NSƯT Hạnh Thúy tuổi 46: “Đôi khi tôi tự hỏi, mình phải quá dành dụm làm gì”
“Chẳng có người đàn bà nào giỏi mà 2 rưỡi sáng vẫn làm việc như trâu như ngựa ngoài hiện trường. Tôi thấy bực bội vì mình làm quá nhiều mà không nhiều tiền”, NSƯT Hạnh Thúy nói.
NSƯT Hạnh Thúy tên thật là Ngô Phạm Hạnh Thúy, sinh năm 1976 tại Bến Tre. Chị bắt đầu hoạt động nghệ thuật từ năm 1997 đến nay với nhiều vai trò nổi bật như: diễn viên, tác giả, đạo diễn, giáo viên thỉnh giảng tại trường Sân khấu Điện ảnh TPHCM.
Hạnh Thúy ghi dấu ấn trong lòng công chúng với nhiều vai diễn trong các bộ phim truyền hình ăn khách như: Cái bóng bên chồng, Sống trong sợ hãi, Mẹ con Đậu Đũa, Bán chồng, Sông dài, Mưa thủy tinh, Nữ bác sĩ, Tay chơi miệt vườn, Thương con cá rô đồng, Nước mắt loài cỏ dại, Cây táo nở hoa…
Bên cạnh sự nghiệp khá viên mãn, Hạnh Thúy thừa nhận mình vất vả kiếm tiền, làm trụ cột gia đình. Dù cuộc sống hiện tại vẫn đang phải dành dụm, tiết kiệm nhưng Hạnh Thúy rất hài lòng về hai cô con gái. Chị xem đó là thành công lớn nhất của mình.
NSƯT Hạnh Thúy ở tuổi 46. (ảnh FBNV)
Tự hào nhất về tính trung thực của con
Là một nữ nghệ sĩ, khó khăn lớn nhất trong việc dạy con của chị là gì?
Với bé nhỏ, tôi chỉ bực cái “nết” ăn uống. Con khá biếng ăn. Bản thân tôi lúc nào cũng sợ con không an toàn và tiếc về điều đó cho con, cũng như cho chính mình.
Ngày xưa, ba mẹ tôi không sợ chuyện đó nên tuổi thơ của tôi rất nhiều màu sắc: được đi tắm sông, thả diều, tự đi học rồi đi về… Còn bây giờ, mình sợ con không an toàn nên giới hạn của nó là tới cái cổng rào rồi ngược trở vào trong nhà. Đi đâu cũng phải có ba mẹ nên con mất đi tính chủ động.
Việc mình sợ con không an toàn cũng hạn chế không gian hoạt động của con. Cho nên đời sống tinh thần của con cũng nhạt bớt đi. Đó là điều tôi không thích nhất.
Ngoài vai trò diễn viên, đạo diễn, chị còn viết kịch bản, đi dạy học. Chị làm quá nhiều, quá bận rộn như vậy thì con có bị “dính” vào máy tính, điện thoại không?
Mỗi lần tôi đi làm về, vừa nghe tiếng xe là cả nhà nháo nhào chạy đi tắt các thể loại điện thoại và ti vi. Đó là vấn đề lớn nhưng con mình không có gì quá đặc biệt so với con người ta. Tôi chỉ cố gắng hạn chế trong khả năng của mình.
Người ta nói: xấu che, tốt khoe. Bất kỳ người cha người mẹ nào khi nói đến con cũng đầy tự hào, khoe điểm tốt nhưng tôi lại thấy chị quá thật thà, không ngại nói cả cái chưa được của con?
Tôi nghĩ nên như vậy. Đó cũng là điều tôi tự hào về con mình. Nó đánh giá rất đúng về bản thân và người khác, không bị huyễn hoặc. Tôi phân tích đúng sai cho con chứ không bắt ép con làm gì cả. Tôi chấp nhận cả việc con bị điểm thấp, miễn là nó trung thực và hiểu đúng vấn đề nó đang nói.
Con gái út của nghệ sĩ Hạnh Thúy đang học lớp 2. Con gái lớn 22 tuổi. Các con đặc biệt gần gũi và thương mẹ.
Video đang HOT
Chị chấp nhận cả việc con bị điểm thấp, như là điểm 0?
Bản thân tôi ngày xưa đi học, cũng có giai đoạn bị điểm thấp nên không có gì quá nghiêm trọng. Hiện tại, tôi cũng đang đi học tiếp. Có cách để được điểm cao nhưng tôi luôn 7, 8 điểm. Những ngày 9, 10 điểm là rất tự hào vì mình đã vô cùng vất vả.
Tôi chỉ dạy con, có những thứ con không được phép làm. Một là nói dối, hai là ăn cắp. Nếu con bị 0 điểm, con chủ động nói với mẹ thì nó sẽ không lớn chuyện bằng việc con giấu và mẹ tự biết. Cho nên, khi chúng nó gặp vấn đề, chúng sẽ tự nói chứ không giấu giếm tôi.
Ngày nào đi làm về, tôi cũng hỏi ngày hôm nay của con thế nào, học ra sao? Bản thân chúng nó cũng có nhu cầu hỏi lại mẹ như vậy. Đó là thói quen, là sợi dây kết nối cha mẹ với con cái đơn giản và hiệu quả nhất. Với tôi, điều đó giống như để tái tạo lại năng lượng cho mình.
Còn việc con bị điểm 0, tôi xem đó là những khó khăn, thất bại của con, nếu có thì đó là một phần cuộc đời của nó. Cũng là cách tập cho con làm quen với thất bại, để khi con thất bại thật thì không hụt hẫng. Nếu mình tô hồng, khi con va vấp, nó sẽ bị chông chênh.
“Tôi thấy mình vất vả”
Có bao giờ chị đặt lên bàn cân, giữa con cái và sự nghiệp, cái nào quan trọng. Và nếu phải lựa chọn thì chị chọn cái nào?
Tôi chưa bao giờ bị đặt vào trường hợp đó và cũng không để mình rơi vào trường hợp đó. Tôi buộc phải dùng công việc để lo cho gia đình, để gia đình có cuộc sống tốt hơn. Ngược lại, gia đình là động lực tinh thần, là động cơ phấn đấu để tôi tiếp tục làm việc tốt hơn.
Chị làm bạn với con, chia sẻ cùng con, không ép con phải làm gì.
Ở tuổi 46, chị có hài lòng với những gì mình đang lo được cho gia đình và con cái?
Bằng lòng thì đúng hơn là hài lòng. Bởi vì, như ngày hôm qua, tôi vừa đi dạy, vừa làm đạo diễn, vừa viết kịch bản, vừa làm diễn viên và vẫn làm một số công tác đoàn đội. Mọi người khen, hay quá, giỏi quá, làm đủ thứ.
Thật ra, đàn bà giỏi là 6 giờ hoặc 8 giờ xong việc. Họ đi chơi hoặc về nhà, ném tiền vào mặt chồng, anh đi chơi với em, con đi chơi với mẹ, chúng ta hãy hạnh phúc và tận hưởng đi.
Chẳng có người đàn bà nào giỏi mà 2 rưỡi sáng vẫn đang làm việc như trâu như ngựa ngoài hiện trường. Những người phụ nữ đó là những người phụ nữ thất bại. Bản thân tôi luôn cảm thấy bực bội vì mình làm quá nhiều mà không nhiều tiền.
Người ta làm MC, 1 ngày kiếm cả trăm triệu. Tôi làm chết mệt cả tháng chưa được từng đó thì làm sao nói là người phụ nữ giỏi và thành đạt được. Tôi thấy mình vất vả. Tôi có nhiều tham vọng và vất vả về tham vọng của chính mình.
Tôi cố giảm bớt công việc lại, nhưng không cam lòng. Tham vọng của tôi là được làm việc mình thích. Hiện tại, tôi thích đi dạy. Và vì thích đi dạy nên tôi đã hy sinh những công việc khác đem lại cho tôi nhiều tiền hơn rất nhiều.
Nếu tôi thật sự thành công thì đã không phải nghĩ, tháng sau mình đóng tiền học cho con thế nào. Nhiều khi tôi tự hỏi, mình phải quá dành dụm làm gì. Bởi vì hiện tại, tôi vẫn đang dành dụm, vẫn đang tiết kiệm. May mắn là các con tôi cực kỳ hiểu, tiền là thứ không nên vung vãi.
Ở tuổi 46, Hạnh Thúy bằng lòng với những gì mình đang có, dù cuộc sống còn nhiều vất vả và vẫn luôn ở tình huống phải tiết kiệm, dành dụm cho tuần sau, tháng sau.
“Mọi thứ mẹ đã cho con rồi”
Chị dạy con điều đó bằng cách nào?
Tôi nói với con, mình có bao nhiêu tiền và phải chi cho những khoản mục nào, có những khó khăn gì. Chính bản thân tôi cũng không tiêu xài phung phí thì con sẽ thành quen.
Bé nhỏ để dành được tiền lì xì, tôi bảo khi nào mẹ không có tiền thì cho mẹ mượn. Nó bảo: ” Con cho mẹ luôn, mẹ không cần phải trả đâu. Con có xài gì đâu, mọi thứ mẹ đã cho con rồi”. Khi tôi trả lại tiền cho nó, nó rất áy náy vì luôn mong muốn được giúp mẹ.
Khi muốn tiêu xài gì, nó cũng hỏi ý kiến tôi. Lâu lâu 3 mẹ con mới “hẹn hò” nên thống nhất là sẽ đi quán thật đẹp, đồ ăn thật ngon để ăn chơi cho thật đã. Và nó luôn luôn hỏi, quán đó đẹp quá, sang quá, mẹ có tiền không, hay mình đi chỗ khác. Nó rất lo cho mẹ. Dù không rõ ràng nhưng đó là thành công của tôi.
Con gái lớn của tôi giờ 22 tuổi, đang là sinh viên năm 3. Mỗi ngày, nó tự chạy xe máy đi học, tự ăn trưa, tự đổ xăng mà 1 tuần chỉ có 850.000 đồng. Nó gói ghém cho đủ và không bao giờ xin thêm vì biết mẹ không có nhiều tiền.
Hiện tại, con gái lớn phụ tôi chăm sóc bà nội, thay tã, tắm rửa cho bà. Việc đó con chủ động đề nghị để mẹ bớt việc. Ngoài ra, con dịch truyện để kiếm thêm thu nhập. Đó là thành công của tôi.
Hạnh Thúy khẳng định, cuộc sống của mình ở hiện tại là… tạm được.
Tôi nhận thấy chị rất nhiều lo toan, rất nhiều gánh vác. Vậy một ngày của chị bắt đầu và kết thúc lúc nào?
Nếu không đi quay là 5 giờ 45 tôi thức dậy, nấu ăn, kêu con dậy. Cho con đi học thì tôi đi làm. Trễ là 11 giờ đêm, nếu chỉ đi dạy, đi làm bình thường thì khoảng 9 giờ, tôi đến nhà. Chơi với con được nửa tiếng rồi con đi ngủ.
Cho nên, những ngày nghỉ, không ai kêu tôi ra khỏi nhà được. Việc quan trọng cỡ nào cũng không vì tôi xác định ở nhà. Tôi không thích đi chơi. Tới nỗi, đoàn phim đi nhậu, mọi người mặc nhiên là không rủ tôi. Đôi khi mình chạnh lòng, hỏi sao không ai rủ. Biết là mình không đi nhưng được rủ một tiếng cũng đỡ buồn.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!
Quá khứ nghèo khổ của NSƯT Hạnh Thúy: Quanh năm ăn bánh mì chấm muối, không dám mơ tô cháo
"Bữa nào cũng đi ngang thấy bạn bè ngồi trong quán xì xụp mà mình không dám nhìn, cũng chưa bao giờ dám tưởng tượng mùi vị tô bún, tô cháo lòng ra sao vì sợ thèm", NSƯT Hạnh Thúy viết.
Mới đây, NSƯT Hạnh Thúy bất ngờ chia sẻ về thời nghèo khổ của mình. Cái thuở chị đang là sinh viên trường Nghệ thuật Sân khấu 2, nay là Đại học Sân khấu và Điện ảnh TPHCM, do thầy Minh Nhí làm chủ nhiệm.
Thấy bạn ngồi ăn tô cháo lòng cũng không dám nhìn vì sợ thèm!
Trên trang cá nhân, Hạnh Thúy viết: "Tự dưng nhớ thời mà ổ bánh mì có nhét dưa leo và muối tiêu trị giá 1.500 đồng, bánh mì thịt 3.000 đồng.
Mình quanh năm ăn bánh mì chấm muối tiêu 1.000 đồng, hôm nào ngán quá thì ráng thêm 500 đồng để được nhét mấy cọng dưa leo, xin thêm gói muối tiêu nhỏ để dành nhấm nháp, bữa nào đi quay karaoke thì ăn bánh mì thịt được khoảng 1 tuần.
Có một điều mấy người ở trường Nghệ thuật sân khấu chắc không tin: học trường 3 năm mà tận 10 năm sau mình mới dám ghé quán chị Diệu ăn một tô cháo lòng rồi một tô canh bún đủ topping. Thường chỉ dám mua một miếng bánh khoai mì tam giác nhỏ là coi như sang lắm.
Thời sinh viên, Hạnh Thúy rất đắt show quay hình ảnh cho karaoke và làm mẫu ảnh.
Bữa nào cũng đi ngang thấy bạn bè ngồi trong quán xì xụp mà mình không dám nhìn thẳng cũng chưa bao giờ dám tưởng tượng mùi vị tô bún, tô hủ tiếu, tô cháo lòng ra sao vì sợ thèm.
Nhớ luôn vài đứa bạn đã cùng nhau bẻ đôi ổ bánh mì chỉ có muối tiêu dưa leo mà ngon té xỉu. Còn ăn trưa, chiều thì nhất định là cơm đậu hũ kho củ cải giá 3.500 đồng/dĩa. Bà Năm chủ quán hỏi, sao con không ăn thịt kho, giá 5.000 đồng/dĩa, mình nói ngán thịt, chớ thật ra tiếc 1.500 đồng.
Sau còn giả bộ nói bưng đĩa về ăn cho ngon, chớ thật ra đem về chia đôi ra, hai người ăn chung cho đỡ tốn hoặc ăn hai cữ sáng chiều.
Lại mang ơn bà Năm bán cơm, bà Năm biết mình hà tiện nên giả bộ múc lộn thịt hoài, lâu lâu lại lạc mấy miếng thịt vô, cằn nhằn vì sợ bị tính thêm tiền mà bà Năm cười hì hì: "Năm lỡ tay múc, thôi con ăn đỡ"...
Mình còn có bà bạn siêu tiết kiệm khác: đầu tuần đi chợ mua 1 kg rau má, 1 kg cá nục, mấy lít gạo, về kho nồi cá để đó, ngày nào cũng ăn cơm với cá nục kho và rau má luộc hoặc ăn sống hoặc rau muống suốt cả năm trời.
Cái này thì giống hồi còn dưới quê, ba hay mua cả kí cá nục nhỏ kho ăn dần, mỗi bữa ăn một, hai con. Ngày đầu ăn còn gỡ xương, mấy ngày sau cá mềm rục, nước kẹo lại tại "hâm đi hâm lại" miết.
Ngày cuối cùng ăn cá, thì phải lấy muỗng cạo cái nước sệt sệt dưới đáy, rồi bỏ cơm vô trộn đều gọi là món vét nồi mà... má ơi, nó ngon. Nói chung đói và thiếu thốn giống gì cũng ngon".
Dù có quá khứ nghèo khổ nhưng hiện tại, NSƯT Hạnh Thúy rất nổi tiếng trong nghề và chị cũng có điều kiện kinh tế khá vững vàng. Chị thường xuyên làm từ thiện, giúp đỡ những người khốn khó.
Nhắc mình, nhắc con: Có cái ăn là còn mừng!
Từ chuyện khổ ngày xưa, NSƯT Hạnh Thúy nghĩ tới những khó khăn hiện tại. Dù phải hà tiện tối đa nhưng nữ nghệ sĩ vẫn gieo năng lượng tích cực và hy vọng những điều tốt đẹp sẽ đến khi đại dịch đi qua.
"Bữa giờ giãn cách, nói thật, mình cứ hình dung chắc mọi chuyện không xong sớm được nên cũng liệu đường tiết kiệm và hạn chế đi chợ tối đa. Thế là rau củ quả được phân bố theo kiểu đầu xanh đuôi đỏ: một lần đi mua vài loại rau xanh, đa phần là củ, quả để được lâu như su su, su hào, bắp cải, cải đỏ, cải trắng, củ sắn, khoai mỡ, khoai lang, bí đỏ, bí xanh, bầu, khoai môn...
Vậy là cứ mấy ngày đầu thì ăn rau xanh như rau muống, bồ ngót, mồng tơi... Hết rau xanh thì yên tâm ăn tới quả rồi củ. Rất may mắn khi khu của mình, các chị bán cũng không tăng giá nhiều, có tăng thì cũng chút ít do trắc trở xe cộ.
May nhà có trồng được vài chậu rau thơm, kết quả của những lần ăn lá rồi lấy rễ, cành giâm lại mà có được hai chậu xà lách xoong Nhật, bồ ngót Nhật.
Lại rắc hột càng cua khắp nơi, lâu từ chỗ này chỗ kia cũng mọc được vài bụi càng cua xanh um, có khi nó mọc từ cục gạch bỏ quên ngay kẹt cửa, tội ghê! Vậy mà cải thiện và tiết kiệm.
Sát nhà mình có miếng đất trống, ngoài đó rau dại như xuyến chi, mơ lông, chùm ngây, dền cơm mọc cũng hơi nhiều, vậy là có thêm nguồn rau xanh nếu cần. Mắc cười là mình hái rau đó ăn, hàng xóm cứ trầm trồ: ồ, ăn được hả? hay ha? Đó, có tí kỹ năng sống dễ sống sót hơn nhỉ?
Còn thịt cá thì thường xuyên "kho độn", độn củ cải, độn thơm, độn cơm dừa, cái này mua rẻ lắm vì nhiều người mua nước dừa nhưng không lấy cái. Và luôn nhắc các con cũng như nhắc chính mình: ráng. Còn có cái ăn là còn mừng.
Dù cuộc sống đã khá giả nhưng Hạnh Thúy thừa nhận mình rất tiết kiệm, thậm chí đôi lúc tới hà tiện. Có lẽ quá khứ vất vả ngày xưa là dấu ấn quá sâu đậm đối với chị và vô tình trở thành một tính nết, bản chất khó thay đổi của chị.
Sắp tới sẽ siết chặt chuyện đi lại, có thể khó khăn sẽ tăng rất nhiều, nhất là với những người nghèo, hoàn cảnh khó khăn sẽ lại càng khốn khó hơn, nhưng như nhiều anh chị nói: coi như một cuộc đại phẫu, thà đau đớn rồi hết bệnh còn hơn chết dần chết mòn, có vẻ như mọi người đã chuẩn bị tinh thần cao nhất. Rất hi vọng tình hình dịch bệnh sẽ được kiểm soát.
Và hi vọng, nếu như những gì được thông báo, thực phẩm sẽ được đưa tới tận nơi, và xin đừng bỏ sót ai, nhất là những người nghèo.
Một điều hi vọng nữa: những người có thời gian và điều kiện ngồi bàn phím nhiều hãy bớt phán truyền, bớt than vãn, bớt chỉ trích, bớt chê bai, bớt đòi hỏi và nhường phần hỗ trợ, nếu có cho người khốn khó hơn. Hi vọng lớn nhất: rồi dịch sẽ qua"!
NSƯT Hạnh Thúy: "Tôi nói với con, năm 60 tuổi, mẹ sẽ có bồ" "Thật ra, Thúy rất cô đơn. Chuyện vui ít nói, chuyện buồn lại càng không bao giờ nói nên giải tỏa bằng cách chơi với con hoặc đi đâu đó ngồi một mình", NSƯT Hạnh Thúy chia sẻ. Hạnh Thúy là cái tên và gương mặt quen thuộc với khán giả cả nước. Chị được yêu thích qua nhiều vai diễn, đặc biệt...