lĩnh vực kỹ thuật y sinh mà Ly muốn theo đuổi. Để viết về cô, Ly đã xem rất nhiều video phỏng vấn và đọc nhiều câu chuyện. Em cũng lồng ghép nói về chương trình linh hoạt của Đại học Dartmouth, cách nhà trường quan tâm đến sinh viên bậc đại học để bày tỏ mong muốn được gắn bó với trường.
Ly cũng có thêm một bài luận nữa nói về nữ quyền trong văn hóa, xã hội Việt Nam hiện đại để thể hiện tiếng nói của bản thân. Ở Việt Nam, nam giới đóng vai trò quan trọng và nữ giới thường có ít thực quyền trong gia đình. Ở nhà Ly, bố mẹ luôn nói con gái nên học cái gì dễ thôi. Còn ở lớp em học từ THCS tới giờ, vì là lớp thiên Khoa học tự nhiên, nữ sinh luôn chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong lớp.
“Tại sao con gái không thể làm những điều to lớn? Tại sao những bạn nữ nhỏ bé như em luôn gặp phải ánh nhìn thương cảm khi tham gia các cuộc thi khoa học? Em nghĩ mọi người cần thay đổi suy nghĩ đó. Chỉ cần yêu thích và theo đuổi đến cùng, ai cũng có thể đạt được mục đích của mình. Như em, em rất muốn được theo đuổi đam mê như giáo sư Jane Hill vậy”, Ly bày tỏ và cho rằng chính những bài luận của mình đã thuyết phục Đại học Dartmouth.
Nguyễn Hải Ly dành lời khuyên cho các bạn có ý định du học.
Giấc mơ du học Mỹ đã thành hiện thực khiến Hải Ly cảm thấy nhẹ nhõm và không phải nuối tiếc điều gì trong suốt ba năm THPT. Thời gian tới, em sẽ chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia và học thêm khóa học về lập trình trước khi sang Mỹ. “Em dự định theo học ngành Kỹ thuật Y Sinh ở Dartmouth và hy vọng có thể học lên cao để sau này trở về Việt Nam đóng góp cho lĩnh vực Y Sinh vì đây là ngành khá mới ở Việt Nam, có tiềm năng phát triển lớn”, Ly chia sẻ.
Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Xuân Sử, Trưởng phòng Vi sinh và các mầm bệnh sinh học, Viện nghiên cứu Y – Dược học quân sự (Học viện Quân Y), người hướng dẫn Ly khi làm đề tài Intel ISEF, cho rằng em rất phù hợp để theo con đường nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Kỹ thuật Y Sinh. “Làm việc ở lab hơn một năm, Ly thường xuyên đặt ra những câu hỏi tại sao và làm như thế nào. Em nhanh nhẹn, chủ động, có khả năng tiếp thu, tổ chức, trình bày tốt, đặc biệt chịu khó tìm tòi, tự học”, tiến sĩ Sử nói.
Nữ sinh giành 10 học bổng ĐH Mỹ: "Đọc sách ít nhất 30 phút mỗi ngày"
Đối với Ninh Quỳnh Anh, việc đọc sách vừa giúp cô thư giãn vừa để tích lũy thêm kiến thức. Nữ sinh thích dành thời gian đọc những quyển sách giấy hơn là lướt mạng xã hội.
Nữ sinh Hà Nội trúng tuyển ĐH Tổng thống Donald Trump theo học Với bảng thành tích học tập ấn tượng và hoạt động ngoại khóa đa dạng, Ngô Minh Anh trúng tuyển Pennsylvania - đại học top 6 tại Mỹ, thuộc khối Ivy League. Tại Mỹ, các ngôi trường thuộc khối Ivy League - tên gọi của nhóm 8 trường đại học, viện đại học có hệ thống giáo dục và chất lượng đào tạo...