NSND Ngọc Giàu muốn hát “đến khi nào kiệt sức thì thôi”
Dù đã 70 tuổi nhưng mỗi khi được bước lên sân khấu, bà vẫn rất thích và muốn hát đến khi nào kiệt sức thì thôi.
Sau vài ngày công chiếu, bộ phim Sài Gòn, anh yêu em đã nhận được khá nhiều phản hồi tích cực từ người xem. Ngoài những câu chuyện cảm động xoay quanh dàn diễn viên chính Huy Khánh, Maya,… thì cặp đôi nghệ sĩ già – ông Sáu Lương và bà Ba do NSND Ngọc Giàu và NSƯT Thanh Nam đã lấy đi nhiều nước mắt của người xem. Dù không phải tuyến nhân vật chính được quảng bá rầm rộ nhưng đây lại là hai vai diễn tạo được nhiều cảm xúc nhất phim.
NSND Ngọc Giàu và NSƯT Thanh Nam gây xúc động trong phim Sài Gòn, anh yêu em.
NSND Ngọc Giàu tâm sự, đã lâu rồi bà không còn đi hát cải lương. Đôi khi, bà nhớ nghề đến mức nằm mơ thấy mình đi hát, tập tuồng, mỗi khi chạy lên sân khấu là cúp điện. Vì vậy, khi nhận được kịch bản Sài Gòn, anh yêu em, Ngọc Giàu đã rất thích vì nội dung đánh trúng tâm lý và rất gần gũi với người nghệ sĩ già.
“Khi kéo mở màn ra, thấy đèn sân khấu sáng lên, còn mình thì làm chút son phấn, mặt mình đẹp, lại được mặc đồ tuồng để hát nên cảm thấy thích lắm. Dù bây giờ tôi đã lớn tuổi rồi nhưng tôi vẫn còn mê như vậy, cảm giác thật sự thích lắm” – nữ nghệ sĩ gạo cội kể lại.
Bà thổ lộ: “Cải lương như con tằm rút hết tơ, tôi cũng vậy, dù già nhưng vẫn sẽ đứng trên sân khấu, hát đến khi nào kiệt sức thì thôi”.
Maya và diễn viên Huỳnh Lập chụp chung cùng hai nghệ sĩ gạo cội.
Dù đã lớn tuổi, Ngọc Giàu vẫn thích được mặc đồ tuồng và lên sân khấu hát cải lương.
Theo tiết lộ của ekip, để có được những khung hình đẹp, chân thật về cuộc sống của hai người nghệ sĩ già, yêu nghề, cả đoàn đã phải làm việc ngày đêm, tìm bối cảnh ngôi đình với 2 màu vàng, đỏ nổi bật cùng nghề bán nhang truyền thống để khắc hoạ sự vất vả, giản dị của những nghệ sĩ tuồng, cải lương.
Video đang HOT
NSƯT Thanh Nam vào vai người nghệ sĩ nghèo làm nghề bán nhang.
Dù không được quảng bá rầm rộ, nhưng đây lại là hai nhân vật gây xúc động nhất phim.
Theo Danviet
'Ông hoàng cải lương Hồ Quảng' Vũ Linh: Từ ông hoàng đến con nghiện cờ bạc và kẻ si tình (P1)
Thập niên 90, cái tên nghệ sĩ Vũ Linh được xem là ngôi sao bảo chứng doanh thu phòng vé tại các rạp. Cuộc đời người nghệ sĩ ấy cũng lắm thăng trầm và đau khổ.
Hào quang phủ lấy một thời
Những năm của thập niên 90, khi các loại hình giải trí vẫn còn chưa phát triển mạnh, cải lương nghiễm nhiên trở thành bá chủ trong đời sống tinh thần của Sài Gòn và các tỉnh miền Tây sông nước. Bên cạnh các bài tân cổ, các tuồng tích của cải lương Hồ Quảng rất được yêu chuộng. Từ đây, những tên tuổi của các ngôi sao sân khấu cũng nổi đình đám và được trọng vọng không thua kém bất kì ngôi sao ca nhạc nào như: Minh Vương, Lệ Thủy, Kim Tử Long, Ngọc Huyền, Tài Linh, Thanh Thanh Tâm... Và cái tên Vũ Linh như một ngôi sao sáng chói giữa bầu trời nghệ thuật cải lương. Khán giả và báo chí khi đó ưu ái dành cho ông một cái tên thật kêu "Ông hoàng cải lương Hồ Quảng". Những bầu đoàn khi đó vẫn truyền tai nhau rằng, "sân khấu nào có Vũ Linh thì sống khỏe". Một thời, cái tên của Vũ Linh chỉ cần xuất hiện trên băng rôn thì những đêm diễn dù chỉ một trích đoạn trong vở cải lương cũ ở một đoàn tỉnh lẻ, hay một chương trình đại nhạc hội xa tít vùng ven vẫn thu hút hàng ngàn khán giả. Vũ Linh được xem là thần tài của các sàn diễn cải lương. Để mời được ông, có đoàn hát còn chấp nhận cho Vũ Linh hưởng một nửa doanh thu đêm diễn để sàn diễn được sáng đèn và nhân viên trong đoàn còn có lương.
Nghệ sĩ Vũ Linh
Vũ Linh tên thật là Võ Văn Ngoan, sinh thật vào ngày 10/12/1958 tại Chợ Lớn. Gia đình nghèo. Năm 13 tuổi, ông được ba mẹ cho đi học ca cổ với thầy Tâm Vỹ. Năm 1972, ông rời gia đình theo đoàn hát Đồng Âu - Hoa thế hệ để đi lưu diễn ở các tỉnh. Sau đó, ông về hát cho gánh Hoa Anh Đào - Kim Chưởng. Nơi đây, ông gặp được nghệ sĩ Diệu Hiền và nghệ sĩ Trương Ánh Loan đã tương mến ông như con em trong nhà và chỉ dạy tận tình trong nghề hát. Vũ Linh sở hữu một giọng ca trầm ấm ngọt ngào tình tứ. Mỗi đêm diễn của ông, khán giả ngồi kín mít chỉ để nghe được giọng hát đầy cảm xúc. Ông còn được mệnh danh là "thầy tuồng" vì đã khiến những vở tuồng hay bị cấm diễn được công khai trình diễn trở lại.
Nghệ sĩ Vũ Linh được xem là một viên ngọc tỏa sáng nhất trong tất cả các nghệ sĩ đoạt giải Trần Hữu Trang. Dự thi giải với vở "Giũ áo bụi đời", là một trong những vở gây ấn tượng nhất với khán giả cho đến tận bây giờ. Và đây cũng được xem là một thành công lớn của Vũ Linh và nữ nghệ sĩ - cô đào đẹp nhất của Vũ Linh: NSƯT Thanh Thanh Tâm. Trong số 6 nghệ sĩ nhận giải Trần Hữu Trang năm 1991 chỉ có một mình Vũ Linh là nam nghệ sĩ, còn lại đều là nữ. Những nữ nghệ sĩ sau này được hát cặp với Vũ Linh đều đạt được nhiều thành công, để lại ấn tượng tốt trong lòng khán giả.
Năm 1995, cái tên Vũ Linh lại tạo nên cơn sốt cho khán giả một lần nữa qua vai diễn Nguyễn Địa Lô trong vở Bức Ngôn Đồ Đại Việt. Khán giả đã quen thuộc với hình ảnh một Vũ Linh điển trai trong những vai kép đẹp, kép mùi chứ chưa từng nhìn thấy Vũ Linh trong vai lão. Khi xuất hiện trong vai lão bên cạnh hai người em của mình là Tiểu Linh và Hồng Nhung, nhìn Vũ Linh nổi bật hơn tất thảy. Giọng ca trầm khàn đặc trưng vai lão, vũ đạo chắn chắn và biểu cảm nội tâm nhân vật xuất thần, lại có màn đi xuyến "độc nhất vô nhị ". Với một vai diễn xuất sắc như vậy nên dĩ nhiên Vũ Linh xứng đáng với giải thưởng "Diễn viên xuất sắc". Khả năng ca diễn của Vũ Linh đã đạt đến một trình độ cao.
Hiếm có nghệ sĩ nào hội tụ đủ mọi cái đẹp như nghệ sĩ Vũ Linh. Sở hữu một gương mặt đẹp trai cao ráo, cặp mắt long lanh đa tình nên Vũ Linh có số lượng khán giả hâm mộ khá cao. Vũ Linh có sức hút rất riêng, ông diễn vai nào cũng mùi cũng hay. Đa số các nghệ sĩ thường được cái này mất cái kia, ví dụ như nếu sở hữu một giọng ca hay thì sẽ bị yếu thế về vũ đạo và ngược lại. Riêng Vũ Linh là trường hợp ngoại lệ. Vũ Linh có cách ca luyến láy khá độc đáo, những lúc lên cao nghe không chói. Vũ đạo chắc khoẻ nên dù diễn Hồ quảng hay xã hội khán giả vẫn dễ dàng cảm nhận được sự nhẹ nhàng khoẻ khoắn trong từng vai diễn của nghệ sĩ Vũ Linh. Số lượng video mà Vũ Linh thu hình theo như tính toán sơ qua đã vượt mốc con số 500, đó là chưa kể đến các video tân nhạc của Vũ Linh. Có thể nói lúc cải lương còn thời hoàng kim thì Vũ Linh đã thật sự có một khoảng thời gian dài tỏa sáng, và sự tỏa sáng ấy chưa từng bị vụt tắt trong lòng khán giả. Bởi còn rất nhiều khán giả yêu mến sân khấu cải lương nói chung và nghệ sĩ Vũ Linh nói riêng.
Kể từ năm 2001 cho đến nay cải lương đang trong tình trạng mất dần khán giả vì thế hệ trẻ hiện nay chuộng những dòng nhạc trẻ, nhạc nước ngoài. Họ quên mất cái nôi của chính mình để chạy theo những thứ khác. Nhưng không vì thế mà các nghệ sĩ cải lương chán nản. Trong lúc cải lương đang dần đi xuống thì Vũ Linh đã táo bạo dựng lại nhiều vở để cứu sân khấu cải lương như: Tây Thiên Vũ Khúc, Châu Du Đại Soái, Ngũ Tử Tư Phạt Sở và gần đây nhất là vở Tần Chiêu Đế hoàn toàn thuyết phục khán giả. Dù qua bao nhiêu năm giọng ca ngọt ngào trầm ấm ấy không hề bị chùn lại mà còn tiến xa hơn rất nhiều. Vở Tây Thiên Vũ Khúc là vở mà nghệ sĩ Vũ Linh tận dụng hết lợi thế của mình là ca diễn. Vũ Linh thể hiện những độc tác xoay, xoè quạt nhìn rất nhẹ nhàng và đẹp mắt. Dù khi diễn vở tuồng ấy Vũ Linh đã U50 những vẫn rất dẻo dai, vũ đạo dứt khoát, không hề có chút ngập ngừng lúng túng nào. Khi trút bỏ xiêm y muôn màu lộng lẫy cho sân khấu, Vũ Linh trở lại là một con người bình thường như bao nhiêu người khác. Vẫn khóc cười với cuộc đời đầy sóng gió. Thương thay cho một kiếp tằm trả nợ dâu xanh.
Sự hồi tỉnh của một con bạc đỏ đen
Người ta thường nói tài đi đôi với tật quả chẳng sai. Nhưng cái tật của Vũ Linh lại xuất phát từ chính cái nơi ông sinh ra và chính những gì khán giả cho ông. NSƯT Vũ Linh tâm sự: "Tôi lớn lên trong một con hẻm mà tệ nạn xã hội đầy rẫy. Nếu không có nghề hát, chắc chắn tôi đã bị ảnh hưởng bởi hình ảnh hằng ngày đập vào mắt mình: gái điếm, cờ bạc, mua gian bán lận... Sau ngày đất nước thống nhất, những tệ nạn ở con hẻm đó đã được tẩy trừ. Tôi cũng đã xóa sạch quá khứ không tốt đẹp này. Tôi đã biết dừng lại đúng lúc để không sa vào việc say mê trò đỏ đen ảnh hưởng đến sự nghiệp. Ai cũng có thể đổ lỗi cho hoàn cảnh nhưng nói rằng vì giải sầu mà dính chuyện đỏ đen là ngụy biện".
Vào thời điểm tiền của phúc lộc đầy nhà, anh lại vướng vào cái tật khó chấp nhận: Mê tứ đổ tường. Hầu như bốn cái xấu mà người đời tránh xa thì Vũ Linh đều dính vào. Có những canh bạc anh thua trắng ba căn nhà. Có những tiệc rượu anh say bí tỉ, những cuộc tình buồn nhiều hơn vui. Vũ Linh trải lòng: "Tôi đã từng vướng vào nó, khi nhiều chuyện buồn trong đời ập tới. Mẹ tôi qua đời, người yêu đầu đời rời xa vì chê kép hát tỉnh... đã khiến tôi chôn vùi cuộc đời vào sòng bạc". Vũ Linh cho biết đến khi rời bỏ sòng bạc, số tiền ông nợ lên đến gần 1 tỉ đồng, chưa kể tiền nợ của người em - cũng vùi đời nghệ sĩ trong chiếu bạc. Ông bồi hồi: "Để có tiền trả nợ, tôi nhận quay phim video cải lương, mỗi ngày chỉ ngủ 3 giờ, còn lại thì giam mình trong phòng thu rồi ra phim trường. Tôi muốn làm lại từ đầu, rũ bỏ tất cả những ký ức đen tối. Lúc đó, tôi mới thấm câu nói của ông bà: Thắng bản thân mình thật khó".
"Ông hoàng" một thời trải lòng, chuyện ham mê cờ bạc của ông một phần cũng từ sự hâm mộ thái quá của một bộ phận khán giả yêu mến ngôi sao. "Đã từng có một đại gia tặng tôi tiền tỉ để đánh bạc giải sầu, rồi ngỏ ý cho tiền trả nợ nhưng tôi từ chối. Bởi lẽ, mang ơn khi ngặt nghèo túng khó thì dễ trả chứ xin tiền để trả nợ bài bạc biết khi nào mới ngóc đầu lên được?". Ít ai biết, ngoài cờ bạc, Vũ Linh cũng suýt dính vào ma túy, thuốc lắc nhưng ông biết dừng lại đúng lúc khi nhận ra đứa con gái cưng của mình bỏ nhà đi bụi, vì thấy cha "cứ bỏ nhà đi chơi. Cha đi được thì con cũng... đi". Thời điểm đó Vũ Linh như điên dại, chạy khắp nơi tìm con, mẹ anh hay tin lâm bệnh nặng và sau đó qua đời. Ngày anh tìm được con gái, đứng trước vong linh của mẹ, anh thề không bao giờ đụng đến lá bài. Máu đỏ đen suýt đốt cháy cả sản nghiệp, mà tội lỗi hơn là nó đã đẩy anh vào tội bất hiếu. May thay khi mẹ anh qua đời, bà cũng đã kịp nhìn thấy sự sửa sai của con trai. Anh tâm sự: "Khi diễn vai Sang trong vở Lá sầu riêng, một đứa con bất hiếu với mẹ - vai cô Diệu, tôi đã khóc rất nhiều vì trong vai diễn có phần đời của mình".
Những cuộc tình đầy nước mắt cũng bởi sự tự trọng của nghề
Người nghệ sĩ nào cũng có cái chất đa tình, sự đa sầu đa cảm chảy trong huyết quản. Vũ Linh cũng không ngoại lệ. Với một nghệ sĩ điển trai, tài hoa như ông thì không có gì khó hiểu khi có nhiều cô gái vây quanh. Họ thần tượng ông, cảm mến ông và yêu ông. Thế nhưng, người nghệ sĩ càng đa tình bao nhiêu lại mang đến sầu khổ cho người và cho mình bấy nhiêu.
Khi còn là một anh kép hát ở đoàn tỉnh lẻ, ông có mối tình sâu đậm với thiếu nữ xinh đẹp. Nàng là con nhà giàu có. Và lẽ dĩ nhiên, ba mẹ nàng khó thể chấp nhận nghiệp cầm ca khi xã hội vẫn còn nhiều định kiến. Gạt nước mắt nhìn người yêu đi lấy chồng chỉ vì chê cái nghề của mình, Vũ Linh say xỉn và tập tành đỏ đen.
Khi về với đoàn của nghệ sĩ Diệu Hiền, người thầy vô cùng nghiêm khắc với ông trong nghiệp ca diễn lẫn cuộc sống. Bà bắt ông phải bỏ cả hai thói xấu, nếu gặp đâu mà thấy ông cầm ly rượu, con bài là cầm roi đánh cho buông thì thôi. Nhờ vậy, ông quay lại với nghề một cách đàng hoàng. Trong những chuyến lưu diễn. Vũ Linh lại nhiều lần nếm trải vị ngọt tình yêu. Theo lời nghệ sĩ Diệu Hiền kể lại:"Thằng Linh đào hoa lắm. Nó đi tới đâu con gái bu theo nó tới đó. Lúc tôi phải đi xa đoàn có việc, về thì mới hay nó ăn ở với một con nhỏ ở gần nơi mà đoàn đóng đô diễn. Má của cô gái đó dẫn theo con với cái bụng bầu đến bắt đền tôi. Tôi mới phải điều đình là hai đứa còn nhỏ, cứ để cho con nhỏ sinh song rồi lớn chút xíu, tôi sẽ dẫn hai đưa về thưa chuyện với mẹ thằng Linh. Vậy là cả hai đều chịu. Con nhỏ sinh con trai, giống thằng Linh y tạc. Thằng Linh thương và cưng dữ lắm. Nhưng thằng nhỏ được hai hay ba tuổi gì đó thì bị giật kinh phong rồi qua đời. Thằng Linh khóc hết nước mắt vì con".
Đau lòng vì sự ra đi của con trai, Vũ Linh tiếp tục dấn thân vào rượu một thời gian, nhưng được sự động viên của nghệ sĩ Diệu Hiền, ông mới bình tâm, lại tiếp tục trở lại với sân khấu. Trên sàn diễn, Vũ Linh tiếp xúc với rất nhiều bạn diễn nữ xinh đẹp, tài hoa. Trong số đó có nghệ sĩ ưu tú Thanh Thanh Tâm. Nghệ sĩ Diệu Hiền kể: "Có đợt thằng Linh dẫn con Tâm về nói với tôi là em cưới vợ nha. Tôi mới hỏi nó, em quen con người ta mấy tháng mà đòi cưới. Nó nói là một hay hai tháng gì đó. Tôi cười nói với nó, chị thấy chưa ổn đâu. Đợi thêm 6 tháng nữa đi, lúc đó em còn muốn cưới thì chị nói với má cưới cho. Thằng Linh giẫy nảy giận dỗi tôi, người ta muốn cưới vợ mà cũng không cho".
Nói là nói vậy nhưng người thầy, người chị của Vũ Linh cũng sắm sửa những thứ cần thiết đợi ngày ông dẫn Thanh Thanh Tâm quay lại xác nhận lần nữa về hôn lễ. Nhưng, một thời gian sau, bà không thấy người em của mình nói gì. Khi bà hỏi thì mới biết cuộc tình đã gẫy gánh giữa đàng. Nguyễn nhân cũng vì lòng tự trọng nghề, tự trọng với đời của Vũ Linh cao ngất ngưởng. Thời đó, Thanh Thanh Tâm cũng là cô đào tài danh được nhiều người yếu quý, thầm thương trộm nhớ. Có người còn đòi tặng xe máy cho cô. Vũ Linh bèn nói rằng: "Mình có nghề, nghề nuôi mình đầy đủ đâu cần phải nhận những món quà như thế của người ta. Của cho là của nợ". Thanh Thanh Tâm vẫn nhận quà và cũng đặt dấu chấm hết cho chuyện tình này.
Từ sau đó, Vũ Linh ngụp lặn trong vô số chuyện tình nữa nhưng chỉ toàn đạu thương và nước mắt. Đến giờ, khi ngồi nhớ lại, ông vẫn cảm thấy hơi nhói bởi niềm đau của những cuộc tình không trọn vẹn.
(Còn nữa)
Theo giadinhvietnam.com
Kiều Oanh nhí nhảnh hết cỡ bên nghệ sĩ Ngọc Giàu Hai nghệ sĩ hài vui vẻ đùa giỡn trong buổi họp báo công bố chương trình hài tại TP HCM. Kiều Oanh mặc thanh lịch đi sự kiện chiều 23/5. Nghệ sĩ hài hào hứng khi được mời ngồi ghế nóng chương trình 'Cười xuyên Việt 2016'. Ngoài đi diễn, Kiều Oanh đang chuẩn bị cho ra mắt sân khấu riêng tại TP...