NSƯT Hà Xuyên: Với Điện ảnh tôi quyết định gắn bó trọn đời
Thẳng thắn, hóm hỉnh, luôn chủ động hướng đối tác vào những câu chuyện của mình… Đó là một Hà Xuyên bản lĩnh sắc sảo, kiêu sa nhưng vẫn không hề thiếu vắng sự bình dị, luôn biết chia sẻ.
Theo nghệ thuật là để thoát ly cái nghèo cho gia đình
Hà Xuyên sinh ra trong một gia đình thuần nông ở vùng chiêm trũng Tiền Hải, Thái Bình. Năm 1970, Hà Xuyên đang học lớp 8, bất ngờ được người chị ruột cho biết thông tin Đoàn ca múa Thái Bình đang tuyển diễn viên, và “lệnh” cho em gái ngồi trên xe đạp để đèo lên huyện tìm vận may. Cô gái 15 tuổi phải trải qua 2 vòng thi tuyển hát và múa. Sự ngây ngô dễ thương khiến cô chọn ca khúc khó Tiếng chày trên sóc Bom bo và nhận được ngay lời phán “Hát gì mà như con mèo hen”. Khi tới yêu cầu múa, cô phải thể hiện động tác theo nhịp vỗ tay của giám khảo… và thật may vốn tuổi khỉ có tài bắt chước nên đã nhận vài cái gật gật nhẹ nhẹ.
NSƯT Hà Xuyên
Khoảng 1 tháng sau, Hà Xuyên nhận được giấy báo trúng tuyển của đoàn và người phản đối đầu tiên lại chính là bố của chị. Mặc dù ông là người tham gia rất tích cực trong Ban tuyên truyền của xã, một người làm văn nghệ phong trào, biết chơi nhiều nhạc cụ như: tranh, nhị, thập lục và hát thạo các điệu chèo, chầu văn… Nhưng Xuyên vẫn quyết tâm đi bởi chỉ lý do duy nhất – Bớt một miệng ăn cho gia đình vì thương cha mẹ phải nuôi nhiều mặt con.
Học trung cấp múa tại chức, với tinh thần ham học hỏi, cầu tiến và rèn luyện chuyên cần, chị trở thành diễn viên múa solid của đoàn, diễn chủ chốt trong các tiết mục, chương trình. Trong các đêm biểu diễn phục vụ nhân dân và bộ đội trước khi lên đường vào Nam chiến đấu, chị đảm nhận nhiều phần: múa solo, múa tập thể, hát tốp ca nữ, làm MC, thậm chí tham gia một số vở kịch của đoàn. Đoàn mang các chương trình tới những vùng nông thôn hẻo lánh để phục vụ. Những đêm mưa rét cắt da thịt mà đồng bào vẫn đội mưa, ngồi dưới thửa ruộng vừa được gặt hái xong, để xem. Còn các nghệ sĩ thì mặc váy ngắn, hở tay để múa: Cô gái Pacô, múa nón, múa hội mùa, múa bên cánh võng. Chị múa mà 2 hàm răng đánh vào nhau lập cập vì quá lạnh. Nhưng, chị từng sống cùng dân, được dân tặng cho những sản phẩm chăn nuôi, gieo trồng… Chính sự yêu thương đùm bọc ấy, càng tiếp thêm nghị lực và niềm đam mê cho chị. Tất cả họ cùng nhau vượt qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, đem lời ca điệu múa cho nhân dân và bộ đội. Tuy là em út trong đoàn nhưng chị luôn nhận được sự yêu quý cùng những ghi nhận trong tập luyện… Đó là những ngày đầu Hà Xuyên bước chân vào lĩnh vực nghệ thuật.
NSƯT Hà Xuyên lúc trẻ
Năm 1975, đất nước thống nhất, chị phải bỏ lại sau lưng vị trí diễn viên solid để cùng chồng vào nhận nhiệm vụ tại Sở Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh. Chị được phân công đảm trách dạy những lớp ba lê và dân gian do Phòng văn hóa tổ chức, những lớp múa cho các quận huyện và phong trào văn nghệ cho các cơ quan. Do yêu cầu phát triển, Phòng Nghệ thuật sân khấu được tách làm hai (Phòng Sân khấu và Công ty tổ chức biểu diễn), chị được điều động về Công ty tổ chức biểu diễn chuyên lo công tác tổ chức biểu diễn trong những ngày Hội hoa xuân ở Tao Đàn cho nhân dân vui Tết. Thời gian này, chị còn đảm nhiệm luôn công việc MC cho các chương trình phục vụ các đoàn khách ngoại giao quốc tế và luôn được đánh giá cao trong mọi hoạt động chuyên môn và phong trào tại cơ quan và cộng đồng .
NSƯT Hà Xuyên vai Ngọc Mai trong phim Biệt động Sài Gòn
N hững vai diễn ấn tượng tiêu biểu
Năm 1981, tại một sự kiện đoàn nghệ thuật nước ngoài biểu diễn ở công viên Tao Đàn, lần đầu tiên chị được gặp và nói chuyện với đạo diễn Huy Thành khi ông dắt cô con gái út Sao Mai cùng đến xem. Vậy là sau gần 1năm, năm 1982, khi ông tìm diễn viên cho vai Hà cho phim Xa và gần, ông đã nói ngay phó đạo diễn Nhật Minh đến mời Hà Xuyên để thử vai. Vừa bất ngờ, vừa nhen nhóm niềm vui, song chị xin từ chối, phần vì chưa đóng phim bao giờ, phần vì lo con còn nhỏ (bé Hà Thu mới 5 tuổi). Vậy mà cuối cùng chị vẫn chịu thua sự thuyết phục bền bỉ kiên trì của phó đạo diễn Nhật Minh để đến thử vai trong một cảnh tại sở thú.
Video đang HOT
Đảm nhận vai chính trong phim Xa và Gần, một vai mang tính chủ đề tư tưởng của bộ phim, từ một diễn viên múa chuyển qua lĩnh vực điện ảnh, với vai diễn rất khó, chị thực sự rất lo: Làm thế nào để nhân dân thành phố vừa được giải phóng có thể tiếp nhận được hình tượng của người cộng sản, có thể thông cảm và yêu thương được nhân vật do mình tạo dựng…. Xa và gần là bộ phim dựa trên tiểu thuyết Những khoảng cách còn lại (vào thời điểm ấy đang nổi như cồn) của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, nói về cuộc đấu tranh giữa hai quan niệm cũ – mới xảy ra trong một gia đình khi đất nước thống nhất. Hà là một cán bộ trẻ, nằm trong ban cải tạo tư sản mà đối tượng cô “cải tạo” lại là… bà mẹ chồng, một nhà tư sản lớn. Cô phải đối diện với một cuộc đấu tranh gay gắt chính nơi mình mới về làm dâu.
Nhớ lại ngày đầu sau khi đọc kịch bản, Hà Xuyên quá ngây ngô gọi ngay tới ông Huy Thành hỏi…Anh ơi sao em toàn thấy những vai cận, toàn, trung, lia mà chẳng thấy vai Hà nằm ở đâu?…Và có lẽ chính sự ngây ngô, tự nhiên ấy đã giúp ông trở thành người thầy nghệ thuật thứ 7 đầu tiên dẫn dắt và luôn đốt cháy niềm đam mê điện ảnh của chị cho tới tận bây giờ.
Vậy mà có phân đoạn vì quá nhập vai trong cảnh quay Hà cùng với chồng – ông Hải ( Trần Vịnh) tranh cãi đẩy tâm lý đến nỗi bị chồng tát một cái rất mạnh vào mặt…tức quá làm Hà Xuyên quên luôn thoại tên chồng trong phim mà chuyển ngay thành “Thật đáng tiếc ông Vịnh ạ”… Làm cả đoàn phim cười ngất; Ấy vậy mà có lúc đạo diễn phải nể sự nhạy bén thông minh của chị khi cắc cớ tranh luận với ông ở phân đoạn Hà không nhận hối lộ và nếu chỉ có thoại đơn giản như trong kịch bản thì chị thấy giả quá, không gây ấn tượng…Vậy là ngay lập tức, ông gọi tổ đạo cụ kiếm ngay 2 chiếc nhẫn cho chị cầm đặt sát vào nhau…để liên tưởng thành hình ảnh chiếc còng tay số 8. Đúng là ngôn ngữ điện ảnh thật tuyệt vời mà ông “đẻ” ngay tại phim trường. Điều này không phải đạo diễn nào cũng sáng tạo nhanh như thế được. Ở một cảnh hồi tưởng cha của Hà trên đường từ Nam ra Bắc bị giặc truy đuổi, ông phải lao ngay xuống sông. Vì chưa có người đóng thế, nên ông Huy Thành đảm nhận vai này. Không ngờ khi nhảy xuống sông, ông va vào chân guồng của chiếc tàu và bị thương nhưng vẫn cố gắng diễn cho đến khi lên bờ, máu vẫn chảy khá nhiều. Chứng kiến điều đó, Hà Xuyên thực sự cảm động và trân quý tinh thần tận tâm, hy sinh vì nghề ở ông.
Là một diễn viên mới vào nghề nhưng đã có sự sáng tạo ở mỗi cảnh quay nhờ trí thông minh, chuyên nghiệp, bình tĩnh xử lý tình huống và trân trọng thế mạnh của diễn viên, Hà Xuyên đã hóa thân vào nhân vật một cách hoàn hảo đến nỗi sau gần 40 năm, đạo diễn Huy Thành khẳng định khó có ai đóng vai Hà hay hơn Hà Xuyên. Còn khán giả ngày ấy, không ít người đã rớt nước mắt khi “chứng kiến” người con dâu xinh đẹp là thế, giỏi giang là thế, vì chính nghĩa mà phải nhận lấy cái chết tức tưởi…. Và ngay bộ phim đầu tiên này, Hà Xuyên đã đoạt giải diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 8 tại Đà Nẵng,
NSƯT Hà Xuyên trong phim Biệt động Sài Gòn
Năm 1986, Hà Xuyên để lại ấn tượng trong triệu trái tim khán giả với nhân vật Ngọc Mai, bà chủ hãng sơn Đông Á trong bộ phim từng làm “cháy” rạp một thời – Biệt động Sài Gòn – của đạo diễn Long Vân. Cũng vì bị cô Hà trong Xa và gầnchinh phục, đạo diễn Long Vân, khi thực hiện bộ phim Biệt động Sài Gòn, đã mời cho bằng được Hà Xuyên vào vai Ngọc Mai, vợ Tư Chung, chủ hãng sơn Đông Á. Hà Xuyên lúc đó cũng đang nằm trong tầm ngắm của đạo diễn Lê Hoàng Hoa, khi ông buộc phải tìm người thay cho diễn viên Thúy An, đóng vai nữ chính Thùy Dung (người yêu của Nguyễn Thành Luân) ở những tập tiếp theo của bộ phim Ván bài lật ngửa, sau đó ông Lê Hoàng Hoa mời ca sĩ Thanh Lan. Nhờ đạo diễn Long Vân kiên quyết không buông mà Hà Xuyên đã có thêm một vai Ngọc Mai để đời. Chị cũng từng vượt qua nhiều ửng cử viên sáng giá, trong đó có cả những diễn viên nổi tiếng ở Sài Gòn trước năm 1975 để trở thành Ngọc Mai – bà chủ Hãng sơn Đông Á, bí danh Z20 – một nữ chiến sĩ tình báo dũng cảm, hy sinh tình cảm riêng của mình để đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết.
Cho tới giờ ấn tượng của khán giả với vai Ngọc Mai trong Biệt động Sài Gòn vẫn còn đậm nét. Chị cám ơn đạo diễn rất nhiều vì ông đã đặt niềm tin vào khả năng diễn xuất của mình trong khi ông cũng chỉ mới coi trình làng vai Hà trong Xa và gần. Ngọc Mai là một vai diễn khá nặng ký và ngược hoàn toàn với tính cách của Hà, càng xa lạ với cuộc sống đời thường của chị lúc đó. Cho tới giờ phim vẫn được trình chiếu mỗi năm và khán giả vẫn nhận ra chị qua hình ảnh Ngọc Mai ngày đó. Chị hiểu mình đã được đền bù xứng đáng cho những ngày lo lắng tới mất ăn mất ngủ và vắt kiệt sức trên trường quay. Vào vai Ngọc Mai khi 28 tuổi, chị đã không phụ lòng tin của đạo diễn khi hóa thân xuất sắc thành một phụ nữ đài các, sang trọng, đồng thời là một chiến sĩ biệt động dũng cảm. Theo đạo diễn Long Vân thì Hà Xuyên là một diễn viên hội tụ đủ 2 yếu tố: Nhan sắc và tài năng.
Cảnh trong phim Biệt động Sài Gòn
Có thể nói cho đến thời điểm này trên màn ảnh rộng và truyền hình ở nước ta chưa có nữ diễn viên nào đảm nhận vai nữ tài xế lái xe bồn to đùng…Ấy vậy mà Hà Xuyên dám cả gan “thử vận”. Đó là năm 1989, đạo diễn Lê Dân đã quay được 2/3 bộ phim điện ảnh Giai điệu xanh, nhưng không may có sự cố nữ diễn viên chính phải thay đổi. Thế là đạo diễn đã gặp và năn nỉ Hà Xuyên đóng thay. Ban đầu chị có chút tự ái, song rồi cũng vui vẻ nhận vai. Đây là cô gái bán bar trước giải phóng được đi học lớp phục hồi nhân phẩm. Hy vọng của cô là sau khi nhận giấy chứng nhận của lớp học, sẽ về quê lao động mưu sinh đồng thời đóng góp xây dựng xã hội. Thực tế cô đã bị nhiều nơi từ chối trước tờ giấy chứng nhận đã tham gia lớp phục hồi nhân phẩm, cuối cùng cô đã xin được việc tại một công trường với nhiệm vụ lái xe bồn…Trong cảnh quay tại Tây Ninh, chị ngồi điều khiển xe thật hoàn toàn (không hề ăn gian cảnh quay) lái từ trong sân ra tới công trường. Chị nhỏ bé như con chim chích, hoàn toàn bị xe nuốt chửng khi ngồi lọt trong ca bin. Tuy đã biết lái xe, nhưng do chiếc xe quá khủng chị hoàn toàn bị động và mất bình tĩnh. Khi đó ông Nhật Minh là phó đạo diễn phải làm nhiệm vụ chỉ huy, đứng trên một chiếc xe chạy trước xe bồn của Hà Xuyên và dặn: khi anh giơ tay phải là bẻ lái qua phải, khi giơ tay trái thì bẻ lái qua trái. Nhưng đến khi quay, lẽ ra anh phải đứng quay mặt về phía trước, thì anh lại đứng đối mặt với chiếc xe bồn nên vị trí tay phải trái hoàn toàn ngược. Thế là Hà Xuyên cứ y lời dặn mà bẻ lái lao xe lệch hướng… Ông Minh thấy vậy mặt tái mét ráng la lên: Dừng lại, vì chỉ còn khoảng cách rất ngắn là xe lao xuống ruộng. Thật may mà Hà Xuyên thắng kịp. Cả đoàn phim kinh hãi hú hồn khi nhìn thấy Hà Xuyên bé tí bé tẹo mở cửa ca bin nhảy tót ra ngoài chịu quả mắng của ông Minh: Cái cô này tôi bảo sang trái thì có nghĩa cô phái bẻ lái sang phải chứ!
Cũng trong năm 1989, đạo diễn Đặng Nhật Minh bay từ Hà Nội vào, đưa kịch bản Cô gái trên sông cho chị và nói có 2 vai tùy cho chị lựa chọn. Quá cảm động, chị chia sẻ ngay – Em chưa đọc kịch bản, song theo anh, em vào vai nào phù hợp hơn? Đạo diễn trả lời đó là vai nữ nhà báo Mai Liên – không khoan nhượng với cái xấu, cũng là chủ đề tư tưởng của phim luôn.
NSƯT Hà Xuyên trong phim Cô gái trên sông
Có phân đoạn nhà báo tranh luận gay gắt với chồng: Anh góp ý cho vợ sao không tìm những gương người tốt việc tốt mà viết, lại cứ đi viết ca ngợi cô gái bán hoa. Thế là Mai Liên phản ứng ngay: Hay chính anh là người cán bộ trong bài báo mà phản ứng dữ dội thế? Hoặc cảnh kết đẹp, đầy ngôn ngữ điện ảnh khi Mai Liên ra bờ sông tìm Nguyệt, cô thấy Nguyệt và Sơn đẩy con thuyền ra sông như chuẩn bị đón nhận một cuộc sống mới đầy hạnh phúc (cảnh quay ở Huế do quay phim Phạm Việt Thanh thực hiện). Chị còn nhớ mãi, đạo diễn Nhật Minh quay cảnh kết theo như kịch bản ban đầu, ông còn tiếp tục quay thêm cảnh và có nhã ý làm cái kết mới. Trong khi làm việc, ông bất ngờ nói với chị về ý định có nên chăng lấy cảnh mới làm cái kết. Quá ngạc nhiên sao ông lại tin mình và chị đã không ngần ngại chia sẻ “Theo em, anh cứ về dựng cả 2 rồi so sánh mà chọn là hợp lý nhất”. Cuối cùng đạo diễn đã chọn cái kết thật đẹp như ban đầu trong phân cảnh kịch bản. Riêng với nghệ sĩ Tú Trinh, người lồng tiếng cho Hà Xuyên trong phim này phấn khích chia sẻ – Trinh lồng nhiều vai, song thú thật rất thích vai diễn này của Hà Xuyên.
Năm 2002, chị vào vai vợ Tư Lê trong Lưới trời của đạo diễn Phi Tiến Sơn. Thật sự đây là một vai rất khó vì có quá ít đất diễn, một người vợ không thể gào lên khi đau khổ mà phải nuốt nỗi đau vào trong. Chẳng biết chị thể hiện thế nào mà kết thúc buổi chiếu ra mắt, có rất nhiều người vợ, người mẹ tới cám ơn và chúc mừng. Hà Xuyên cho biết, chị đã bị stress khi phim đóng máy và phải mất khá lâu mới thoát khỏi nỗi ám ảnh của nhân vật này.
Kể từ ngày ấy, gần 40 năm làm nghề, Hà Xuyên bước vào thế giới của những “ngôi sao điện ảnh- truyền hình” nước nhà cùng với những giải thưởng lớn dành cho cá nhân và tác phẩm. Với con số gần 40 bộ phim điện ảnh- truyền hình. Trong đó có 10 phim điện ảnh. Ngoài những phim đã kể trên, chị còn tham gia các phim như: Con thú tật nguyền (đạo diễn Hồ Quang Minh), Hồi chuông màu da cam (đạo diễn Ngọc Trung); Gánh hát rong (đạo diễn Châu Huế ); Trở về(đạo diễn Đặng Nhật Minh)…. Và các phim truyền hình nhiều tập như: Giao thời(đạo diễn Phan Hoàng), Hướng nghiệp (đạo diễn Châu Huế), Dollars trắng (đạo diễn Trần Cảnh Đôn), Những chiếc lá thời gian (đạo diễn lê Cung Bắc), Lọ lem thời @ (đạo diễn Trần Ngọc Phong), Anh xin thề (đạo diễn Phi Tiến Sơn), Đất mặn (đạo diễn Tường Phương)… Đại gia đình năm 2009 (100 tập của đạo diễn Quang Đại) là một trong những bộ phim gây nhiều dấu ấn nhất với Hà Xuyên khi nhân vật của chị mang hình ảnh một phụ nữ Việt Nam điển hình, luôn xem gia đình là tất cả cuộc sống của mình.
Đặc biệt, vai Minh đạo Hoàng hậu trong Huyền sử Thiên đô là vai cổ trang đầu tiên của Hà Xuyên. Để hiểu hơn về vai diễn, chị đã trực tiếp gọi điện cho nhà sử học Dương Trung Quốc và được trả lời rằng, trong thực tế lịch sử ghi chép về Minh Đạo hoàng hậu rất ít.
Trong phim Huyền sử Thiên Đô
Do vậy, chị quyết định nhập vai… bằng cảm nhận của mình bởi theo chị, dù thời nào chăng nữa, với nỗi đau mất con thì cảm xúc người mẹ nào cũng đau khổ xé lòng như nhau. (Trong phim, Hà Xuyên vào vai mẹ của 4 người con trai, nhưng cuộc chiến giành ngôi thứ đã cướp mất 3 người, chỉ còn 1). “Hoàng hậu hay người đàn bà bình thường, họ chỉ khác nhau ở ngôi vị, bộ quần áo, tên gọi, còn sự đau khổ nội tâm khi chứng kiến những đứa con rời xa cõi đời hẳn giống nhau. Tôi luôn cố gắng thể hiện cho đúng tâm trạng của người mẹ mất con, bên cạnh đó làm tốt phong thái của một hoàng hậu. Chứ bây giờ bảo diễn tả đi đứng thế nào, cử chỉ ra sao cho thật nhất với Minh Đạo Hoàng hậu thì khó quá, bởi có ai biết bà như thế nào đâu”, chị kể.
Hà Xuyên còn hóm hỉnh kể lần đầu lần đầu làm Hoàng hậu trong điều kiện thời tiết nóng 40 độ và được đi hài cung đình: “Không biết vua chúa đi hài làm sao, chứ diễn viên mà đi không cẩn thận là dễ té lắm đấy! Bình thường mình cứ hay đi giầy dép có độ dốc xuống, đằng này, đôi hài lại cong lên, đế thấp hơn mũi, thành ra cứ có cảm giác đi bị ngửa ra, thêm cái đầu nặng nữa nên chuyện đi đứng không hề đơn giản”. Bi hài nhất là chuyện quay phim buổi tối, cả đoàn phim phải đối mặt với nạn “bướm đêm”. Do thấy ánh sáng nên bướm xà vào, không những làm hỏng không ít cảnh quay mà có lần còn làm cả đoàn bị ngứa do phấn của nó. “Mặc dù trong kịch bản không có, nhưng có lẽ nhân vật này muốn nổi tiếng nên thường xuất hiện cạnh các Hoàng hậu, thái tử. Thành quen, cứ thấy diễn viên hô “bướm bướm” là mọi người biết sẽ phải quay lại cảnh đó”.
Năm 1997, Nhà hát thành phố được trùng tu, chị chuyển qua công tác tại Trung tâm nghệ thuật và Lưu trữ Điện ảnh Việt Nam tại phòng Phổ biến phim. Khác với nhiều đồng nghiệp, một khi đã đến trường quay mặc nhiên xem nghề diễn là nghề tay phải, nghệ sĩ Hà Xuyên hơn 40 năm tham gia đóng phim vẫn là một cán bộ ăn lương nhà nước. Từ lúc còn làm ở Phòng Nghệ thuật của Sở VHTT hay khi đã chuyển về Trung tâm Nghiên cứu lưu trữ nghệ thuật điện ảnh VN cho đến khi cầm sổ hưu, chị vẫn luôn làm song song hai việc, vừa đóng phim vừa công tác. Có lẽ không mấy ai được ưu ái như chị, cứ hễ đoàn phim có “giấy xin phép” là cơ quan cho chị đi làm phim. Ngoài ra, Hà Xuyên rất “biết ơn” nghề múa. Chính ngôn ngữ múa, thể hiện qua động tác, qua ánh mắt, qua cơ mặt đã giúp chị có được những ưu thế khi thể hiện vai diễn trước ống kính. Mặt khác, thói quen ham mê đọc sách văn học cũng bồi bổ cho chị những kiến thức cần thiết trong việc đào sâu tâm lý nhân vật. Năm 2001, 2 niềm vui đã đến với chị, được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý NSƯT và vinh dự là đại diện cho điện ảnh Việt Nam tham dự LHP Kim Kê. Trước đó vào năm 1986, chị cùng diễn viên – NSƯT Thụy Vân, NSND Hải Ninh cùng một số anh em khác được tham dự LHP Tasken- Matxcơva do NSND Trương Qua làm trưởng đoàn. Tại đây chị lại được thể hiện vốn liếng nghề múa của mình để giao lưu cùng các đoàn nghệ sĩ quốc tế…
Vẫn trọn đạo đời
Là một diễn viên sinh ra trong thời kì chiến tranh, sau đó là bao cấp, cái thời khó khăn đủ đường nhưng vượt lên điều đó, Hà Xuyên đến với điện ảnh, ngoài đam mê thực sự, còn là sự tự trọng cao trong nghề. Một diễn viên khao khát được đắm mình trong nghệ thuật, tất nhiên, cũng mong mỏi niềm đam mê đó có thể nuôi sống được bản thân, để được vẫy vùng, thỏa chí tang bồng trong niềm đam mê đó. Và chị đã biến mong muốn đó thành hiện thực.
Hiện, nghệ sĩ Hà Xuyên đang tận hưởng những ngày an nhàn, hạnh phúc bên các cháu ngoại. Cô con gái lớn khá ổn định, cậu con trai út cũng đã trưởng thành, hiện sống tại Singapore. Chị vẫn thi thoảng xuất hiện trên trường quay, nổi bật cùng dàn diễn viên trẻ… nối dài thêm danh sách các nhân vật của mình. Chị còn đảm nhận chức vụ Phó chủ nhiệm câu lạc bộ Nữ nghệ sĩ Tp. Hồ Chí Minh, tích cực tổ chức nhiều chương trình văn nghệ, từ thiện phục vụ đồng bào nghèo ở vùng sâu vùng xa các tỉnh. Cùng diễn viên Chi Bảo, Quyền Linh vận động kêu gọi quyên góp cho quỹ Hiểu về trái tim, cứu trợ đồng bào lũ lụt, khó khăn, đặc biệt luôn chia sẻ, giúp đỗ các đồng nghiệp, hội viên khó khăn và mắc những căn bệnh hiểm nghèo.
Theo Thegioidienanh.vn
Điện ảnh Việt qua "101 bộ phim Việt Nam hay nhất"
Mới đây, nhà báo - nhà phê bình Lê Hồng Lâm ra mắt cuốn sách "101 bộ phim Việt Nam hay nhất" được thực hiện trong suốt gần 3 năm. Đây được coi là cuốn sách đầu tiên tổng hợp về nền điện ảnh đặc sắc của Việt Nam gần 1 thế kỷ qua.
Lịch sử điện ảnh Việt Nam được nhìn lại qua "101 bộ phim hay nhất". Ảnh: TL
101 là sự kéo dài dự án
"101 bộ phim Việt Nam hay nhất" là sự chắt lọc từ hàng nghìn tác phẩm điện ảnh Việt được sản xuất từ năm 1953 (đại diện là phim "Kiếp hoa") đến năm 2018 (phim "Song lang"). Đây là cuốn sách mang dấu ấn chủ quan của tác giả, không đại diện cho một đơn vị, tổ chức nào và đánh giá các tác phẩm điện ảnh với sự công tâm nhất.
Chia sẻ về cuốn sách, tác giả Lê Hồng Lâm cho biết: "Tôi đã theo dõi điện ảnh quốc tế rất lâu, từ những cuộc bình chọn của viện hàn lâm, liên hoan phim đều có sự tổng hợp phim theo năm, theo thập niên, theo thể loại ... đấy là tham chiếu đánh giá. Còn ở Việt Nam, thực sự rất khó cho một người mới bắt tay vào tìm hiểu điện ảnh vì không biết bắt đầu từ đâu? Đâu là phim hay phim dở? Do không có bất cứ tham chiếu nào nên rất khó và hoang mang cho những người nghiên cứu. Vì thế, tôi lựa chọn dự án này là để mang đến một tham chiếu cho khán giả, cho đồng nghiệp trẻ có một vài tài liệu để tham khảo, học hỏi. Lúc đầu tôi chỉ dự định chọn 10-20 phim và bằng cách bình chọn qua Facebook cá nhân, nhưng sau đó tôi nhận thấy với chiều dài của điện ảnh Việt thì chỉ thực hiện 10-20 phim là không đủ nên tôi phải chọn nhiều hơn. Trong hơn 2 năm theo đuổi dự án, tôi liên tiếp xem những bộ phim mới, cập nhật liên tục vì không muốn bỏ những phim mới nhất thực sự hay, có thành tựu. Tôi chọn con số 101 làm điểm dừng mà không phải 100 vì 100 là sự tròn trịa, là đóng lại hoàn toàn, không có sự dang dở, kế tiếp. Với con số 101, tôi dự định sau 5 năm sẽ tái bản một lần, là cơ hội để tôi lựa chọn thêm những bộ phim hiện đại hay để cập nhật bổ sung trong cuốn sách. Đây cũng là cách chọn số mà điện ảnh thế giới từng thực hiện như "1001 bộ phim nên xem trước khi chết"".
Đặc biệt, tác giả Lê Hồng Lâm nhấn mạnh: "Ngày nay, giới trẻ Việt Nam dường như đang có cái nhìn phiến diện, đôi khi hơi mặc cảm về những bộ phim của nước mình mà không biết rằng có rất nhiều thước phim giá trị. Nếu không có những công trình tập hợp, khai thác chuyên sâu về nó, tôi sợ rằng khối di sản này sẽ bị vùi lấp".
Điện ảnh Việt từng có thời kỳ đứt đoạn
Chia sẻ về điện ảnh Việt những năm 80-90, tác giả Lê Hồng Lâm kể: "Tinh hoa điện ảnh Việt Nam ghi dấu ấn ngay từ những ngày đầu đến những thập niên 80-90, hay trong thời kỳ hậu chiến có rất nhiều bộ phim nhận được nhiều cảm tình của khán giả. Những bộ phim ấy để lại dấu ấn trong ký ức của tôi bằng những buổi chiếu bóng lưu động. Lúc đó, tôi còn rất nhỏ nhưng vẫn nhớ như in cảm giác chờ đợi đến lượt thôn/xã mình được chiếu bóng, cảm giác ấy cũng giống như khán giả ngày nay chờ đợi "bom tấn" Hollywood vậy. Dù thời lượng phim có 90 phút nhưng quá trình chiếu phải kéo dài 3 tiếng đồng hồ vì các đoạn băng được chuyển luân phiên qua các xã, xem hết 1 đoạn lại ngồi đợi băng chiếu đang từ xã khác chuyển về. Nhưng chúng tôi vẫn háo hức cùng nhau chờ trong bóng tối, khi tiếng máy rè rè bắt đầu kêu và những luồng ánh sáng chiếu lên màn hình như một thế giới kỳ diệu mở ra trong tâm hồn của một đứa trẻ làng quê. Ở những tác phẩm đó, tôi thấy được những thân phận, những cuộc đời và những đặc sắc về văn hoá Việt Nam. Hầu hết những bộ phim đó đều tạo được dấu ấn và được khán giả Việt Nam yêu thích. Như bộ phim "Biệt động Sài Gòn" (sản xuất năm 1986) từng thu hút đến 10 triệu lượt xem thì không thể nói từ trước đến giờ khán giả định kiến với phim Việt Nam".
Tuy nhiên, tác giả Lê Ngọc Lâm cũng đồng thời chỉ ra một giai đoạn "đứt đoạn" của điện ảnh Việt. "Rõ ràng, để khảo sát nền điện ảnh Việt trong suốt gần 1 thế kỷ, đòi hỏi tác giả phải có sự hiểu biết một cách toàn diện, nghiên cứu cả những bộ phim hay và những bộ phim dở. Khoảng 20 năm trở lại đây khi dòng phim "mì ăn liền" bắt đầu đi vào thoái trào, dễ dãi và khuôn mẫu... hay những phim của nhà nước người ta vẫn gọi là phim "cúng cụ" dần có những sáo mòn, gây hiệu ứng tiêu cực cho khán giả. Đó là giai đoạn điện ảnh Việt bị "đứt đoạn" khi xuất hiện nhiều bộ phim dở khiến khán giả bắt đầu có định kiến về điện ảnh trong nước".
"Tôi theo đuổi dự án nghiêm túc nên rất chăm chỉ xem phim Việt. Tôi ra rạp rất thường xuyên để theo dõi. Có nhiều bộ phim quá dở đến mức khi bước ra khỏi rạp chiếu phim, tôi luôn cảm thấy... ức chế. Khi về nhà tôi ngay lập tức tìm một bộ phim thật hay, kinh điển của thế giới để cứu lại cảm xúc. Nhưng tôi rất tâm đắc với câu nói của nhà văn Tô Hoài: Cần phải đọc một cuốn sách dở để biết một cuốn sách hay. Với điện ảnh cũng vậy", tác giả Lê Hồng Lâm chia sẻ.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, quan sát thực trạng nền điện ảnh Việt Nam, tác giả Lê Hồng Lâm đánh giá: "Nhìn ở khía cạnh thị trường, điện ảnh Việt Nam đang bắt đầu khởi sắc khi khán giả đang dần quay trở lại rạp chiếu phim. Chúng ta có nhiều bộ phim lập kỷ lục doanh thu. So với điện ảnh châu Á, điện ảnh Việt Nam vẫn đang thiên về giải trí để phục vụ khán giả, nhưng bên cạnh những bộ phim thua lỗ, vẫn có nhiều bộ phim thu hút khán giả. Trong năm 2018 có một vài tín hiệu mới của những đạo diễn dám vượt qua dòng chảy của phim giải trí đó để tìm lại tiếng nói riêng như "Song lang". Do đó, có thể nói điện ảnh Việt Nam đang chuẩn bị cho một cuộc phục hồi và biết đâu là cuộc đột phá mới trong tương lai?".
Đánh giá về cuốn sách, đạo diễn Đặng Nhật Minh cho biết: "Gắn bó với điện ảnh đã lâu, nhưng chưa bao giờ tôi thấy một nhà tiếp cận, phê bình phim nào lại làm một dự án như vậy. Thông thường, họ chỉ tập hợp những bài đã đăng rải rác trên các báo thành một cuốn sách. Thú thực, công trình nghiên cứu quy mô, đầy tâm huyết như thế này trong ngành điện ảnh tôi chưa từng thấy. Cảm ơn anh Lâm, tôi làm sáng tác không thể tự đứng ra viết một cuốn sách khen mình hay chê mình, đây là công việc của những người thích nghiên cứu, rất cần thiết. Nhất là trong giai đoạn hiện nay khi điện ảnh Việt Nam vẫn chưa xuất hiện trên bản đồ thế giới. Nói đến phim Việt Nam, thế giới chỉ biết "Mùi đu đủ xanh" thôi. Cuốn sách của anh Lê Hồng Lâm như một lời khẳng định có sự tồn tại của điện ảnh Việt Nam, hay hay dở tùy nhìn nhận mỗi người, nhưng ít nhất cũng là công trình tổng hợp để thế giới biết đến điện ảnh Việt. Tại sao thế giới không biết đến? Vì công tác tuyên truyền điện ảnh của Việt Nam còn kém quá, phim ra xong không có tính lưu trữ, phim ra nước ngoài nhưng không biết tuyên truyền. Hiện nay những người làm điện ảnh như chúng tôi đi giao lưu với thế giới là do những người ở nước ngoài bỏ tiền ra mời chứ nhà nước mình chưa có chính sách hỗ trợ. Bất cập là ở đó!".
Theo giadinh.net.vn
Người viết tiếp về huyền thoại Biệt động Sài Gòn Hàng chục năm lần mò kiếm tìm nhân chứng từ "kho" tài liệu và cả chuyện kể của người cha - cựu chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai, anh Trần Vũ Bình đã tìm kiếm, khôi phục lại khá nhiều di tích từng là cơ sở của Biệt động Sài Gòn giai đoạn 1968 trở về trước. Du lịch tìm hiểu về...