Nữ sinh 16 tuổi học đại học cùng mẹ
MỸ – Emma Earhart ở bang Texas đăng ký vào Đại học North Texas năm 16 tuổi với sự đồng hành của người mẹ 37 tuổi, Kathy.
Emma Earhart bộc lộ tài năng từ rất sớm. Khi biết đọc, em đã chú tâm vào “ Sách kỷ lục Guinness thế giới”, tìm hiểu về Trái Đất và yêu thích học tập.
Lên lớp 8, Emma thông hiểu toàn bộ kiến thức cấp hai và tìm hiểu chương trình trung học. Nữ sinh nhận thấy kiến thức trung học không quá khó và muốn tìm kiếm những bài học nâng cao hơn.
Vì vậy, Kathy quyết định cho con gái đăng ký khóa học kép tại trường trung học địa phương và trường Cao đẳng North Central Texas. Emma nhận bằng tốt nghiệp THPT và bằng liên kết đại học cùng lúc, tạo đà để đăng ký chuyên ngành Sinh học cơ sở tại Đại học North Texas năm 16 tuổi.
Emma thường chia sẻ với mẹ những dự định, hy vọng trong con đường học vấn. Được truyền cảm hứng từ con gái, Kathy quyết định đăng ký vào Đại học North Texas.
20 năm trước, sau khi học xong THPT, Kathy mang thai Emma nên không thể tiếp tục việc học mà ở nhà nội trợ và chăm sóc con gái. “Khi con gái tôi học đại học, tôi nghĩ nếu cháu có thể làm được thì tôi cũng sẽ làm được”, Kathy nhớ lại.
Emma (trái) và mẹ Kathy cùng học tại Đại học North Texas (Mỹ). Ảnh: Earhart Family.
Kỳ học đầu tiên, Kathy đăng ký những môn học khác với Emma. Cô có khoảng thời gian tuyệt vời tại trường đại học với những vị giáo sư thông thái, hóm hỉnh. Sinh viên cùng lớp thân thiện, giúp đỡ cô nhiệt tình.
Video đang HOT
Học kỳ tiếp theo, Kathy thuyết phục con gái đăng ký những môn học cùng nhau. Ban đầu nữ sinh 16 tuổi không đồng ý nhưng sau đó cho rằng ý tưởng hay nên chấp nhận. Hai mẹ con đăng ký các môn học giống nhau trong hai kỳ liên tiếp.
Sau khi hoàn thành chương trình học tại Đại học North Texas, hai mẹ con dự định cùng nhau đăng ký trường y. Trong khi Emma theo đuổi ước mơ trở thành bác sĩ, Kathy chia sẻ gặp khó khăn trong việc học khi phải chăm sóc ba người con, ngay cả khi một trong ba đứa trẻ ở bên cạnh cô trong lớp học.
“Mỗi khi mệt mỏi, tôi lại tự nhủ mình có thể làm được điều này và hy vọng sự cố gắng của tôi sẽ truyền cảm hứng cho các con”, Kathy nói.
Đối với Emma, đại học là quãng thời gian tuyệt vời. Các bạn trong lớp không hay biết nữ sinh mới 16 tuổi. Ngay khi biết bạn cùng lớp nhỏ tuổi hơn mình, mọi người vẫn thân thiện và đối xử công bằng với em. Điều này khiến nữ sinh cảm thấy tuổi tác đã không còn là rào cản trong việc học.
Quãng thời gian này đối với nữ sinh càng trở nên đặc biệt hơn khi có mẹ ở bên. Nhờ những ngày cùng nhau đi học, làm bài tập, Emma và mẹ gắn bó như những người bạn. “Hiện tại, mẹ là người bạn thân nhất của em, người em có thể chia sẻ mọi chuyện trên đời. Em cảm thấy hạnh phúc vì điều đó”, Emma nói.
Tú Anh
Theo CBS News/VNE
Các nước quy định lắp camera trong lớp học thế nào?
Mỹ, Anh, Australia, Trung Quốc cho phép lắp camera trong lớp học nếu nhà trường và phụ huynh đồng ý, bảo đảm tính tuyệt mật của dữ liệu.
Tại Mỹ, đến năm 2014, 75% trường công lập lắp camera an ninh tại khu vực chung như hành lang, phòng ăn, cửa ra vào... Tuy nhiên, vấn đề lắp đặt camera an ninh trong lớp học vẫn đang gây tranh cãi.
Năm 2015, cơ quan lập pháp bang Texas thông qua đạo luật các khu học chánh phải lắp camera trong phòng học tại trường giáo dục đặc biệt, nếu phụ huynh hoặc giáo viên yêu cầu. Luật này được sửa đổi vào năm 2017, theo đó camera phải bao quát toàn bộ lớp, trừ khu vệ sinh, có âm thanh.
Những vụ xả súng trong khuôn viên trường học Mỹ thời gian qua làm dấy lên nhu cầu sử dụng camera để giảm thiểu hành vi bạo lực. Hiện tùy thuộc vào chính sách của từng trường, camera an ninh được lắp đặt tại hành lang, bãi đậu xe, phòng tập thể dục và trong lớp học. Trừ khi trường học có quy định riêng chống lại việc lắp đặt camera, về mặt pháp lý, việc cài đặt chúng là hợp pháp.
Tuy nhiên, việc tiếp cận xem các hình ảnh trong camera lại rất hạn chế. Đạo luật về quyền hạn giáo dục và riêng tư gia đình (FERFA) quy định phụ huynh và học sinh không được phép truy cập vào hệ thống giám sát. Đối với những trường cho phép lắp camera tại phòng học, chỉ nhân viên giám sát và giáo viên phụ trách có quyền xem lại các cảnh quay. Nhà trường phải viết bản cam kết trước khi phát tán cảnh quay.
Trái với Mỹ, việc lắp đặt camera an ninh trong lớp học trở nên phổ biến tại Vương quốc Anh. Ước tính hiện 90% trường học Anh lắp đặt camera an ninh. Một số trường, ví dụ trung học Stockwell Park (nằm ở phía Nam London) có hai camera an ninh trong phòng học.
Tuy nhiên, nhà trường và gia đình học sinh phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt về việc sử dụng camera để tránh ảnh hưởng bất lợi cho cả hai. Theo Đạo luật bảo vệ dữ liệu 1998, trường học phải thông tin với gia đình học sinh kế hoạch, mục đích và vị trí lắp đặt camera hay các thiết bị giám sát khác. Trường phải gia hạn thông báo hàng năm cũng như cập nhật mọi thay đổi với gia đình học sinh.
Học sinh và phụ huynh sẽ không được quyền truy cập vào hệ thống camera giám sát và không được đưa ra yêu cầu lắp đặt camera.
Ảnh: Shutterstock
Năm 2018, Ấn Độ diễn ra hàng loạt vụ tấn công trẻ em nên Bộ Giáo dục quyết định lắp đặt camera an ninh tại tất cả trường công ở thủ đô Delhi. Camera được lắp đặt trong lớp học, hành lang, thư viện, phòng tập thể dục... Cuối năm 2018, theo phán quyết của Tòa án tối cao Delhi, việc lắp đặt camera an ninh trong lớp học là hoàn toàn bình thường và trẻ em sẽ không bị ảnh hưởng.
Tòa án cho biết thêm, camera trong lớp học sẽ được liên kết với thiết bị cá nhân của phụ huynh học sinh, từ đó phụ huynh có thể quan sát tình hình lớp học. Hiện nay, Ấn Độ đã lắp đặt hơn 4.340 camera tại 344 trường học, mỗi lớp học được khuyến khích có tối thiểu một camera.
Mặc dù không có số liệu chính xác, tại Australia, các trường học đều có thể lắp đặt camera trong lớp học nếu được sự đồng ý của giáo viên và phụ huynh học sinh. Liên đoàn Giáo dục Australia kêu gọi đảm bảo camera hoặc bất kỳ thiết bị giám sát nào khác sẽ được phục vụ cho mục đích giảng dạy, dưới sự cho phép của gia đình và nhà trường.
Ông Howard Spreadbury, Chủ tịch Liên đoàn Giáo dục, cho biết không cho phép sử dụng các đoạn phim trích xuất từ camera cho mục đích cá nhân, dữ liệu từ camera phải được bảo mật tuyệt đối. Ngoài ra, gia đình học sinh không được phép truy cập vào hệ thống giám sát.
Nổi tiếng với việc ứng dụng nhiều công nghệ vào việc giám sát học sinh, Trung Quốc nâng camera giám sát lên thành camera nhận dạng khuôn mặt tại các lớp học. Tháng 5/2018, trường cấp ba Zhejiang Hangzhou 11 thành phố Hàng Châu là trường học đầu tiên lắp đặt camera nhận dạng khuôn mặt để phân tích biểu cảm của học sinh. Dự án nằm trong hệ thống camera giám sát của chính phủ Trung Quốc (Skynet).
Theo đó, mỗi lớp học được lắp ba camera, mỗi camera có thể phân tích sáu hành vi của học sinh, bao gồm: sợ hãi, vui vẻ, buồn bã, ngạc nhiên, tức giận và trung lập. Camera có thể phát hiện học sinh đang cảm thấy chán chường hay đang tập trung vào bài học và chỉ giáo viên mới được quyền xem dữ liệu.
Việc lắp đặt thiết bị nhận dạng khuôn mặt đã tạo nên cuộc tranh luận gay gắt tại Trung Quốc. Nhiều người đồng tình với cách thực hiện của trường cấp ba Zhejiang Hangzhou 11 và cho rằng giúp thúc đẩy việc học, cải thiện phương pháp dạy của giáo viên. Một số khác lập luận rằng hành động này sẽ tước đi quyền tự do cá nhân của học sinh, gây áp lực cho các em trong học tập.
Tại Việt Nam, cô chủ nhiệm lớp 2/11 trường Tiểu học Phan Chu Trinh, quận Tân Phú, TP HCM vừa bị phát hiện đánh nhiều học sinh, sau khi phụ huynh bí mật gắn camera theo dõi trên tường phòng học. Việc này khiến nhiều phụ huynh muốn các trường lắp camera trong lớp. Tuy nhiên, giáo viên không tán thành vì "rất áp lực".
Tú Anh
Theo Law Street, The Guardian, The Sydney Morning Herald/VNE
Nhiều học sinh không còn áp lực phải vào đại học bằng mọi giá Nhiều học sinh thế hệ 10X không còn xem đại học là con đường duy nhất. Các em được định hướng chọn trường cao đẳng, trung cấp nghề phù hợp năng lực bản thân từ khá sớm. Có thể nhận thấy điều thay đổi rõ nhất trong kỳ thi THPT quốc gia gần đây là tỷ lệ xét tuyển vào đại học giảm....