Nữ giáo viên gửi tâm thư tới Bộ trưởng GD&ĐT
Một giáo viên viết thư cho tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phản ánh những hình ảnh đời thực đầy bức xúc trong giáo dục mà cô chứng kiến hàng ngày.
Cô giáo Hoàng Thị Thu Hiền, giáo viên một trường THPT tại TP HCM vừa gửi tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ bức thư được cô viết từ góc nhìn của một giáo viên với sự quan tâm tới học sinh, đồng nghiệp xuất phát từ lòng yêu nghề và mong muốn giáo dục có được vị trí đáng có.
Cô Hoàng Thị Thu Hiền viết: “Xin Bộ trưởng hãy nhìn vào học sinh lớp 12 trong giờ học. Có được một kẽ hở thời gian nào là các em gục xuống bàn ngủ ngay bất cứ lúc nào. Những gương mặt hốc hác, mệt mỏi, bơ phờ vì thiếu ngủ, vì phải học quá nhiều. Học ở trường, học thêm ở các trung tâm và thầy cô; học ở nhà; học từ sáng đến tối không kịp ăn, không được ngủ. Học như điên như khùng, để rồi khi thi xong thì chẳng nhớ gì. Ôm mớ kiến thức ôm đồm, nhưng ra đời chẳng áp dụng được bao nhiêu.
Suốt ngày các em bị giam trong cái “vòng kim cô” của việc học, mà không biết những gì đang xảy ra xung quanh mình. Nếu có biết cũng chỉ lơ mơ vì không có thời gian. Nhận thức các vấn đề xã hội một cách ấu trĩ. Để rồi khi ra đời các em lại thiếu những kỹ năng cần thiết nhất: kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp ứng xử, không biết cách bảo vệ mình; không biết bênh vực cái tốt. Và trước cái ác, cái xấu cũng không dám lên tiếng phản đối”.
Video đang HOT
Cô Hoàng Thị Thu Hiền cũng phản ánh tình trạng bất ổn từ giáo viên tới phụ huynh, học sinh về những thay đổi liên tục trong giáo dục, đặc biệt là trong thi cử. Một trong những bức xúc của giáo viên là chất lượng của đội ngũ quản lý và quyền bầu chọn một người hiệu trưởng thực sự có tầm, có tâm, có tài. Bởi chỉ những người như vậy mới tạo ra sự bứt phá ngoạn mục, làm thay đổi bộ mặt của một ngôi trường.
“Không nên để tình trạng mỗi khi đã làm hiệu trưởng có nghĩa sẽ làm suốt đời, đến khi về hưu mà không có hình thức “buộc thôi chức”. Chính điều này dẫn tới tâm lý an phận. Để một người làm hiệu trưởng tại một trường tới 15 – 20 năm đó là một sự kìm hãm, thậm chí là một thảm họa” – cô Hiền đề xuất.
Học sinh học nhiều nhưng ra đời không áp dụng được bao nhiêu . Ảnh: An Ninh Thủ Đô.
“Thưa Bộ trưởng, có cần phải duy trì quá nhiều sổ sách như vậy cho mỗi giáo viên hay không? Mà trong đó rất nhiều cuốn chủ yếu để ‘hành là chính’: sổ báo giảng, sổ tự bồi dưỡng, sổ ghi chép… Hàng năm, tất cả các giáo viên đều phải trải qua kiểm tra giáo án, kể cả giáo viên mới ra trường và giáo viên sắp về hưu. Sự cào bằng này làm mất tính sư phạm và sự tôn trọng đối với thầy cô lớn tuổi có kinh nghiệm lâu năm trong nghề. Và nhất là làm cho giáo viên có cảm giác họ bị quản lý như học trò, chứ không phải thầy cô” – cô Hiền viết.
Theo cô giáo, hiệu quả làm việc của một giáo viên là ở chất lượng giờ dạy, là sự tâm huyết với nghề, chứ đâu phải ở những cuốn sổ kia. Chưa kể thời đại công nghệ, mỗi giáo viên có cách lưu trữ tài liệu theo cách riêng của mình. Đâu nhất thiết phải ghi chép ra sổ sách?
“Hãy đánh giá giáo viên ở phương pháp làm việc giỏi, chứ không phải ghi chép giỏi như kiểu thi “vở sạch chữ đẹp” – cô Hiền nhấn mạnh
Cô Hiền không xin Bộ trưởng hãy tăng thêm chế độ đãi ngộ cho bản thân mà là cho những giáo viên đang công tác tại các vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; những giáo viên đang cắm bản để bám lớp, bám trường; những giáo viên phải dạy ở những ngôi trường chỉ có nhà tranh vách đất, không điện, không nước, mỗi lớp chỉ có chục học sinh nhưng lại đủ các loại lớp khác nhau…
“Thực sự họ là những người anh hùng của thời đại mới. Họ xứng đáng được đãi ngộ và tôn vinh” – cô Hiền tâm sự.
Chốt vấn đề trong giáo dục, cô Hoàng Thị Thu Hiền khẳng định, trong mọi sự giáo dục thì giáo dục nhân cách con người vẫn là yếu tố hàng đầu. Việc quá thiên lệch về nhồi nhét kiến thức, coi nhẹ giáo dục đạo đức của ngành giáo dục mấy chục năm nay đã thấy được hệ lụy của nó.
Ngành giáo dục trước tiên phải giáo dục được cho học sinh lòng tự trọng. Bởi có tự trọng thì con người sẽ hạn chế làm điều ác, điều xấu, ra đời sẽ không tham ô, tham nhũng, không chạy chức chạy quyền bằng mọi giá, không vì quyền lợi của mình mà giẫm đạp lên người khác. Những hình ảnh xấu xí của người Việt hiện nay phần lớn cũng do thiếu tự trọng mà ra.
Theo Duy Anh/An Ninh Thủ Đô