NSND Trà Giang: ‘Tôi không quay lại đóng phim được nữa’
Sau khi dừng đóng phim, nghệ sĩ Trà Giang tìm đến hội họa và bà rất tâm huyết với lĩnh vực nghệ thuật này.
Đã rất lâu rồi, nghệ sĩ Trà Giang không xuất hiện trên màn ảnh cũng như tham gia các hoạt động thuộc lĩnh vực giải trí. Lần này, “chị Tư Hậu” bất ngờ nhận lời biểu diễn thời trang Lễ hội Áo dài 2016 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Trong buổi họp báo chiều 1/3 ở Hà Nội, bà nhiều lần rơm rớm nước mắt khi nhắc đến cha và người chồng quá cố. Với người nghệ sĩ già, niềm vui, hạnh phúc lúc này của bà chính là hội họa. NSND Trà Giang không giấu được nụ cười rạng rỡ khi “khoe” với phóng viên những bức tranh hoa ly bà vẽ. Dù khá mệt, bà vẫn vui vẻ dành cho phóng viên cuộc trò chuyện ngắn.
Nghệ sĩ Trà Giang là biểu tượng sắc đẹp một thời của điện ảnh Việt. Ảnh tư liệu
Phim bây giờ làm rất nhanh
- Hai thập kỷ qua bà không xuất hiện trên màn ảnh, khán giả rất tò mò về cuộc sống hiện tại của “chị Tư Hậu”?
- Sau khi dừng đóng phim hơn 20 năm nay, tôi may mắn được tiếp cận hội họa và đã đi theo con đường nghệ thuật này.
Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ mình về hưu rồi thì nên làm cái gì đó ý nghĩa. Cũng may một lần đi thăm người quen – cô này lớn hơn tôi mấy tuổi – thấy trong nhà cô ấy có rất nhiều tranh. Tôi hỏi tranh của ai thì được biết cô ấy bắt đầu học vẽ sau khi chồng mất. Rồi cô ấy hướng dẫn tôi học vẽ tranh.
Khi bắt đầu học, ông xã tôi vẫn còn, nhưng sau đó ít lâu thì ông ấy mất. Khi ông xã mất, tôi buồn lắm! Thời gian lúc đầu dành cho hội họa chỉ là để giải khuây nỗi buồn thôi. Nhưng dần dần nó trở thành đam mê từ lúc nào, thậm chí lúc ngủ tôi còn nằm mơ thấy màu sắc, thấy những khung hình. Tôi bắt đầu cầm cọ tính đến nay cũng đã 16-17 năm.
- Trong khoảng thời gian đó, có khi nào bà “thèm” cảm giác được diễn xuất hay đứng trước ống kính?
- Tôi nghĩ mình không quay lại đóng phim được, bởi phim bây giờ làm rất nhanh, phim nghệ thuật ít, phim truyền hình nhiều. Cách thể hiện phim truyền hình bây giờ cứ 2 ngày 1 tập phim. Với sức khỏe hiện nay, tôi không thể nhận lời đứng trước ống kính được.
Cũng may là tôi còn có hội họa. Ngày 10/1, tôi làm một cuộc triển lãm tranh tại Bảo tàng mỹ thuật TP HCM. Bạn bè trong giới điện ảnh, nhà báo, truyền hình… đến rất đông đủ. Tôi rất vui và hạnh phúc! Lần này ra Hà Nội, tôi cũng mang tranh theo để bạn bè xem, như bức tranh hoa ly này được cô Minh Hạnh thiết kế lên áo dài (nghệ sĩ Trà Giang là người mẫu đặc biệt, trình diễn bộ sưu tập của NTK Minh Hạnh – PV).
Video đang HOT
Nghệ sĩ Trà Giang bên giá vẽ. Ảnh: An ninh thế giới
- Hội họa không chỉ là nghệ thuật, mà còn là một cách để nghệ sĩ thể hiện chính tâm hồn, con người mình. Với bà, cảm hứng hội họa đến từ đâu?
- Trong hội họa, mỗi họa sĩ có một cách thể hiện khác nhau, có người thể hiện bằng trừu tượng, bằng hình khối, bằng sắp đặt. Với riêng tôi, hội họa tức là tái hiện cuộc sống. Tranh của tôi đa phần là về phong cảnh và hoa. Tôi nghĩ cuộc sống của chúng ta, thiên nhiên, màu xanh của môi trường, những bông hoa luôn luôn cần thiết. Tôi cũng nghĩ đến vẽ tranh chân dung, nhưng hiện mới chỉ vẽ chính mình và con gái thôi.
Nhớ mãi lần đầu tiên mặc áo dài
- Tham gia Lễ hội Áo dài lần này có phải lần đầu tiên bà bước lên sân khấu trong vai trò người mẫu?
- Nhiều khi tôi cứ khoe với bạn cho vui là mình đi diễn thời trang, nhưng thực sự tôi không phải diễn gì đâu (cười). Tôi đi lên sân khấu với tà áo dài đó và sẽ có một câu chuyện giữa bà và cháu.
Thông qua chương trình, tôi mong muốn đóng góp một chút gì đó tình cảm của người nghệ sĩ đối với các vấn đề xã hội mà nhà thiết kế Minh Hạnh đặt ra. Tôi nghĩ nó cần phải lan tỏa và nên có nhiều chương trình hơn nữa, không chỉ là biểu diễn thời trang mà trên các lĩnh vực khác.
- Áo dài trong ký ức của bà có ý nghĩa như thế nào?
- Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên được mặc áo dài là khi cha đưa đi mua vải may áo, nên tôi rất xúc động.
Sau này làm diễn viên, khi đi dự LHP Moscow năm 1993, tôi chuẩn bị 7 bộ áo dài mang theo. Khi bộ phim chưa chiếu, người ta không biết tài năng diễn xuất của mình như thế nào, chưa biết bộ phim ấy nói gì nhưng các phóng viên đã bao quanh hoan hô, chụp ảnh. Lúc ấy, tôi mặc áo dài và tóc cũng dài.
Với tôi, tà áo truyền thống còn gắn bó với cuộc đời nghệ thuật của mình rất nhiều. Trong phim, cũng có nhiều cảnh tôi mặc áo dài nhưng là áo dài của người nông thôn. Trong Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, ở cảnh đấu tranh trước xe bọc thép, có một đoàn phụ nữ mặc áo dài miền Trung.
Nghệ sĩ Trà Giang luôn mặc áo dài ở các sự kiện trọng đại.
- Ngày nay, có rất nhiều trang phục áo dài cách tân. Nhưng không phải bất cứ sự cách tân nào cũng được công chúng đón nhận. Là người yêu áo dài cũng như được chứng kiến sự đổi thay của nó qua từng thời kỳ, bà có suy nghĩ gì?
- Áo dài ngày nay có nhiều cách tân nhưng nhìn chung tôi thấy vẫn giữ được cái hồn của trang phục truyền thống. Như trong buổi trình diễn lần này, các mẫu đều rất đẹp, có áo dài cách tân ngắn nhưng vẫn duyên dáng, lịch sự, không bị lố.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những trang phục bị làm mới theo cách hơi lố. Đương nhiên, tôi nghĩ trang phục lố thì dần dần sẽ biến mất.
Cũng như trong ngành điện ảnh vậy, thời bỏ bao cấp đi vào kinh tế đổi mới, dòng phim mỳ ăn liền xuất hiện. Nhiều nhà làm phim không còn mặn mà với phim truyền thống mà đi vào làm phim thị trường.
Phim thị trường cũng rất cần thiết trong cuộc sống nhưng họ làm rất ẩu. Một thời gian sau, tự khắc những kiểu phim đó không còn nữa vì không được khán giả đón nhận.
Và trong lĩnh vực áo dài cũng vậy, những gì đẹp và mang được tâm hồn của người Việt sẽ tồn tại. Còn cái gì quá lố sẽ nhanh tan biến.
- Khoảng hai năm trở lại đây, các bà, các mẹ, các chị có xu hướng mặc áo dài trong ngày Tết. Gia đình nghệ sĩ Trà Giang thì sao?
- Mấy năm trước, ngày mùng 1 tết bao giờ nhà tôi cũng tập hợp cả nhà, có người mặc áo dài, có người mặc váy. Nhưng riêng năm nay, ai cũng mặc ái dài. Tôi nghĩ đó là một sự trở lại đáng mừng và mọi người biết trân trọng giá trị văn hóa truyền thống.
Bình thường, khi tham gia các sự kiện trang trọng hoặc đi dự đám cưới, tôi luôn luôn mặc áo dài. Với tôi, áo dài của mình vừa sang trọng lại rất giản dị.
Theo Zing
Những biểu tượng sắc đẹp Việt lần đầu làm người mẫu
Những nhan sắc nức tiếng một thời của màn ảnh Việt như NSND Trà Giang, NSND Như Quỳnh, NSND Ngọc Lan, NSƯT Thanh Loan... sẽ là người mẫu trình diễn tại Lễ hội Áo dài 2016.
Lễ hội Áo dài lần thứ 3 với chủ đề Áo dài của chúng ta diễn ra từ ngày 1/3 đến 4/3 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Bên cạnh những người mẫu chuyên nghiệp, đêm trình diễn có sự xuất hiện của những mỹ nhân màn ảnh Việt một thời. Một trong số họ là NSND Trà Giang - người ghi dấu ấn qua nhiều bộ phim cách mạng như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Tư Hậu, Làng nổi...
Nhắc đến giai nhân dòng phim cách mạng, không thể không nhắc đến NSND Như Quỳnh. Nhân vật cô Nết trong Đến hẹn lại lên (1974) chính là vai diễn giúp bà tỏa sáng. Với vẻ đẹp nền nã, thuần khiết, Như Quỳnh sẽ mang đến hình ảnh ấn tượng khi khoác lên người tà áo dài truyền thống.
Cũng góp mặt trong Lễ hội Áo dài 2016 là NSƯT Thanh Loan - nổi tiếng với vai ni cô Huyền Trang trong phim Biệt động Sài Gòn. Đến nay, ở tuổi ngoài 60, bà vẫn giữ được nét đẹp cổ điển, dịu dàng, quý phái.
Chị Nhu của Sao tháng 8 - Thanh Tú - sẽ lần đầu sải bước trong vai trò người mẫu áo dài. Theo chia sẻ của nhà thiết kế Minh Hạnh, một thành viên của ban tổ chức, sự kiện lần này còn là món quà cho chị em phụ nữ nhân ngày Quốc tế Phụ nữ.
Khán giả còn có cơ hội được ngắm nhìn "người đàn bà đẹp" Minh Châu thướt tha trong tà áo dài. Chia sẻ với Zing.vn, NTK Minh Hạnh cho biết, những biểu tượng sắc đẹp của màn ảnh Việt một thời sẽ mang đến nhiều bất ngờ cho khán giả yêu thời trang, yêu áo dài trong đêm lễ hội sắp tới.
NSND Ngọc Lan thuộc thế hệ diễn viên đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Thời gian gần đây, bà vẫn tham gia đóng phim truyền hình, ấn tượng nhất là vai bà nội khó tính của bộ phim truyền hình Bánh đúc có xương. NSND Ngọc Lan cũng sẽ góp mặt tại Lễ hội Áo dài sắp tới. Đây cũng là lần đầu tiên bà thử sức trong vai trò người mẫu, trình diễn áo dài.
Theo Zing
Vẻ xuân sắc của các mỹ nhân Việt thập niên 90 Vẻ đẹp của những minh tinh này đã khiến bao nam giới thời đó rung động, không kém gì giới trẻ ngày nay với các nữ diễn viên Hàn Quốc như Kim Tae Hee. NSƯT Chiều Xuân: Sinh năm 1967, ở NSƯT Chiều Xuân toát lên vẻ đẹp vừa dịu dàng, đằm thắm nhưng cũng rất nỏng bỏng và cá tính. Ở độ...