Nữ giảng viên ĐH FPT đam mê nghiên cứu khoa học giáo dục
Với nhiều năm kinh nghiệm dạy tiếng Anh, cô Lê Thị Duyên (giảng viên Trường ĐH FPT) cho rằng, nghiên cứu khoa học giúp giảng viên đảm bảo chất lượng giảng dạy.
Đầu năm, nghiên cứu của cô Duyên đã được xuất bản bởi Tạp chí khoa học Language Teaching Research. Theo Scimago, đây là tạp chí Q1 có chỉ số SJR 2.6, được xếp hạng 13/806 tạp chí về ngôn ngữ, và xếp hạng 30/1222 trong danh sách tạp chí về giáo dục trên thế giới. Hiện không nhiều giảng viên ngôn ngữ trong nước có bài đăng trên tạp chí này.
Cô Lê Thị Duyên trong quá trình chinh phục tấm bằng tiến sĩ Ngôn ngữ học ứng dụng tại ĐH Nottingham (Anh).
Giảng dạy tại Trường ĐH FPT lâu năm, cô Duyên hiểu rõ những khó khăn của sinh viên khi tiếp cận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. Đặc biệt với những sinh viên không thuộc khối ngành ngôn ngữ, các em thường không có động lực học tập, dễ nảy sinh tâm lý chán nản khi gặp khó. Bởi vậy, việc duy trì luyện tập tiếng Anh thường xuyên với các em này là một thách thức không nhỏ.
Mang trăn trở đó chinh phục tấm bằng tiến sĩ Ngôn ngữ học ứng dụng tại ĐH Nottingham (Anh), cô Duyên tìm đến những tài liệu nghiên cứu chuyên sâu về phương thức tạo động lực học tập cho sinh viên học ngôn ngữ thứ hai thông qua việc ứng dụng một cách hệ thống và khoa học các công cụ tâm lý động lực và hình ảnh não bộ trong môi trường lớp học. Qua tìm hiểu, cô nhận ra đây là một lĩnh vực còn nhiều sơ khai, tạo điều kiện cho những người đến sau như cô có thể đào sâu để tạo ra một nghiên cứu khác biệt, nhằm “lấp những khoảng trống” trong lĩnh vực này trong nghiên cứu về ngôn ngữ học và giảng dạy ngôn ngữ thứ hai trên thế giới.
Nghĩ là làm, cô bắt tay thực hiện luận án giáo dục học về phương pháp tạo động lực học tiếng Anh cho sinh viên Trường ĐH FPT. Nhóm nghiên cứu đã ứng dụng phần mềm phân tích ngôn ngữ để phân tích tài liệu giảng dạy và lọc ra các trọng tâm ngôn ngữ cho mục đích nghiên cứu, sau đó dựa vào các nguyên lý khoa học về tâm lý động lực học và hình ảnh não bộ để thiết kế một bộ công cụ dưới dạng các hoạt động học tác động vào não của người học nhằm đánh giá tác động của các nguyên lý này trong quá trình học ngoại ngữ. Tiếp theo, nhóm nghiên cứu tiến hành đánh giá kết quả và phân tích dữ liệu để đưa ra được kết luận cuối cùng.
Tổng thời gian cô Duyên dành cho nghiên cứu này là 5 năm (2015 – 2020), trong đó 3 năm cho việc thiết kế công cụ, thu thập và phân tích dữ liệu. Đây cũng chính là thách thức lớn nhất với cô trong suốt quá trình làm luận án.
Chia sẻ về động lực của bản thân trong những thời điểm khó khăn, cô Duyên bày tỏ: “Riêng với tôi, mục đích của nghiên cứu là cho ra đời một sản phẩm khoa học có giá trị, được công nhận rộng rãi trên cộng đồng nghiên cứu ngôn ngữ học quốc tế. Nghiên cứu này còn để thử xem khả năng mình đến đâu, dù đôi khi còn không chắc mình có thành công hay không”.
Sau khi bảo vệ luận án, nghiên cứu của cô cũng tiếp tục trải qua một quãng đường dài trước khi được chấp nhận xuất bản. Cô Duyên nhớ lại, quy trình xét duyệt bài của các tạp chí khoa học rất chặt chẽ, và trước khi được Language Teaching Research chấp nhận thì cô cũng từng bị từ chối bởi một vài tạp chí khác. “Bởi vậy khi nhận được tin chính thức thì mình cũng như các giáo sư hướng dẫn rất vui. Thầy cô tới tấp chúc mừng, còn tôi thì thực sự không thể diễn tả nổi cảm xúc lúc đó”, cô Duyên nói.
Nghĩ đến nghề giáo, nhiều người chỉ biết đến công việc giảng dạy. Nhưng với kinh nghiệm lâu năm trong nghề, cô Duyên khẳng định nghiên cứu khoa học luôn giữ vai trò quan trọng. “Giáo viên có kiến thức sâu về một vấn đề nào đó thì những ứng dụng của họ sẽ mang tính chất khoa học và bài bản hơn. Có nền tảng và tư duy khoa học, giảng bài hay ra đề thi, hay làm bất cứ điều gì, giáo viên cũng sẽ có những tiêu chí nhất định để đảm bảo chất lượng của công việc”, cô Duyên khẳng định.
Chỉ tiêu và học phí ngành Công nghệ thông tin
Những năm gần đây, ngành công nghệ thông tin luôn có mức điểm chuẩn cao nhất tại nhiều trường ĐH. Hiện mức học phí tối thiểu đối với ngành này là 11,7 triệu đồng/năm.
Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội
Tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhóm ngành Công nghệ thông tin gồm nhiều ngành/ chương trình đào tạo. Cụ thể: Khoa học máy tính (260 chỉ tiêu), Kỹ thuật máy tính (180 chỉ tiêu), Công nghệ thông tin Việt - Nhật (80 chỉ tiêu), Việt - Pháp (40 chỉ tiêu), chương trình liên kết với Đại học La Trobe (Australia- 70 chỉ tiêu), Đại học Victoria (New Zealand - 60 chỉ tiêu), chương trình ngành Khoa học máy tính liên kết với ĐH Troy (Mỹ - 40 chỉ tiêu).
Video đang HOT
Năm ngoái, ngành Khoa học máy tính thuộc nhóm ngành Công nghệ thông tin có điểm chuẩn cao nhất là 27,42. Ngành Công nghệ thông tin liên kết ĐH Victoria (New Zealand) có điểm chuẩn thấp nhất là 22 điểm.
Đối với chương trình chuẩn, năm nay, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội áp dụng mức học phí từ 20-24 triệu đồng/năm tùy theo từng ngành, chương trình đào tạo. Cao nhất là ngành Công nghệ thông tin Việt - Pháp với học phí là 50 triệu đồng/năm.
Theo thông báo của trường, mức học phí này có thể được điều chỉnh cho các năm học sau nhưng không tăng quá 8% mỗi năm.
Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội
Năm 2020, Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội tuyển 310 sinh viên ngành Công nghệ thông tin với hai chương trình là hệ chuẩn và định hướng thị trường Nhật Bản. Ngoài ra, trường cũng tuyển 270 chỉ tiêu ngành Công nghệ thông tin hệ chất lượng cao, bao gồm 3 chuyên ngành là Khoa học máy tính, Hệ thống thông tin, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu.
Điểm chuẩn nhóm ngành Công nghệ thông tin năm ngoái là 25,85 điểm đối với hệ chuẩn và 25 điểm đối với hệ chất lượng cao.
Mức học phí đối với các chuyên ngành đào tạo hệ chuẩn theo quy định là 11,7 triệu/ năm. Học phí đối với các chương trình đào tạo chất lượng cao là 35 triệu đồng/năm.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
Năm 2020, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tuyển 700 sinh viên ngành Công nghệ thông tin tại cơ sở ở Hà Nội và 140 sinh viên tại cơ sở TP. HCM. Năm ngoái, điểm chuẩn đối với cơ sở Hà Nội là 24,1 và cơ sở TP.HCM là 22 điểm.
Học phí trình độ đại học chính quy chương trình đại trà trong năm học này được trường thông báo là 17 triệu đồng/năm.
Học viện Kỹ thuật Mật mã
Ngành Công nghệ thông tin tại Học viện Kỹ thuật Mật mã năm nay tuyển 200 chỉ tiêu. Các tổ hợp môn xét tuyển là Toán, Khoa học tự nhiên, Tiếng Anh (Tổ hợp D90); Toán, Vật lí, Hóa học (Khối A00); Toán, Vật lí, Tiếng Anh (Khối A01). Năm ngoái, điểm chuẩn vào ngành này là 22,9 điểm.
Học phí dự kiến đối với sinh viên chính quy là 10,6 triệu đồng/năm. Hằng năm, sau học kỳ I, Học viện gửi từ 10-20 sinh viên có kết quả học tập xuất sắc đi đào tạo tại các nước có nền khoa học công nghệ tiên tiến (kinh phí do Nhà nước cấp).
Trường ĐH Hà Nội
Năm 2020, Trường ĐH Hà Nội tuyển sinh ngành Công nghệ thông tin dạy bằng tiếng Anh hệ chuẩn là 200 chỉ tiêu và hệ chất lượng cao là 50 chỉ tiêu. Tổ hợp tuyển sinh của trường với ngành này là A01 (Toán, Lý, Anh) và D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh). Năm ngoái, điểm chuẩn vào ngành này của trường là 22,15.
Mức học phí được nhà trường đưa ra trong năm học mới là 480.000 đồng/ tín chỉ. Với chương trình chất lượng cao, sinh viên phải nộp 1,3 triệu đồng/tín chỉ.
Viện ĐH Mở
Trong mùa tuyển sinh 2020, Viện ĐH Mở tuyển 330 chỉ tiêu ngành Công nghệ thông tin. Năm ngoái, điểm chuẩn vào ngành này của trường là 20,3.
Mức học phí được nhà trường đưa ra trong năm 2020-2021 là hơn 14,3 triệu đồng và năm 2021-2022 gần 15,8 triệu đồng/năm.
Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội
Năm 2020, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội tuyển sinh 390 chỉ tiêu ngành Công nghệ thông tin. Mức điểm chuẩn ngành này vào năm ngoái là 22,8.
Học phí bình quân năm học 2020-2021 được nhà trường đưa ra là 17,5 triệu đồng/năm. Học phí các năm tiếp theo tăng không quá 10% so với năm trước.
Trường ĐH FPT
Năm 2020, trường tuyển 5.000 chỉ tiêu ngành Công nghệ thông tin với các tổ hợp D01, A00, A01, D90. Điểm chuẩn vào ngành này của trường năm ngoái là 21 điểm.
Trường cũng đưa ra mức học phí áp dụng cho sinh viên đại học chính quy năm 2020 tại Hà Nội và TP.HCM là 25,3 triệu đồng/kỳ.
Ngoài ra, sinh viên chưa đủ trình độ tiếng Anh tương đương TOEFL iBT 80 hoặc IELTS 6.0 phải tham gia chương trình dự bị tiếng Anh với học phí hơn 10,3 triệu đồng/mức, mỗi mức học 2 tháng, số mức học tối đa là 6.
Công nghệ thông tin là một ngành học "hot" có tỷ lệ cạnh tranh cao.
Trường ĐH Công nghệ thông tin - ĐH Quốc gia TP.HCM
Năm 2020, Trường ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia TP.HCM tuyển 100 chỉ tiêu ngành Công nghệ thông tin, 120 chỉ tiêu cho chương trình chất lượng cao định hướng Nhật Bản.
Năm ngoái, điểm chuẩn vào các ngành của trường dao động từ 20-25,3 điểm. Đối với ngành Công nghệ thông tin, mức điểm chuẩn là 24,65, Phân hiệu tại Bến Tre lấy điểm chuẩn là 22,9, ngành Công nghệ thông tin chất lượng cao định hướng Nhật Bản có điểm chuẩn là 21,3 điểm.
Học phí trong năm học này đối với chương trình đại trà được nhà trường công bố là 20 triệu đồng/năm.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM
Năm 2020, chỉ tiêu tuyển sinh đối với ngành Công nghệ thông tin chương trình đại trà của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM là 180; chương trình chất lượng cao Tiếng Việt là 180, chất lượng cao Tiếng Anh là 60 và chương trình liên kết quốc tế là 40 chỉ tiêu.
Mức điểm chuẩn cho các ngành công nghệ thông tin hệ đại trà, chất lượng cao Tiếng Việt và chất lượng cao Tiếng Anh lần lượt là 23,9; 22,3 và 21,8 điểm.
Cũng theo thông báo của trường, học phí hệ đại trà năm nay là 17,5-19,5 triệu đồng/năm, chất lượng cao Tiếng Việt là 28-30 triệu đồng/năm, chất lượng cao Tiếng Anh là 32 triệu đồng và chương trình đào tạo quốc tế là 35-50 triệu đồng/năm.
Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM
Năm 2020, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM tuyển 400 chỉ tiêu nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin, 440 chỉ tiêu ngành Công nghệ thông tin chương trình chất lượng cao, 40 chỉ tiêu ngành Công nghệ thông tin (chương trình liên kết Việt - Pháp) và 80 chỉ tiêu ngành Khoa học máy tính chương trình tiên tiến.
Bên cạnh đó, trường cũng tuyển 120 chỉ tiêu ngành Công nghệ thông tin chương trình liên kết quốc tế do ĐH Kỹ thuật Auckland (New Zealand) cấp.
Năm ngoái, điểm chuẩn vào nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin cao nhất trường với 25 điểm. Ngành Khoa học máy tính chương trình tiên tiến có mức điểm chuẩn là 24,6, ngành Công nghệ thông tin chương trình Việt - Pháp có điểm chuẩn là 21 và chương trình chất lượng cao là 23,2.
Mức học phí dự kiến đối với sinh viên chính quy năm học này là 11,7 triệu đồng/năm. Chương trình Công nghệ thông tin tiên tiến là 40 triệu đồng/năm, Việt - Pháp 38 triệu đồng/năm và chất lượng cao là 29,7 triệu đồng/năm.
75 dự án đạt giải thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2019-2020 Danh sách dự án đạt giải được công bố tại bế mạc Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2019-2020 diễn ra sáng 20/6, tại Đà Nẵng. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ trao giải cho các học sinh có dự án đạt giải nhất. 75 trong tổng số 137 dự án đã đạt...