Nữ sinh có thành tích học tập “khủng” đạt thủ khoa đầu vào THPT với hai điểm 10
Kỳ thi vào lớp 10 trung học phổ thông (THPT) tại Hà Nội diễn ra trong hai ngày 17 và 18-7 với gần 89.000 thí sinh dự thi. Đây được đánh giá là kỳ thi cam go, căng thẳng không kém so với thi tốt nghiệp THPT hay đại học.
Sau gần 2 tuần chấm bài, ngày 30-7, một loạt các trường THPT đã chính thức công bố điểm thi của thí sinh. Ngày 31-7, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã công bố điểm chuẩn vào các trường công lập, trường chuyên trên địa bàn thành phố.
Điểm chuẩn vào Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm năm nay khá cao: 39,75. Số lượng thí sinh đạt điểm khá, giỏi ở các môn thi có xu hướng tăng, trong đó đặc biệt có những em đạt điểm tuyệt đối các môn.
Theo thống kê, thủ khoa đầu vào của trường gồm 3 em, trong đó có cái tên nổi bật là Vương Diễm Quỳnh, học sinh lớp 9A1, Trường Trung học cơ sở (THCS) Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm. Học sinh này đã xuất sắc giành trọn 2 điểm 10 môn toán và tiếng Anh. Riêng môn ngữ văn, Diễm Quỳnh cũng đạt tới 8,75 điểm. Tổng điểm của 3 môn là 47,5 điểm.
Chia sẻ sau khi nhận kết quả thi, Diễm Quỳnh cho biết, dù đã đoán được sơ bộ điểm của mình song em khá bất ngờ về thành tích đạt được. Đặc biệt, việc được xếp ở vị trí thủ khoa đầu vào của trường đã mang lại hạnh phúc khôn tả cho không chỉ cho Diễm Quỳnh mà còn cho cha mẹ, thầy cô. Kết quả của 9 năm đèn sách đã được đền đáp xứng đáng.
Diễm Quỳnh là chị cả trong gia đình có 3 chị em với mẹ là giáo viên tại trung tâm ngoại ngữ và bố làm việc tại một phòng khám của bệnh viện. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống học tập, ngay từ nhỏ, em đã được thừa hưởng tố chất cũng như được định hướng con đường học tập rõ ràng.
Video đang HOT
Trong suốt những năm học tiểu học và THCS, Diễm Quỳnh luôn đạt thành tích học sinh xuất sắc. Em giỏi đều tất cả các môn, trong đó, Quỳnh đặc biệt say mê môn toán và tiếng Anh. Với môn toán, em có điểm tổng kết 9,9 điểm; với môn tiếng Anh, cả 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc và viết đều được Diễm Quỳnh nắm thành thục, sử dụng linh hoạt và nhuần nhuyễn.
Diễm Quỳnh cho biết, ngay từ đầu năm học lớp 9, hiểu được tầm quan trọng của kỳ thi chuyển cấp nên bản thân em đã cố gắng không ngừng nghỉ. Mỗi môn học, Diễm Quỳnh đều chọn cho mình một cách học tập riêng để tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất. Cùng với sự giúp đỡ của thầy cô và đặc biệt là mẹ ở bộ môn tiếng Anh, Diễm Quỳnh đã không ngừng củng cố, trau dồi, luyện tập mỗi ngày để có được “quả ngọt” như hôm nay.
Điều đáng trân trọng nhất ở Diễm Quỳnh chính là, dù liên tục nhận giấy khen xuất sắc 9 năm liền, thế nhưng, em lại không hề tự phụ hay coi nhẹ các hoạt động ngoài sách vở.
Ở lớp, Diễm Quỳnh luôn khiêm tốn, hòa đồng với bạn bè, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa. Về nhà, em chủ động giúp đỡ cha mẹ những công việc thường nhật, chọn riêng cho mình một môn thể thao để nâng cao sức khỏe. Chính vì vậy nên chỉ mới lớp 9, Diễm Quỳnh đã sở hữu một chiều cao đáng mơ ước.
Với thành tích xuất sắc như vậy, Diễm Quỳnh dễ dàng học tập trong các trường chuyên tốp đầu thành phố nhưng em không lựa chọn trường chuyên. Diễm Quỳnh cho biết, việc học không quá quan trọng là học ở trường chuyên hay trường thường. Theo Diễm Quỳnh, chỉ cần bản thân luôn cố gắng thì ở môi trường nào cũng có thể phát huy được thế mạnh của mình.
Chung quan điểm này với con gái, bố mẹ Diễm Quỳnh chia sẻ: “Gia đình không áp đặt con phải học trường này hay trường kia. Cả hai bố mẹ đều hướng con về những suy nghĩ tích cực, đúng đắn để trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội. Quan trọng nhất vẫn là con được lớn lên khỏe mạnh, tự do theo đuổi đam mê của mình và có những ứng xử phù hợp, không tự kiêu, tự mãn”.
Có thể thấy, để có kết quả như ngày hôm nay thì không chỉ cần nỗ lực tự thân của Diễm Quỳnh mà còn cần sự đồng hành, sát cánh của thầy cô, gia đình, bạn bè và đặc biệt là cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Tuyến.
Chúc Diễm Quỳnh có một năm học mới nhiều thành công, với những năm tháng học trò tươi đẹp dưới mái trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai yêu dấu.
Thi tốt nghiệp THPT năm 2020: Sợ nhất là con không đạt nguyện vọng, con bị trầm cảm!
So với kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội, nhiều phụ huynh cảm thấy kỳ thi tốt nghiệp THPT nhẹ nhàng hơn. Thế nhưng, trái ngược với tâm lý của phụ huynh, nhiều thí sinh lại rất áp lực..
Nhiều bố mẹ lo con gắng sức quá trong cuộc đua vào ĐH
Tại điểm thi trường THCS Đống Đa, chị Nguyễn Thị Bình (phố Giáp Nhất, Hà Nội) chờ con thi với tâm trạng âu lo. Chị Bình cho biết, những ngày sát kỳ thi, con gái chị (học trường THPT Quang Trung- Đống Đa) rất căng thẳng. Thậm chí, mấy ngày hôm nay, con gần như thức trắng đêm để học.
Những âu lo của bố mẹ ngoài cổng trường dõi theo con. Ảnh: T.H
"Nguyện vọng của con là ĐH Y Hải Dương và ĐH Y Hải Phòng. Các trường ngành Y thường lấy điểm khá cao, nên con lúc nào cũng tạo áp lực cho mình. Khối B không có nhiều trường để thi. Năm nay, học sinh lại không được thi 2 khối nên những thí sinh khối B như con rất thiệt thòi. Chính vì vậy, con luôn phải gắng sức. Đêm qua, tôi đã nhắc con đi ngủ sớm, để bộ não được nghỉ ngơi, thế nhưng giữa đêm tôi vẫn thấy con ôm sách học. Thực sự, tôi cảm thấy rất thương và lo cho con", chị Bình chia sẻ
Chị Bình cho biết, bản thân chị không quá lo lắng hay tạo áp lực cho con trong kỳ thi này. "Tôi vẫn nói với con, con không phải cố quá. Nếu không đỗ ĐH, con có thể học Cao đẳng ở bệnh viện Bạch Mai. Con vẫn được làm đúng ngành Y mà con yêu thích. Tôi chỉ sợ, khi con quá kỳ vọng vào mục tiêu của mình và khi không đạt được, con sẽ bị trầm cảm. Chỉ cần con khỏe mạnh, có một công việc để làm, đó mới là mục tiêu lớn nhất của người làm bố làm mẹ như tôi".
Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều thí sinh áp lực khi muốn đạt được mục tiêu của mình. Ảnh: T.H
Cũng giống như chị Bình, chị Nguyễn Thị Kim Liên (Đại La, Hà Nội) cũng không lo lắng về kỳ thi mà lo con quá sức. Con gái chị Liên (học trường THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội) chỉ mơ thi đỗ trường ĐH Luật Hà Nội. Chính vì thế mà suốt năm học qua, con đã rất chăm chỉ học tập để cố gắng đạt được mơ ước của mình.
"Mấy tháng nghỉ dịch Covid-19 đợt đầu năm, dù không phải đến trường nhưng con vẫn không cho phép mình "ăn ngon ngủ kỹ" ở nhà. Ngày nào con cũng học theo thời gian biểu mà con đặt ra. Trong chặng đua nước rút mới đây, học suốt ngày ở trường, đêm 2 giờ con mới ngủ nhưng 4 giờ sáng con đã đặt chuông dậy học bài. Tôi phải yêu cầu con xuống phòng mẹ để mẹ ép ngủ, thế nhưng cứ đợi mẹ ngủ say con lại dậy học. Con nói, con không thể ngủ được khi lúc nào cũng cảm thấy sốt ruột, lo lắng về việc học".
Bố mẹ lo lắng khi con quá kỳ vọng vào mục tiêu của mình. Ảnh: T.H
Chị Liên cũng thường xuyên động viên con, nếu không đỗ ĐH Luật Hà Nội thì có rất nhiều trường có ngành luật mà con có thể theo học. Thế nhưng, cô con gái chỉ "nhăm nhăm" với mục tiêu mà mình đã đặt ra. "Cũng may là kỳ thi sắp kết thúc. Chứ kéo dài thêm nữa, với việc gắng sức trong thời gian dài của con, tôi chỉ lo sức khỏe của con bị ảnh hưởng. Ở kỳ thi vào lớp 10, bố mẹ sốt sắng bao nhiêu thì con "dửng dưng" bấy nhiêu. Nhưng với kỳ thi tốt nghiệp THPT để tính điểm ĐH này, con cái lại lo lắng, áp lực hết phần bố mẹ. Các con lớn hơn nên cũng trưởng thành hơn. Chỉ có điều, sợ nhất là khi không đạt được mục tiêu của mình, con sẽ cảm thấy sốc, hẫng hụt, tuyệt vọng!", chị Liên chia sẻ.
Đọc ngay trước ngày thi THPT 2020: "Thần chú" chống điểm liệt từ các thủ khoa ban Xã hội Đọc sách giáo khoa, làm chắc câu nhận biết, sử dụng tự kỷ ám thị... là những "tuyệt chiêu" được hội thủ khoa gợi ý cho những sĩ tử "nước đến chân mới nhảy". Khó xử khi học Sử? Thử đọc sách xem sao ! Lịch sử luôn được đánh giá là môn học khó nhằn và dễ bị "hụt chân" nhất trong...