Nữ nhà giáo ưu tú dân tộc Tày giàu nghị lực
Nói đến “cô Nhung nghị lực” là người dân và các thế hệ học sinh, giáo viên ở xã Tân Lĩnh và thị trấn Yên Thế nói riêng, ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái nói chung đều sẽ nhớ ngay tới Nhà giáo ưu tú Nông Thị Việt Nhung.
Để đứng được trên bục, mang những bài giảng hứng thú đến cho học sinh, cô đã vượt qua biết bao khó khăn, vất vả và cả những nhọc nhằn khi cô chỉ còn một chân.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống với ngành giáo dục, năm 1992, khi tốt nghiệp THPT, cô gái người Tày Nông Thị Việt Nhung đi học hệ 9 3 tại Trường bồi dưỡng giáo dục thường xuyên huyện Lục Yên (Yên Bái).
Cô luôn sát sao hướng dẫn học sinh học và làm bài.
Năm 1995 ra trường, cô giáo trẻ Nông Thị Việt Nhung mang bao hoài bão, nhiệt huyết về giảng dạy ở Tân Lĩnh – một xã ven dòng Sông Chảy của huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. 2 năm sau, cô chuyển về trường Tiểu học Yên Thế số 1 (nay là trường Tiểu học Trần Phú, thị trấn Yên Thế).
Năm 1999, cô tiếp tục học nâng chuẩn 12 2. Trong thời gian này, cô giáo Nhung không may mắc bạo bệnh thoát dịch ở ổ khớp chân, khiến cô phải tạm dừng việc học để chữa bệnh. Trớ trêu thay, khỏi bệnh, nhưng một bên chân của cô phải tháo vĩnh viễn.
Không thể đi lại bình thường, nhưng chưa khi nào cô Nhung mất đi niềm tin và sự lạc quan vào cuộc sống. Vượt qua những cơn đau mỗi khi trái gió trở trời, cô lại miệt mài nghiên cứu sách vở, giáo án, cộng với sự giúp đỡ, động viên của gia đình, đồng nghiệp… cô đã nhanh chóng chứng minh được khả năng của mình trên lớp.
Video đang HOT
Các em học sinh Trường Tiểu học Trần Phú, Lục Yên chăm chú theo dõi tiết dạy địa lý của cô giáo Nông Thị Việt Nhung.
Cô nhung cho biết: “Năm đầu tiên trở lại đứng lớp tôi đã tham gia cuộc thi giáo viên dạy giỏi. Khi tôi bước chân lên bục giảng, các thầy cô trong ban Giám hiệu cũng lo lắng. Khi kết thúc giờ dạy các thầy cô ban Giám khảo đều đánh giá tiết giảng quá tốt”.
Với ý chí và quyết tâm vượt mọi gian khó, cô giáo Nông Thị Việt Nhung đến nay đã có gần 25 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”. Suốt những năm qua, cô đã tìm cho mình nhiều phương pháp giảng dạy mới, cách truyền đạt dễ hiểu để học sinh tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất, như: Sáng kiến “Một số biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy phân môn Luyện từ và câu lớp 4″ đã được áp dụng tại trường Tiểu học Trần Phú và nhiều trường Tiểu học khác trong tỉnh Yên Bái từ năm 2009; Sáng kiến “Một số biện pháp dạy Toán có lời văn cho học sinh lớp 5″ đã được áp dụng tại trường Tiểu học Trần Phú và nhiều trường Tiểu học khác trong tỉnh Yên Bái từ năm 2011…
Chính vì vậy, mỗi tiết lên lớp của cô Nhung, học trò đều rất hứng thú, phụ huynh tin tưởng trao gửi con.
Em Nguyễn Hoàng Minh Anh, một trong những học sinh của cô Nhung nói: “Em thấy cô dạy rất rõ ràng. Thích nhất là cô dạy môn Toán, nếu bạn nào làm sai cô sẽ chỉ bảo nhẹ hàng, em rất thích được cô dạy thường xuyên”.
Tận tụy với nghề, chịu khó học hỏi, vững về chuyên môn…là những câu nói mà các đồng nghiệp dành cho cô Nhung. Hiện, với vai trò là Tổ trưởng chuyên môn lớp 4 – 5, cô thường xuyên đổi mới công tác chuyên môn. Nhờ vậy, tỷ lệ học sinh hoàn thành xuất sắc nội dung các môn học của lớp và Tổ chuyên môn cô phụ trách hàng năm đều đạt đến 80%. Tổ Chuyên môn lớp 4 – 5 luôn dẫn đầu phong trào thi đua của nhà trường.
Cô giáo Nông Thị Việt Nhung cũng luôn nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ đồng nghiệp về chuyên môn. Đến nay, cô đã giúp đỡ được 7 giáo viên thành giáo viên dạy giỏi các cấp.
Thầy giáo Đỗ Xuân Đạt, phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên cho biết: “Cô Nhung có năng lực chuyên môn rất vững, là giáo viên cốt cán của trường cũng như của ngành. Đối với đồng nghiệp cô luôn hòa nhã, nhiệt tình. Đặc biệt cô luôn sẵn lòng giúp đỡ đồng nghiệp về chuyên môn nghiệp vụ, giải quyết các vướng mắc; luôn được phụ huynh tin tưởng giao đảm nhiệm giảng dạy con em của họ”.
Nỗ lực vượt qua nghịch cảnh với một bên chân cống hiến cho sự nghiệp giáo dục tại quê hương, cô giáo Nông Thị Việt Nhung đến nay đã có 6 lần đạt Danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Ngoài nhiều Bằng khen của tỉnh Yên Bái và các Bộ ngành Trung ương, năm 2019, cô vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Vinh dự hơn cả, năm 2017, cô giáo Nông Thị Việt Nhung được xét tặng Danh hiệu Nhà giáo ưu tú và là một trong những Nhà giáo ưu tú trẻ nhất tỉnh Yên Bái hiện nay.
Ông Hoàng Chí Ngàn, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết cô giáo Nông Thị Việt Nhung là người có đóng góp quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành giáo dục Lục Yên và cả tỉnh Yên Bái: “Mặc dù điều kiện sức khỏe có những hạn chế, tuy nhiên trong những năm qua cô giáo Nhung đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; là một giáo viên có nhiều kinh nghiệm đối với cấp Tiểu học, đặc biệt là triển khai chương trình phổ thông mới với lớp 1. Đây chính là tấm gương để tất cả cán bộ, nhân viên trong ngành học tập noi theo”.
Đối với nhà giáo ưu tú Nông Thị Việt Nhung, sự ghi nhận của các cấp, ngành, sự tin yêu, giúp đỡ của đồng chí, đồng nghiệp và tình cảm quý mến của học sinh và các phụ huynh chính là động lực để cô vượt qua những khó khăn, viết tiếp ước mơ, vững tin gắn bó với sự nghiệp “trồng người” nơi quê hương Yên Bái của mình./.
Học trò người Mông ở Yên Bái lên núi "hứng" sóng 3G học trực tuyến
Nhiều tấm gương học sinh vùng cao hiếu học lên núi "hứng sóng" 3G để theo dõi những tiết học trực tuyến của thầy cô.
Trong thời gian các trường học phải ngừng đón học sinh đến lớp vì dịch Covid-19, đã xuất hiện nhiều tấm gương học sinh vùng cao hiếu học lên núi "hứng sóng" 3G để theo dõi những tiết học trực tuyến của thầy cô.
Chiếc lán đơn sơ nơi hai anh em Quang-Viên học trực tuyến.
Câu chuyện của hai anh em Giàng Seo Quang và Giàng Thị Viên, dân tộc Mông, lớp 5E, trường Tiểu học Trần Phú, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái là một ví dụ.
Chiếc lán tạm được làm trên lưng chừng núi khu vực nước ngập gần thị trấn Yên Thế, ở độ cao 400m so với mực nước biển gần 1 tháng qua đã trở nên quen thuộc đối với hai anh em Quang và Viên. Một tuần 5 buổi, cứ đến 13h30 phút là hai anh em lại mang sách vở và điện thoại lên đây để nghe cô giáo chủ nhiệm giảng dạy trực tuyến.
Trong chiếc lán rộng chỉ vài mét vuông làm bằng tre, nứa được che bằng tấm bạt đã cũ, hai anh em và một số bạn khác miệt mài học bài. Em Giàng Seo Quang chia sẻ: "Từ lúc em biết học Zoom, em mang điện thoại lên đây để hứng sóng học trực tuyến".
Trong khi hầu hết các bạn cùng lớp có điều kiện học trực tuyến thuận lợi do sống ở vùng có sóng điện thoại thì Quang và Viên gặp rất nhiều khó khăn do gia đình các em sống ở khu vực núi nước ngập của tổ dân phố 8, thị trấn Yên Thế không có sóng điện thoại.
Với mong muốn "không bị bỏ lại phía sau", hai anh em đã nảy ra ý tưởng đi lên những ngọn núi cao để "hứng sóng" 3G, 4G. Với sự giúp đỡ của bố mẹ, các em đã dựng được chiếc lán tại địa điểm bắt được sóng.
Anh Giàng Seo Sần, bố của Quang và Viên tâm sự, dù điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn song vẫn cố gắng mua cho các con 1 chiếc điện thoại cũ vào được mạng và kéo đường điện thắp sáng hàng trăm mét để giúp các con yên tâm học tập.
"Mình ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, không có sóng. May quá mình có được cái điện thoại để cho hai đứa con vào mạng xem cô giáo dạy", anh Giàng Seo Sần chia sẻ.
Quang-Viên chăm chỉ học bài qua mạng 3G.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú, thị trấn Yên Thế cho biết: Để giúp các em duy trì được kiến thức trong thời gian nghỉ học phòng chống dịch Covid-19, từ hơn 1 tháng nay, nhà trường đã triển khai thực hiện học trực tuyến. Với các em học sinh đang sinh sống ở những vùng khó khăn như Quang và Viên, Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên động viên, chia sẻ.
"Khi cô giáo lên tận nơi, thấy các em được bố mẹ tạo điều kiện và các em cũng đã biết đi tìm được địa điểm có sóng trên núi cao để học trực tuyến. Thực sự chúng tôi rất xúc động.", cô giáo Thanh cho biết.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Yên Bái, học sinh lớp 5 các trường tiểu học sẽ được tới trường từ ngày 4/5. Đây là điều thực sự vui đối với hai em Quang và Viên, bởi không còn phải lên núi "hứng sóng" và vui hơn là được trở lại lớp gặp thầy cô, bạn bè sau kỳ nghỉ dài./.
Đinh Tuấn
Quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) gặp mặt nhà giáo nhân dịp 20/11 Chiều 18/11, UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức lễ kỷ niệm 38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2020), gặp mặt Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, cán bộ quản lý ngành GD&ĐT. Ông Nguyễn Văn Nam- Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng trao Cờ đơn vị thi đua xuất sắc của TP cho 4 tập thể....