Nữ sinh đất ‘vàng vui’ tặng mẹ món quà đặc biệt
Bố mất sớm, mẹ tảo tần nuôi hai con khôn lớn, nữ sinh người Thái ở xã Cắm Muộn (Quế Phong – Nghệ An) luôn nỗ lực vượt vươn lên và đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT Quốc gia. Em xem đây là món quà dành tặng mẹ.
Kỳ tích bên kia Pù Chồng Cha
“Hiền lành, tự tin và khá xinh đẹp” là những từ mà bạn bè và những người xung quanh dành cho Lữ Thị Đàm (SN 2001) – tân sinh viên Đại học Vinh. Đàm là 1/39 em người dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An đạt điểm cao trong kỳ thi THPT Quốc gia và được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen. Với số điểm 26,5 (khối C), Đàm trở thành niềm tự hào của miền đất Quế nói riêng và quê hương Nghệ An nói chung.
Lữ Thị Đàm ngụ tại xã Cắm Muộn (tiếng Thái có nghĩa là “vàng vui”) – vùng đất xưa nay được biết đến vì sự vất vả, nghèo khó. . Ảnh: Đức Anh
“Nhà em ở bản Ná Cho, xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong. Bố ốm nặng rồi mất khi em mới lên lớp 7, một mình mẹ tảo tần nuôi em và em gái ăn học. Hiện mẹ đang phải vào miền Nam làm thuê để kiếm tiền gửi về cho cả hai chị em. Kết quả học tập của em là một món quà đặc biệt dành tặng mẹ với dạt dào tình yêu thương” – Lữ Thị Đàm tâm sự.
Chồng sớm qua đời để lại hai con gái nhỏ, gánh nặng mưu sinh trút lên vai chị Lô Thị Hồng (SN 1980) – mẹ của Đàm. Chị phải đưa hai con về nương nhờ ông bà ngoại, suốt ngày bám trụ với ruộng, rẫy, núi rừng và khe suối để kiếm cái ăn.
Cuộc sống của gia đình thường xuyên lâm vào cảnh bữa no, bữa đói. Mỗi lần chứng kiến những giọt mồ hôi trên khuôn mặt sạm gầy của mẹ, cô bé Lữ Thị Đàm lại thầm khóc vì thương mẹ quá vất vả, thiệt thòi. Đàm quyết tâm học thật chăm, thật giỏi để mẹ vui lòng.
Đàm còn dành thời gian chăm sóc, hướng dẫn em gái học tập, giúp mẹ yên tâm với công việc mưu sinh thường này.
Quyết tâm vượt thử thách
Học hết THCS, Lữ Thị Đàm quyết định thi vào Trường THPT DTNT số 2 của tỉnh. “Thực ra lúc đó em không muốn xa mẹ, em gái và ông bà ngoại, nhưng nếu học ở trường huyện mẹ sẽ thêm nhiều vất vả, lo toan. Vì thế, em thi vào trường nội trú, phải chịu cảnh xa nhà nhưng bù lại không phải lo chi phí học tập, mẹ em bớt được phần nào gánh nặng” – Đàm chia sẻ.
Trong Kỳ thi THPT Quốc gia, Lữ Thị Đàm (thứ 2, phải sang) đăng ký dự thi khối C và đạt 26,5 điểm, được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khen thưởng. Em xem đây là món quà dành tặng mẹ. Ảnh: Đức Anh
Video đang HOT
Suốt thời gian 3 năm theo học, Đàm luôn khẳng định mình bằng sự tự tin và vượt khó, qua những bài văn, toán đạt điểm số cao.
Kỳ thi THPT Quốc gia, Lữ Thị Đàm đăng ký dự thi khối C và đạt 26,5 điểm (Văn 8,25; Sử 9; Địa lý 9,25), thuộc tốp dẫn đầu của Trường THPT DTNT số 2, được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khen thưởng. Tuy nhiên, khi xét tuyển, Đàm lại đăng ký vào Khoa Kinh tế – Trường Đại học Vinh.
Lữ Thị Đàm cùng các bạn nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Ảnh: Đức Anh
Xác định Đàm học lên đại học sẽ tốn thêm nhiều chi phí, em gái Đàm cũng đã lên lớp 8, mẹ của Đàm đã phải vào miền Nam tìm việc làm, kiếm tiền gửi về cho các con ăn học. Một lần nữa, hai mẹ con lại đứng trước thử thách lớn hơn.
Lữ Thị Đàm chia sẻ: “Chờ việc học đi vào ổn định, em sẽ dành thời gian tìm việc làm thêm để trang trải cho công việc học tập, giảm bớt chi phí cho mẹ, vì quãng thời gian phía trước sẽ rất nhiều khó khăn. Em sẽ cố gắng học thật tốt để sau này ra trường có cơ hội tìm được công việc đúng chuyên ngành đào tạo, có thu nhập ổn định để báo đáp công ơn mẹ và ông bà, đỡ đần em gái…”.
Được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khen thưởng sẽ là nguồn động lực để em vươn lên”.
Công Kiên
Theo baonghean
Thầy xứng đáng được công nhận đối với thành quả nghiên cứu của mình
Hội đồng chấm luận văn đặc biệt của Đại học Vinh được thực hiện "vắng bóng" học viên cho nghiên cứu từ một thầy giáo dạy toán không may qua đời sát ngày bảo vệ
Người thầy hiền lành và sống trung thực
Thầy Nguyễn Tiến Thắng nguyên là giáo viên dạy Toán của Trường trung học phổ thông Thanh Chương 1, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, và cũng là học viên lớp cao học chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Toán, khóa 25 Trường đại học Vinh không may đột quỵ qua đời ngay sát ngày bảo vệ luận văn thạc sĩ khi tuổi đời quá trẻ.
"Năm 2001 thầy Thắng về công tác tại Trường trung học phổ thông Thanh Chương 1, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đến nay đã được 18 năm.
Trải qua 18 năm công tác, thầy Thắng luôn được ban giám hiệu nhà trường, đồng nghiệp cùng phụ huynh, học sinh các thế hệ quý trọng và được đánh giá là người khiêm tốn, hiền lành, sống trung thực.
Ngày đưa thầy Thắng về nơi an nghỉ cuối cùng có mặt rất nhiều thế hệ học sinh do thầy dạy và cũng có nhiều học sinh không về được cũng đã gửi vòng hoa đến chia buồn cùng gia đình...
Đặc biệt, tôi nhớ có một phụ huynh đã nói rằng: "con tôi ngày trước học lớp thầy Thắng dạy, nay nó đi học xa điện về bảo mẹ phải sang thắp hương cho thầy con, con thương thầy lắm...".
Thầy Nguyễn Tiến Thắng (áo trắng cầm hoa) bên những học sinh Trường trung học phổ thông Thanh Chương 1 (Ảnh: baonghean.vn).
Gia đình thầy Thắng thuộc diện có hoàn cảnh khó khăn khi 2 vợ chồng thầy vẫn đang sống chung với bố mẹ già nay đã ngoài 70 tuổi.
Thầy hiện đã có hai người con, con lớn đang theo học lớp 8, con thứ hai mới học lớp 5 tuổi. Mọi chi tiêu cho đại gia đình trông cậy vào đồng lương giáo viên ít ỏi của thầy Thắng.
Vợ thầy, sau khi tốt nghiệp đại học có về dạy hợp đồng ở một trường tiểu học tại địa phương một thời gian tuy nhiên vì lý do thừa biên chế giáo viên, chị bị mất việc", Thầy Lê Xuân Hường - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Thanh Chương 1, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An chia sẻ.
Giấc mơ chưa trọn vẹn
Cuộc sống vốn dĩ rất khắc nghiệt và luôn chứa đựng nhiều nguy hiểm rình rập...
"Tôi nhớ, hôm đó thầy Thắng xin phép được đến Trường đại học Vinh để hoàn thiện các thủ tục trước khi bảo vệ luận văn thạc sỹ.
Nhưng ngày 2/8 khi thầy Thắng vừa về đến nhà được khoảng chừng 15 phút, đang nằm nghỉ thì bị đột quỵ và đã qua đời khi mới 42 tuổi", Thầy Lê Xuân Hường - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Thanh Chương 1, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An cho biết.
Sự ra đi đột ngột của thầy Thắng đã để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với gia đình, đồng nghiệp và nhiều thế hệ học sinh, bạn bè học cùng lớp cao học.
Trước đó, sau quãng thời gian 2 năm kiên trì theo học tại Đại học Vinh thầy Thắng đã hoàn thành chương trình học tập, luận văn nghiên cứu cũng đã hoàn thành với tên đề tài "Rèn luyện một số yếu tố của tư duy Toán học cho học sinh trung học phổ thông qua dạy học chủ đề quan hệ vuông góc trong hình học không gian" do Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận là giảng viên hướng dẫn.
"Nghe tin học viên Thắng qua đời sát ngày bảo vệ khiến cho hội đồng chấm luận văn chúng tôi rất buồn và thương tiếc... Quãng thời gian học tập tại Trường đại học Vinh thầy Thắng luôn được bạn bè quý mến và lớp tín nhiệm bầu làm lớp trưởng.
Tôi với tư cách là trưởng chuyên ngành có trao đổi với Phòng sau đại học và xin phép Ban Giám hiệu Đại học Vinh có cơ chế nào đó để học viên Nguyễn Tiến Thắng được đặc cách bảo vệ luận văn thạc sĩ", Tiến sĩ Phạm Xuân Chung - Chủ tịch Hội đồng luận văn chia sẻ.
Đề xuất vẫn tiếp tục chấm luận văn theo kế hoạch của đại diện chuyên ngành được Ban Giám hiệu Trường đại học Vinh tiếp nhận và đồng ý.
"Cá nhân tôi nghĩ rằng trong xét tốt nghiệp các cấp học phổ thông, hoặc đại học cũng có những trường hợp được đặc cách.
Đối với trường hợp học viên Nguyễn Tiến Thắng các thủ tục cần thiết chuẩn bị đã được hoàn tất, đầy đủ theo quy định, luận văn cũng đã được chuyển đến các thành viên trong Hội đồng, chỉ chờ ngày bảo vệ.
Vì vậy, tôi có đề xuất để học viên này được hoàn thiện chương trình thạc sĩ, cũng là ghi nhận thành quả mà anh Thắng đã cố gắng đạt được trong 2 năm qua.
Ngày 11/8, Hội đồng chấm luận văn thạc sĩ khóa 25 gồm 5 thành viên do tôi làm Chủ tịch đã tiến hành chấm luận văn của học viên Nguyễn Tiến Thắng", Tiến sĩ Phạm Xuân Chung - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông chuyên đại học Vinh cho biết.
Buổi chấm luận văn đã diễn ra trong nghẹn ngào cảm xúc khi phải vắng mặt học viên và vẫn thực hiện đầy đủ trình tự như bình thường, có ý kiến phản biện, góp ý cho đề tài.
"Tôi không biết diễn tả cảm xúc như thế nào, nhưng Hội đồng ai cũng xúc động. Hy vọng đây là sự động viên về mặt tinh thần nhỏ đối với gia đình học viên Nguyễn Tiến Thắng.
Tôi được biết, sau khi hoàn thành các thủ tục cần thiết, đại diện Trường đại học Vinh, Viện Sư phạm Tự nhiên sẽ đến tận nhà và trao tấm bằng Thạc sĩ cho gia đình, người thân của học viên Nguyễn Tiến Thắng", Tiến sĩ Phạm Xuân Chung chia sẻ.
Chiến Thắng
Theo giaoduc.net
Xúc động buổi bảo vệ luận văn thạc sỹ 'vắng' tác giả ở Nghệ An Chỉ còn 1 tuần nữa là đến ngày bảo vệ luận văn, khi đến trường để hoàn tất thủ tục cuối cùng trở về, thầy Thắng đột ngột qua đời. Nhưng buổi bảo vệ luận văn sau đó vẫn diễn ra, dù thiếu vắng người quan trọng nhất. Hành trình dang dở Ngày 11/8, tại Trường Đại học Vinh diễn ra một buổi...