Nữ giáo viên Hà Tĩnh lặng thầm gieo chữ cho trẻ em dân tộc Chứt
Gắn bó với Trường Mầm non Hương Liên ( xã Hương Liên, Hương Khê) từ những ngày còn đôi mươi, tới nay đã 8 năm với biết bao gian nan, vất vả nhưng cô giáo Trần Thị Thu Phương (SN 1991) vẫn luôn yêu nghề, mến trẻ.
Cô giáo Trần Thị Thu Phương đứng lớp tại điểm trường dân tộc Chứt, Trường Mầm non Hương Liên
Cách đây 8 năm, vào những ngày đầu tháng 11/2011, cô giáo Trần Thị Thu Phương, khi ấy mới 20 tuổi, là một nữ sinh vừa tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm mẫu giáo – nhà trẻ Hà Nội đã quyết định về giảng dạy tại Trường Mầm non Hương Liên theo diện giáo viên hợp đồng. Nhiệt huyết và tâm huyết của tuổi trẻ đã thôi thúc cô tình nguyện về ươm mầm măng non nơi vùng biên giới xa xôi.
Thời điểm này, cô vẫn còn ở với gia đình bố mẹ tại xã Phú Phong (Hương Khê). Vậy nên, hàng ngày, cô Phương phải vượt qua quãng đường 35 km với nhiều đoạn đường đèo dốc, khó đi mới có thể tới trường.
Cô chia sẻ: “Thời gian này, tôi sáng đi tối về không kể nắng mưa, từ nhà tới trường đi xe máy mất gần 1 giờ đồng hồ. Năm 2011, mức lương lại chỉ được 500 nghìn, không đủ trang trải cuộc sống, xăng xe. Thật sự rất vất vả”.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng cô luôn tận tâm, yêu nghề, mến trẻ
Là một giáo viên trẻ đã phải đối mặt với bao khó khăn, vậy nên cô không tránh khỏi những lúc buồn tủi, hay có suy nghĩ từ bỏ. Tuy nhiên, những lúc như vậy, cô thường xuyên được bạn bè, đồng nghiệp động viên, được học sinh, phụ huynh yêu mến, cô lại vững tin hơn trong con đường của mình.
Suốt thời gian công tác tại Trường Mầm non Hương Liên, cô Trần Thị Thu Phương luôn tâm huyết, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cô cũng nên duyên với chồng là một giáo viên tiểu học ở đây và dần ổn định cuộc sống.
Những tình cảm của bạn bè, đồng nghiệp và đặc biệt là các em học sinh đã tạo động lực để cô Trần Thị Thu Phương tiếp tục nỗ lực cống hiến
Năm 2017, cô tình nguyện chuyển về điểm trường dân tộc Chứt của Trường Mầm non Hương Liên, là điểm trường dành cho các em đồng bào dân tộc Chứt. Nuôi dạy trẻ vốn đã là một công việc vất vả thì việc chăm lo cho những đứa trẻ dân tộc Chứt lại càng khó khăn hơn.
Video đang HOT
“Khi mới đến với điểm trường, tôi cũng gặp nhiều bỡ ngỡ vì chưa quen với phong tục tập quán và ngôn ngữ giao tiếp của đồng bào nơi đây. Điều khó khăn nhất là nhận thức của người dân bản còn rất hạn chế, phải làm sao để phụ huynh hiểu được tầm quan trọng của việc học”, cô Phương chia sẻ.
Mỗi ngày, cô lại tới tận nhà đón các em học sinh dân tộc Chứt tới trường, dạy dỗ, chăm sóc và đưa các em về
Từ ngày chuyển tới điểm trường mới, đều đặn mỗi buổi sáng, cô giáo Trần Thị Thu Phương lại tới từng hộ dân bản, gọi các em dậy, giúp các em nhỏ vệ sinh cá nhân, đưa đón tới trường. Tan học, cô lại cần mẫn đưa học sinh về nhà, dù cho nhiều hộ dân bản cách điểm trường tới gần 4 km.
Dù điểm trường còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng miếng ăn giấc ngủ của các em vẫn được chăm sóc cẩn thận, đủ đầy. “Nhiều lúc các con không chịu đi học, tôi phải mua xôi, quà, sữa, bánh kẹo để dỗ dành, tạo cho các con hứng thú tới trường”, cô Phương kể.
Nhiều chai nhựa, vỏ lon được cô tận dụng làm đồ chơi, vật dụng cho các em
Việc giảng dạy trên lớp cũng có đặc thù riêng. Điểm trường dân tộc Chứt được 2 giáo viên phụ trách, thường có từ 14-16 học sinh từ 3-5 tuổi, gộp lại thành một lớp nên phải có chương trình dạy riêng cho từng nhóm tuổi. Nhận thức về môi trường xung quanh của các em cũng rất đơn giản, mơ hồ nên việc giảng dạy cũng vất vả hơn.
Các giờ học ngoại khóa, kỹ năng sống được cô chú trọng
Theo cô Phương, có thể do ảnh hưởng của hôn nhân cận huyết trước đây khiến trí nhớ của các em không được tốt, học hôm nay mai đã quên, phải dạy đi dạy lại nhiều lần. Nhiều việc tưởng như đơn giản như buôn bán, họp chợ phiên… lại chưa có trong văn hóa của người dân tộc Chứt, cô phải tổ chức các buổi học ngoại khóa, giáo dục thêm về kỹ năng sống cho các em…
Được biết, gia đình cô Phương khá khó khăn. Hai vợ chồng đang chăm lo cho 2 đứa con nhỏ, bố chồng cô là thương binh, bị bệnh nặng phải nằm một chỗ đã 4 năm nay. Hiện, cô đang theo học chương trình liên thông tại TP Hà Tĩnh vào các ngày cuối tuần nên càng vất vả hơn.
Khó khăn, gian nan là vậy nhưng nhìn thấy cuộc sống khó khăn của người dân, mong muốn các em nhỏ dân tộc Chứt được thay đổi, tiếp cận với tri thức, văn minh, cô Trần Thị Thu Phương lại tiếp tục cố gắng, phấn đấu. Cô là 1 trong 2 giáo viên mầm non tiêu biểu của tỉnh tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2019 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam tổ chức thời gian tới.
Cô Nguyễn Thị Hoa – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Liên nhận xét: “Cô Trần Thị Thu Phương là một giáo viên có chuyên môn tốt, nhanh nhẹn, sáng tạo, có nhiều sáng kiến. Cô luôn tâm huyết, tận tình với nghề, vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ”.
Theo baohatinh
Vận động học sinh bản Rào Tre đến lớp, khó mấy các cô cũng không bỏ cuộc
Khi dãy Giăng Màn còn chìm trong sương mù lãng đãng, những người gieo chữ ở xã Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh) đã bắt đầu một ngày mới. Những bước chân thầy cô đã đánh thức con trẻ, gọi các em nhanh bước đến trường.
Những lớp học ở bản làng xa xôi lại rộn vang tiếng hát
Con đường vào bản Rào Tre những ngày này được đón bước chân quen thuộc của các thầy cô giáo đến với các gia đình để vận động học sinh (HS) đến lớp.
Cô Hoàng Thị Thưu, giáo viên chủ nhiệm lớp HS dân tộc Chứt ở Trường Tiểu học Hương Liên cho biết: "Chuẩn bị cho năm học mới, việc vận động trẻ em dân tộc Chứt trở lại lớp là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Nhiệm vụ đó đã được chúng tôi thực hiện ngay trước ngày tựu trường. Chúng tôi cũng đã hoàn tất công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, phòng học và sách vở, bút mực để chào đón các em".
Bản Rào Tre những ngày này cũng được đón bước chân quen thuộc của các thầy cô giáo đến với các gia đình để vận động HS đến lớp
Mỗi một năm học trôi qua, những giáo viên đã gắn bó với HS dân tộc Chứt không thể đếm được bao lần mình đến từng nhà vận động, chở các em đi học. Chỉ biết rằng, trên cung đường quen thuộc ấy, sự kiên trì, bền bỉ và tâm huyết của những người gieo chữ đã đơm hoa, kết trái khi có những giờ học bình yên và sự hứng thú của các em đối với những bài văn, phép toán.
Cũng từ đó, nỗi mong chờ năm học mới của HS ở bản Rào Tre không chỉ là những bộ quần áo mới đã được mẹ chuẩn bị từ những phiên chợ sớm mà còn hiện hữu qua ánh mắt lấp lánh niềm vui khi các em nhìn thấy bóng dáng quen thuộc của thầy cô giáo xuất hiện ở bậc thang nhà sàn. Các em không còn ngại ngần khi khoe với những đoàn khách đến thăm những bộ quần áo mới, hát tặng mọi người bài hát đậm chất núi rừng bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình. Đó cũng chính là hành trang các em chuẩn bị bước vào năm học mới.
Chia sẻ cùng bạn niềm vui khi có quần áo mới
Em Hồ Thị Thìn, HS lớp 4 - Trường Tiểu học Hương Liên chia sẻ: "Năm học vừa qua, em đã cố gắng đến lớp đều đặn, chú ý nghe thầy cô giảng. Vì thế, việc học của em tiến bộ rất nhiều, được các thầy cô giáo khen. Em rất vui khi năm học mới đã bắt đầu, em được gặp lại bạn bè, thầy cô, được khoe với bạn bè những bộ quần áo mới".
Không khí chuẩn bị chào đón năm học cũng hiện hữu tại điểm lẻ của Trường Mầm non Hương Liên - nơi dành riêng cho HS dân tộc Chứt. Cô Hoàng Thị Hương - giáo viên cắm bản nơi đây cho biết: "Mỗi sáng sớm, chúng tôi lại vào bản chở các em ra lớp. Nhờ thế, đến hôm nay, 16 em trong độ tuổi mầm non đã cơ bản duy trì được nền nếp sinh hoạt".
Xe đạp, cặp sách...
Năm học mới của hơn 40 HS trên bản Rào Tre cũng đang nhận được sự đồng hành, tiếp sức của các tổ chức, cơ quan đoàn thể và những tấm lòng thiện nguyện. Thiếu tá Phạm Đình Minh - Tổ công tác Bộ đội Biên phòng ở bản Rào Tre cho hay: "Chúng tôi đã tiếp nhận một số xe đạp, cặp sách mới của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh trao tặng.
Ngoài phần gạo dành cho các gia đình được cấp phát hàng tháng, chúng tôi đã nhập kho số lượng sữa từ một tổ chức từ thiện gửi tặng để phát cho các em vào mỗi buổi sáng trước khi đến trường...".
gạo, sữa... cũng đã sẵn sàng đồng hành với các em bước vào năm học mới
Vào năm học mới 2019 - 2020, 4 HS dân tộc Chứt có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đón niềm vui đặc biệt khi được Đồn Biên phòng Bản Giàng nhận nuôi. Mọi thủ tục đã được hoàn thành, việc chuẩn bị nơi ăn, chỗ ở, phương án chăm sóc cho các em cũng đang được những người lính gấp rút chuẩn bị.
Nụ cười hồn nhiên của trẻ em dân tộc Chứt
Rời Rào Tre, trong mỗi chúng tôi là những cung bậc cảm xúc đong đầy niềm vui. Đó là hình ảnh những nụ cười hồn nhiên, ánh mắt đầy lưu luyến và những cánh tay đen nhẻm vươn lên vẫy chào tạm biệt của các em nhỏ. Chúng tôi biết rằng, những câu chuyện thơm mùi sách mới đang đưa các em rời những chuyến lang thang theo dấu vết con thú, để cùng bạn bè rộn rã bước chân đến trường.
Theo baohatinh
Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh ra mắt mô hình "Con nuôi Đồn Biên phòng" Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh vừa tổ chức Lễ ra mắt mô hình "Con nuôi Đồn Biên phòng" tại Bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh). Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh trao 5 chiếc xe đạp cho các cháu được nhận con nuôi biên phòng Vào chiều ngày 21/8, tại buổi lễ ra mắt,...